Những con số “khủng” trong quy trình phong thánh

Bộ Phong Thánh hằng năm đều xem xét hàng trăm trang tài liệu về các vị Đáng Kính, Chân Phước và Hiển Thánh tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng quy trình phong thánh diễn ra như thế nào? Aleteia phác họa vài nét về hoạt động này qua các con số và lời giải thích.

Đây đúng là nơi cung cấp cho người ta rất nhiều giả thuyết và huyền nhiệm. Tại Vatican, Bộ Phong Thánh xử lý hàng trăm hồ sơ liên quan đến những vị đáng kính, chân phước và hiển thánh tương lai. Nhưng những hồ sơ đó đến Vatican bằng cách nào?

Nếu vị giám mục của một giáo phận cho rằng có những thông tin đầy đủ về một tín hữu nào đó “nổi tiếng về thánh thiện”, ngài có thể mở một vụ án phong thánh ở cấp độ giáo phận, bằng cách tiến hành một cuộc điều tra.

Giai đoạn này được xem như để xác minh xem người đó có thực hiện những “nhân đức anh hùng” – cụm từ được dùng để chỉ sự “sẵn sàng thường xuyên làm việc thiện quyết liệt, liên tục và không do dự” – ở mức độ cao của đời sống thiêng liêng hay không. Một người được mở hồ sơ vụ án phong thánh được xem là vị “Tôi Tớ Chúa”.

Đối với cuộc điều tra ở cấp độ giáo phận này, Đức Giám mục lập ra một tòa án, gồm những nhà sử học và thần học, để sắp xếp và đánh giá những tài liệu thu thập được. Sau khi kết thúc cuộc điều tra, Đức Giám mục có thể gởi toàn bộ thông tin về Bộ Phong Thánh ở Vatican.

Hiện có từ 2000 đến 3000 vụ án phong thánh đã được mở

Hiện nay, từ 2000 tới 3000 vụ án phong thánh đã được trình lên Vatican và Bộ Phong Thánh đang nhận khoảng 50 vụ án phong thánh mới hằng năm. Mỗi vụ án phong thánh lại có một thỉnh nguyện viên phụ trách và được xem là “trục xoay” của vụ án. Khi hồ sơ được đưa đến Rôma, thỉnh nguyện viên, dưới sự hướng dẫn của một trong 5 vị báo cáo viên của Bộ, sẽ soạn một posito, nghĩa là một bộ hồ sơ tổng hợp tất cả mọi bằng chứng mà giáo phận gom góp được để chứng minh sự thánh thiện của tín hữu đó.

Những posito này trông giống những luận án tiến sĩ và việc sưu tập để soạn ra chúng có thể mất đến hơn 3 năm. Khi báo cáo làm xong, nó sẽ được trình lên những ủy ban khác nhau gồm các nhà sử học và nhà thần học và cuối cùng là trình cho các giám mục và hồng y, thành viên của Bộ Phong Thánh. Nếu các ngài cho ý kiến thuận lợi, quyết định của các ngài sẽ được trình lên Đức Giáo hoàng để ngài phê duyệt lần cuối. Một khi Đức Giáo hoàng đã đồng ý, Bộ Phong Thánh sẽ ban hành những sắc lệnh qua đó Hội Thánh chính thức công nhận, theo từng giai đoạn.

Những giai đoạn của quy trình phong thánh

Trong số hàng ngàn hồ sơ được thẩm định, đa số nằm ở bậc thứ nhất của thang phong thánh, tương đương với việc đánh giá những “nhân đức anh hùng” của một Tôi Tớ Chúa. Nếu những nhân đức này được công nhận, lúc đó vị Tôi Tớ Chúa có thể được công nhận là Đấng Đáng Kính.

Phân khúc lớn thứ nhì của những vụ án phong thánh liên quan tới việc thẩm định các phép lạ; những phép lạ này có thể xảy ra nhờ sự cầu bầu của một Đấng Đáng Kính hay một Chân Phước. Việc công nhận một phép lạ của một Đấng Đáng Kính sẽ mở đường cho việc phong Chân Phước cho ngài; nếu một phép lạ thứ nhì được công nhận sau đó, vị Chân Phước ấy sẽ có thể được phong Hiển Thánh.

