15 nhân vật của Giáo hội đánh dấu năm 2022

Sau hai năm đại dịch Covid-19, Giáo hội công giáo gặp phải những thách thức mới trong năm 2022. Ukraine, công nghị, thượng hội đồng, khủng hoảng lạm dụng… Rất nhiều sự kiện làm cho các nhân vật của Giáo hội được chú ý trong năm nay.

Hồng y Joseph Zen Ze-Kiun ra tòa  ở Hồng Kông, ngài bị kết án nhẹ | © Etan Liam/Flickr/CC BY-NĐ 2.0

1- Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk: tiếng nói của người dân “tử đạo Ukraine”

Đại diện cao nhất cho Giáo hội công giáo ở Ukraine, giám mục Sviatoslav Shevchuk là người không mệt mỏi ủng hộ cho chính nghĩa của đất nước Ukraine với Tòa thánh và phần còn lại của thế giới sau cuộc xâm lược của Nga. Cùng với người dân dưới làn bom đạn và trong đống đổ nát, người đứng đầu Giáo hội công giáo hy lạp Ukraine lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Matxcova. Ngài khuyến khích người dân Ukraine kháng cự để bảo vệ quê hương và cảnh báo người công giáo trên khắp thế giới qua các tuyên bố rộng rãi mỗi ngày. Ngài đã biết Đức Phanxicô khi Đức Phanxicô còn là tổng giám mục Buenos Aires, là cầu nối giữa đất nước Argentina và Tòa Thánh, ngài bị chỉ trích ở Ukraine vì đường lối của ngài bị cho quá cởi mở để đối thoại với Nga.

2- Hồng y Joseph Zen: đối thủ của Bắc Kinh bị kết án

Là người phản đối mạnh mẽ chính quyền cộng sản Trung Quốc, hồng y danh dự của Hồng Kông đã bị bắt giữ và bị tù một thời gian ngắn vào tháng năm. Lý do, vai trò của ngài trong tư cách là thành viên ban giám đốc của một hiệp hội hỗ trợ những người biểu tình phản đối sự thống trị ngày càng tăng của Bắc Kinh với vùng đất cũ này của Anh.

Hồng Y Zen từ lâu đã vận động cho dân chủ ở Hồng Kông | © Etan Liam/Flickr/CC BY-NĐ 2.0

Đầu tiên bị buộc tội tình báo với một lực lượng nước ngoài, một cáo buộc có thể làm cho ngài phải ngồi tù, sau đó hồng y Zen bị  tòa án Hồng Kông truy tố vì một lỗi hành chính, cuối cùng ngài bị tòa phạt phải trả dưới 500 âu kim. Tuy nhiên, sự thận trọng của ngài trong quá trình này đã không ngăn cản việc khởi động lại cuộc tranh luận trong Giáo hội về chiến lược đối thoại với Bắc Kinh đã được Tòa thánh chấp nhận, điều mà hồng y chống đối mạnh.

3 – Đức Bênêđíctô XVI: nước Đức chống lại giáo hoàng của mình

Giáo hoàng danh dự, người mừng sinh nhật lần thứ 95 ngày 16 tháng 4 đã bắt đầu một năm mới rất khó khăn. Được công bố vào tháng 1, giáo phận Munich cũ của ngài công bố một cuộc điều tra khi ngài lãnh đạo giáo phận từ năm 1977 đến năm 1982, liên quan đến việc ngài xử lý bốn trường hợp lạm dụng trong giai đoạn này.

Một trách nhiệm ngài lên án một cách có hệ thống, ngài đã bị tổn thương khi thấy lời của mình bị một công ty luật có trách nhiệm trong việc điều tra cũng như báo chí Đức đặt vấn đề. Trong một bức thư được thư ký của ngài, giám mục Georg Gänswein mô tả là “di chúc thiêng liêng”, Đức Bênêđíctô XVI  XVI xin tha thứ cho “giấc ngủ” mà Giáo hội đã phải đối diện với các vụ lạm dụng. Ngài cho biết ngài cảm thấy thanh thản khi thời gian đến gần để ngài “tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết”.

