Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Tham dự viên Hội nghị Quốc tế về Thông điệp Pacem in Terries

WHĐ (22.09.2023) – Nhằm đánh dấu cột mốc 60 năm Đức giáo hoàng Gioan XXIII ban hành Thông điệp Pacem in Terries (Hoà bình dưới thế) Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội (Pontifical Academy of Social Sciences) và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Peace Research Institute Oslo – PRIO) đã tổ chức Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Pacem in Terries: Chiến tranh và những trở ngại khác cho hoà bình” tại Vatican trong hai ngày 19 – 20.09.2023. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã gửi tới Đức Hồng Y Peter K.A. Turkson, Viện trưởng Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội và các tham dự viên Hội nghị một Sứ điệp. Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA
GỬI 
ĐỨC HỒNG Y PETER K.A. TURKSON
NHÂN 
HỘI NGHỊ VỀ THÔNG ĐIỆP PACEM IN TERRIES

Kính gửi Đức Hồng y Peter K. A. Turkson
Viện trưởng Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội

Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến Đức Hồng y và tất cả các tham dự viên Hội nghị Quốc tế do Hàn Lâm viện về Khoa học Xã hội và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ban hành Thông điệp Pacem in Terris, một thông điệp mang tính bước ngoặt của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Hội nghị diễn ra thật đúng lúc, khi thế giới của chúng ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi một Thế chiến thứ ba diễn ra từng phần và, trường hợp bi thảm là cuộc xung đột ở Ukraine, vốn không phải là không có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hội nghị Pacem in TerriesChiến tranh và những trở ngại khác cho hoà bình” (Hình: Vatican news)

Thật vậy, thời điểm hiện tại có sự tương đồng một cách đáng ngại với thời kỳ ngay trước Thông điệp Pacem in Terris, khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10.1962 đã đẩy thế giới đến bờ vực hủy diệt hạt nhân trên diện rộng. Đáng buồn thay, trong những năm kể từ mối đe dọa khủng khiếp đó, không chỉ số lượng và sức mạnh của vũ khí hạt nhân tăng lên mà các công nghệ vũ khí khác cũng phát triển, và ngay cả sự đồng thuận lâu dài về việc cấm vũ khí hóa học và sinh học cũng gặp nguy hiểm. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải chú ý đến lời cảnh báo mang tính ngôn sứ của Đức Giáo hoàng Gioan rằng, trước sức hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hiện đại, “các mối tương quan giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, phải được điều chỉnh không phải bằng vũ lực, mà phải phù hợp với các nguyên tắc của lý trí đúng đắn: nghĩa là các nguyên tắc của sự thật, công bằng, và sự hợp tác mạnh mẽ và chân thành”.

Về vấn đề này, thật là thích hợp khi Hội nghị dành những suy tư về những phần của Thông điệp Pacem in Terris thảo luận về việc giải trừ quân bị và những lộ trình dẫn đến hòa bình lâu dài. Tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận của quý vị, ngoài việc phân tích các mối đe dọa hòa bình dựa trên quân sự và công nghệ hiện đại, sẽ bao gồm sự suy tư mang tính đạo đức có kỷ luật về những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến việc tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân, nhu cầu cấp thiết về đổi mới tiến bộ trong việc giải trừ quân bị, và phát triển các sáng kiến xây dựng hòa bình. Tôi đã tuyên bố ở nơi khác về đoan chắc của mình rằng “việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vô luân” (Diễn văn tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ngày 24.11.2019). Trách nhiệm của tất cả chúng ta là duy trì tầm nhìn rằng “một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều khả thi và cần thiết” (Diễn văn trước Ngoại giao đoàn, ngày mồng 10.01.2022). Ở đây, công việc của Liên hiệp quốc và các tổ chức liên quan trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy các biện pháp quản lý thích hợp vẫn rất quan trọng.

Tương tự như vậy, mối quan tâm về ý nghĩa đạo đức của chiến tranh hạt nhân không được phép làm lu mờ những vấn đề đạo đức ngày càng cấp bách phát sinh do việc sử dụng cái gọi là “vũ khí thông thường” trong chiến tranh đương đại, vốn chỉ nên được sử dụng cho mục đích phòng thủ chứ không nhằm vào các mục tiêu dân sự. Tôi hy vọng rằng việc suy tư thấu đáo về vấn đề này sẽ dẫn đến sự đồng thuận rằng những vũ khí như vậy, với sức tàn phá kinh khủng của nó, sẽ không được sử dụng theo cách có thể gây ra “thương tích không cần thiết hoặc đau khổ không đáng có”, như lời của Tuyên ngôn St. Petersburg. Các nguyên tắc nhân đạo đã truyền cảm hứng cho những lời này, dựa trên truyền thống của ius gentium (luật pháp quốc tế), vẫn còn giá trị cho đến ngày nay giống như khi chúng lần đầu tiên được viết ra, hơn 150 năm trước.

Nhận thức được những chủ đề quan trọng được thảo luận trong Hội nghị, tôi bày tỏ sự cảm kích đối với các diễn giả và các tham dự viên. Tôi hân hoan lặp lại niềm hy vọng trong lời cầu nguyện mà Thánh Giáo hoàng Gioan thể hiện khi kết thúc Thông điệp của ngài rằng “nhờ quyền năng và sự soi dẫn của Thiên Chúa, tất cả các dân tộc có thể ôm lấy nhau như anh chị em, và nền hòa bình mà họ khao khát có thể triển nở và ngự trị giữa họ”. Tôi ưu ái chúc lành cho tất cả quý vị.

Từ Vatican, ngày 12.09.2023

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (19.09.2023)

Để lại một bình luận