Nhân ngày Thế Giới lần thứ 60 cầu nguyện cho ơn gọi

Năm này qua năm khác, con số linh mục và tu sĩ, nhất là tại Âu Mỹ và châu Đại dương châu tiếp tục giảm sút, tuy rằng con số tín hữu Công Giáo tiếp tục gia tăng trong Giáo Hội. Hiện tượng này không thể không gây quan tâm, nhất là vào dịp Ngày thế giới cầu cho ơn gọi được cử hành hằng năm vào Chúa Nhật thứ 4 sau Phục Sinh, cũng gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.

Vài con số thống kê

Báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, của Tòa Thánh, số ra ngày 3/3 năm nay (2023), đã dựa vào Niên Giám 2023 của Tòa Thánh và Niên Giám Thống kê của Giáo Hội Công Giáo do Nhà Xuất Bản Vatican ấn hành, trình bày tình trạng Giáo Hội Công Giáo trên thế giới từ ngày 1/12/2021 đến 30/11/2022, trong đó có phần đặc biệt về tình trạng ơn gọi Linh Mục và tu sĩ của Giáo Hội.

Trong khoảng thời gian nói trên, Giáo Hội Công Giáo có thêm 18 triệu và hiện có 1 tỷ 378 triệu tín hữu. Tỷ lệ Công Giáo tăng nhiều nhất ở Phi châu với 3,1%. Công Giáo Á châu chỉ tăng 0,99%. Tại Mỹ châu cứ 100 người dân thì có 64,1 người Công Giáo, tỷ số này là 39,5% tại Âu Châu, 25,8% tại Úc châu, 19,4% tại Phi châu. Á châu có tỷ lệ Công Giáo thấp nhất với 3,3%.

Số Linh Mục giảm gần 2350 vị, tức là từ 410.219 trong năm 2020 xuống còn 407,872 trong năm 2021. Tuy nhiên sự giảm sút này chỉ xảy ra tại Âu, Mỹ, trong khi lại gia tăng tại Á và Phi châu. Úc châu có mức gia tăng số Linh Mục 0,20%

Số nữ tu giảm sút tại Âu, Mỹ và Úc châu, nhưng gia tăng tại Phi và Á châu. Năm 2021, trên thế giới có 608.958 nữ tu. Số đại chủng sinh của Giáo Hội cũng giảm sút liên tục kể từ 10 năm qua (2013) và hiện có 109.895 thầy, trong số này có 61% thuộc giáo phận và 39% thuộc các dòng tu. (Osservatore Romano 3/3/2023)

Trường hợp Ai Len

Cũng liên quan đến những con số thống kê: một hiện tượng giảm sút “thê thảm” nhất là tại Ailen: Giáo Hội Công Giáo trên toàn đảo này hiện nay chỉ có 20 chủng sinh

Cha Tomás Surlis, Giám đốc Học viện Thánh Patrick ở Maymooth, gần thủ đô Dublin, cho biết như trên, nhân dịp hội nghị hôm 25/4 vừa qua, được tổ chức tại Học viện này về đề tài “Loan báo Tin Mừng và ơn gọi”, với sự tham dự của thuyết trình viên chính là Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Quyền Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, đặc trách các vấn đề cơ bản của việc loan báo Tin Mừng trên thế giới. Hiện diện tại Hội nghị có hơn 100 đại biểu của Công Giáo Ai Len trong đó có các Giám Mục, Linh Mục và các vị Giám đốc về ơn gọi.

Giáo Hội Công Giáo tại Ai Len chiếm 78,20% trên tổng số 5 triệu 20 ngàn dân cư và thuộc 26 giáo phận, nhưng chỉ có 20 đại chủng sinh.

Trước kia, Ai Len có 8 đại chủng viện và Đại chủng viện Maynooth có tới 500 chủng sinh.

Tại Hội nghị, nhiều diễn giả và tham dự viên đã phân tích tình trạng giảm sút ơn gọi trầm trọng tại nước này. Như một linh mục dấn thân trong việc mục vụ ơn gọi, nhận xét rằng: “Chúng ta đã chìm đắm trong ý thức hệ nhiều năm qua để nói rằng số lượng linh mục không phải là quan trọng, nhưng là chất lượng. Kết quả ra sao? Bây giờ chúng ta chẳng có lượng và cũng chẳng có phẩm. Kiêu ngạo là một bệnh xấu”.

Còn Đức Cha Eamon Martin, Tổng Giám Mục Armagh ở miền bắc Ai Lan, cho rằng những vụ xì căng đan khiến người trẻ không chọn con đường linh mục nữa.

 Tình trạng tại giáo phận Milano

Báo Công Giáo “Tương Lai” (L’Avvenire) ở Ý cho biết trong 10 năm qua, số đại chủng sinh của Tổng giáo phận Milano, là giáo phận lớn nhất ở Âu Châu với hơn 5 triệu tín hữu, đã giảm một nửa trong vòng 10 năm: từ 150 thầy trong năm 2013 xuống còn 78 thầy như hiện nay.

