PHẢN HỒI TRONG TIẾN TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG
CHO THẤY GIÁO HỘI ‘SỐNG ĐỘNG’ VÀ KHAO KHÁT PHÚC ÂM
Carol Glatz
WHĐ (27.8.2022) – Trong cuộc họp báo tại Vatican hôm 26. 8 vừa qua nhằm cập nhật kết quả khi kết thúc giai đoạn Thượng Hội đồng Giám mục cấp Giáo phận, các vị hữu trách nhìn nhận rằng những ý kiến đóng góp và phản hồi của Dân Chúa trên khắp thế giới vào tiến trình Thượng Hội đồng đã truyền cảm hứng về lòng biết ơn, hy vọng và niềm tin sâu sắc hơn đối với nhiều người tham gia vào tiến trình này.
Theo Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng, ban tổ chức đang nhìn thấy “một Giáo hội sống động, cần đến sự xác thực, sự chữa lành, và ngày càng khao khát trở thành một cộng đoàn cử hành và loan báo niềm vui của Phúc Âm, học biết để bước đi và phân định cùng nhau”.
Còn Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng, cho biết rằng, việc đọc các Bản tổng hợp từ các Hội đồng giám mục và các tổ chức lớn khác đại diện cho Giáo hội “đã nảy sinh nơi tôi, như là một môn đệ của Chúa Kitô, và như là một giám mục, một niềm an ủi thiêng liêng lớn lao, và mở ra một niềm hy vọng tuyệt vời. Niềm hy vọng này giờ đây phải được biến chuyển thành động lực truyền giáo”.
Được biết, vào giữa tháng 8. 2022, các Hội đồng giám mục trên thế giới đã được yêu cầu gửi các Bản Tổng Hợp những kinh nghiệm, những câu hỏi, những cuộc thảo luận, và những nhận thức nổi bật từ các giáo xứ, và giáo phận địa phương. Cho đến nay, Văn phòng Thượng hội đồng đã nhận được các Bản Tổng Hợp từ hơn 100 trong số 114 Hội đồng giám mục trên thế giới, “và hiện giờ những Bản Tổng Hợp vẫn đang được gửi đến. Con số đáng kinh ngạc này cho chúng ta biết rằng, đúng thực, Giáo hội đang ở trong Thượng hội đồng!”
“Giai đoạn thứ hai” hoặc “Giai đoạn cấp Châu lục” của Thượng hội đồng Giám mục đã bắt đầu. Theo đó, Văn phòng Thượng hội đồng sẽ gom các báo cáo của các Hội đồng Giám mục theo Châu lục, đồng thời, sẽ soạn thảo một tài liệu nêu bật những vấn đề ưu tiên và cốt lõi ở quy mô rộng hơn, và mang tính “lục địa” hơn
Mỗi tài liệu Châu lục sẽ được gửi lại cho các Hội đồng giám mục trong khu vực để chuyển tới các cấp địa phương, giáo xứ và giáo phận trong một thời gian dành cho việc suy tư, lắng nghe, đối thoại và phân định nhằm đáp ứng và làm phong phú thêm tài liệu từ văn phòng Thượng Hội đồng. Những phản hồi sau đó sẽ được gửi lại cho văn phòng Thượng Hội đồng và trở thành nền tảng để xây dựng tài liệu làm việc của Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục XVI sẽ được tiến hành tại Vatican vào tháng 10. 2023.
Linh mục Giacomo Costa, SJ, cố vấn Tổng thư ký Thượng Hội đồng và là người đứng đầu nhóm chuyên trách về việc soạn thảo tài liệu giai đoạn Châu lục, cho biết ngài đã nghe nhiều người lo ngại là tiếng nói của họ sẽ “mất hút” trong toàn bộ tiến trình biên soạn và phân tích liên quan đến việc hình thành các Bản Tổng Hợp này.
