Trách nhiệm làm cha mẹ

Bạn có cảm thấy “mệt mỏi” với công việc đến nỗi khiến bạn cảm thấy “xa rời” con cái? Và bạn có cảm thấy mình có lỗi với chúng? Xin đừng quá lo lắng!

Việc giáo dưỡng con cái bắt buộc cha mẹ bận rộn đủ thứ, cả đời sống thường nhật và đời sống tình cảm, để rồi có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, rời rã, thậm chí bị thâm quầng đôi mắt!

Có thể cha mẹ là những “chuyên gia” trong việc cho ăn uống, cho mặc, dỗ dành, phân công,… Nhưng có lúc vẫn cảm thấy lúng túng khi xử lý các sai lỗi của con cái, dù chỉ là lỗi nhỏ. Nếu công tâm và rạch ròi, bạn phải công nhận điều đó!

Thật vậy, có người cảm thấy thiếu trách nhiệm làm cha mẹ đối với con cái (bằng một động thái nào đó). Quá nghiêm khắc hoặc quá nhu nhược cũng là một trạng thái “phi trách nhiệm”. Cũng là “phi giáo dục” nếu bạn dễ dãi cho chúng tiền bạc khi chúng xin mà không rõ lý do chính đáng.

Nuôi dạy con cái là một trọng trách, nhưng vô cùng thiêng liêng và cao quý, vì “nuôi con trai mà không dạy thì không bằng nuôi con lừa, nuôi con gái mà không dạy thì không bằng nuôi con heo” (Trinh Thị). Ngoài ra, “chúng ta không chỉ dạy con cái bằng những điều bảo ban mà còn bằng chính cách sống của chúng ta” (V. A. Xukhôlinxki).

Ngạn ngữ Đức có câu: “Một người cha có con thì dễ, nhưng để làm người cha thì thật khó”. Đúng vậy, đã là trọng trách thì phải khó, nhưng phải chu toàn, dù muốn hay không muốn. Nhiệm vụ ấy không chỉ hoàn thành cho xong mà phải hoàn thành một cách xuất sắc. Trách nhiệm không của riêng ai, mà là của cả cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Đừng câu nệ mà đổ lỗi là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, hoặc đổ lỗi lẫn nhau để “dày vò” nhau. Cần phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Nhiều phụ huynh quá giản dị hóa, lơ là bổn phận để rồi “không kịp hối”. Con cái còn “trẻ người, non dạ” và “ăn chưa no, lo chưa tới”, cha mẹ nên lưu ý chúng vì cạm bẫy lúc nào cũng bủa vây “như sư tử đang rình mồi để cắn xé”, mọi nơi và mọi lúc, cả tinh thần lẫn thể lý, nhất là trong xã hội ngày nay. Cần phân tích để con cái biết chính diện và phản diện kẻo chúng ngộ nhận. Thái quá thì bất cập, do đó cha mẹ không nên khư khư kiểm soát quá gắt gao như người quản tù theo dõi tù nhân, nhưng cũng đừng bao giờ thả lỏng.

Hãy nói ít, và chỉ nói những điều cần thiết, đừng “lèm bèm” hoặc “nói dai như đỉa đói”. Đó là diệu kế giáo dục con cái để chúng nên người hữu dụng. Lời nói có thể làm “lung lay”, nhưng chính gương lành mới đủ sức “lôi kéo”. Khi cần nghiêm trị, cha mẹ cần tỏ thái độ cương nghị, răn dạy chúng bằng lòng yêu thương và nhân từ, đừng sửa phạt chúng bằng lòng căm hận khiến chúng khiếp sợ mà phản tác dụng, thậm chí chúng không còn cảm thấy kính trọng cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên buông tuồng, vì tiền nhân đã cảnh báo: “Bờn nhờn chó con liếm mặt”.

Trách nhiệm làm cha mẹ tuy cần thiết và khó khăn, nhưng không phải là không thể thực hiện. Đó còn là niềm hạnh phúc kỳ diệu của một tổ ấm mà không gì có thể sánh được. Sử  Viễn so sánh: “Vui nhất không gì bằng đọc sách, cần nhất không gì bằng dạy con”. Đừng quá tham công tiếc việc, chạy theo đồng tiền, lo làm giàu mà chểnh mảng việc giáo dục con cái. Vừa cương vừa nhu, đồng thời cố gắng tạo sự cởi mở để làm “gạch nối” trong hệ lụy cha mẹ và con cái.

Sau khi khảo sát các gia đình ở 20 quốc gia, một học giả người Mỹ kết luận: “Con cái muốn cha mẹ không cãi nhau, luôn đối xử công bằng với con cái, không thất hứa hoặc nói dối, cha mẹ nhường nhịn nhau chứ không trách cứ nhau, biết quan tâm lẫn nhau và quan tâm con cái, vui vẻ với bạn bè của con cái, không cáu gắt, cho con cái tham gia ý kiến, được vui chơi, dám nhận khuyết điểm nếu cha mẹ có lỗi”.

Tuyệt đối cha mẹ không nên áp chế, điều gì cũng cho là con cái “cãi”. Đó là thiếu dân chủ và thiếu công bằng trong gia đình, vì “quá phê phán người khác là phủ nhận quyền tự do sống của người đó” (K Mamutri). Con cái cần những gương tốt hơn là lời chỉ trích. Tuy nhiên, đừng nuông chiều chúng. Tục ngữ Tày Nùng nói: “Yêu con thì yêu sau lưng, giận con nên giận trước mặt”. Cái “nhu” của người mẹ kết hợp với cái “cương” của người cha để hài hòa giáo dục: “Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng” (Tục ngữ Việt Nam).

Thật hạnh phúc cho những ai đã, đang và sẽ làm cha mẹ nếu luôn là niềm hãnh diện của con cái, là ngọn hải đăng luôn tỏa sáng dẫn đường, luôn chu toàn trọng trách, và như vậy mới luôn xứng đáng là “Núi Thái Sơn” và “Nước Trong Nguồn”.

TRẦM THIÊN THU
http://thanhlinh.net/node/27906

Để lại một bình luận