Tóm Lược Giáo Lý Công Giáo

TÓM LƯỢC GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

TIN – GIỮ – LÃNH – XIN
I. NHỮNG ĐIỀU PHẢI TIN TRONG ĐẠO

 Gồm tóm trong Kinh TIN KÍNH, có 3 điều tin chính yếu 1. Tin Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành trời đất. 2. Tin Chúa Con là Ngôi Hai xuống thế làm người, sinh bởi Mẹ Maria đồng trinh, đã chịu đau khổ, chịu chết trên Thánh giá và sống lại để Cứu chuộc ta. 3. Tin Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá, Tin Hội Thánh Công giáo, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cữu.

II. NHỮNG ĐIỀU PHẢI GIỮ TRONG ĐẠO

Đó là giữ 10 điều răn ĐCT và 6 điều răn Hội Thánh : Gồm tóm trong 2 điều : KÍNH CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI. Yêu thương là giữ trọn luật đạo, vì Chúa là Tình yêu. Muốn được Chúa tha tội, cần phải An năn tội và đi Xưng tội.

III. NHỮNG VIỆC CẦN LÃNH TRONG ĐẠO  

Cần lãnh nhận Ơn Chúa, qua Phụng vụ và 7 BÍ Tích. Phụng vụ là việc tôn thờ Thiên Chúa và thánh hoá con người, quan trọng nhất là Phụng vụ Thánh Lễ. Bí tích là những phương thế Chúa Giêsu lập để ban ơn thánh. Muốn lãnh Bí tích : cần có lòng tin, có ý ngay lành và dọn hồn dọn xác cho xứng đáng.

IV. NHỮNG ĐIỀU CẦN XIN TRONG ĐỜI SỐNG  

 Những ý nguyện tín hữu gồm tóm trong KINH LẠY CHA: 3 lời tôn vinh Chúa : – Nguyện Danh Cha – Nước Cha, -Ý Cha. 4 lời xin nhu cầu : Lương thực – Tha nợ – khỏi cám dỗ – khỏi sự dữ. Cần SỐNG ĐỨC TIN, SỐNG CẦU NGUYỆN, SỐNG CHỨNG NHÂN CK.

 

CÁC KINH QUEN THUỘC  

 LÀM DẤU THÁNH GIÁ  

 Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
KINH CHÚA THÁNH THẦN

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần/ xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con. Chúng con xin Đức Chúa Trời/ cho Đức Chúa Thánh Thần xuống, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần/ xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời/ cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành. Vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con./ Amen.
KINH TIN

Lạy Chúa con, con tin thật có một Đức Chúa Trời/ là Đấng thưởng phạt vô cùng ; con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiện hạ. Bấy nhiêu điều ấy, cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng, đã phán truyền cho Hội Thánh./ Amen.
KINH CẬY

Lạy Chúa con, con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau đặng lên thiên đàng/ xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phước đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai đặng/. Amen.
KINH MẾN

Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn lành vô cùng; lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy./ Amen.
KINH SẤP MÌNH

 Lạy Chúa con, con sấp mình xuống trước mặt Chúa con. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ/ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con và nhậm lời con nguyện. Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.
LÀM DẤU THÁNH GIÁ KÉP

Lạy Chúa chúng con, vì Dấu (Thánh giá, xin chữa (chúng con, cho khỏi (kẻ thù. Nhân danh Cha (và Con và Thánh Thần. Amen.

KINH LẠY CHA

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con/ như chúng con cũng tha/ kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
KINH KÍNH MỪNG

 Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội/ khi này và trong giờ lâm tử./ Amen.
KINH SÁNG DANH

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.
KINH SÁNG SOI

 Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ, cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen

KINH ĂN NĂN TỘI  

 Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con ; mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa. Thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
KINH LẠY NỮ VƯƠNG  

 Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con đặng sống, đặng vui, đặng cậy, thân lạy Mẹ ! Chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi, Bà là chủ bàu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con đặng thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ. Ôi khoan thay, nhơn thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
KINH CÁM ƠN  

 Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con đặng làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con ; lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây Thánh giá vì con, lại cho con đặng đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa, và đã cho phần xác con qua ngày (đêm) hôm nay đặng mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các Thánh ở trên nước Thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hiệp cùng các thánh, mà dâng cho Chúa con lời cám ơn như vậy. Amen.
KINH TRÔNG CẬY

  Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
KINH TIN KÍNH  

 Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi ; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh ; chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác ; xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại ; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng ; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy ; các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

