Nhận định của Đức Hồng y Parolin về chiến tranh Ucraina

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận định rằng: “Những lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh cha Phanxicô nhiều khi giống như tiếng kêu trong sa mạc, nhưng đó là một tiếng nói ngôn sứ, một lời tiên tri sáng suốt, nhìn xa trông rộng”.

Đức Hồng y tuyên bố như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí “Limes”, số mới xuất bản tại Ý.

Đức Hồng y Parolin nói rằng: “Giáo Hội noi gương Chúa, làm chứng cho hòa bình, tìm cách xây dựng hòa bình. Theo nghĩa đó, Giáo Hội là chủ hòa”.

Về vấn đề sử dụng võ khí, Đức Hồng y Quốc vụ khanh minh xác rằng “Sách Giáo Lý Công Giáo có nói đến sự tự vệ hợp pháp. Các dân tộc có quyền tự vệ nếu bị tấn công. Nhưng sự tự vệ võ trang này cần được thực thi với một số điều kiện mà chính sách Giáo lý liệt kê, đó là khi tất cả các phương thế khác tỏ ra không thể thực hiện được hoặc không hữu hiệu; tiếp đến, có những lý do hữu lý là sẽ thành công; ngoài ra việc sử dụng võ khi không gây nên tai ương và xáo trộn lớn hơn sự ác cần phải loại trừ”.

“Có nhiều trường hợp người ta sử dụng võ khí một cách không tương ứng và bừa bãi, tại rất nhiều nơi trên thế giới. Vì chiến tranh bắt đầu trong tâm hồn con người. Mỗi lời lăng mạ máu lửa đều làm cho hòa bình trở nên xa vời và làm cho bất kỳ cuộc thương thuyết nào cũng khó mà thực hiện được”.

Theo Đức Hồng y, tuy những lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha nhiều khi như “tiếng kêu trong sa mạc”, nhưng những lời ấy như một hạt giống được gieo vãi, cần một thửa đất màu mỡ để mang lại hoa trái. Nếu những tác nhân chính trong cuộc xung đột không để ý đến những lời nói của ngài, thì chẳng có gì xảy ra, và người ta không đạt tới sự chấm dứt những cuộc xung đột”.

Áp dụng vào trường hợp chiến tranh bi thảm tại Ucraina hiện nay, Đức Hồng y Quốc vụ khanh nói: “Dường như không thấy có một sự sẵn sàng ngồi vào bàn để thực sự thương thuyết hòa bình và chấp nhận một sự trung gian ở trên hai bên. Điều hiển nhiên là nếu chỉ có một bên đề nghị hoặc đưa ra một con đường đơn phương, thì không đủ. Điều không thể thiếu là cả hai bên đều bày tỏ ý chí muốn thương thuyết. Tuy tiếng nói của Đức Giáo Hoàng là “tiếng nói trong sa mạc”, nhưng đó vẫn là một chứng tá có giá trị rất cao, ảnh hưởng tới nhiều lương tâm, làm cho con người ý thức hơn rằng hòa bình, chiến tranh, bắt đầu nơi tâm hồn chúng ta, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đóng góp phần của mình để thăng tiến hòa bình trước, và tránh chiến tranh”.

Đức Hồng y Parolin nhìn nhận cuộc chiến tranh Ucraina có thể biến từ tình trạng hiện nay thành một thế chiến thực sự. Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa thể dự đoán hoặc tính toán những hậu quả của những gì đang xảy ra. Hàng ngàn người chết, các thành thị bị tàn phá, hàng triệu người di tản, môi trường thiên nhiên bị phá hủy, nguy cơ đói kém trên thế giới vì thiếu ngũ cốc tại bao nhiêu nơi trên trái đất, cuộc khủng hoảng năng lượng… Làm sao người ta có thể không nhận ra rằng câu trả lời duy nhất có thể, con đường duy nhất có thể thực hiện, viễn tượng duy nhất có thể tiến hành, là ngưng võ khí và thăng tiến một nền hòa bình công chính và lâu bền?”

(Limes, Sismografo 9-8-2022)

Theo G. Trần Đức Anh, O.P. – RVA (09/8/2022)

Để lại một bình luận