Suy niệm 1:
THẦY LÀ AI ?
“Còn con, con nghĩ Thầy là ai?”
Câu hỏi đó giờ đây không đặt cho riêng ai, nhưng là đặt ra cho chính chúng ta. “Đức Giêsu là ai trong cuộc đời tôi?”. Ngài là Đấng đem lại cho tôi sự sống, cho tôi tình yêu, thắp lên cho tôi sự hy vọng là Đấng tôi luôn tìm kiếm, hay Ngài chỉ là một đấng vô hình ẩn sâu trong bức tường hào quang của cuộc sống tôi?
Thầy là ai? Một câu hỏi thoạt nghe qua có vẻ đơn thuần. Một câu hỏi dường như sẽ có câu trả lời từ những bài học giáo lý từ tấm bé hay những kiến thức góp nhặt đó đây về Thiên Chúa. Nhưng nếu đi sâu vào thực tế cuộc sống của mỗi người thì đây quả là một câu hỏi không dễ dàng chút nào. Vì Thiên Chúa không xuất hiện hữu hình cho chúng ta nhìn thấy để mà miêu tả. Thiên Chúa cũng không trực tiếp bày tỏ tình thương của Ngài đối với chúng ta như những người thân xung quanh để chúng ta có thể cảm nhận bằng giác quan. Thiên Chúa cũng không là một môn học, một bài toán, một định nghĩa để chúng ta có thể trình bày hay dùng lý trí mà giải thích. Theo Thánh Gioan Tông đồ, Thiên Chúa đơn giản đó là Tình Yêu. Mà tình yêu đích thực chỉ có thể cảm nhận bằng con tim chân thành thay vì dùng tư duy mà suy luận. Người xưa có câu : vô tri bất mộ. Chúng ta không thể yêu mến Đấng mà chúng ta không biết. Vì thế những giáo lý về Thiên Chúa chỉ là con đường từng bước dẫn chúng ta đến việc yêu mến Thiên Chúa một các trọn hảo. Phần quan trọng còn lại là ở chính trái tim chúng ta có nhạy bén trước tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta hay không?
Tuy nhiên bên cạnh đó, không thể phủ nhận được rằng cuộc sống văn minh cũng làm cho con người nhận thức được sự vĩ đại, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chính nhà sáng lập vật lý lý thuyết cổ điển Isaac Newton cũng đã thốt lên: “Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt và hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri”. Họ là ai? Là những vĩ nhân, họ nhận thức được sự nhỏ bé của mình mà nhìn nhận Thiên Chúa. Mang danh Kitô hữu chúng ta có nhìn nhận được Thiên Chúa chưa? Người khác nhìn vào có thấy được hình ảnh Đức Kitô trong cuộc đời ta không? Hay môi trường sống vô cảm, vô tâm, cạnh tranh làm chúng ta quên mất Đức Kitô là ai và bản thân mình là ai? Có nhiều người ngoại giáo đã thốt lên: “Tôi tin Đạo nhưng không tin người có Đạo”, cuộc sống của chúng ta đã thật sự thất bại, là con người mà người khác không nhận ra là con người thì cuộc sống này không còn ý nghĩa. Chúng ta mang danh Kitô hữu nhưng chúng ta sống khác hoàn toàn Đức Kitô, một Thiên Chúa tình yêu, thì chúng ta không phải con cái Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đang thức tỉnh chúng ta, hãy nhìn nhận lại thân phận chính mình. Hãy để cho người khác thấy Đức Kitô là ai đi ngang qua đời sống của tôi, để tinh thần và giới răn Chúa thấm sâu vào cuộc sống này, chính hành động yêu thương, trao dâng và tha thứ là câu trả lời thiết thực nhất về Đức Kitô là ai đối với tôi. Hãy sống đúng là một người con Chúa “Hoặc tôi là môn đệ của Chúa Giêsu, hoặc tôi không là gì cả”.
Violet
Suy niệm 2:
THIÊN CHÚA – NGÀI LÀ AI?