CÁC KINH ĐỌC NGÀY CHÚA NHẬT  

 KINH NGHĨA ĐỨC TIN  

 Ngày (Chúa nhật, Lễ… ) hôm nay, chúng con hiệp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, không khen cảm tạ ơn Chúa, vì mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa/ vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa, thì chúng con dám xin Chúa hãy khấng ban những ơn cần kíp/ cho chúng con đặng rỗi linh hồn. Nay chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều đạo thánh Chúa dạy, nhứt là những điều cần kíp nầy : là có một Đức Chúa Trời, phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có Ba Ngôi : Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần ; Ba Ngôi cũng một tính một phép, cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi. Chúng con tin Ngôi thứ Hai ra đời làm người, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, đặt tên là Giêsu ; ở thế gian 33 năm, đoạn chịu chêt trên cây Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ ; đến ngày thứ ba Người sống lại, khỏi 40 ngày lên trời, đủ 10 ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống/ trên các Thánh Tông đồ và Hội Thánh mới lập ; ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy/ thì chẳng đặng rỗi linh hồn. Mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết đặng. Và đến ngày tận thế, xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời, kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng. Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho đặng lên thiên đàng, song phải giữ Mười Điều răn Đức Chúa Trời/ cùng Sáu Luật điều Hội Thánh, và làm những việc lành phước đức. Nhơn vì sự ấy, chúng con hằng phải sợ hãi và trốn lánh các tội lỗi, nhất là Bảy Mối Tội đầu/ là căn nguyên mọi tội lỗi khác. Vậy chúng con phải ân cần lo lắng/ mà năng chịu các phép Bí tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những dược linh nghiệm cho chúng con được nên thánh. Có Bảy phép Bí Tích mà thôi, song phép Rửa tội, phép Mình Thánh Chúa, cùng phép Giải tội/ là ba phép cần kíp hơn cho chúng con đặng rỗi. Ấy vậy, chúng con hằng phải ra sức lo lắng thế nào, mà năng chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng, mà giữ cẩn thận các điều trước nầy, thì mới đặng hưởng phước thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.
MƯỜI ĐIỀU RĂN  

 Đạo Đức Chúa Trời có 10 Điều răn :   Thứ nhất : thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Thứ hai : chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ, Thứ ba : giữ ngày Chúa nhật, Thứ bốn : thảo kính cha mẹ, Thứ năm : chớ giết người, Thứ sáu : chớ làm sự dâm dục, Thứ bảy : chớ lấy của người, Thứ tám : chớ làm chứng dối, Thứ chín : chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười : Chớ tham của người. Mười điều răn ấy tóm về hai điều nầy mà chớ : Trước, kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Sau, lại yêu người như mình ta vậy. Amen.
HỘI THÁNH CÓ 6 ĐIỀU RĂN Thứ nhất : Xem lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc Thứ hai : Chớ làm việc xác ngày CN cùng các ngày lễ buộc. Thứ ba : Xưng tội trong một năm ít là một lần. Thứ bốn : Chịu Mình Thánh ĐCGiêsu trong mùa Phục sinh. Thứ năm : Giữ chay những những ngày Hội thánh buộc. Thứ sáu : Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dạy.
BẢY BÍ TÍCH

Đạo Đức Chúa Trời có 7 phép Bí Tích : Thứ nhất : là phép Rửa tội. Thứ hai : là phép Thêm sức. Thứ ba : là phép Mình Thánh Chúa. (Thánh thể ) Thứ bốn : là phép Giải tội. Thứ năm : là phép Xức Dầu Thánh. (bệnh nhân ) Thứ sáu : là phép Truyền Chức Thánh. Thứ bảy : là phép Hôn Phối.
THƯƠNG NGƯỜI CÓ 14 MỐI

Thương xác 7 mối Thứ nhất : Cho kẻ đói ăn. Thứ hai : Cho kẻ khát uống. Thứ ba : Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn : Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm : Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu : Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy : Chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn 7 mối

Thứ nhất : Lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai : Mở dạy kẻ mê muội. Thứ ba : An ủi kẻ âu lo. Thư bốn : Răn bảo kẻ có tội. Thứ năm : Tha kẻ dể ta. Thứ sáu : Nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy : Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
CẢI TỘI BẢY MỐI CÓ BẢY ĐỨC

  Thứ nhất : khiêm nhượng chớ kiêu ngạo. Thứ hai : rộng rãi chớ hà tiện. Thứ ba : giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục. Thứ bốn : hãy nhịn chớ hờn giận. Thứ năm : kiêng bớt chớ mê ăn uống. Thứ sáu : yêu người chớ ghen ghét. Thứ bảy : siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
PHƯỚC THẬT TÁM MỐI  

