Suy niệm 1:
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Giáo Hội luôn tuyên xưng mầu nhiệm ấy. Khi làm dấu Thánh giá, khi đọc kinh Sáng Danh chính lúc đó chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Khi nói đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, người ta thường nhắc về một giai thoại của thánh Augustinô khi ngài cố gắng giải thích mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chuyện kể rằng: Khi thánh nhân đi dọc theo một bờ biển để suy nghĩ và tìm hiểu về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, thì ngài gặp một em bé đang lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang trên bờ biển. Thánh nhân hỏi em bé rằng: “Em làm gì thế?” Em bé thản nhiên trả lời rằng: “Em đang múc hết nước biển đổ vào trong cái hang này!” Ngài cười nhạo và nói với em bé rằng: “Em không bị tâm thần chứ? Làm sao em có thể dùng cái vỏ sò này để múc được hết nước biển chứ?” Em bé trả lời: “có lẽ chuyện tôi làm sẽ dễ dàng hơn chuyện ông đang cố hiểu về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi”. Lúc đó thánh nhân mới chợt tỉnh ngộ.
Thật vậy, khi nói đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, người ta không thể nào thấu đạt bằng trí tuệ, ngôn ngữ hay dùng một hình ảnh nào để diễn tả cách chính xác và đầy đủ được. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua ba khía cạnh của Mầu Nhiệm Tình Yêu đó là: hiệp nhất, dâng hiến và chia sẻ. Vậy chúng ta cùng chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu này.
- Tình yêu hiệp nhất
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), tình yêu được hiểu ở đây là một sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị, bản chất của Thiên Chúa, sự hiện hữu của Ngài chính là để yêu mến chúng ta. Chính Ngài là hiện thân của tình yêu.
Quả thật, tình yêu không phải là một cái gì trừu tượng nhưng lại là một thực tại được diễn tả qua đối tượng yêu và được yêu; tình yêu đó tạo nên sự hiệp nhất với nhau. Vì vậy, tình yêu đó được biểu hiện rõ nét trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi trở nên một.
Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa bao trùm và chiếu sáng trên tất cả hành trình của con người. Quả thật, hoạt động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện từ thời tạo dựng vũ trụ. Chúng ta luôn nhìn thấy dấu ấn của sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa không phải là một hữu thể cô độc, mà là một “Gia đình” gồm ba nhân vị. Ba Ngôi yêu thương và hiệp thông với nhau đến mức trở nên “Một” với nhau. Vì chúng ta được tạo dựng bởi sự hiệp thông và cho sự hiệp thông. Cho nên, mỗi người cần vượt qua sự khác biệt nhau, sẵn sàng bỏ qua tính ganh tị, loại trừ, chia rẽ khi sống được như thế thì mỗi chúng ta trở thành một chứng nhân của mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.
- Tình yêu dâng hiến
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của “tình yêu”. Tình yêu ấy không giữ lại cho chính mình, mà đổ tràn xuống trên con người. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến mức ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Ngài, sẽ không phải chết, nhưng có được sự sống đời đời” (Ga 3,16). Vì yêu thương Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để thế gian được sống.
Thiên Chúa Ba Ngôi không có gì khác hơn chính là “mầu nhiệm tình yêu”, tràn đầy từ trời đổ xuống cho thế gian, vượt qua tất cả mọi rào cản, mọi ranh giới. Tình yêu ấy như là một nguồn năng lượng luôn tuôn tràn đối với những người biết mở lòng ra đón nhận.
Quả vậy, tình yêu không giữ lại cho mình, nhưng phải biết chia sẻ, cho đi, là mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc. Thiên Chúa cũng mong muốn con người được hạnh phúc nghĩa là được cứu độ, vì thế Đức Giêsu được sai xuống trần gian để “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 3,16a; 10,11). Thiên Chúa muốn đưa con người hiệp nhất với Ngài.
Muốn được như thế, mỗi người phải biết mở lòng ra để đón nhận tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, để từ đó chúng ta biết cộng tác với nhau, biết chia sẻ, biết hy sinh tiền bạc, thời gian và sức khỏe cho nhau. Như thế, chúng ta đã cùng nhau xây dựng một cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn phục vụ và họa lại hình ảnh sống động của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống.
