Perfectae Caritatis (PC): The Decree on the Renewal of Religious Life (Sắc lệnh “Đức ái trọn hảo”, nói về việc canh tân và thích nghi đời tu)

SẮC LỆNH“ PERFECTAE  CARITATIS – ĐỨC MẾN TRỌN LÀNH”

của Công Đồng Vaticanô II (để canh tân thích nghi Đời sống Tu trì)

Paulo, Giám mục, tôi tớ rốt hết các tôi tớ Chúa cùng với các Nghị phụ của Thánh Công Đồng ghi nhớ muôn đời!

I. MỞ ĐẦU:

1. Trong Hiến Chế “Lumen gentium: ÁNH SÁNG MUÔN DÂN” Công Đồng đã chứng tỏ: việc theo đuổi đức Mến Trọn lành theo lời khuyên Phúc âm là việc đã có nguồn gốc từ Giáo lý gương lành của Thầy Chí Thánh. Nó đã xuất hiện như một biểu hiện huy hoàng của Nước Trời. Nay Công Đồng muốn nói về đời sống và Quy luật của các Dòng có lời khấn “Sạch sẽ, Khó Khăn Vâng Lời” và cung cấp cho các Dòng ấy những nhu cầu theo sự đòi hỏi của thời nay.

2. Ngay từ khi bắt đầu có Giáo hội cũng đã có nhiều người nam cũng như nữ muốn được thong dong theo Chúa Kytô hơn. Tuy mỗi người mỗi cách nhưng ai cũng sống đời sống tận hiến thật cho Chúa. Nhiều người với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã sống cô đơn tịch mịch hoặc đã lập nên các gia đình Tu viện mà Giáo hội đã vui lòng dùng quyền chấp nhận. Từ đó, nhờ ơn Chúa quan phòng đã phát xuất ra không biết bao nhiêu Hội Dòng khác nhau, giúp ích rất nhiều để Giáo hội có thể làm được mọi việc lành thánh (2Tim 3, 17) và hoàn thành được nhiệm vụ thiết lập Nhiệm thể Chúa Ky tô (Eph 4, 12). Hơn nữa, Giáo hội còn được các con cái trổ tài trang điểm cho nên xinh đẹp như một vị Hiền thê được trang sức để đón Hiền phu. (Apoc 21, 2). Nhờ ở Giáo hội, người ta mới nhận thấy được nguồn mạch khôn ngoan phong phú của Thiên Chúa (Eph 3,10).

3. Tuy được Ơn Chúa khác nhau nhưng tất cả những ai đã được Chúa gọi thực hành lời khuyên Phúc âm và đã khấn giữ đều tận hiến cho Chúa cách đặc biệt để theo Chúa Kytô Đấng trinh trong và nghèo khó (Matth 8, 20; Luca 9,58). Đấng đã vâng lời cho đến chết trên Thập giá (Phil 2,8 ) để cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Được thúc giục bước vào đường Đức ái mà Chúa Thánh Thần soi sáng trong lòng (Roma 5,5), họ luôn luôn sống cho Chúa Kytô và cho Nhiệm thể Người là Giáo hội (Col 1,24). Vì thế, nhờ việc tận hiến toàn diện, họ càng  thiết tha kết hợp với Chúa Kytô hơn bao nhiêu thì sức sống của Giáo hội càng được phong phú và việc Tông đồ càng được kết quả dồi dào hơn bấy nhiêu.

4. Nhưng, để trong hoàn cảnh thời nay, Giáo hội lợi dụng được sự cao quí của đời tận hiến khấn giữ các lời khuyên Phúc âm và vai trò cần thiết của các Dòng hơn, Công Đồng đã quyết định các điều sau đây nói về các nguyên tắc chung để canh tân thích nghi đời sống và Quy luật các Hội Dòng, dĩ nhiên vốn giữ tính chất riêng của mỗi Dòng, kể cả các Tu hội không có lời khấn và các Dòng sống ở ngoài đời. Còn những quy tắc riêng để thực hiện và áp dụng những nguyên tắc chung ấy, sẽ được chỉ định sau Công Đồng do cơ quan có thẩm quyền.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG ĐỂ CANH TÂN THÍCH NGHI

5. Việc canh tân thích nghi đời sống Tu trì một trật đòi trở lại nguồn của đời sống Kytô hữu và ơn linh ứng đã phát sinh ra mọi Hội Dòng,  đồng thời đòi hỏi Dòng phải thích nghi với hoàn cảnh sinh hoạt mới. Việc canh tân như thế phải được hoàn thành với ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, và dưới sự hướng dẫn của Giáo hội theo các nguyên tắc sau đây:

6. a) Luật tối hậu của Đời sống Tu trì là sống theo Chúa Kytô như Chúa dạy trong Phúc âm. Điều này tất cả các Dòng phải coi là luật tối nghiêm phải giữ.

7. b) Chính lợi ích của Giáo hội đòi mỗi Dòng phải có tính chất và phận vụ riêng của mình. Vì thế, phải đưa ra ánh sáng mà minh xác và trung tín duy trì Tinh thần và chủ ý riêng biệt của Đấng sáng lập Dòng cũng như những tập tục của Dòng, vì tất cả những cái đó là di sản riêng của mỗi Dòng.

