Tại sao Chúa nhật Thương Khó và Chúa nhật Lễ Lá từng là hai Chúa nhật khác nhau?

Trước Công đồng Vaticanô II, Chúa nhật Thương Khó là Chúa nhật V Mùa Chay và Chúa nhật Lễ Lá được cử hành vào Chúa nhật tiếp sau đó.

Trong nhiều thế kỷ, Chúa nhật V Mùa Chay được gọi là “Chúa nhật Thương Khó”, trong khi Chúa nhật sau đó được gọi là “Chúa nhật Lễ Lá”.

Hiện nay, Nghi thức Rôma hướng đến Chúa nhật Lễ Lá với ý nghĩa “Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa”, khi kết hợp cả hai cử hành trên lại với nhau.

Viện phụ Dom Prosper Gueranger giải thích trong cuốn Năm Phụng vụ của mình lý do tại sao Chúa nhật V Mùa Chay đã từng được gọi là Chúa nhật Thương Khó.

Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Thương Khó vì vào ngày này Giáo Hội bắt đầu tập trung vào Những Đau Khổ của Đấng Cứu Chuộc chúng ta như là điểm nhấn chính yếu cho mình. Chúa nhật V Mùa Chay cũng được gọi là Judica, xuất phát từ chữ đầu tiên trong Ca Nhập Lễ của ngày lễ hôm đó, và còn được gọi là Neomania, nghĩa là Chủ nhật của tuần trăng mới hoặc tuần trăng Phục Sinh, bởi vì Chúa nhật này luôn rơi vào sau kỳ trăng non, một mốc thời gian nhằm xác định ngày Lễ Phục Sinh.

Chúa nhật Thương Khó cũng đánh dấu sự bắt đầu của một mùa ngắn đặc biệt, được gọi là Passiontide, kéo dài cho đến Thứ Bảy Tuần Thánh. Trong thời gian này, phụng vụ của Giáo Hội trở nên ảm đạm hơn và tâm trạng đau buồn được phản ánh trong các thực hành khác nhau diễn ra trong phụng vụ.

Chúa nhật Lễ Lá vốn có cùng một cử hành giống như ngày nay, với việc rước lá và đọc trình thuật Cuộc Thương Khó.

Đơn giản là vì Giáo Hội thấy đến lúc cần phải chuẩn bị tâm hồn cho các tín hữu để bước vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong hai tuần cuối Mùa Chay bằng cách gọi là Chúa nhật V Mùa Chay là Chúa nhật Thương Khó.

Sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã quyết định kết hợp hai Chúa nhật này lại, lược bớt Chúa nhật Thương Khó ra khỏi niên lịch và gộp tên của Chúa nhật này vào Chúa nhật Lễ Lá. Điều này nhấn mạnh nhiều hơn đến Chúa nhật Lễ Lá và cũng củng cố thêm tường thuật về Cuộc Thương Khó được công bố vào ngày đó.

Tác giả: Philip Kosloski – Nguồn: Aleteia (03/4/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Để lại một bình luận