4- Luật sư Alessandro Diddi: một quan tòa chịu áp lực

Chính thức được bổ nhiệm làm người thúc đẩy công lý (công tố viên) ngày 23 tháng 9, sau vài năm giữ vị trí số 2 cho người tiền nhiệm Gian Piero Milano, luật sư Alessandro Diddi đã trải qua nhiều tháng khó khăn. Chịu trách nhiệm chấm dứt phiên tòa xét xử tài chính vụ ‘tòa nhà ở London’, luật sư người Ý đã phải chịu áp lực từ cả luật sư bào chữa, những người đang cố gắng làm mất uy tín quá trình tố tụng của ông, và của chính vụ án, đã trở nên phức tạp hơn trong suốt cả năm, với việc thông qua các lời khai và tiết lộ.

Bị buộc phải xem lại các cuộc điều tra trong khi phiên tòa đang diễn ra chậm chạp, luật sư Alessandro Diddi nhận thấy trách nhiệm đè nặng trên vai để có một công lý uy tín và hiệu quả dù thiếu phương tiện và có nguy cơ làm cho tiến trình dài dòng này bị sa lầy.

5- Hồng y Angelo Sodano: vĩnh biệt “cánh tay phải” của Đức Gioan Phaolô II

Hồng y là một trong những nhân vật chủ chốt trong phần hai của triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II: ngài qua đời ngày 27 tháng 5, thọ 94 tuổi. Ngoại trưởng đầy quyền lực của Tòa thánh từ năm 1990 đến năm 2006, ngài là nhân vật chính của động lực mới cho nền ngoại giao của Vatican thời hậu Chiến tranh Lạnh, dù phải đối diện với sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố hồi giáo hay với các cuộc chiến tranh ở Balkan, Vịnh Ba Tư hay Iraq.

Hồng y Angelo Sodano là niên trưởng Hồng y đoàn từ năm 2005 đến 2019 | © Tổng giáo phận Boston/Flickr/CC BY-NĐ 2.0

Hồng y Sodano quyền lực cũng có mặt tối của ngài: sự im lặng của ngài trước các vụ lạm dụng tình dục của những người sáng lập Binh đoàn Chúa Kitô Marcial Maciel hoặc của cựu hồng y Theodore McCarrick, đã làm cho hình ảnh của hồng y Sodano bị hoen ố. Tang lễ của ngài ngày 31 tháng 5 được cử hành tương đối kín đáo, trong dịp này Đức Phanxicô nói lời từ biệt với người tôi tớ vĩ đại của Giáo hội. Bên lề buổi lễ, giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI, người mà hồng y Sodano đã phục vụ một năm sau khi ngài được bầu chọn đã kín đáo rời đan viện để đến cầu nguyện trước linh cữu của hồng y.

6- Giám mục Carlos Belo: mặt trái của giải Nobel

Giải Nobel Hòa bình năm 1996 vì hành động quyết định của mình trong việc giải quyết hòa bình trong cuộc xung đột ở Đông Timor, giám mục Salêdiêng Carlos Filipe Ximenes Belo đã từ chức năm 2002 vì lý do sức khỏe trước khi đến Bồ Đào Nha và Mozambique. Năm 2022, một tuần báo Hà Lan đã cáo buộc giám mục đã lạm dụng tình dục các bé trai tuổi vị thành niên trong nhiều năm khi còn là linh mục ở Đông Timor. Vatican công bố vụ này năm 2019 và đã áp đặt các hạn chế kỷ luật với giám mục.

7- Giám mục Georg Bätzing: người của thượng hội đồng Đức

Năm 2020, ngài được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức kế vị hồng y Marx, giám mục Bätzing, giáo phận Limburg kế thừa Con đường đồng nghị quốc gia đã được đưa ra vào năm trước trong bối cảnh khủng hoảng lạm dụng và mong muốn thay đổi.

Là người nhiệt thành bảo vệ tiến trình để có được sự tiến hóa về địa vị của linh mục, việc mở ra các thừa tác vụ được thụ phong cho phụ nữ, hoặc thậm chí sửa đổi giáo điều liên quan đến đồng tính, giám mục chủ tịch Bätzing đã không ngần ngại lên diễn đàn khi Rôma cố gắng kiềm chế nhiệt tình cải cách của Đức. Một phản đối được thấy rõ trong chuyến đi ad limina của các giám mục Đức tháng 11, ngài đã vững tay chèo trước những dè dặt gay gắt của một số hồng y Giáo triều, đặc biệt là của hồng y Marc Ouellet.