8. c) Mỗi Hội Dòng đều phải tích cực tham dự vào đời sống Giáo hội, tuy vẫn giữ tính chất riêng của mình nhưng phải hết sức tán trợ các việc mà Giáo hội khởi xướng và chủ trương như việc riêng của Dòng mình. Phải giữ như thế trong các vấn đề: Thánh Kinh, Tín lý, Mục vụ, Hiệp nhất, Truyền giáo và Xã hội.

9. d) Các Hội Dòng phải phát động các phần tử học hiểu đầy đủ về số phận nhân loại trong thời đại họ đang sống, và về nhu cầu của Giáo hội. Làm sao để dưới ánh sáng Đức Tin, họ khôn ngoan xác nhận được những điều đặc biệt của thế giới ngày nay và đốt lòng hăng say làm việc Tông đồ mà sẵn sàng mau mắn cấp cứu nhân loại cách hữu hiệu hơn.

10. e) Vì chủ ý trước hết của Dòng là để các Tu sĩ được theo Chúa Ky tô, và kết hợp với Thiên Chúa bằng cách khấn giữ các lời khuyên Phúc âm, nên phải biết rõ rằng: dù có thích nghi mấy với nhu cầu của thời đại đòi hỏi cũng không trông được kết quả nào nếu không có sự thiết tha cải tổ canh tân về đời sống thiêng liêng. Đấy mới phải coi là việc chính dù vẫn phải lo phát triển các hoạt động bên ngoài.

III. TIÊU CHUẨN THỰC TẾ ĐỂ CANH TÂN THÍCH NGHI.

11. Tổ chức đời sống kinh nguyện và hoạt động phải được thích nghi khéo léo với tình trạng thể lý và tâm lý hiện tại của các Tu sĩ. Cũng phải tùy theo tính chất riêng của Hội Dòng, mà thích nghi với nhu cầu việc Tông đồ, với trình độ văn hóa, với hoàn cảnh xã hội và kinh tế. Đâu cũng phải lo như thế, nhưng đặc biệt là ở các xứ Truyền giáo.

12. Cũng phải theo các tiêu chuẩn trên, mà duyệt lại cách cai trị của Hội Dòng. Vậy phải duyệt lại Hiến pháp, sách Chỉ nam, Tục lệ, sách kinh, sách Lễ nghi và các sách gì khác nữa về loại đó. Phải bỏ những gì đã lỗi thời, để theo sát văn kiện Công Đồng.

IV. NHỮNG AI PHẢI LO VIỆC CANH TÂN THÍCH NGHI ĐƯỢC KẾT QUẢ.

13. Việc canh tân có kết quả được, và việc thích nghi có đúng đáng được, phải là do sự đồng tâm công tác của hết mọi phần tử Dòng.

14 –Nhưng ấn định những qui tắc và luật lệ để canh tân thích nghi, hoặc đặt thời gian đủ để thí nghiệm cách khôn ngoan, lại là việc của Cơ quan có thẩm quyền, dĩ nhiên là của Đại Hội Đồng Dòng với sự chấp thuận, nếu cần, của Tòa Thánh hay Đấng Bản Quyền, tùy theo luật đòi. Còn về phía các Bề trên, nếu là những vấn đề quan hệ đến toàn thể Hội Dòng, thì các Ngài phải liệu cách khéo léo mà thăm dò nghe ngóng ý kiến của các phần tử Dòng.

15. Còn về vấn đề canh tân thích nghi các nữ đan viện, thì có thể theo ý kiến và nghuyện vọng của các Hội đồng “ Liên Dòng” hay các Hội đồng khác, miễn là có triệu tập hợp pháp.

16. Nhưng cũng phải nhớ rằng, hy vọng canh tân phải đặt ở sự giữ Quy luật và Hiến pháp Dòng cho cặn kẽ theo lương tâm, chứ không phải ở sự ra nhiều luật lệ mới.

V. YẾU TỐ CHUNG CHO MỌI DÒNG

17. Điều cốt yếu là các phần tử các Dòng phải nhớ rằng: nhờ sự khấn giữ các lời khuyên Phúc âm mà mình đã đáp lại tiếng Chúa gọi, để chẳng những đã chết cho tội (Rom 6,11) mà còn từ bỏ cả thế gian nữa, nên chỉ còn sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Quả thực, họ đã tận hiến đời sống để phụng sự Chúa, và việc tận hiến ấy rõ ràng là một việc hiến tế đã làm khi chịu phép Thánh Tẩy, và biểu chứng việc hiến tế ấy cách rõ rệt đầy đủ hơn.

18. Vì việc họ hiến thân như thế được chính Giáo hội nhận, nên họ cũng phải biết rằng: họ đã buộc mình phục vụ Giáo hội nữa.

