Vậy là tháng mười khép lại, nhường chỗ cho tháng mười một, tháng mà Giáo hội dành riêng để kính nhớ các linh hồn. Với người Ki-tô hữu, tháng mười một sẽ là thời gian đầy cảm xúc linh thiêng, đặc biệt với những ai mất cha, mất mẹ, … Cảm xúc ấy được thể hiện bằng những nén hương, những cành hoa, những ngọn nến nơi các nghĩa trang công giáo….
- Cuộc gặp gỡ của Giáo hội thông công
Nhiều người quanh năm vất vả mưu sinh, tất bật với cơm áo gạo tiền để khi tháng mười một về bỗng giật mình thổn thức, bao kỷ niệm, những tình cảm thân thương lại ùa về trong ký ức … khiến lòng không khỏi ngậm ngùi, trống vắng! Cũng có những người vẫn thường xuyên nhớ đến, vẫn xin lễ, cầu nguyện hằng ngày, vậy mà đến tháng mười một cũng cứ nhớ, cứ thương cách lạ thường…
Thật ra Giáo hội rất khôn ngoan dành trọn tháng mười một mang tên “Tháng Các Linh Hồn” như một “cuộc hẹn” để ta có dịp gần gũi hơn với những người thân đã khuất, trao quà cho các linh hồn cách thiết thực và hữu hiệu bằng những lời cầu nguyện, hy sinh của ta. Bởi vì có bao giờ ta nghĩ rằng nếu ra quên cầu nguyện cho các linh hồn không khác nào ta để các Ngài phải chết thêm một lần nữa!
Tháng mười một nhắc ta một “cuộc hẹn” để ta hiểu rằng chết không phải là lìa xa nhau mãi mãi mà chỉ là bước vào một đời sống mới. Đầu tháng mười một ta mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, là cơ hội nhắc ta hy vọng, là mục tiêu để ta phấn đấu đấu ở đời này, để nói với ta rằng các linh hồn không bế tắc, không tuyệt vọng mà chờ đợi để hợp đoàn cùng các Thánh hiển vinh, điều đó cũng thúc giục ta cầu nguyện nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn để làm phúc cho các linh hồn.
- Cầu cho Người để sống cho mình.
Đức Ki tô khi mặc lấy thân phận phàm trần, Ngài cũng chia sẻ với con người định luật tự nhiên là phải đau khổ và phải chết, nhưng đối với Ngài chết là con đường dẫn đến sự sống đích thực và viên mãn.
Thật vậy, cái chết không là ngõ cụt nhưng là điểm tới cho một cuộc sống mới, tôi sẽ gặt những gì tôi gieo và tôi sẽ mặc những gì tôi dệt hôm nay. Tôi đã từng được chứng kiến nhiều cái chết của Quý Dì, các bà neo đơn, người thân của tôi cũng như của các chị em trong Hội Dòng, sự ra đi của họ nhắc nhở tôi điều gì? Phải chăng cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, những vui buồn trần thế, bao lời khen tiếng chê, hay danh vọng, địa vị, của cải vật chất, … tất cả sẽ qua đi với thời gian chỉ có Chúa mới tồn tại mãi mãi. Vì thế, cái chết cũng nhắc nhở tôi rằng: Hãy trân trọng cuộc sống hôm nay, vì đó là hồng ân nhưng không Chúa ban tặng, đời người chỉ có một lần, một cơ hội duy nhất để tôi được nói, được trao yêu thương cho người thân, cho những người tôi gặp gỡ, một lần để tình yêu của tôi được thấm đậm trong tình yêu của Chúa. Cuộc đời dẫu nhiều sắc thái khác nhau, lúc ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, hay khi đen tối bởi những đau khổ trên đường đời, nhưng tất cả cùng chung một đích điểm, đó là tìm gặp Thiên Chúa, Đấng giàu lòng Xót Thương. Mỗi người có thể có những mơ ước khác nhau nhưng có chung một niềm hy vọng, đó là hạnh phúc vĩnh hằng, để cuối cùng trong cuộc đời làm người khi bước tới ngưỡng cửa sự chết, tôi được an nghỉ đích thực trong Đức Ki-tô.
Ước chi mỗi người chúng ta được mặc lấy tâm tình của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong những năm tháng ngồi tù đã thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa Giê-su, con sẽ không chờ đợi nữa, con sẽ sống giây phút hiện tại cho tròn đầy tình yêu thương. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng đường sẽ đẹp, sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh.”
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết trên thập giá và sống lại vinh quang. Đó là niềm hy vọng của chúng con và của những ai ra đi trước chúng con. Xin hãy tiếp tục dẫn dắt chúng con trên mọi nẻo đường đời, giúp chúng con đủ tín trung trong niềm tin, nhiệt thành trong lòng mến và hăng say phục vụ, để mai ngày chúng con được bước vào cuộc sống vĩnh cửu mà Chúa đã dành sẵn cho chúng con.
Thầm Lặng