Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm C

Suy niệm 1:

TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI

Kinh Tin Kính – kinh tóm lại những điều phải tin của người Công Giáo – trong đó có tín điều: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Một điều thoáng nghe có vẻ khá nghịch lý, mơ hồ và khó tin nếu lấy trí tuệ của loài người mà phân tích. Nhưng như trong những chương đầu của Tin Mừng Luca, khi thiên thần truyền tin cho Đức Maria, ngài có nói: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37). Thật thế, nếu Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ này từ hư không, đã dùng bùn đất tạo nên con người và truyền sinh khí cho con người được sống (St 1, 1- 31) thì có lẽ nào Ngài lại không thể cho xác loài người được sống lại sau cái chết? Hơn thế nữa, vì loài người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có linh hồn và thân xác (St 1, 27) vậy nên không lẽ một tạo vật cao cả như thế lại bị mất hút sau cái chết như bao loài khác sao?

Việc đưa ra một giả thuyết bất ưng trong Tin Mừng hôm nay (Lc 20,27-40) mà người người Do Thái, cụ thể là phái Saduceo nêu lên cho Chúa Giê-su chỉ nhằm mục đích chống lại giáo lý của Ngài và cổ võ cho việc cứ thoải mái hưởng thụ ở đời này – vì làm gì có đời sau mà phải kiêng dè. Chúa Giê-su đã giải thích cho họ hiểu về sự sống đời sau không phải là một sự tiếp nối hay rập khuôn hoàn toàn của đời này, mà là khi bước qua sự chết con người sẽ bước vào một sự sống hoàn toàn mới, sự sống của Thiên Chúa của các thiên thần, không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, thế nên việc lấy vợ sanh con ở đời này không còn là điều thiết yếu. “Vì có ai phải chết nữa đâu mà cần duy trì nòi giống”.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cùng một mạch văn với bài Cựu ước trích từ sách Macabê quyển thứ 2 nói về cuộc tử đạo của bảy anh em và một người mẹ trong thời vua Antiokho đàn áp người Do Thái với những sắc chỉ tàn độc. Vì họ tin xác loài người sẽ sống lại sau cái chết và người công chính sẽ được ân thưởng xứng đáng nên họ đã chấp nhận mọi hình khổ với một niềm hy vọng chứa chan. (2 Mcb 7,1-2.9-14).

Thật trùng hợp, khi bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay lại là Chúa Nhật đầu tiên trong tháng 11 – tháng đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn. Người Việt Nam có một tấm lòng thảo hiếu rất đáng khen ngợi qua việc thờ kính và tổ chức lễ giỗ cho ông bà cha mẹ người thân đã qua đời từ đó nói lên chữ hiếu rất được quý trọng. Hơn thế, hiếu thảo còn là một trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa truyền dạy cho người Kitô hữu phải tuân giữ.

Kính nhớ cầu nguyện cho người đã khuất không phải là một điều mới mẻ, vì từ xa xưa trong kinh thánh Cựu ước, người ta đã bắt đầu có niềm hy vọng về một sự sống mới sau cái chết và cổ võ cho việc hy sinh, dâng lễ vật để xin ơn tha thứ cho những người đã qua đời. (2 Macabê 12:43-46). Còn trong Tân Ước thì lại nhắc về việc phải cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục vì đó là Tín điều Các Thánh Thông Công.

Nếu luôn ghi nhớ trong lòng về mầu nhiệm sự chết, sống lại và sự sống đời sau, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho ngưỡng cửa mà ai cũng phải một lần bước qua, một chuyến đi định mệnh không có vé khứ hồi! Và việc cầu nguyện cho các linh hồn cũng là đang cầu nguyện cho chính bản thân mình vì như lời Chúa nói: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta”. (Mt 7,12)

Bảo Bảo

Suy niệm 2:

“Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.”

Trong cuộc sống, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã chứng kiến cái chết của một ai đó.  Và chúng ta cũng thấy có những cái chết bình thường, có nghĩa là thân xác toàn vẹn, cũng có những cái chết vì một lý do nào đó mà nhìn rất đau lòng bởi thân xác không còn được toàn vẹn, có khi phải mổ tử thi để khám nghiệm lý do tại sao người đó chết. Có những người chết vì bom đạn chiến tranh không tìm được xác. Có những người thì hiến thân xác mình sau khi chết cho y học, …

Giáo hội Việt Nam chúng ta có các Thánh Tử Đạo với những khổ hình các ngài phải chịu như:

  • Bá đao: cắt từng miếng cho đủ trăm miếng.
  • Lăng trì: chặt tay chân trước khi chém đầu.
  • Thiêu sinh.
  • Xử trảm
  • Xử giảo: tròng giây vào đầu rồi kéo
  • Rũ tù

Những ngày đầu tháng 11, chúng ta đến viếng đất thánh để cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn. Có những ngôi mộ đã quá lâu, có những Đất Thánh vì một lý do nào đó phải cải táng, di dời phần mộ. Có những nơi thì hỏa táng đem cốt rải xuống sông…

Suy nghĩ những điểm trên, chúng ta cũng sẽ có phần nào giống những người Xa- đốc trong Tin Mừng hôm nay: có sự sống đời sau không? như vậy thì thân xác làm sao Phục Sinh được?

Ngay từ đầu, đức tin Ki-tô Giáo về sự phục sinh đã gặp những phản ứng không hiểu và chống đối. “Trong đức tin Ki-tô Giáo, không có việc nào bị chống đối cách mạnh mẽ, dai dẳng, quyết liệt và hăng hái cho bằng vấn đề thân xác sống lại.” Thông thường, người ta chấp nhận là sự sống của nhân vị, sau khi chết, được tiếp tục một cách thiêng liêng. Nhưng làm sao tin được rằng thân xác hiển nhiên là phải chết này lại có thể phục sinh vào đời sống vĩnh cửu? (GLHTCG  996)

 Tín biểu của Ki-tô Giáo – là Bản tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và vào hành động tạo dựng, cứu độ và thánh hóa của Ngài – được kết thúc với lời tuyên xưng về sự sống lại của những người chết, vào lúc cùng tận thời gian, và về sự sống vĩnh cửu. (GLHTCG 988).

Vì thế, chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Ki-tô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Ki-tô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết. Sự sống lại của chúng ta, cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới”. (Rm 8,11), (GLHTCG 989)

Cái chết là số phận của mỗi người, nhưng nói chung ai cũng muốn sống. Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi. Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.

Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp. Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống. Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận vĩnh cửu của ta. Không có một cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau. Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm vì chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục. Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau. Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất, và sống như thể chỉ có đời này còn đời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.

Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau. Cái chết dạy tôi biết cách sống. Ðời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm. Tôi đang đi về đời sau để gặp Ðấng mà tôi đã tin yêu suốt đời. Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội.

Lạy Chúa Giêsu,

khi ra thăm nghĩa địa,

khi vào viếng phòng hài cốt,

con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao

mới dám nghĩ một ngày nào đó

những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.

Con người trở về bụi tro,

nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người,

vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

trần gian này quá đẹp

khiến con mải mê, quên mình là lữ khách,

thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con.

Con loay hoay vun vén cho đời sống cá nhân,

như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất.

Xin khơi dậy nơi con

niềm khát khao những điều cao cả.

Xin đừng để con

mãn nguyện với những cái tầm thường.

Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao,

khi con quên mình

để sống cho anh em trên mặt đất. (SƯU TẦM)

Fiat

Suy niệm 3:

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”. (Lc 20, 38)

Lời Chúa tuần 32 thường niên năm C, Chúa Giê-su mở ra cho chúng ta thấy một khung trời tươi mới, đầy hy vọng cho cuộc sống mai hậu, đồng thời Chúa Giê-su trả lời cho những chất vấn của mọi thời đại, phía sau sự chết của con người còn gì khác nữa không?

Có ba chân lý Chúa Giê-su mạc khải với chúng ta

      ⁃         Những ai được tuyển chọn mới được vào nước Chúa

      ⁃         Con người sống như các thiên thần

      ⁃         Chúng ta sẽ trở thành con Thiên Chúa

Hiện nay, một số tôn giáo tin có sự sống khác sau cái chết, dựa vào luật nhân quả, nghiệp báo và họ cho rằng từ kiếp này chuyển sang kiếp khác. Nhưng mạc khải Kitô giáo cho chúng ta biết, chúng ta chỉ có một cuộc đời mà mình đang sống và cuộc sống đời này sẽ quyết định số phận đời sống Vĩnh Cửu của chúng ta.

Sự sống đời này, tuy là tạm bợ chóng phai chóng tàn nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền sống, quyền hưởng ân lộc những gì tốt đẹp nhất mà trần gian mang đến, chúng ta có quyền yêu người và được người yêu, có quyền cho đi cũng như có quyền đón nhận cái tốt đẹp lẫn điều tồi tệ nhất. Có niềm vui, hạnh phúc, sung sướng cả sự đau khổ, cơ cầu của kiếp nhân sinh.

Sự sống đời sau chắc chắn không ai biết diễn ra như thế nào, nhưng Chúa Giê-su cho mỗi chúng ta thấy được viễn cảnh “họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần” nghĩa là không còn suy nghĩ, nói năng và hành động theo kiểu trần tục nhưng hoàn toàn biến đổi trong sự hiện hữu với Thiên Chúa.

Trong niềm xác tín nơi Đức Ki-tô, “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống” mời gọi chúng ta hãy sống trọn vẹn thực tại Chúa ban, đừng xây dựng những hão huyền trên chính mình, thay vào đó tận dụng cái chóng qua để xây dựng đời mình trong ý định Thiên Chúa. Và đồng thời dùng tình yêu mau nhạt phai của con người thăng hoa thành tình yêu trong Chúa, vì Chúa, cho Chúa nơi mọi hoạt động cuộc sống.

      ⁃         suy nghĩ như Chúa

      ⁃         Nói lời của Chúa

      ⁃         Hoạt động vì lòng yêu mến Chúa

Xin Chúa cho con luôn trung kiên trong niềm tin, biết sống đẹp lòng chúa từng phút giây cuộc đời, vì con được dựng nên là của Chúa,  Đấng làm cho đời con trở nên trọn vẹn, Đấng ban sự sống đời đời cho con. Amen

M. Nhị Thơ

 

Để lại một bình luận