19. Việc Phụng sự Chúa như thế vừa đòi buộc, vừa giúp họ thi hành các nhân đức, nhất là đức Khiêm nhường và đức Vâng lời, đức Can đảm và đức Trong sạch, là những nhân đức làm cho họ được tham dự vào cuộc Chúa Kytô chịu hủy diệt (Phil 2,7-8) và đồng thời được sống với Người trong Chúa Thánh Thần (Rom 8,1-13).

20. Vậy, chớ gì các Tu sĩ trung tín với các lời khấn, mà từ bỏ hết mọi sự vì Chúa Kytô (Marc 10, 28) để theo Người như một người cần thiết duy nhất (Luc 10, 42; Math 19,21) để nghe lời Người (Luc 10,39) và lo những gì thuộc về Người (1 Cor 7,32).

21. Cho nên Tu sĩ các Dòng, chỉ vì lo tìm một mình Chúa, nên phải lấy việc chiêm niệm kết hợp lòng trí với Chúa mà phối hiệp với lòng yêu mến việc Tông đồ để gắng hòa mình vào công cuộc Cứu thế và mở rộng nước Chúa.

VI. PHẢI LO ĐỜI SỐNG SIÊU NHIÊN TRƯỚC HẾT

22. Tiên vàn, những người khấn giữ các lời khuyên Phúc âm hãy lo tìm và yêu mến Chúa trước đã, vì Chúa đã thương yêu chúng ta trước (1 Joan 4,10) và bất cứ trong hoàn cảnh nào, họ phải tâm tâm niệm niệm sống với Chúa Kytô trong Thiên Chúa (Col 3,3). Nhờ đó mới phát ra tình yêu đồng loại thúc bách họ lo cứu rỗi thế gian và xây dựng Giáo hội. Cũng chính nhờ ở Đức ái ấy mà việc thực thi các lời khuyên Phúc âm được sống động và điều hành.

23. Vì thế, các Tu sĩ phải luôn luôn ân cần luyện cho có tinh thần Cầu nguyện và biết cầu nguyện thật, để được sức ở nguồn sống thiêng liêng Chúa Kytô. Trước hết, ngày nào cũng phải cầm đọc và nghiền gẫm Thánh Kinh để học hiểu khoa học cao siêu vềChúaKytô (Phil 3,8). Rồi phải dự các Lễ nghi Phụng vụ, nhất là Bí Tích Thánh Thể (lễ Missa) để miệng đọc lòng suy, mà cầu nguyện theo tinh thần Giáo hội và nhờ ở nguồn sống vô tận đó, mà nuôi dưỡng được đời sống thiêng liêng của họ.

24. Được tổ chức bằng luật Thánh và bàn Thánh như thế, họ mới biết lấy tình Huynh đệ mà yêu thương các chi thể Chúa Kytô, mới biết lấy tình con thảo mà mến yêu tôn kính các Chúa chiên, mới biết sống và tưởng nhớ đến Giáo hội, và hiến thân chu toàn sứ mệnh của Giáo hội hơn.

VI. NHỮNG DÒNG HOÀN TOÀN HƯỚNG VỀ CHIÊM NIỆM

25.  Những Hội Dòng hoàn toàn hướng về chiêm niệm. Là những Dòng mà các Tu sỹ chỉ lo duy về việc thiêng liêng với Chúa trong cô tịch lặng lẽ, chuyên chăm cầu nguyện và vui lòng hãm mình đền tội. Tuy việc hoạt động Tông đồ bên ngoài là khẩn thiết thực, nhưng những Dòng ấy vẫn giữ một địa vị ưu tú nhất trong Nhiệm thể Chúa Kytô “vì không phải chi thể nào cũng làm một việc như nhau” (Rom 12,4) Quả thế, vì họ dâng lên Thiên Chúa của lễ ngợi khen siêu việt, làm họ vẻ vang cho dân Chúa bằng những công nghiệp dư dật bởi sự thánh thiện, họ lấy gương sáng kích thích và làm cho dân Chúa được phát triển bằng một việc Tông đồ kín đáo, nhưng phong phú. Cho nên họ là vinh dự của Giáo hội, và là máng chuyển ơn Trời xuống vậy.

26. Nhưng dầu sao, đời sống của họ cũng phải duyệt lại theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn đã nói trên để canh tân thích nghi, nhưng phải giữ nguyên vẹn luật xa cách thế gian và các việc thích đáng riêng cho đời sống chiêm niệm.

VIII. NHỮNG TU VIỆN HIẾN THÂN CHO VIỆC TÔNG ĐỒ

27. Trong Giáo hội có rất nhiều Dòng Giáo sỹ và Giáo dân hiến thân cho việc Tông đồ bằng nhiều cách khác nhau vì họ có những đặc ân khác nhau tùy theo ơn Chúa ban: Ơn phục vụ khi phải phục vụ, ơn giảng dạy khi phải giảng dạy, ơn khuyên dụ khi phải khuyên dụ, người phát chẩn thì không so đo hà tiện, người cứu tế thì tươi cười hớn hở (Rom 12.5-8). “Thật có nhiều ơn thiêng liêng khác nhau, nhưng đều cùng bởi một Chúa thánh Thần” (1 Cor 12,4).