Một số hồ sơ có liên quan đến các vị tử đạo, nghĩa là những vị bị giết vì đức tin của mình. Một Tôi Tớ Chúa được công nhận tử vì đạo sẽ được phong Chân Phước ngay, kể cả khi không có phép lạ nào.

Một đời cống hiến cho tha nhân vì đức ái

Một lượng nhỏ hồ sơ cũng liên quan đến những người đã cống hiến đời mình cho người khác vì đức ái. Dạng hồ sơ mới này, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa vào năm 2017, cũng tương tự dạng hồ sơ tử đạo nhưng không đòi hỏi phải bị giết vì đức tin của họ.

Những tỷ lệ này cũng được phản ánh trong nhiều sắc lệnh được ban hành năm 2022. Đức Giáo hoàng, sau 5 lần họp với vị lãnh đạo Bộ Phong Thánh từ đầu năm đến nay, đã phê chuẩn những sắc lệnh mở đường cho việc phong thánh cho 2 vị chân phước.

Đức Giáo Hoàng đồng thời cũng chuẩn nhận 3 vị tử đạo và những phép lạ của 2 vị Đáng Kính, qua đó mở đường cho việc phong Chân Phước cho các vị ấy. Thêm vào đó, 26 vị Đáng Kính cũng được công nhận. Từ năm 2014, vị lãnh đạo Bộ Phong Thánh đã họp với Đức Giáo hoàng trung bình mỗi năm 10 lần, để trình với ngài những sắc lệnh cần phê chuẩn.

Một vị thánh hay một chân phước chỉ chính thức được phong khi một thánh lễ được cử hành và công thức đặc thù được xướng lên. Sau khi nhiều lễ phong thánh bị hoãn lại vì đại dịch, năm nay 12 vị thánh mới đã được phong cùng với 85 chân phước.

Ai vận hành quy trình phong thánh?

Theo niên giám tông tòa năm 2022, tổng cộng có khoảng 60 người làm việc tại Bộ Phong Thánh.

Có 34 thành viên, gồm 16 vị Hồng y và 18 vị Giám mục, được Đức Giáo hoàng chỉ định để ra những quyết định quan trọng nhất trong nội bộ Bộ Phong Thánh. Một trong những thành viên đó là Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, hiện nay là Đức Hồng y người Ý Marcello Semeraro.

Đứng vị trí số 2 và 3, thư ký và phó thư ký Bộ Phong Thánh, là Đức Gíam mục Fabio Fabene và cha Boguslaw Stanislaw Turek. Thêm vào đó còn có một vị phụ trách truyền bá Đức Tin, còn gọi là vị giám mục thần học, Đức Giám mục Carmelo Pellegrino, có nhiệm vụ tìm kiếm sự thật trong những vụ án phong thánh và đưa ra ý kiến về các posito.

Làm việc trong quy trình phong thánh còn có thêm 5 vị báo cáo viên, trong đó một vị là báo cáo viên trưởng, hiện nay là cha Vincenzo Criscuolo; những vị này giúp soạn thảo các posito. Những nhân viên khác của bộ, gồm 22 người, làm việc trong văn phòng hay những ban chuyên môn khác nhau.

Những chuyên gia khác, gồm có 33 vị cố vấn thần học và 26 vị cố vấn sử học, đưa ra ý kiến về các posito. Ngoài ra một số chuyên gia là các chuyên viên y tế cũng làm việc cho Bộ nhưng danh sách của họ không được công khai. Họ cũng khá đông để có thể đảm đương mọi chuyên môn khác nhau trong ngành của họ, vì nhiệm vụ của họ rất quan trọng khi đánh giá một việc chữa lành bệnh có đúng thật là do phép lạ hay không và có đúng là nhờ sự cầu bầu của một vị Đáng Kính hay một vị Chân Phước hay không.

Lê Hưng (TGPSG)
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (31.10.2022)

Isabella H. de Carvalho

Để lại một bình luận