 Thứ nhất : Ai có lòng khó khăn ấy là phước thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy. Thứ hai : Ai hiền lành ấy là phước thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời là của mình vậy. Thứ ba : Ai khóc lóc ấy là phước thật, vì chưng sẽ được an ủi vậy. Thứ bốn : Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phước thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy. Thứ năm : Ai thương xót người ấy là phước thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy. Thứ sáu : Ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phước thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy. Thứ bảy : Ai làm cho người hòa thuận ấy là phước thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy. Thứ tám : Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phước thật, vì chưng sẽ được Nước Đức Chúa Trời làm của mình vậy. Amen.
SÁU ĐIỀU CẦU KÍP

 HẾT MỌI NGƯỜI PHẢI TIN CHO ĐẶNG RỖI LINH HỒN.  

– Thứ nhất : Có một ĐCT là Đấng phép tắc vô cùng, thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ. – Thứ hai : Mỗi người có một linh hồn là tính thiêng liêng hằng sống chẳng hề chết đặng. – Thứ ba : Phải ăn năn tội thì mới đặng Chúa tha tội. – Thứ bốn : Có một ĐCT mà Người có Ba Ngôi : Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. – Thứ năm : Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người. – Thứ sáu : Ngôi thứ Hai làm người chuộc tội chịu chết vì tội lỗi loài người ta.
BẢN GỢI Ý XÉT MÌNH XƯNG TỘI

  (Những tội thường phạm) N.B: Có 2 cách Xét Mình :   1. Dựa 10 Điều răn ĐCT+ 6 Điều răn Hội Thánh + 7mối tội. 2. Xét 3 bổn phận : đối với Chúa, Tha nhân, chính mình. Trước khi xét mình, cần Đọc Kinh, cầu xin Chúa và Mẹ Maria soi sáng cho ta nhớ lại các tội lỗi ta đã phạm và sám hối ăn năn, quyết tâm dứt bỏ tội lỗi.
1. ĐỐI VỚI CHÚA  

 – Nghi ngờ quyền năng, tình thương yêu của Chúa … ? – Chối đạo, lung lạc đức tin, nản lòng trông cậy Chúa … ? – Mê tín dị đoan, xem thầy bói, bùa ngải ? – Phạm thánh, lãnh bí tích bất xứng, rước lễ lúc mắc tội trọng ? – Than phiền, trách móc, nói phạm thượng đến Chúa ? – Chống đối, phê bình, xúc phạm đến các thánh, nơi thánh, giáo sĩ, làm hại Giáo Hội ? – Thề gian thề vặt, chúc dữ, nguyền rủa ? – Không giữ lời khấn hứa, mắc lời thề ? – Bỏ Thánh lễ Chúa nhật vì lười biếng, làm việc xác không chính đáng … ? – Bỏ bỏ đọc kinh sáng tối, hay lo ra chia trí… ?
2. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC  

 – Thiếu hiếu thảo với bề trên : vô lễ, khinh bĩ, hỗn xược, ngổ ngịch, chửi rủa, cải lệnh, không vâng lời, không phụng dưỡng cha mẹ xứng đáng… ? – Với người dưới : bỏ bê, thiếu sót bổn phận, không giáo dục, cản trở việc tốt, làm gương xấu, la rầy chửi mắng, đánh đập con cháu … – Trong gia đình : bất hòa, hờn dỗi, cải cọ, trách mắng, xúc phạm trong lời nói và hành động, đay nghiến, đánh đập, lợi dụng, ăn bám, ích kỷ, không trợ cấp xứng đáng…? – Với người ngoài : xúc phạm * trong tư tưởng : nghĩ xấu, ghét bỏ, giận hờn, ganh tị, oán thù, khinh bỉ, mong điều dữ … * trong lời nói : cải cọ chửi rủa, chỉ trích, nói xấu, sỉ nhục người. * trong hành động : đánh lộn, hành hạ, gây thiệt hại, làm nhục. – Về tính dục : tư tưởng ước muốn xấu, cám dỗ khêu gợi, ăn mặc hở hang, xem sách báo phim ảnh xấu, lỗi khiết tịnh, tự do luyến ái, thủ dâm, tà dâm, ngoại tình, phá gia cang người khác … cưỡng bức hoặc từ chối việc vợ chồng thiếu lý do chính đáng, chỉ tìm thỏa mãn cá nhân, sinh con vô trách nhiệm, dùng phương pháp điều hòa sinh sản nghịch luật Giáo hội, trực tiếp hoặc cộng tác phá thai… – Về công bằng : quá lo tiền của đến quên Chúa quên anh em, không giúp đỡ người khác khi cần. Ăn cắp ăn trộm, giữ-giấu, lượm-mượn của người khác mà không trả, giựt nợ, lường gạt, gian lận, làm thiệt hại tài sản, cho vay nặng lãi, trả công không xứng đáng, thâm lạm của công, hối lộ… – Về sự thật và danh dự : nói dối, thất hứa, tiết lộ bí mật, phao tin thất thiệt, bôi nhọ danh dự, nói hành nói xấu, vu khống, cáo gian, gây nhục nhã, làm thiệt hại danh dự … ?
3. ĐỐI VỚI CHÍNH MÌNH  

 – Kiêu ngạo, phách lối, ganh tị… – Se xua, keo kiệt, hoang phí tiền của… – Nóng giận quá đáng, đòi hỏi khắt khe, hờn dỗi, la lối nạt nộ, vui buồn quá độ … – Phung phí sức khỏe, nhậu nhẹt say sưa, ăn uống quá độ, bệnh tật không chữa trị, ước muốn tự tử …
– Lười biếng việc bổn phận, ăn bám, lợi dụng lòng tốt người khác. – Có giấu tội lần trước, xưng lại chưa? Lưu ý : Sau khi Xét mình xong, thì giục lòng, đọc kinh ăn năn tội, và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, rồi đi vào Toà Giải tội để Xưng tội.


BẢN XÉT XÌNH

   DỰA VÀO 10 ĐIỀU RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI  

  1. ĐR thứ nhất: Chúa dạy kính mến Chúa trên hết mọi sự: Tôi có đọc kinh, cầu nguyện sáng tối không ? Tôi có thờ lạy ma quỉ, bụt thần không? Tôi có mê tín, dị đoan, coi bói không? Tôi có nhớ Chúa để thờ lạy Chúa không?
  2. ĐR thứ 2:Chúa dạy tôn kính danh thánh Chúa. Tôi có chưởi trời trách đất không? Tôi có thề dối, thề vặt không?
  3. ĐR thứ 3:Chúa dạy thánh hoá ngày Chúa nhật. Tôi có bỏ lễ ngày Chúa nhật không ? Tôi có làm việc xác ngày Chúa nhật ?
  4. ĐR thứ 4:Chúa dạy Thảo kính cha mẹ và chu toàn bổn phận. Tôi có bất hiếu, xúc phạm cha mẹ, ông bà ? Tôi có lỗi với bạn tôi không ? Tôi có lỗi gì với con cái không ? Đánh đập, chửi mắng?
  5. ĐR thứ 5:Chúa dạy tôn trọng thân xác và mạng sống người. Có làm thiệt hại thân xác mình và người khác? Có giết người, phá thai, tự tử ?

 ĐR thứ 6 và thứ 9 : Chúa dạy ăn ở thanh sạch. Tôi có làm chuyện dân dục ? Tôi có nói chuyện tục tỉu? Tôi có ước muốn chuyện xấu ? Ham muốn vợ chồng người ?

ĐR thứ 7 và thứ 10 : Chúa dạy giữ đức công bằng Có trộm cắp đồ vật, tiền bạc của người khác? Bao nhiêu? Tham lam, muốn trộm cắp của người? Có gian lận, cờ bạc ? Có phá hại tài sản, của cải người khác?

ĐR thứ 8 : Chúa dạy sống thật thà. Có lừa gạt người khác? Có làm mất thanh danh người khác? Có nói hành, nói xấu, vu khống người khác ?
CÁCH XƯNG TỘI  

 Khi vào toà Giải tội, cần làm Dấu Thánh giá và nói : -Thưa Cha, con là kẻ có tội, xin Cha ban phép lành cho con. -Con xưng tội trong …(1)… tháng (4 tuần). -Con đã phạm tội ….(kiêu ngạo), ….(2) lần. ….(kể tội mình nhớ được cho LM nghe, cách rỏ ràng) -Thưa cha, con xưng tội xong. Sau đó, lắng nghe cha Giải tội khuyên nhủ và giao việc Đền tội (= đọc Kinh), rồi giục lòng ăn năn tội và nghe Cha đọc Lời Xá giải. Lm : Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa, và ban Thánh thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy, Cha tha tội cho con, Nhân danh Cha X và Con X và Thánh Thần X .
Đáp : – AMEN.   Khi cha bảo : Con hãy về bình an. Đáp : – Con cám ơn cha. Rồi đi ra ngoài làm việc Đền tội càng sớm, càng tốt.


ĐẠO HIẾU

   TRONG ĐẠO ÔNG BÀ và ĐẠO CÔNG GIÁO
1. Đạo Ông Bà là gì ?
Đạo Ông Bà là Đạo Hiếu, là đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam, dạy con cháu phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, khi các ngài còn sống cũng như khi các ngài qua đời.

  1. Đạo Công Giáo là gì ?
    Công là chung, Giáo là tôn giáo hay là Đạo. Công Giáo là tôn giáo chung của mọi người (không phân biệt màu da tiếng nói, dân tộc) và gồm chung mọi chân lý do Thiên Chúa đã tỏ ra để dẫn đưa loài người vào Nước Trời hưởng sự sống trường sinh bất tử.
  2. Đạo Công giáo có phải là Đạo Hiếu không ? – Đạo Công giáo rất chú trọng về Đạo hiếu và coi Đạo Hiếu như nền tảng của mình, nên Đạo Công giáo rất phù hợp với tinh thần hiếu thảo của dân tộc Việt Nam . Vì Đạo Công giáo quan niệm vũ trụ như một đại gia đình, trong đại gia đình đó, Đức Chúa Trời là Cha Mẹ sinh ra tất cả, và tất cả mọi người đều là anh em. – Như vậy, Đạo Công giáo chính là một tôn giáo của Đạo hiếu theo nghĩa chính xác nhất của nó, và Đạo hiếu này được thể hiện qua ba bổn phận rõ rệt: đối với Cha trên Trời (Thượng Phụ), đối với đất nước và Giáo Hội (Trung Phụ), và đối với cha mẹ dưới đất (Hạ Phụ). Bổn phận đối với Cha trên Trời là căn bản, các bổn phận sau xuất phát từ bổn phận căn bản trên. – Vì thế, giữa hai thứ hiếu: hiếu đối với Cha trên Trời, và hiếu đối với cha mẹ, thì hiếu trước nặng hơn hiếu sau và là nền tảng cho hiếu sau. Người Công giáo tin tưởng rằng Cha trên Trời yêu thương chúng ta gấp trăm ngàn lần cha mẹ dưới đất yêu thương chúng ta.
  3. Về hiếu thảo, Đạo Công Giáo và đạo Ông Bà có điều giống nhau :  1- Cả hai đạo đều đề cao lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như khi qua đời. Con cái phải yêu mến, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ, ông bà khi các ngài còn sống và tưởng nhớ các ngài khi qua đời. 2- Cả hai đạo đều tin rằng khi ông bà, cha mẹ qua đời, các ngài vẫn còn tồn tại và hiện diện trong trạng thái vô hình (hay khuất mặt). Vì thế, con cháu thường xuyên phải tưởng nhớ và cầu nguyện cho các ngài hoặc tổ chức giỗ hằng năm.
  4. Đạo Công Giáo và đạo Ông Bà có điều khác nhau : 1- Đạo Ông Bà thì theo truyền thống cha ông để lại một số quan niệm về lòng hiếu và một số nghi lễ thể hiện lòng hiếu thảo; không có giáo thuyết, luật lệ và tổ chức. – Đạo Công Giáo có Đấng sáng lập là Chúa Giêsu, có giáo thuyết, luật lệ và tổ chức gồm hai thành phần : giáo sĩ và giáo dân; có những điều phải tin, những điều phải giữ và các bí tích phải chịu để được Đức Chúa Trời ban sự sống thiêng liêng. 2- Trong ngày giỗ ông bà, cha mẹ : – Người đạo Ông Bà thì tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, đặt đồ cúng ở trước bàn kính gia tiên, đốt nhan khấn vái và mời các ngài về hưởng. – Ngoài việc tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà cha mẹ, người Công Giáo còn chú ý đến việc thường xuyên cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ. Giáo Hội cũng dành 1 tháng trong năm (tháng 11) để tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất . Kết : Qua sự so sánh trên, ta thấy Đạo Công giáo và Đạo Ông Bà rất gần gủi nhau về Đạo Hiếu. Theo Đạo Công giáo, không là bất nghĩa, bất hiếu với Ông bà Tổ tiên, không quên đi cội nguồn, nhưng trái lại, càng chứng tỏ lòng hiếu thảo đối với Ông bà Tổ tiên cách cao đẹp hơn và quan trọng hơn, chính là lòng hiếu thảo đối với Đấng sinh thành Ông Bà Tổ tiên, đó là Thiên Chúa.

Trả lời