Cha nói rằng, sẽ có “những khoảng trống”, và trong Hội nghị toàn thể kéo dài một tháng, chẳng thể lấp đầy “mọi thứ” nảy sinh. Vì thế, trọng tâm sẽ là tìm ra các yếu tố thiết yếu và các vấn đề ưu tiên cần giải quyết tại Thượng Hội đồng 2023.
Tuy nhiên, theo cha Costa, phần quan trọng nhất của Thượng Hội đồng, là chính tiến trình thực tế của nó: một Giáo hội tiếp cận với các phần tử của mình, với những người ở ngoại biên, học cách để làm nhiều hơn là đặt vấn đề, và còn để thúc đẩy đối thoại thực tế nữa.
Nữ tu Nathalie Becquart, một trong hai thư ký của Thượng Hội đồng, thông qua một thông dịch viên cho biết, Sơ đã thấy các Giáo hội địa phương thực sự muốn hành trình Thượng hội đồng tiếp tục. “Theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã có một cuộc huy động ấn tượng trên khắp thế giới, một cuộc huy động bao gồm nhiều quốc gia đang trải qua những khó khăn và rất gian khổ, chẳng hạn như Ukraine và Congo”.
Với Sơ Becquart, ở giai đoạn Châu lục vẫn còn những thách đố, bởi vì vẫn cần phải có sự hình thành tốt hơn về cách làm việc nhóm, cách lắng nghe, cũng như sự “thay đổi não trạng”.
Cần phải có một “tư duy” coi mọi người đều có phẩm giá như nhau, và do đó, mỗi người cần được đón nhận và lắng nghe. Điều đó có nghĩa là, cần có nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa từ những người trẻ, phụ nữ, những người phải trải qua nhiều đau khổ và khó khăn, và các nạn nhân của sự lạm dụng. Họ cũng phải “là một phần của tiến trình“.
Trong phần hỏi – đáp của buổi họp báo, ĐHY Hollerich đã nói về mục đích của Thượng Hội đồng là lắng nghe mọi người, và tầm quan trọng của việc tôn trọng giáo huấn của Giáo hội. Về câu hỏi đặc biệt để kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái, thì ĐHY Hollerich khẳng định:
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào truyền thống của Giáo hội, và điều quan trọng, trong tiến trình Thượng Hội đồng này, theo tôi, không phải là thay đổi học thuyết, mà là lắng nghe mọi người, lắng nghe nỗi đau của mọi người, chẳng hạn, tôi nghĩ đến những bậc cha mẹ và những người có liên quan.
Thật thế, mục đích không phải là thay đổi học thuyết, “mà là thay đổi thái độ: rằng chúng ta là một Giáo hội, nơi mọi người có thể cảm thấy như ở nhà“.
Tôi không ủng hộ việc thay đổi bất kỳ học thuyết nào, tôi ủng hộ học thuyết của một Giáo hội, nơi mà, mọi người thực sự có thể cảm thấy được chào đón, và sự chào đón này không có nghĩa là không thể có những cuộc thảo luận và lập trường khác nhau. Nếu chúng ta đóng cửa với người dân, chúng ta sẽ đẩy một số người vào tuyệt vọng, và đó là điều mà chúng ta không muốn.
ĐHY Hollerich cũng cho biết vai trò của ngài được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm tại Thượng Hội đồng với tư cách là Tổng tường trình viên, là để phục vụ Đức Giáo hoàng và toàn thể Giáo hội,
Tôi không có chương trình nghị sự cá nhân nào cho Thượng Hội đồng này. Tôi hy vọng rằng bản thân tôi sẽ được biến đổi trong tiến trình này, bởi vì chúng ta nói về sự hoán cải mang tính hiệp hành, nếu chúng ta là những người tham gia chặt chẽ và cụ thể nhất vào Thượng Hội đồng mà chúng ta không thay đổi, thì có điều gì đó không ổn về phía chúng ta. Vì vậy, tôi cởi mở và lắng nghe, và tôi không thúc đẩy bất kỳ chương trình nghị sự nào.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: www.osvnews.com (26. 8. 2022)