28. Đối với các Dòng này, việc Tông đồ và Từ thiện chính là bản chất của Dòng, họ coi đó là một nhiệm vụ Thánh, một việc chuyên môn về Bác ái, mà Giáo hội đã ủy thác cho họ làm nhân danh Giáo hội. Vì thế mà cả đời sống của các Tu sỹ ấy phải thấm nhuần tinh thần Tông đồ và tất cả hoạt động Tông đồ phải được nuôi dưỡng bằng Tinh Thần tu trì. Vậy trước hết, để các Tu sỹ được đáp lại ơn Thiên triệu của họ là theo Chúa Kytô và phục vụ chính Chúa Kytô ẩn trong các Chi thể Người, việc hoạt động Tông đồ của họ phải do bởi sống kết hợp mật thiết với chính Chúa Kytô mà phát xuất. Do đó, tình mến Chúa yêu người mới phát triển mạnh được.

29. Vậy các Dòng này phải biết thích nghi cách chính xác những Luật lệ và Tập tục của Dòng với nhu cầu của việc Tông đồ đòi họ. Nhưng vì các Dòng hiến thân cho việc Tông đồ mặc nhiều hình thức khác nhau nên việc thích nghi cũng phải để ý đến các điểm khác nhau đó. Vì thế mà trong mỗi Dòng, đời sống các Tu sỹ phục vụ Chúa Kytô cũng phải được nâng đỡ bằng những phương tiện khác nhau, thích hợp riêng với mỗi Dòng.

IX. DUY TRÌ ĐỜI SỐNG ĐAN VIỆN VÀ TU VIỆN

30. Ở bên Đông cũng như bên Tây, phải trung thành duy trì và luôn luôn lo làm sáng tỏ tinh thần đúng đáng của Dòng Khổ tu hơn mãi lên. Tổ chức đáng kính ấy, trải qua bao thế kỷ vẫn được Giáo hội và Xã hội ghi ơn. Bổn phận chính của Tu sỹ Đan viện và phụng sự Chúa uy nghi cao cả cách khiêm nhường nhưng cao thượng trong nội vi nhà Dòng và có khi cũng phụ trách cách hợp pháp một đôi việc Tông đồ hay Bác ái Công giáo nữa. Các Dòng ấy tuy vẫn giữ sắc thái riêng của Dòng nhưng cũng phải canh tân các tập truyền tốt đẹp cổ kính  và thích nghi nó với nhu cầu thời đại mà các linh hồn đòi hỏi để làm sao cho các Đan viện trở nên những trung tâm sống động cảm hóa được dân Chúa.

31. Cũng thế, các Hội Dòng mà Quy luật hay Hiến pháp cho phối hợp chặt chẽ đời sống Tông đồ với Kinh nguyện ca hội và luật Đan viện cũng phải lo hòa hợp đời sống họ vào với nhu cầu việc Tông Đồ cách xứng hợp để vẫn trung thành giữ được luật sống của họ mà lại lợi ích cho Giáo hội hơn.

X. VỀ DÒNG GIÁO DÂN

32. Dòng Giáo dân bất luận nam hay nữ, nguyên vẫn là bậc trọn lành khấn giữ các lời khuyên Phúc âm. Bậc này rất hữu ích cho trách nhiệm mục vụ của Giáo hội như giáo dục thanh thiếu niên, săn sóc bệnh nhân hay các việc Tông đồ khác. Công đồng rất lưu ý đến bậc này, xác nhận các Tu sỹ ở trong ơn Thiên triệu ấy, và khuyến khích họ cố thích nghi đời sống họ với đòi hỏi thế giới ngày nay.

33. Công đồng tuyên bố: các Hội Dòng nam, tuy vẫn phải giữ vững tính chất Giáo dân của Dòng nhưng được chọn lấy mấy người cho chịu chức Thánh để làm các việc về Chức vụ Linh mục cho Dòng mình tùy Đại Hội Đồng quyết định.

 XI. VỀ DÒNG Ở NGOÀI ĐỜI

34. Tùy Dòng ở ngoài đời không phải là các Tu viện nhưng cũng khấn thật và giữ trọn các lời khuyên Phúc âm ở ngoài đời và đã được Giáo hội công nhận như vậy. Lời khấn đó làm cho người Nam cũng như người Nữ, Giáo dân cũng  như Giáo sỹ sống giữa thế gian mà tận hiến thật. Vì thế, trước hết họ phải lo tận hiến cho Chúa trong Đức Mến Trọn Lành, và Dòng của họ phải giữ cái tính chất “đời” là cái tính chất đặc sắc riêng biệt của Dòng để có thể làm việc Tông đồ mà Dòng đã chủ trương một cách hữu hiệu ở khắp nơi trong thế gian, như thể họ bởi chính thế gian mà ra vậy.

35. Nhưng họ phải biết rõ ràng: họ chỉ có thể chu toàn nhiệm vụ ấy được khi nào các phần tử Dòng được huấn luyện chắc chắn những điều về Chúa và về nhân loại để trở nên men thật ở giữa thế gian, làm cho Nhiệm thể Chúa Kytô được mạnh mẽ và lớn lên. Vì thế, các Bề Trên phải săn sóc cẩn thận cho họ được huấn luyện và cứ tiếp tục được huấn luyện mãi mãi, nhất là về tinh thần.