Trong đời sống xã hội với những mối tương quan, người ta thường đặt cho bản thân hay cho người đối diện của mình một câu hỏi: chúng ta là gì của nhau? Không bàn đến những mối quan hệ phức tạp không gọi thành tên, đơn thuần chỉ cần những thành viên sống chung với nhau trong một gia đình đã phải xác định rõ ràng những liên hệ để biết cách xưng hô, vai vế và qua đó biết cách bày tỏ, thể hiện tình cảm, thái độ của mình với nhau. Ví dụ trong mối tương quan ông bà cha mẹ với con cháu, vợ chồng, anh chị em với nhau, bạn bè thân thiết hay người xa lạ. Mỗi mối liên hệ sẽ tạo nên một tình cảm thái độ đặc biệt, đặc trưng nhất định mà khi nhìn vào ai cũng có thể nhận ra.
Bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay cũng đề cập đến một câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ liên quan đến một mối quan hệ, một danh xưng nhưng ở hai ngữ cảnh khác nhau: “Người ta bảo Con Người là ai? Và “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Trong bối cảnh khi danh tiếng Đức Giêsu đã được nhiều người biết đến, các môn đệ cũng được chứng kiến biết bao phép lạ mà Ngài đã làm và thời gian các ông đi theo Đức Giêsu cũng đủ lâu, đột nhiên ngày hôm nay, Đức Giêsu đưa ra một câu hỏi như một bài kiểm tra về cách nhìn nhận của dân chúng và của các tông đồ về Ngài.
Với câu hỏi đầu tiên, các tông đồ nhanh nhảu thay nhau trả lời về những nhận định của dân chúng về Thầy của mình. Có thể nói đây là câu hỏi khá dễ vì chỉ cần các tông đồ nghe ngóng đó đây và lặp lại cho Đức Kitô là được. Nhưng điều Đức Giêsu thật sự quan tâm lại nằm ở câu thứ hai: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Với câu hỏi này, Đức Giêsu hoàn toàn tách biệt các tông đồ ra khỏi đám đông. Ngài không muốn các ông bị ảnh hưởng bởi luồng dư luận, những xôn xao của thế sự bon chen, Ngài muốn các ông quay về thực tế của lòng mình và tự đặt lại cho bản thân câu hỏi: Đấng tôi đã bỏ mọi sự mà đi theo là ai? Đến câu hỏi này, không còn không khí “nhốn nháo” của những dư luận bàn tán, không còn tranh cãi của những ý kiến trái chiều nhưng là sự thinh lặng của nội tâm và sự cảm nhận của con tim để đưa ra câu trả lời không hẳn cho Đức Giêsu mà là cho chính bản thân của các tông đồ.
Qua câu hỏi mà Đức Giêsu dành cho các tông đồ có chăng cũng chính là câu hỏi mà mỗi ngày Ngài vẫn hỏi chúng ta là những người Kitô hữu: “Phần con, con bảo Ta là ai?”
Xin trở lại quan điểm được nêu lên ở phần đầu bài. Khi đi vào một mối tương quan với một người nào đó chúng ta thường xác định rõ ràng mối liên hệ để biết cách ứng xử, cách giao tiếp để đạt được kết quả tốt đẹp nhất. Vậy khi chúng ta bước vào mối tương quan với Thiên Chúa, có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: “Thiên Chúa, Ngài là ai đối với tôi?”
- Là một Đấng để tôi nêu lên những nhu cầu rồi đợi chờ sự đáp ứng?
- Là nơi để tôi bày tỏ những nỗi niềm khi cuộc đời gặp những gian nan thử thách?
- Là Đấng tôi trông cậy khi trong lòng cảm thấy chênh vênh?
- Là câu trả lời cho mọi câu hỏi mà tôi chưa tìm được đáp án?
Và….và… còn rất nhiều định nghĩa khác cho Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người. Nhưng hơn hết dù ở trong bất cứ câu trả lời nào thì điều quan trọng là tôi thật lòng với Thiên Chúa và với chính tôi. Vì đời sống đức tin là đường đi một mình, dù có được mối tương quan hỗ trợ của cộng đoàn nhưng chính bản thân tôi mới là người trả lời cho mọi câu hỏi mà Thiên Chúa đặt cho tôi. Thiết nghĩ, để đi đến cùng và đạt được kết quả tốt đẹp trong mối tương quan với Thiên Chúa, tôi cần ghi nhớ và trả lời cho thoải đáng câu hỏi mà Thiên Chúa hỏi tôi hôm nay và mỗi ngày trong cuộc đời tôi là: “Phần con, con bảo Ta là ai?”