 Để đối phó với tình trạng giảm bớt như thế, hôm 9/4 vừa qua, Đức Cha Mario Delpini, Tổng Giám Mục giáo phận Milano, đã thông báo cải tổ việc đào tạo linh mục. Trong số các biện pháp mới, trong tương lai các chủng sinh sẽ trải qua một phần 3 trong 5 năm học sống thành một nhóm nhỏ tại một nhà xứ.

Trong số các nguyên nhân làm sa sút ơn gọi tại Ý, cũng cần nhắc đến tình trạng dân số giảm sút trầm trọng tại nước này.

 Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Cầu nguyện cho ơn gọi

 Trong bối cảnh trên đây, Ngày cầu nguyện cho ơn gọi càng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngày này được thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1962, trong Công đồng chung Vatican II, với mục đích giúp đỡ các thành phần Dân Chúa, cá nhân và cộng đoàn, đáp lại tiếng Chúa gọi và sứ mạng Chúa ủy thác cho mỗi người trong thế giới ngày nay, với những vết thương và hy vọng, những thách đố và những thành tựu”.

Sứ điệp năm nay của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 60, công bố hôm 26/4 vừa qua, nhắc nhở các tín hữu về ý nghĩa của ơn gọi và nhất là khuyến khích những sáng kiến nhắm thăng tiến ơn gọi trong Giáo Hội: không những ơn gọi Linh Mục, tu sĩ nhưng cả ơn gọi đặc thù của mỗi tín hữu.

 Sứ điệp có chủ đề là “Ơn gọi: ơn thánh và sứ mạng”, trong đó Đức Thánh Cha nhắc đến ơn gọi như một hồng ân nhưng không của Chúa, và đồng thời cũng là một sứ mạng ra đi, mang Tin Mừng cho tha nhân. “Ơn gọi giống như một hạt giống Chúa gieo vào thửa đất trong cuộc đời chúng ta, nó làm cho chúng ta cởi mở đối với Chúa và tha nhân để chia sẻ với họ báu vật chúng ta tìm được… Không có ơn gọi nào mà không có sứ mạng. Không có hạnh phúc và sự thành đạt viên mãn của bản thân mà không cống hiến cho tha nhân sự sống mới mà chúng ta đã tìm được. Ơn Chúa gọi chúng ta sống tình yêu là một kinh nghiệm ta không thể giấu kín, im lặng. ‘Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng’, như Thánh Phaolô đã thốt lên (1 Cr 9,16)”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “sứ mạng chung của tất cả các Kitô hữu chúng ta là sứ mạng hân hoan làm chứng trong mọi hoàn cảnh, bằng thái độ và lời nói, điều mà chúng ta đang cảm nghiệm khi ở với Chúa Giêsu và trong cộng đoàn của Nguời là Giáo Hội. Và nó được biểu lộ qua những công việc bác ái thương xót về vật chất cũng như tinh thần, trong một lối sống đón tiếp và hiền lành, có khả năng gần gũi, cảm thương và dịu dàng, đi ngược với thứ văn hóa gạt bỏ và dửng dưng”.

Đức Thánh Cha viết thêm rằng “Trong Giáo Hội, tất cả chúng ta là những người phục vụ theo ơn gọi khác nhau, các đoàn sủng và thừa tác vụ khác nhau. Ơn gọi hiến thân trong tình yêu, chung cho tất cả mọi người, được diễn tả và cụ thể trong đời sống các tín hữu Kitô nam nữ, dân thân xây dựng gia đình như một Giáo Hội tại gia và canh tân các môi trường khác nhau trong xã hội như men Tin Mừng; ơn gọi trong chứng tá của những người thánh hiến, hiến thân cho Thiên Chúa vì anh chị em như lời ngôn sứ về Nước chúa; ơn gọi của các thừa tác viên được truyền chức, Phó tế, Linh mục, Giám mục phục vụ Lời Chúa, cầu nguyện và trong tình hiệp thông hiệp thông của Dân Chúa. Chỉ trong tương quan với tất cả các ơn gọi khác, mỗi ơn gọi đặc thù trong Giáo Hội mới xuất hiện trong ánh sáng hoàn toàn với chân lý và sự phong phú của mình. Theo nghĩa này, Giáo Hội là một bản hợp ca ơn gọi, với tất cả các ơn gọi được liên kết và khác biệt trong sự hòa hợp, và cùng nhau ra đi để chiếu tỏa trong thế giới đời sống mới của Nước Chúa”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Ơn gọi là một hồng ân và là một trách nhiệm, một nguồn sự sống mới và niềm vui đích thực. Ước gì kinh nguyện và những sáng kiến linh hoạt liên quan đến Ngày này củng cố sự ý thức trong các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn dòng tu, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội ý thức về ơn gọi”.

Sau cùng cũng nên nói thêm rằng tại nhiều nơi, Ngày Cầu nguyện cho ơn gọi không chỉ giới hạn vào Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nhưng kéo dài trọn một tuần sau đó. Hoặc có những nơi vào thứ Năm hằng tuần, đều cầu nguyện cho Giáo Hội được thêm nhiều ơn thiên triệu: xin Chúa sai nhiều trợ gặt đến làm việc trong Mùa Gặt của Ngài.

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Để lại một bình luận