XII. ĐỨC SẠCH SẼ

36. Đức sạch sẽ “giữ vì nước Trời” (Matth 19,12) mà các Tu sỹ khấn, phải được coi là một Ơn trọng đại Chúa ban. Đức ấy làm cho lòng người được thong dong đặc biệt (1Cor 7,32–35) để chỉ còn cháy lửa mến Chúa yêu người. Vì thế, Đức ấy vừa là dấu riêng được của trên trời, vừa là một phương tiện rất đắc lực để các Tu sỹ tận hiến Phụng sự Chúa và làm việc Tông đồ. Họ gợi lên trước mắt tín hữu sự kết hợp lạ lùng do Chúa đặt nên, và sự kết hợp ấy sẽ được minh chứng đời sau, nhờ đó Giáo hội lấy Chúa Kytô làm Bạn độc nhất của mình

37. Bởi vậy, các Tu sỹ hãy lo trung thành với lời khấn, hãy tin vào lời Chúa, hãy cậy vào ơn Chúa giúp, đừng cậy vào sức mình. Hãy hy sinh hãm dẹp và gìn giữ ngũ quan. Cũng đừng bỏ qua các phương thế tự nhiên có lợi cho sự lành mạnh phần hồn và phần xác. Như thế, họ sẽ không để mình bị lung lạc bởi các tà thuyết cho rằng: sự giữ mình trinh khiết trọn vẹn là không có thể được hoặc có hại cho nhân số; và như có một bản năng thiêng liêng thúc đẩy, họ cự tuyệt với tất cả những gì có thể gây nên nguy hiểm cho Đức sạch sẽ. Tất cả các Tu sỹ và nhất là các Bề Trên phải nhớ rằng: Đức ấy sẽ được bảo thủ dễ dàng hơn nếu ở giữa các Tu sỹ có tình bác ái Huynh đệ thực sự trong đời sống chung.

38. Phải nhận rằng, việc giữ đức Trinh khiết toàn vẹn động chạm sâu sa đến khuynh hướng tự nhiên đã ăn sâu đặc biệt vào bản tính con người, nên các người dự khấn Đức sạch sẽ chỉ được xin hay được nhận cho khấn, sau một thời gian đã thử thách thực đầy đủ mà thấy đã có sự chắc chắn cần phải có về tâm lý và tình cảm. Báo trước cho họ những nguy hiểm về Đức ấy mà thôi không đủ, còn phải luyện tập thế nào cho họ dám nhận lấy bậc độc thân tận hiến cho Thiên Chúa, để phối hiệp nó với sự phát triển nhân cách của mình.

XIII. ĐỨC KHÓ NGHÈO

39. Tự tình ở khó nghèo để theo Chúa Kytô đó là một điểm đặc biệt giá trị đối với ngày nay nên các Tu sỹ phải thực hiện đức Khó nghèo cách cẩn thận tỉ mỉ, và khi cần, cũng phải minh chứng Đức ấy bằng những hình thức mới mẻ. Nhờ Đức Khó nghèo, các tu sĩ được trở nên khó nghèo với Chúa Kytô, Đấng đã chịu thiếu thốn vì chúng ta, mặc dầu Ngài vốn là Đấng giàu có, Người chịu trần trụi để chúng ta được nên giàu sang (2 Cor 8, 9–Matth 8,20)

40. Đức Khó Nghèo của bậc Dòng nếu chỉ vụ tại ở chỗ xử dụng của cải theo ý Bề Trên mà thôi thì chưa đủ. Các Tu sĩ còn phải là những người khó nghèo thực sự, chẳng những bên ngoài và cả bên trong nữa, là những người chỉ có kho tàng ở trên trời mà thôi (Matth 6, 20).

41. Làm sao cho những Tu sỹ trong khi làm việc bổn phận, ý thức được rằng: luật làm việc là luật chung buộc họ và trong khi tìm nhu cầu để sống và để làm việc, họ phải dứt bỏ mọi lo lắng thái quá mà phó thác cho Cha Cả trên trời quan phòng (Matth 6,25).

42. Các Dòng có thể lấy Hiến pháp mà cho phép các Tu sĩ khước từ những di sản cha ông để lại hoặc đang có hoặc sẽ có.

43. Chính các Hội Dòng hãy cố gắng tùy theo hoàn cảnh mỗi địa phương, mà cùng nhau nêu gương làm chứng về Đức khó nghèo. Họ phải vui lòng tự tình lấy của cải mình mà giúp vào những nhu cầu của Giáo hội và nâng đỡ những người nghèo khổ, những người mà hết mọi Tu sĩ phải thật tình mến yêu trong Thánh Tâm Chúa Kytô (Matth 19, 21-25. 34-46; Jac 2,15-16; 1 Joan 3,17). Các tỉnh Dòng cũng như các nhà thuộc về Dòng phải chia sẻ của cải vật chất giúp nhau: Chỗ có giúp chỗ không.

