Im lặng là vàng. Đó là câu châm ngôn mang nhiều ý nghĩa và được coi như là một triết lý sống. Triết lý sống ấy, phần lớn do người ta ngao ngán với “nhân tình, thế thái”. Mặt khác, cũng có một số người nghĩ im lặng sẽ đảm bảo cho sự an toàn của bản thân trong mọi lúc, mọi nơi. Rồi từ chỗ ít nói, ngại nói, không dám nói những điều mình đang trăn trở, nghĩ suy, người ta trở nên dửng dưng trước mọi biến động của xã hội. Dẫn đến tình trạng tôn thờ chủ nghĩa MAKENO, dửng dưng với những bất hạnh của tha nhân. Im lặng là vàng cũng rất cần thiết để mình cân nhắc sự việc, để mình suy tính, không vội vã mà hành động khôn ngoan.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm một con người đã làm lên chuyện phi thường trong im lặng. Trước mọi vấn đề Ngài đều im lặng để tìm hiểu, để suy xét và đón nhận. Sự im lặng của Ngài không phải là của kẻ khiếp nhược trước sự dữ của cuộc đời. Sự im lặng của ngài thể hiện lòng phó thác tin yêu trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Đó chính là thánh cả Giuse. Một vị đại thánh không để lại một lời huấn dụ nào nhưng lại được cả Giáo hội qua bao thế hệ yêu mến, tôn kính. Ngài không để lại di ngôn nhưng để lại một đời sống nội tâm thật phong phú. Nói tới đây tôi lại chợt nhớ câu chuyện nói về sự thinh lặng mà tôi đã từng đọc.
Một buổi sáng như thường lệ, ông Alfred (Alfred Nobel) đang ngồi thưởng thức ly cà phê nóng, bỗng ông hốt hoảng giật nẫy mình, khi đọc thấy trên tờ báo để trước mặt, với hàng chữ thật lớn, in thật đậm:
“Alfred, ông vua Lựu Đạn vừa mới qua đời”.
Ông ngẫm nghĩ:
“Có lẽ người ta đã in nhầm lẫn tên của mình với tên của một người nào đó chăng?”
Thế rồi, vì tính tò mò muốn biết thêm bài báo đã nói gì.
Ông bỏ ly cà phê xuống bàn. Ông ngấu nghiến đọc.
Rõ ràng, đây không phải là một sự nhầm lẫn, mà là người ta muốn lên án tử cho ông.
Người ta cho ông là một người chuyên mua bán cái chết, chuyên làm giàu trên xương máu của những người chết. Mà quả thật như vậy.
Ông Alfred chính là người đầu tiên phát minh ra loại chất nổ giết người.
Ông đã mở một cái xưởng sản xuất bom đạn thật lớn, thật qui mô. Và ông đã trở nên giàu có, đã trở nên tỷ phú, nhờ xương máu của biết bao nhiêu người đã nằm xuống.
Với những vũ khí giết người đó, ông đúng là người lái buôn sự chết.
Đã có lần ông tự hỏi:
– Mình có nên tiếp tục theo đuổi cái nghề không lành mạnh này nữa chăng ?
Chẳng lẽ, ta lại sẽ phải xuống mồ với cái danh hiệu là “người buôn bán sự chết”.
Thế rồi, trong những ngày sống trong thinh lặng của tâm hồn mình, ông Alfred đã có dịp suy nghĩ.
Ông đã có dịp đối diện với lương tâm của mình.
Cuối cùng, ông đã tỉnh ngộ. Ông Alfred đã quyết định thay đổi nghề nghiệp, thay đổi cuộc sống.
Ông đã quyết tâm dùng tất cả thời giờ, tiền bạc và sức lực còn lại, để thực hiện những việc làm có ý nghĩa hơn, tích cực hơn, hữu ích hơn cho mọi người, nhằm thăng tiến con người, nhằm xây dựng hòa bình. Ông muốn xoá đi một quá khứ đen tối đã qua, do chuyên nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí, giết hại không biết bao nhiêu người.
Ông quyết tâm, ông đã làm, và ông đã rất thành công. Và Tên tuổi của ông đã thật sự đi vào lịch sử của nhân lọai, không phải với cái danh hiệu là người lái buôn sự chết, mà là người sáng lập ra giải thưởng Nobel hòa bình, rất được mọi người trân trọng cho đến ngày nay. Và giải thưởng này đã mang tên của ông, đó là Alfred Nobel.
Bạn thân mến.
Mỗi năm vào Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy đi vào trong nội tâm của lòng mình, vào trong thinh lặng của đời mình, và đi vào trong “sa mạc của tâm hồn mình”, để gặp gỡ mình, và để đối diện với chính mình, để nhờ đó chúng ta mới có thể gặp được Chúa Giêsu, để cùng cầu nguyện và chay tịnh cùng với Chúa Giêsu và được Ngài biến đổi.
Sách Châm Ngôn viết: “Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu” (Cn 17, 28). Chúng ta đang sống trong một thế giới ô nhiễm tiếng ồn. Do đó, sự thinh lặng rất cần thiết cho mỗi người. Tiếng nói, tiếng cười của chúng ta nhiều khi còn gây mất đi sự tĩnh lặng cần thiết cho chính mình hay người khác. Có những người nói nhiều vì thói quen. Có những người nói nhiều vì muốn thể hiện “đẳng cấp sự hiểu biết” của mình. Có những người thích ồn ào vì thinh lặng sợ lương tâm của mình gào thét. Họ chưa nhận biết được giá trị đích thực của sự thinh lặng, hoặc đã nhận biết nhưng không thể kiềm chế được miệng lưỡi. Vậy đâu là “Giá Trị Của Sự Thinh Lặng”, nhất là sự thinh lặng trong đời sống tu trì?
Chúng ta hãy học cùng Thánh Giu-se bài học yên lặng. Hãy biết yên lặng trong những giây phút căng thẳng, sóng gió. Bởi vì nếu biết yên lặng đúng lúc ta có thể ngăn chặn được 90% nguy cơ đỗ vỡ đáng tiếc, cho nên “Yên lặng là vàng”, là thái độ khôn ngoan nhất của con người, là phương thuốc có thể chữa lành mọi tội lỗi xấu xa.
Thánh Gioan Phaolô II viết trong “Thông điệp Đấng giữ gìn Chúa Cứu Thế”: “Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì “Thánh Giuse làm”, nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa.
Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh. Thánh Giuse yêu thích sự thinh lặng, ngài là con người của Mùa Chay. Lễ Thánh Cả Giuse được Phụng vụ Giáo hội mừng vào giữa Mùa Chay thánh. Mùa Chay mời gọi kitô hữu sống đời sống nội tâm. Nếu Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào Mùa Chay, chính bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thầm lặng. Trong Kinh Thánh, không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng của ngài. Cuộc đời của thánh Giu-se qua Phúc Âm là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh, một cuộc đời có nhiều sóng gió bất ngờ. Thế nhưng, trên nền những sóng gió ấy, người ta gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm; thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe rồi suy niệm và nhận ra ý Chúa nên mau mắn thi hành. Cha Philippon, op, viết : “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu”. Vâng, thinh lặng chính là đi vào sa mạc của tâm hồn, là con đường dẫn đến tình yêu.
Noi gương thanh Giu-se trong sự thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa, chúng ta được mời gọi hãy loại khỏi tâm hồn những lo lắng, ồn ào, những sôi sục của hận thù, ích kỷ, những dấu vết của buồn thảm, bi quan. Thay vào đó bằng một đời sống thinh lặng trong tin yêu và phó thác để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.