Bảo Bảo
Suy niệm 3:
TÌNH YÊU, LỜI ĐÁP TRẢ
Còn các con, các con gọi Thầy là ai? Lời chất vấn của Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ của Ngài được trình bày trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng đang là lời chất vấn cho mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Vẫn câu hỏi đó cho chúng ta, nhưng Chúa còn hỏi mỗi người chúng ta đã nói về Chúa trước mặt người khác như thế nào. Câu trả lời mà Chúa đòi hỏi chúng ta không những bằng lời nói mà còn đòi hỏi chúng ta một câu trả lời bằng chính cuộc sống của chúng ta.
Cuộc sống cũng như tâm hồn chúng ta rất khác nhau. Con người có những khát vọng, ưu tư, toan tính về cuộc sống thường ngày, về thể xác, vật chất trước mắt. Như vậy thì Thiên Chúa có lẽ sẽ không có ích gì cho những ai chỉ tìm kiếm những điều này. Dẫu biết rằng những khát vọng, ưu tư này rất cần cho cuộc sống con người nhưng cũng chỉ có thời hạn và ngắn ngủi. Ngoài ra, con người còn có những ước mơ thầm kín và thâm sâu ẩn giấu nhiều khi chính họ cũng không thể ý thức được hết. Vấn đề được đặt ra là ai có thể làm thỏa mãn được những ước mơ thâm sâu và thầm kín đó? Nhìn bề ngoài thì con người ngày nay rất đầy đủ về vật chất, nhưng họ vẫn cảm thấy thiếu. Cũng có những người sống với nhau vì quyền lợi…hình như tình yêu không có chỗ cho họ…những khoảng trống này và rất nhiều khoảng trống nữa ai sẽ lấp đầy? Những khoảng trống ấy thật mênh mông và không ai ngoài Chúa có thể lấp đầy. Con người ngày nay đang rất cần Chúa. Chỉ có Chúa là Chân Lý bất biến và vô tận. Cũng chỉ có Ngài là Sự Sống tràn đầy vô tận. Khi chúng ta càng theo đuổi hạnh phúc trần gian bao nhiêu thì đời sống nội tâm của chúng ta càng bị đe dọa bấy nhiêu. Thời nay có nhiều thôi thúc xô đẩy con người tìm hạnh phúc trong việc thỏa mãn lạc thú vật chất. Ai yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn sẽ nhận thấy Lời Chúa là phương thế để vươn cao tới Chân Thiện Mỹ. Chúng ta chỉ có bình an nội tâm khi biết nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa tể mọi hành động của mình.
Là những Kitô hữu, chúng ta mang Chúa Kitô trong mình. Vì thế chúng ta phải tỏ ra cho người khác thấy được hình ảnh Chúa Kitô hiện diện trong chúng ta. Khi chúng ta thể hiện được hình ảnh Chúa Kitô trong chúng ta tức là chúng ta đang tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.
Sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô, Chúa đã đặt Phêrô làm đá tảng của Giáo hội. Chúa muốn Phêrô trở thành một viên đá sống động, một chỗ dựa cho các tông đồ và cho toàn thể Giáo Hội, phải là một tảng đá có một đức tin vững chắc đến nỗi không có gì lay chuyển nổi mới có thể bảo vệ và gìn giữ Giáo hội. Hôm nay, Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy trở nên những viên đá sống động để xây dựng Giáo hội. Tuy nhiên, mỗi người một khả năng, mỗi người một hoàn cảnh. Chúa mời gọi chúng ta hãy biết tự xây dựng đời mình bằng những vật liệu mà chúng ta đang có để trở thành những viên đá hữu ích cho tha nhân.
Lạy Chúa, là gia nghiệp đời con xin cho chúng con biết chọn Chúa là cùng đích, là tất cả của đời sống chúng con, xin cho lời tuyên xưng của Thánh Phêrô xưa cũng là lời tuyên xưng của chúng con mỗi ngày, xin cho chúng con biết tận dụng những khả năng, hoàn cảnh Chúa ban để giúp xoa dịu nỗi đau cho những người xung quanh, để trở nên điểm tựa cho anh chị em chúng con. Amen.
Fiat