XIV. ĐỨC VÂNG LỜI

45. Bởi lời khấn Đức Vâng Lời, các Tu sĩ tận hiến ý riêng cho Chúa, đặt chính mình làm của lễ hy sinh thượng tiến Chúa và nhờ đó họ kết hợp bền chặt hơn với chương trình Cứu chuộc của Chúa theo gương Chúa Kytô, Đấng đã đến để làm theo ý Đức Chúa Cha (Joan 4,34. 5,30; Hebr10,7; Ps 39,9), Đấng đã đóng vai nô lệ (Phil 2, 7) chịu khổ nhục để vâng lời (Hebr 5,8). Các Tu sĩ nhờ ơn Chúa Thánh Thần cũng lấy Đức Tin đặt mình vâng phục các Bề Trên đại diện của Chúa để được hướng dẫn và phục vụ tất cả anh em trong Chúa Kytô như chính Chúa Kytô, Đấng vì tuân phục Đức Chúa Cha đã đặt mình làm đầy tớ anh em Ngài và đã hiến mạng sống Ngài để cứu chuộc muôn dân (Matth 20,28; Joan 10,14-18). Như thế, các Tu sỹ mới liên kết chặt chẽ để phục vụ Giáo Hội hơn và đạt tới độ tuổi viên mãn của Chúa Kytô (Eph 4,13).

46. Vậy các Tu sỹ phải lấy lòng tôn kính khiêm nhường mà phục tùng các Bề Trên theo Quy luật Hiến pháp trong tinh thần Đức Tin và Đức Mến đối với thánh ý Chúa, đem hết khả năng trí hiểu và ý muốn, tận dụng hết ơn Chúa và năng khiếu để chu toàn các mệnh lệnh và thực thi các trách nhiệm đã ủy thác cho – vì xác tín rằng: mình đang lo việc thiết lập Nhiệm thể Chúa Kytô theo ý Chúa. Như thế, Đức Vâng Lời của bậc Dòng chẳng những không làm giảm bớt nhân vị đi chút nào mà còn đưa nó đến tuổi trưởng thành, vì làm cho sự tự do của con cái Chúa được phát triển thêm.

47. Về phần các Bề Trên, những người phải chịu trách nhiệm và các linh hồn Chúa trao phó cho coi sóc (Hebr 13,17), hãy ngoan ngoãn theo ý Chúa mà chu toàn trách nhiệm. Các Bề Trên phải thi hành quyền bính với tinh thần phục vụ anh em mình, làm sao để tỏ cho họ biết được rằng Chúa yêu họ. Các Bề Trên phải cai quản những kẻ thuộc quyền mình như coi sóc con cái Chúa với sự tôn trọng nhân vị và khích lệ họ tự nguyện phục tùng. Nhất là phải cho họ được tự do chính đáng về việc Xưng tội và việc Linh hướng; phải hướng dẫn cho họ biết cộng tác bằng Đức Vâng Lời, biết chịu trách nhiệm, chủ động cả trong việc chu toàn phận sự, cả trong các sáng kiến. Vì thế các Bề Trên hãy vui lòng nghe các ý kiến họ trình bày và khuyến khích họ cộng lực vào lợi ích của Dòng và của Giáo hội, tuy nhiên vẫn phải dùng quyền mà quyết định và điều khiển việc phải làm.

48. Đại Hội Đồng và các Hội Đồng quản trị Dòng phải trung thành chu toàn phận sự đã ủy thác cho trong việc quản trị Dòng. Các cơ quan ấy phải tùy theo quyền hạn của mình mà thực hiện để mọi phần tử Dòng đều được tham gia và thiết tha với lợi ích chung của Hội Dòng.

XV. ĐỜI SỐNG CHUNG

49. Đời sống chung phải được duy trì bằng sự cầu nguyện và tinh thần hòa hiệp phải được nuôi dưỡng bằng Giáo lý Phúc âm, bằng Phụng vụ và nhất là bằng Bí Tích Thánh Thể (Act 2,42), theo gương thời Giáo hội sơ khai, bao nhiêu tín hữu mà cũng chỉ có một lòng và một linh hồn (Act 4,32). Là chi thể của Chúa Kytô, các Tu sỹ phải tôn trọng nhau, xử với nhau như anh em (Rom 12,10), nhường nhịn nhau (Gal 6,2). Quả thật, Đức ái của Chúa đã được Chúa Thánh Thần đổ xuống mọi tâm hồn (Rom 5,5), mà Hội Dòng đúng là một gia đình hợp lại vì danh Chúa nên cũng được hưởng sự hiên diện của Chúa (Matth 18,20). Đức ái là tất cả lề luật (Rom 13,10), là dây buộc sự trọn lành (Col 3,14); nhờ Đức ái, ta biết mình đã được chuyển từ sự chết đến sự sống (1 Joan 3,14). Đàng khác, sự anh em hợp nhất minh chứng sự Chúa Kytô đã đến (Joan 13,35 – 17,21), do đó phát ra một sức mạnh mãnh liệt cho việc Tông đồ.

