Đôi mắt đăm đăm nhìn ánh sáng

Có gì tương đồng giữa biểu cảm của một đứa bé lần đầu tiên mở mắt nhìn đời và của một bà cụ chăm chăm nhìn về phía ánh sáng?

Trong quyển sách Sự khôn ngoan nơi bàn bếp – Những câu chuyện chữa lành (Kitchen Table Wisdom, Stories That Heal), bác sĩ kiêm nhà văn Rachel Naomi Remen đã chia sẻ câu chuyện sau.

Năm 14 tuổi, bà nhận việc làm thêm mùa hè tình nguyện viên ở nhà dưỡng lão. Việc này không mấy dễ dàng với bà. Bà còn nhỏ tuổi, ngại ngùng và gần như sợ người người lớn tuổi. Một hôm, bà được phân công ngồi một giờ với một bà 96 tuổi, suốt cả năm chưa nói câu nào và đang bị mất trí nhớ nặng. Rachel cầm theo một túi hạt thủy tinh, dự định có thể cùng bà xâu chuỗi hạt với mình. Nhưng chẳng được thế.

Rachel gõ cửa, không ai trả lời, cô vào và thấy bà cụ đang ngồi trên ghế, mắt nhìn đăm đăm qua cửa sổ. Rachel kéo ghế ngồi cạnh bà, và suốt một tiếng cô cố kéo ánh mắt bà ra khỏi khung cửa. Nhưng chẳng thành công. Theo lời kể của bà thì “căn phòng thinh lặng một cách tuyệt đối”. Bà cụ chưa một lần nhận thấy sự hiện diện của Rachel, cũng chưa hề nhìn cô, mà cứ liên tục nhìn chăm chăm ra cửa sổ.

Khi chuông reo báo hiệu đã qua một tiếng, Rachel đứng dậy, cô hỏi bà: “Nãy giờ bà nhìn gì vậy ạ?” Bà cụ trả lời: “Sao con lại hỏi thế, bà nhìn vào ánh sáng mà”. Rachel sửng sốt, không phải bởi sự lạ thường nơi lời nói, nhưng do một diễn xúc lạ thường, một say mê trên gương mặt bà cụ. Cô bé Rachel 14 tuổi chẳng biết sau biểu cảm lạ thường đó là gì. Phải mất nhiều năm, Rachel mới hiểu ra.

Rachel đã là bác sĩ sản khoa, nhi khoa. Khi bà đỡ đẻ lần đầu tiên, đứa bé ra đời đã mở mắt, bà nhìn thấy trong gương mặt đứa bé biểu cảm mà nhiều năm về trước bà đã thấy nơi bà cụ. Đứa bé cũng nhìn vào ánh sáng, vô thức, im lặng, rạng rỡ, đôi mắt dán chặt vào ánh sáng mà nó chưa từng thấy.

Có gì tương đồng giữa biểu cảm của một đứa bé lần đầu tiên mở mắt nhìn đời và của một bà cụ chăm chăm nhìn về phía ánh sáng? Rachel Remen có một hình ảnh lột tả được điều này.

Về căn bản, nếu ta sống đủ lâu, sẽ có lúc những phương thức nhận thức cũ của chúng ta sẽ không còn hữu ích nữa, lòng chúng ta sẽ buộc phải hướng về những thứ vượt trên những vết thương của chúng ta, những bất an của chúng ta sẽ tan biến cả và chúng ta sẽ chăm chăm hướng mắt về một ánh sáng khác. Điều này sẽ thay đổi triệt để cái nhìn của chúng ta, xóa bỏ hết mọi thứ từng có lý, cho chúng ta trở nên trẻ sơ sinh, câm lặng chăm chăm nhìn vào điều chưa biết, vào ánh sáng mời gọi đó. Tại sao lại thế? Chuyện là thế nào?

Khi trẻ mới sinh, nó rời một nơi nhỏ bé, hạn chế và tối tăm, nhưng lại bảo bọc, nuôi dưỡng và an toàn. Nó cũng rời nơi duy nhất nó từng biết, và có thể nó chẳng biết điều gì đang chờ mình khi sinh ra. Thật sự là, nếu đứa trẻ biết suy nghĩ một cách ý thức, chắc chắn nó sẽ khó lòng tin nổi có bất kỳ thứ gì, kể cả người mẹ mà nó chưa hề thấy, có tồn tại bên ngoài cung lòng này. Do đó, biểu cảm gương mặt của đứa trẻ khi lần đầu mở mắt nhìn ánh sáng sẽ là hoang mang, kinh sợ, mê ly.

Chúng ta sinh ra từ cung lòng này sang cung lòng khác. Chúng ta sống trong một cung lòng thứ hai, là thế giới của chúng ta, rộng lớn hơn, bớt hạn chế hơn, bớt tối tăm hơn, và cũng đem lại bảo vệ, nuôi dưỡng và an toàn như trong cung lòng mẹ. Gần như cả đời chúng ta, cung lòng thứ hai này tốt với ta, cho những thứ chúng a cần. Khi còn trẻ, khỏe, dường như chẳng có mấy lý do để chúng ta hướng ánh nhìn đến một ánh sáng khác. Cung lòng mà chúng ta đang sống cho chúng ta đủ ánh sáng rồi. Hơn nữa, nó cũng là nơi duy nhất chúng ta biết. Thật sự là, theo tự nhiên và chính mình, thì chúng ta không có gì chắc chắn rằng có một nơi nào khác ngoài nơi này.

Hơn nữa, chúng ta giống những đứa trẻ trong bụng mẹ ở điểm này. Từ thời điểm thụ thai, tiền định cho đứa trẻ là nó sẽ phải sinh ra. Sẽ đến lúc nó phải bước vào một thế giới rộng lớn hơn. Và chúng ta cũng thế. Chúng ta cũng được tiền định sẽ phải sinh ra, ra khỏi cung lòng hiện thời của mình. Do đó, như đứa trẻ trong bụng mẹ, chúng ta cũng có sự “điên rồ” đối với một ánh sáng lớn lao hơn.

Trong bài thơ Khao khát linh thánh (The Holy Longing), Johann Wolfgang von Goethe đã diễn tả điều này một cách thi vị như sau:

Bây giờ ta đã hết chìm sâu

Ngập trong ám ảnh với bóng tối

Khao khát ân ái cao bội phần

Đang đẩy ta lên, lên thật cao

Xa xôi không làm ta nản chí,

Vì giờ diệu kỳ ta đang bay,

Cuối cùng cuồng điên vì ánh sáng

Hóa thân thành bướm bay đi xa.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận