Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng xuân Quý Mão

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN QUÝ MÃO

Các con thân mến,

Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của năm mới tính theo âm lịch. Tất cả đều quy hướng về một năm mới trong hy vọng được an lành hạnh phúc. Giờ đây, chỉ còn ít ngày nữa thôi, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta sẽ tạm gác lại tất cả để cùng nhau bước qua năm mới Quý Mão 2023. Và nhất là, tất cả các con và mọi người chúng ta cũng phải hết lòng tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành trong năm qua, vì đó là tâm tình đẹp nhất mà Thiên Chúa mong muốn nơi con người: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Th 5, 18). Lời tạ ơn ấy còn được Thánh Tôma Aquinô, vị tiến sĩ thiên thần, quảng diễn cách phong phú trong một chương sách dạy về các nhân đức của con người: “Sau Thiên Chúa, con người phải mắc nợ nhất là đối với cha mẹ mình và quê hương mình. Và do đó, cũng như thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa quy về nhân đức đạo đức; cũng vậy, ở bực thấp hơn việc tôn kính cha mẹ và quê hương thuộc về nhân đức hiếu thảo” (Thánh Thomas Aquinas, Tổng luận Thần học, IIa, IIae, qu. 101a. Bản dịch Việt ngữ. Linh Mục Giuse Trần Ngọc Châu, Gp. Qui Nhơn, 2017). Bởi đó, khi cùng với các con chuẩn bị chào đón tết dân tộc, vốn là những ngày đặc biệt tôn vinh chữ “Hiếu” trong gia đình, dựa theo những suy tư của Thánh Tôma Aquinô, cha muốn chia sẻ với các con đôi điều về những khía cạnh của lòng hiếu thảo.

  1. Hiếu thảo đối vớiThiên Chúa

Thánh Tôma Aquinô muốn nói với tất cả chúng ta rằng: Lòng hiếu thảo, vốn là một hành vi nhân linh của con người, nó phải được thể hiện một cách đầy đủ các phương diện: với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, với cha mẹ là Đấng sinh thành, với quê hương quốc tổ là Người mẹ thiêng liêng. Có thể cụm từ “Hiếu thảo đối với Thiên Chúa” có thể làm cho các con thấy xa lạ ngỡ ngàng, nhưng xét trong tương quan mà Chúa Giêsu đã dạy qua kinh Lạy Cha, thì nó thật gần gũi và chính đáng, vì Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng muôn loài muôn vật, nhưng cũng chính là Cha của chúng ta. Do đó, chính đức hạnh của niềm tin tôn giáo khiến chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa một sự tôn thờ, vốn là một biểu lộ cao nhất của lòng hiếu thảo, mà chúng ta mắc nợ Ngài với tư cách là tạo vật một cách công bằng. Một số hành vi cho phép chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo cao nhất đối với Thiên Chúa là:

– Thờ phượng. Đây là tâm tình đầu tiên trong đời sống của người Kitô hữu. Nó hệ tại ở việc nhìn nhận Thiên Chúa là “Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2096). Đó cũng là một thái độ hoàn toàn khiêm tốn và yêu thương, cho phép chúng ta nhận ra sự tầm thường và nhỏ bé của thụ tạo trước sự bao la và quyền năng của Thiên Chúa. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8).

– Cầu nguyện. Đây là một hành động thể hiện lòng khiêm tốn mà các Kitô hữu phải luôn có trong đời sống đức tin của mình. Nó cho phép ta sống tâm tình tin tưởng và phó thác, hoàn toàn đặt mình trong tay Đấng Tạo Hóa. Chúa Giêsu trong Phúc âm luôn là một gương mẫu cho tất cả chúng ta về đời sống cầu nguyện.

– Hy lễ. Hy lễ hoàn hảo duy nhất, đó là cái chết của Chúa Kitô trên Thập giá. Trong Thánh lễ hàng ngày, hy tế ấy được hiện tại hóa và thông ban hiệu quả cho chúng ta (x. GLHTCG số 1364). Tin tưởng, siêng năng và sốt sắng tham dự hy lễ này, chúng ta vừa thực hiện hành vi thờ phượng cao đẹp nhất, nhưng cũng vừa được hiệp thông trong ân sủng của Chúa.

  1. Hiếu thảo đối vớicha mẹ

Gia đình là niềm hy vọng của nhân loại. Ở đâu mà những người nam và người nữ của ngày mai được hình thành, nếu không phải là trong gia đình? Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm vui của Tình yêu ở các số 274 và 276 xác định: gia đình là trường học đầu tiên dạy các giá trị nhân bản, là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống, và để vui hưởng hạnh phúc. Thế nhưng cũng có những người đã coi gia đình là chướng ngại vật cần bị lật đổ, nên cha nghĩ rằng: trả lại cho gia đình vị trí và ý nghĩa thực sự của nó, dường như sẽ là thách thức lớn cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba này. Thánh Kinh luôn chỉ cho chúng ta cách thức tìm kiếm hạnh phúc và gìn giữ chức năng của gia đình khi viết rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5, 16). Các con hãy luôn nhớ rằng: gia đình là môi trường an toàn và yêu thương nhất để ta được lớn lên và trưởng thành về mọi phương diện, nên các con hãy kính trọng, biết ơn và tận tụy với gia đình, đó là nền tảng vững chắc để xây dựng lòng hiếu thảo của mình. Nhân đức này chứng tỏ các con là những người biết ơn, những người luôn ý thức sâu sắc rằng: chúng ta luôn mắc nợ cha mẹ mình trong mọi sự. Món nợ này luôn mang lại ơn ích cho chúng ta, nên Thiên Chúa nhân lành đã đưa lên hàng đầu trong những bổn phận phải làm và không được phép làm đối với tha nhân, đó là giới răn thứ tư: “Hãy thờ cha kính mẹ” (x. Xh 20, 12).

  1. Hiếu thảo đối vớiTổ quốc

Trên phương diện từ nguyên, tổ quốc là đất của những người cha, những tổ tiên của chúng ta gầy dựng. Tổ quốc, một khái niệm cũng có thể hiểu là đất nước do tổ tiên để lại, nơi sinh thành tổ tiên dân tộc, sinh thành ông bà, cha mẹ của mỗi con người. Nhìn từ góc độ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, hưởng dùng những di sản do tổ tiên để lại, đã khiến chúng ta trở thành những người mang nợ với quê hương đất tổ. Món nợ này thôi thúc chúng ta như một trách nhiệm, rao truyền và làm phong phú hơn những di sản quý báu ấy trong hiện tại và nơi các thế hệ tương lai. Từ trách nhiệm này, Giáo hội đã gợi lên cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể: Lòng yêu mến và sự phục vụ Tổ quốc phát xuất từ bổn phận của sự biết ơn và theo trật tự của đức mến” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2239). Phúc âm cũng thuật lại việc Chúa Giêsu buồn sầu than khóc thành Giêrusalem, quê hương trần gian của Người, mà Người đã biết trước là sẽ bị hủy hoại vì sự bất trung của thành đó đối với Thiên Chúa của mình (x. Lc 19, 41 – 44). Như cha vừa nói ở trên, chúng ta là những người mang lấy trách nhiệm bảo tồn và làm phong phú những di sản do tổ tiên để lại. Ý thức và thực thi trách nhiệm này, đó là lúc chúng ta đã thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ quốc.

Các con thân mến,

Là một tạo vật và cũng là nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4, 5), là thành viên của một gia đình, là người con của quê hương, chúng ta không thể chối bỏ bất kỳ điều nào trong ba phương diện của đạo hiếu mà cha vừa nhắc đến. Chúng ta được an bình trong đất tổ, trưởng thành trong gia đình, lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa, đó là một hồng phúc mà Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta. Thiên Chúa không ở một nơi nào đó xa cách chúng ta, nhưng ở gần và luôn quan tâm đến cuộc sống của chúng ta. Năm cũ đang dần khép lại để nhường chỗ cho một năm mới mang nhiều hy vọng. Cha cầu chúc cho tất cả các con an lành mạnh khỏe, năm mới đạt được nhiều kết quả mới trong học tập. Với tất cả trái tim và sự gần gũi trong đức tin, chúng ta chúc cùng mừng nhau một Năm Mới Quý Mão 2023 vui tươi, hạnh phúc và thánh thiện.

Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm 2022.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

Để lại một bình luận