- Tình yêu chia sẻ
Sự chia sẻ không làm cho tình yêu trở nên nghèo nàn, mà mà còn làm cho phong phú hơn. Quả thật, tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, mong hạnh phúc cho người mình yêu: “…để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ hôm nay. Được sống muôn đời là được đưa vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất. Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt không phải vì Thiên Chúa độc ác, nhưng vì Người tôn trọng sự tự do con người. Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.
Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ với nhau. Cha trao ban tất cả cho Con, Con dâng hiến tất cả cho Cha, Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con. Một tình yêu tràn ngập cả vũ trụ: Thiên Chúa là tình yêu sáng tạo khi Người dựng nên con người giống hình ảnh Người; Người là tình yêu cứu độ khi Người muốn tha thứ cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô; Người là tình yêu thánh hoá khi Người ban cho chúng ta sức sống mới trong Thánh Thần.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Thiên Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chính vì vậy, mỗi người phải trở nên chứng nhân cho tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Bằng cách chúng ta phải loại bỏ cái tôi ích kỉ, tự ái cá nhân, để từ đó chúng ta có thể trao ban tình yêu đã lãnh nhận từ Thiên Chúa đến với mọi người xung quanh, đặc biệt là những người nghèo, những người bị loại trừ ra ngoài xã hội, những việc làm cụ thể: một ánh mắt, một nụ cười thông cảm, một lời chia sẻ, hay một lời động viên.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay, mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống theo khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, chúng ta phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, chúng ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ được kết hiệp với tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta. Amen.
TYM
Suy niệm 2:
TÌNH YÊU NÊN MỘT
Một câu Kinh Thánh rất quen thuộc trong thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ mà chắc hẳn ai là người Kitô hữu cũng đã từng một lần nghe qua đó là: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Một lời khẳng định tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa trong đó là cả một Mầu Nhiệm cao sâu mà trí hiểu loài người không tày nào suy cho hết. Tuy vậy, thiết nghĩ là người Kitô hữu, ít nhiều chúng ta cũng tìm hiểu về Mầu Nhiệm tình yêu này trong hết khả năng hạn hẹp của chúng ta.
Trước hết, với cái nhìn rất bình thường của con người, khi nói đến tình yêu chắc hẳn phải nên nhắc đến đối tượng yêu và được yêu. Vì không thể nào có một tình yêu thực thụ mà tự bản thân không tìm thấy chủ thể để trao gởi tình yêu thương. Dù là một tình yêu đơn phương không được đáp trả, thì đâu đó hình bóng của “người được thương” vẫn hiện hữu trong tình cảm ấy.
Còn khi nói về Thiên Chúa với cái nhìn của luân lý và đức tin, chúng ta lại có một góc nhìn khác về tình yêu. Theo giáo lý công giáo thì Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu nghĩa là tự mình mà có không phải do ai tạo thành. Thêm vào đó Thiên Chúa lại là Tình Yêu. Nếu quả thật Ngài là Tình Yêu thì từ hai điều trên suy ra Thiên Chúa không thể “ở một mình”.
Thời Cựu Ước khi mà các tôn giáo đa thần lan tràn khắp nơi đe dọa đến niềm tin của Dân Do Thái vào một Thiên Chúa duy nhất thì qua lời tổ phụ, các tiên tri đã gieo rắc vào tâm trí của Dân Chúa qua bao thế hệ rằng: Thiên Chúa là độc tôn không có sự chia sẻ ngôi vị ở đây. Mãi cho tới thời Tân Ước, khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài mạc khải cho nhân loại một Mầu Nhiệm mới: Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: là Cha, là Con và Thánh Thần.
Khi tự xưng mình là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Giêsu khẳng định rằng Ngài là Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ muôn thuở và có Ngôi Ba Thánh Thần là nguồn tình yêu phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con và chính Thánh Thần cũng là Thiên Chúa.
Thiên Chúa không đơn độc trong việc tạo dựng vũ trụ và cứu độ nhân loại.
Sách sáng thế chương 1 có viết rằng: Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất,..thần khí Thiên Chúa bay lượn trên nước…Thiên Chúa dùng Lời của Ngài mà phán…liền có mọi sự ( St 1, 1-28). Ta thấy được có cả Ba Ngôi cùng hoạt động trong công cuộc sáng tạo trời đất và con người.