8- Hồng y Giorgio Marengo: người được mến mộ của công nghị

Giám mục Giorgio Marengo đã sống ở Mông Cổ hơn 20 năm | © Arcivescovo.vercelli/Wikimedia/CC BY-SA 4.0

Người Ý, 48 tuổi và là giám quản tông tòa của Oulan Baator, Mông Cổ. Ngài có một chân dung không điển hình và tuy còn trẻ nhưng ngài được Đức Phanxicô chọn làm hồng y ngày 27 tháng 8, đã làm cho ngài thành hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn, trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ngài thuộc Hội Truyền giáo Consolata, đã sống ở Mông Cổ từ năm 2002, ngài lo mục vụ cho cộng đồng công giáo nhỏ bé. Khi chọn hồng y người Ý đến từ Mông Cổ, giáo hoàng muốn thể hiện sự quan tâm của ngài với vùng Trung Á, nơi ngài đã đến thăm Kazakhstan vào tháng 9. Ngài đặt một trong những đại diện của Giáo hội một cách chiến lược tại các cửa ngõ của Trung Quốc.

9- Tổng giám mục Rolando Alvarez: tù nhân của chế độ độc tài

Ở Nicaragua, sự đối đầu giữa chế độ độc tài của tổng thống Daniel Ortega và Giáo hội đã trở nên gay gắt hơn trong năm nay với việc trục xuất sứ thần Tòa thánh. Nhưng sự kiện quan trọng nhất là vụ bắt giữ giám mục Alvarez, người đứng đầu giáo phận Matagalpa tháng 8.

Trước đó ngài đã bị quản thúc tại gia vài tháng. Ngài bị tổng thống Daniel Ortega buộc tội tìm cách ‘làm mất ổn định’ đất nước, vì đã công khai hỗ trợ người dân sau cuộc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình chống chế độ. Hồng y Leopoldo Brenes, một đồng hương của ngài cho biết, đầu tháng 12 ngài vẫn còn bị tù nhưng ngài vẫn khỏe mạnh.

10- Hồng y Konrad Krajewski: người của giáo hoàng ở tiền tuyến

Người Ba Lan ít nói, kín đáo, đứng đầu Ủy ban Từ thiện Vatican, năm nay hồng y Krajewski đảm nhận một chiều kích mới khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine. Trong vài tháng, Đức Phanxicô đã cử ngài đến Ukraine bốn lần để đem thiết bị y tế, xe cứu thương và các nhu yếu phẩm cơ bản cho người dân Ukraine. Hồng y là tai mắt của giáo hoàng để báo cáo cho ngài biết về sự tàn bạo khủng khiếp của cuộc xung đột và số phận của những người Ukraine tử đạo, hồng y đến một số ngôi mộ tập thể và thoát bị bắn trong một lần ngài đến Ukraine.

Hồng y Krajewski cầu nguyện bên cạnh một ngôi mộ tập thể ở phía bắc Kyiv | truyền thông Vatican 

11 – Hồng y Matteo Maria Zuppi: tân chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý

Tổng giám mục giáo phận Bologna và là thành viên của cộng đoàn Sant’Egidio, được một số người xem ngài là người có khả năng làm giáo hoàng, năm nay vai trò của ngài nổi bật. Ngày 24 tháng 5, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đầy quyền lực. Được giáo hoàng ủy thác để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chậm chạp của Giáo hội Ý, hồng y Zuppi thừa hưởng một hồ sơ rất tế nhị của các vụ lạm dụng tình dục của các giáo sĩ Ý.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, ngài cho biết chuẩn bị một báo cáo về các vụ lạm dụng được trình bày vào tháng 11. Tuy nhiên, chỉ với 613 trường hợp được tiết lộ, cuộc điều tra không làm hài lòng một số hiệp hội nạn nhân. Những lời chỉ trích của các thành viên trong nhóm phụ trách cuộc chiến chống lạm dụng trong Giáo hội Ý liên quan đến phương pháp của Ủy ban Ciase ở Pháp.