50. Để tình Huynh đệ giữa các Tu sỹ được mật thiết hơn, phải đưa những tu sỹ thường được gọi là “Trợ sỹ” “người giúp việc” hay tên nào khác vào cộng tác chặt chẽ với đời sống và công việc của Hội Dòng. Trừ trường hợp thực sự đòi phải làm khác, các Dòng nữ phải cố làm sao tới chỗ chỉ có một bậc chị em như nhau. Như thế, chỉ còn khác nhau về việc làm khác nhau do ơn Chúa gọi riêng hay tại khả năng riêng của mỗi người đòi buộc.

51. Còn các Tu viện hay các nam đan viện không phải thuần túy là Dòng giáo dân thì có thể tùy theo tính chất riêng và Hiến Pháp của Dòng mà cho các người Giáo sỹ và Giáo dân có cả một tước hiệu, một quyền lợi, một nghĩa vụ như nhau, trừ những gì về chức Thánh.

 XVI. NỘI VI

52. Luật nội vi Giáo Hoàng của các nữ đan sĩ chuyên sống đời chiêm niệm phải giữ cẩn thận, nhưng phải thích hợp với hoàn cảnh tùy thời, tùy nơi, mà bỏ những tập tục đã lỗi thời, sau khi đã đón nghe ý nguyện của các đan viện.

53. Còn về các nữ đan sỹ khác, theo luật Dòng có chuyên về việc Tông đồ ở ngoài nữa thì được miễn giữ luật nội vi Giáo Hoàng để dễ chu toàn việc Tông đồ đã ủy thác cho hơn,nhưng vẫn phải giữ luật Nội vi do Hiến pháp định.

XVII. ÁO DÒNG

54. Y phục Tu sĩ là dấu chỉ người đã tận hiến cho Thiên Chúa nên phải đơn sơ và giản dị, đồng thời phải nghèo khó và nhã nhặn, hợp với sự đòi hỏi của sức khỏe, và thích nghi với hoàn cảnh, thời tiết, thủy tổ, và cả với nhu cầu của việc Tông đồ nữa. Nên y phục Dòng nam cũng như Dòng nữ, nếu thấy không đúng với những nguyên tắc trên đây thì phải đổi.

XVIII. HUẤN LUYỆN CÁC TU SỸ

55. Việc canh tân thích nghi các Dòng can hệ nhất ở việc huấn luyện các Tu sỹ. Vì thế, không được cho các Tu sỹ Giáo dân hay các nữ Tu vừa mới ở nhà Tập ra đi làm việc Tông đồ ngay mà phải tiếp tục cho họ ở các nhà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để huấn luyện họ về Tinh thần, việc Tông đồ, Giáo lý và Kỹ thuật. Cũng nên liệu cho họ có bằng cấp thích hợp nữa.

56 . Nhưng để việc thích nghi đời sống Dòng với nhu cầu ngày nay không chỉ hời hợt bên ngoài và để những người được cắt vào việc Tông đồ ở ngoài không bị bất lực với nhiệm vụ thì phải tùy theo khả năng trí khôn và tính khí mỗi người mà cho họ học đủ về những nếp sống cũng như về quan niệm của xã hôi ngày nay; phải dung hòa những yếu tố huấn luyện làm sao cho người Tu sỹ giữ được một đời sống duy nhất.

57. Rồi suốt đời các Tu sỹ vẫn phải tìm cách kiện toàn cẩn thận mãi về khả năng Tinh thần, Giáo lý và Kỹ thuật. Còn các Bề Trên thì tùy sức có thể mà lo cho họ có dịp, có phương tiện và có đủ thời giờ cần thiết.

58. Các Bề Trên cũng có nhiệm vụ buộc phải lo chọn lựa cho kỹ lưỡng và chuẩn bị cho cẩn thận về những vị linh hướng những thày dạy Tu đức và các giáo sư.

XIX. THÀNH LẬP CÁC DÒNG MỚI

59. Về việc lập các Dòng mới, phải cân nhắc cẩn thận xem có cần thiết thật không, hay ít là có ích lợi lắm không và liệu có thể khuyếch trương được không. Như thế mới tránh được thảm cảnh thành lập bừa bãi những Hội Dòng vô ích hay chẳng có hiệu lực thiết yếu gì. Đặc biệt là ở các Giáo đoàn mới, nên cổ động và phát triển những thứ Dòng am hợp với tính tình và phong hóa dân chúng, với nếp sống và phong tục địa phương.

XX. DUY TRÌ, THÍCH NGHI HAY HỦY BỎ CÁC VIỆC RIÊNG CỦA DÒNG.

60. Các Dòng phải trung tín duy trì và theo đuổi các công việc riêng biệt của Dòng, phải chăm chú đến lợi ích của toàn thể Giáo Hội và Địa phận. Các Dòng phải thích nghi với nhu cầu thời đại và địa phương bằng cách dùng các phương tiện thích hợp, cả những thứ mới mẻ nữa và bãi bỏ những việc mà thời nay không còn hợp với tinh thần và bản chất thực sự của Dòng.

61. Dòng phải tuyệt đối duy trì tinh thần Truyền Giáo và tuy vẫn giữ đặc tính riêng của Dòng nhưng phải thích nghi nó với hoàn cảnh ngày nay để Phúc âm được truyền bá cách hữu hiệu hơn giữ các dân tộc.