Tiếp đến, chúng ta không biết được kế hoạch cứu độ nhân loại sau khi loài người lỗi nghĩa cùng Chúa đã được hoạch định từ bao giờ, nhưng theo dòng lịch sử của Dân Do Thái cũng được gọi là lịch sử cứu độ, chúng ta thấy được rằng từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết Ngài. Rồi dần đến khi Chúa Giêsu xuất hiện, chúng ta lại được biết thêm có một Ngôi Hai Thiên Chúa làm người do vâng lời Chúa Cha và do quyền phép của Thánh Thần. Sau cùng qua lời giảng dạy của Chúa Giêsu, nhất là trong những lời sau hết của Ngài nói với các môn đệ trước khi đi vào cuộc thương khó, Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ như một bảo chứng của tình thương và quyền năng của Ngài luôn đồng hành và hoạt động với các ông trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Và Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động trong Giáo Hội và trong lòng nhân thế mãi cho đến ngày tận cùng của vũ trụ,
Vậy nên khi cùng nhau suy gẫm Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta nên hiểu rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu trong việc nên một của Ba Ngôi Thiên Chúa: Ba Ngôi không tách rời, không phân rẽ, không hơn không kém. Tình yêu làm cho Ba Ngôi nên một. Và chỉ khi nên một với nhau Thiên Chúa mới là Tình yêu.
Bảo Bảo
Suy niệm 3:
Mỗi khi làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Một mầu nhiệm khó hiểu, vượt xa sự hiểu biết của con người. Khi còn nhỏ, trong lớp học giáo lý rước lễ lần đầu, tôi được nghe kể lại câu chuyện về Thánh Augustinô như sau:
Một hôm, Augustinô đi dọc theo bờ biển, ngài muốn khám phá những bí ẩn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Cậu ấy dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ, rồi dùng vỏ sò ấy múc nước biển đổ vào đó. Cậu bé cố gắng đổ nước vào cái lỗ mà chẳng bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ trên, Augustinô đến hỏi đứa bé: – Cháu đang làm gì vậy? Đứa bé trả lời không chút do dự: – Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước biển đại dương. Augustino lắc đầu bảo nó: – Cháu không thể làm được chuyện đó đâu. Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói: – Cháu múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn ông đang cố gắng để hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Augustinô chợt hiểu được một chân lý rằng: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”.
Khi gẫm suy về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải để tôi và bạn thỏa mãn lý trí, nhưng để chúng ta tìm ra ánh sáng cho đời sống đức tin của mình. Ánh sáng đó thấm đượm trong chương trình tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha, được thực hiện bởi Chúa Con và làm cho phong phú trong Chúa Thánh Thần. Và chúng ta sẽ đón nhận được tình yêu ấy khi biết phó dâng đời mình cùng kết hiệp mật thiết với Chúa trong việc giữ đạo và sống đạo. Thật vậy, khi quan sát bức tranh về Chúa Ba Ngôi, nghệ nhân vẽ Chúa Cha giống như một ông già với bộ râu bạc phơ, bên hữu là Chúa Giêsu, và ở giữa là hình chim bồ câu, cách nào đó, người vẽ không chỉ diễn tả sự hiện diện mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng còn nói lên sự hoạt động thống nhất trong mọi biến cố của vũ trụ cũng như đời sống của nhân loại. Hình ảnh trên có thể giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tuy vậy, chúng ta vẫn cảm thấy khó hiểu từ ngữ thần học về tín điều: Một Chúa có Ba Ngôi. Ba Ngôi mà chỉ có Một Chúa. Quả thật, Kinh Thánh không nõi rõ tường tận về mầu nhiệm này, bởi vì tác giả Thánh Kinh chỉ muốn dùng ngôn ngữ con người để diễn tả kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, hơn là nhằm giải thích đạo lý đức tin. Nhưng ngang qua các bản văn Kinh Thánh, chúng ta biết được ít nhiều về mầu nhiệm trên mà tác giả Kinh Thánh đã ghi lại: trong Cựu Ước, sách Sáng Thế trình bày, thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước và Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ bằng ‘Lời” của Người (St 1,1-31); người Do Thái nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất” (Đnl.6, 4). Ngài là Người Cha và là Chúa của dân tộc Israel (Tv 67,6; Is 63, 16). Trong Tân Ước, biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan và biến hình trên núi Ta-bo giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên CHúa (….). Hay trong hành trình rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su cũng mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Cha và Thánh Thần Tình Yêu của Ngài (….)