12 – Hồng y Jean-Claude Hollerich: tiếng nói của thượng hội đồng

Ngài là chủ tịch ủy ban các giám mục tại Liên minh Châu Âu (COMECE) kể từ năm 2018, năm 2021, hồng y người Luxembourg được Đức Phanxicô cử làm báo cáo viên cho thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội (thượng hội đồng về tính đồng nghị). Ngài đóng một vai trò quan trọng trong năm 2022 khi kết thúc giai đoạn địa phương và khởi động giai đoạn lục địa của quy trình. Giám mục Hollerich hoan nghênh sự tham gia rộng rãi của các giáo phận trên khắp thế giới, cố gắng vượt qua những căng thẳng đôi khi xuất hiện trong các báo cáo, bằng cách tiếp tục cổ động cho một hoán cải đồng bộ của Giáo hội vượt qua các phân cực.

13- Cựu hồng y Jean-Pierre Ricard: lời thú tội của một hồng y

Ricard, cựu tổng giám mục giáo phận Bordeaux về hưu từ năm 2019, hồng y Ricard đã tạo bất ngờ khi thừa nhận đã từng có ‘hành vi đáng trách’ khi còn là linh mục ở Marseille vào đầu những năm 1980 với một bé gái 14 tuổi. Thông báo được hồng y Aveline đọc trước các giám mục Pháp họp tại Lộ Đức ngày 6 tháng 11.

Tòa giám mục Pháp khi đó đã bị sa lầy trong việc quản lý vụ giám mục Michel Santier. Vụ hồng y Ricard phát hiện đầu năm 2022 sau khi giáo hoàng bổ nhiệm hồng y làm đại diện cho ngài để điều tra các trường hợp lạm dụng xảy ra trong Nhà Bác ái (Foyers de Charité). Nạn nhân và gia đình bị bối rối trước quyết định này, họ quyết định phá vỡ im lặng và báo cho các nhà chức trách giáo hội. Ngày 11 tháng 11, Vatican thông báo đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về vụ việc.

14- Hồng y Canada Marc Ouellet: người bảo vệ Giáo triều bị suy yếu

Dù đã 78 tuổi và được cho biết là sắp nghỉ hưu, nhưng hồng y Ouellet, bộ trưởng bộ Giám Mục đã có một vai trò quan trọng trong Giáo triều năm nay, ngài khẳng định mình là người ủng hộ chính của ‘chính thống’, nổi bật với quan điểm bảo vệ luật độc thân linh mục trong một hội nghị quốc tế do ngài tổ chức tại Rôma tháng 2 vừa qua, có sự hiện diện của Đức Phanxicô.

Hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng bộ Giám Mục | © Joshua Lanzarini/Flickr/CC BY-NC-NĐ 2.0)

Trong chuyến đi ad limina của các giám mục Đức đến Rôma tháng 11 vừa qua, hồng y chỉ trích gay gắt quan điểm của Con đường thượng hội đồng Đức, phản đối trào lưu cải cách đã kích động nước Đức.

Hồng y Ouellet tuy dính líu cá nhân vào vụ bị một phụ nữ ở Québec tố cáo có hành vi không thích đáng khi ngài làm giám mục ở Québec, nhưng giáo hoàng đã tiến hành cuộc điều tra của ngài và tái khẳng định sự ủng hộ của ngài bằng cách giữ hồng y tại vị.

15- Hồng y Angelo Becciu: vũng lầy màu tím trong thử thách

Hồng y đầu tiên bị công lý dân sự Vatican xét xử. Hồng y Angelo Becciu, người Sardinia, cựu phó Quốc vụ khanh ở trên ghế bị cáo năm 2022. Chống lại những lời buộc tội nặng nề, hồng y luôn tuyên bố mình vô tội trong ba cáo buộc của cái gọi là vụ án ‘tòa nhà London’ mà hồng y can dự vào. Trách nhiệm chính xác của ngài vẫn chưa được xác định và thủ tục sẽ tiếp tục trong suốt năm 2023. Nhưng một số yếu tố liên quan đến những người thân cận hồng y đã làm cho cơ quan tư pháp mở một cuộc điều tra mới vào tháng 11 về trường hợp lạm quyền có thể xảy ra trong một băng nhóm có tổ chức.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)

Trả lời