XXI. CÁC TU VIỆN VÀ ĐAN VIỆN ĐANG SUY ĐỒI

62. Những Tu viện và Đan viện mà theo ý các Đấng Bản Quyền địa phương và theo sự phán đoán của Tòa Thánh, không còn hy vọng chấn hưng được nữa thì tự hậu cấm không được nhận Tập sinh nữa, và nếu có thể, nên sát nhập vào Tu viện hay Đan viện nào khác đang hưng thịnh không mà mục đích và tinh thần cũng tương tự nhau.

XXII. PHỐI HIỆP CÁC DÒNG

63. Tùy theo sự thuận lợi và với sự chấp thuận của Tòa Thánh, các Tu viện và Đan viện độc lập sẽ hiệp lại với nhau thành Liên Tu viện, nếu thuộc về cùng một gia đình Dòng hay thành Liên minh, nếu cùng một Hiến pháp, cùng một Tập tục và cùng một Tinh thần, nhất là nếu các Dòng ấy èo ặt, hay thành Hiệp hội nếu cùng lo các việc bên ngoài y như nhau hay giống nhau.

XXIII. HỘI NGHI CÁC BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP

64. Phải tán thành các Hội nghị hay Hội đồng các Bề Trên thượng cấp do Tòa Thánh lập vì nó rất có lợi, giúp các Dòng đạt được mục đích Dòng cách hoàn hảo hơn với mục đích là khuyến khích các Dòng cộng tác với nhau cách hữu hiệu hơn để mưu ích cho Giáo hội để phân phối các thợ Phúc âm trong một địa hạt nhất định cách đều hòa hơn để cứu xét về các vấn đề có liên quan chung đến các Tu sỹ. Hội phải lo phối trí và cộng tác khéo léo với Hội đồng Giám mục trong việc Tông đồ. Các Dòng ở ngoài đời cũng nên lập các Hội nghị như thế.

 XXIV. ƠN THIÊN TRIỆU TU DÒNG

65. Các Linh mục và các nhà Giáo dục Công giáo phải hết sức cố gắng tùy theo nhu cầu của Giáo hội mà phát triển ơn Thiên Triệu. Phải tuyển lựa cẩn thận và sáng suốt. Ngay trong các bài giảng thường ngày cũng nên nói luôn về các lời khuyên Phúc âm và về việc chọn ở bậc Tu Dòng. Trong việc Giáo dục con cái theo tinh thần Kytô giáo, các Cha mẹ phải cố gắng in vào lòng con cái và tưởng lệ chúng về ơn Thiên Triệu tu Dòng.

66. Các Dòng được phép quảng cáo Dòng mình để cổ động ơn Kêu gọi và tìm người vào tu miễn là làm cách khôn ngoan thận trọng theo đúng quy tắc Tòa Thánh và Đấng Bản Quyền đã ra.

67. Nhưng phải nhớ rằng, gương sáng đời sống của Tu sỹ mới là bài giới thiệu hay hơn hết cho Dòng và là lời khuyến tu hữu hiệu nhất.

XXV. KẾT LUẬN

68. Các Dòng mà quy tắc cải tổ thích nghi này nói đến, phải hết sức thiết tha đáp lại Ơn Thiên Triệu Chúa ban và sứ mệnh trong Giáo hội thời nay. Thánh Công Đồng tôn trọng cách sống Trinh khiết, Khó nghèo và Vâng lời mà chính Chúa Kytô là Mô phạm và Công đồng tin tưởng hy vọng vào những công việc phong phú của các Dòng hoặc âm thầm, hoặc công khai.Vậy hết thảy các Tu sỹ hãy vì đức Tin tinh tuyền, vì đức Ái đối với Chúa và với đồng loại, vì mến yêu khổ giá, vì hy vọng được vinh quang ngày sau mà gieo rắc Tin lành Chúa Kytô trên khắp vũ trụ để làm chứng cho mọi người thấy rõ và để sáng danh Cha Cả trên Trời (Matth 5,16.) Được như thế, nhờ ơn phù hộ của Rất Thánh Đồng Trinh Maria Mẹ Chúa Trời mà đời sống là mẫu mực cho mọi người (S. Ambroise, de la Virginité I.II, chap II n. 15), số Tu sỹ sẽ được tăng thêm mãi mà kết quả của việc Tông đồ cũng được dồi dào hơn.

69. Toàn thể Sắc Lệnh cũng như từng điểm ghi trong Sắc Lệnh này đã được Nghị phụ ưng thuận.Vậy Ta lấy quyền Tông Đồ Chúa Kytô trao cho, đồng ý với các quý Nghị phụ mà phê chuẩn, quyết định và hạ lệnh trong Chúa Thánh Thần mà truyền cho những điều đã được quyết định trong Công Đồng phải được công bố cho sáng danh Chúa.

 Tại Roma, ở đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965

Ta, Paulô, Giám Mục Giáo Hội Công Giáo

Và các Nghị Phụ Công Đồng ký

 

Trả lời