Trong đời sống đức tin, việc làm dấu và vẽ hình thánh giá là chúng ta đang tuyên xưng và nhân danh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Quả thật, qua biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa chịu chết trên cây thập giá, mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của Tình Yêu được tỏ hiện một cách trọn vẹn và cụ thể nhất. Mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta được mời gọi xóa đi dấu ấn của hận thù, ghen ghét, ích kỷ và chia rẽ, thay vào đó là phủ trên đời mình dấu ấn của tình yêu, khoan dung, tha thứ và kiến tạo sự hiệp nhất trong bình an. Thật vậy, dấu thánh giá là nguồn sức mạnh để yêu thương; là căn nguyên để được biến đổi và chữa lành; là kim chỉ nam giúp chúng ta tìm về bến bờ an vui trong Ba Ngôi Thiên Chúa Tình Yêu.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin đổ tràn Tình Yêu của Người xuống trong tâm hồn chúng con, để nhờ nguồn thánh ân dìu dắt, chúng con trung thành và hăng hái lên đường loan báo Tin Mừng của Chúa, cùng tận tâm làm tất cả để làm vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
M.Nhị Thơ
Suy niệm 4:
SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI
Hôm nay Phụng Vụ Giáo Hội mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, đây là Mầu Nhiệm trung tâm của Đức Tin Kitô Giáo và cũng là một Mầu Nhiệm cao cả, thâm sâu. Tín điều về Chúa Ba Ngôi này vẫn còn là một mầu nhiệm vượt xa trí thông minh và lý luận của con người. Ngôn từ nghèo nàn của chúng ta rất hạn chế để nói về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi này. Có lẽ khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi, cả vị chủ tế lẫn các tín hữu đều cảm thấy lễ này khô khan nhất trong năm phụng vụ, bởi vì chúng ta đụng phải một mầu nhiệm mà chúng ta chẳng thể nào hiểu cho tường tận.
Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:
“Đố ai biết lúa mấy cây,
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”.
Nhưng điều quan trọng nhất là sự mặc khải về một Thiên Chúa vô cùng yêu thương nhân loại. Chúa Giêsu nói với chúng ta về Chúa Cha, Người dạy chúng ta cầu nguyện với Người và lao vào vòng tay Người như đứa con hoang đàng. Sau đó, Ngài gửi cho chúng ta Thánh Thần của Ngài để biến chúng ta thành sứ giả của Tin mừng.
Có câu chuyện tưởng tượng như sau:
Abraham từ ngày được Chúa chọn thì ngày càng sống thân tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế, ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt Vua Ramos. Nhà Vua hỏi Abraham:
- Tại sao nhà ngươi không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?
- Tâu hoàng thượng!- Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rụi các thần tượng ấy.
- Như vậy thì hãy tôn thờ lửa, nhà Vua nói.
- Abraham thưa lại: Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì hơn vì nước dập tắt được lửa.
- Thế thì hãy tôn thờ nước.
- Tâu hoàng thượng, không, hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn vì nước từ mây mà ra
- Vậy thì hãy tôn thờ mây đi.
- Tâu hoàng thượng, không vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.
- Vậy thì hãy tôn thờ gió.
- Nghe thế, Abraham trả lời Vua Ramos: Nếu gió là Thiên Chúa…thì hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở. Nhà Vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà Vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:
- Vậy thì hãy tôn thờ con người. Abraham trả lời:
- Tâu hoàng thượng, không, vì con người phải chết. Nhà Vua giận dữ quát lên:
- Vậy hãy tôn thờ sự chết đi. Abraham dõng dạc trả lời:
- “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.
Vâng! Lạy Chúa, chúng con cũng vậy, chúng con là những thụ tạo được Chúa yêu thương dựng nên, là những người con được Chúa cứu chuộc. Xin Chúa ban thêm đức tin và lòng can đảm để chúng con dám cho Chúa uốn nắn, thánh hóa chúng con. Và xin cho chúng con mỗi khi làm dấu thánh giá luôn nhớ rằng: chúng con là con cái của Chúa và mọi người anh em với nhau để chúng con biết sống yêu thương và tôn trọng nhau. Nhờ đó, chúng con được xứng đáng là con cái Chúa ở đời này và đời sau. Amen.
Fiat