Ngôi Lời Nhập Thể

“Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Giáng Sinh là một biến cố quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Biến cố này đã trở nên một ngày hội, một niềm vui lớn cho toàn thể nhân loại. Cho dù là Kitô hữu hay không, người ta cũng tất bật chuẩn bị đèn hoa, quà cáp, thiệp mừng… để kỷ niệm biến cố trọng đại này. Thế nhưng, đó chỉ là những hình thức bên ngoài, những niềm vui thoáng qua của ngày Giáng Sinh. Chắc hẳn nhiều người cũng không hiểu tại sao lại có biến cố trọng đại này, không hiểu được mục đích của Ngôi Lời Nhập Thể. Hôm nay, chúng ta cùng đi sâu vào tìm hiểu mục đích của Ngôi Lời Nhập Thể, để chúng ta có một cái nhìn chính xác, một tâm tình thích hợp trong Mùa Giáng Sinh này.

  1. Ngôi Lời Nhập Thể để cứu độ chúng ta

Ngôi Lời Nhập Thể để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: “Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta” (l Ga 4, l0). Ước muốn sống chết với ý định yêu thương của Thiên Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời Chúa Giêsu “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50), và vì cuộc khổ nạn để cứu chuộc loài người là lý do khiến Chúa Giêsu Nhập Thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Và trên Thập Giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã tuyên bố “mọi sự đã hoàn tất” (Ga19,30).

Nếu Chúa Giêsu chỉ là con người thì của lễ đền tội của Ngài không có giá trị phổ quát. Của lễ đền tội của Chúa Giêsu chỉ có giá trị phổ quát khi chính Ngài là Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Hơn nữa, công trình cứu chuộc chẳng những bao gồm ơn tha thứ mọi tội lỗi mà còn thông ban đời sống mới cho nhân loại. Đấng cứu thế là con Thiên Chúa mới có thể đổ xuống cho loài người ơn thần khí một cách tràn đầy được, Thần Khí chính là hơi thở của Ngài “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

  1. Ngôi Lời Nhập Thể để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa

Tình thương của Thiên Chúa dành cho Israel được so sánh với tình thương của một người cha đối với con mình (x.Hs 11,1). Tình thương đó còn mạnh hơn tình thương của một người mẹ dành cho con cái (x.Is 49,14-15). Thiên Chúa yêu thương dân Ngài hơn cả một người chồng yêu thương người vợ quý (x.Is 62,4-5). Tình yêu đó sẽ vượt thắng được tất cả những bất trung tệ hại nhất (x.Ed 16; x.Hs 11); và sẽ đưa đến những hồng ân quý giá nhất: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người” (Ga 3,16).

Tặng phẩm cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người chính là Chúa Giêsu Kitô. Chính vì yêu thương nhân loại mà Thiên Chúa đã sai con một đến thế gian để những ai tin vào Con của Người thì được cứu độ. Như thế, việc sai Chúa Con đến giữa loài người làm cho tình yêu của Chúa Cha đạt tới chiều kích viên mãn, về phía nguồn gốc cũng như về phía cùng đích. Về phía nguồn gốc, đó là tặng phẩm cao quý nhất mà Thiên Chúa trao ban cho loài người; về phía cùng đích, việc ấy đem lại đời sống Thần Thiên cho con người.

“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (Dei Verbum, số 2). Trong Cựu Ước, sứ mạng chính yếu của các ngôn sứ là truyền đạt Lời của Thiên Chúa, nói thay cho Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Thiên Chúa đến với con người và trực tiếp nói với con người, qua Đức Kitô. Chính con Thiên Chúa đã trở nên nhân vật lịch sử: “Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,2).

Qua con của Người, Thiên Chúa nói theo một phương cách duy nhất, không thể được tái diễn. Điểm độc đáo của Tân Ước không chỉ nằm nơi chủ thể, mà nằm cả nơi đối tượng, bản chất của mạc khải không chỉ là một tư tưởng, một ý muốn, một đạo lý, mà là Ngôi Vị Thần Thiên Của Chúa Con. Đấng mạc khải chính là Thiên Chúa, người sẽ mạc khải người là ai “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Chính Chúa Giêsu đã nói “ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9) câu nói này cho thấy khát vọng của loài người là được thấy Thiên Chúa, điều này không thể thực hiện được trong Cựu Ước.

  1. Ngôi Lời Nhập Thể để trở thành gương mẫu Thánh Thiện cho chúng ta

Ngôi Lời Nhập Thể để trở nên mẫu mực thánh thiện cho chúng ta “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga l4,6). Và trên núi Tabor, Chúa Cha đã ra lệnh: “Hãy vâng nghe lời Người “(Mc 9,7). Người đúng là khuôn mẫu về các mối phúc và là qui tắc của Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga l5,l2). Tình yêu này đòi hỏi chúng ta hy sinh cho anh em theo gương của Chúa Giêsu ( x.Mc 8,34). “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người…Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8, 28-30 ).

Đức Kitô thực hiện một hình thức liên đới kỳ diệu trong tiến trình lịch sử nhân loại. “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”(Mt 18,20). Đức Kitô hiện diện giữa các môn đệ để thúc đẩy họ yêu mến nhau theo cách mà người đã yêu (x.Ga 13,34) với tư cách là Con Thiên Chúa Nhập Thể. Đức Kitô hiện diện như là động lực, như là đối tượng của tình yêu, như là trọng tâm của loài người cho đến tận thế. Đức Kitô là mẫu mực cho chúng ta “vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người”(Cl 1,16).

Đức Kitô vừa đứng trong hàng ngũ các tạo vật, vừa là Đấng cao vời. Thật vậy, Đức Khôn Ngoan được coi là trưởng tử, bởi vì, Đức Khôn Ngoan được Thiên Chúa sinh ra trước muôn loài và trở nên gương mẫu khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất”(Cn 8,22). Đức Kitô là tạo hóa với tư cách là mẫu mực, do đó vương quyền của Người không phải là mới đặt lên sau này, nhưng ngay từ đầu, Người đã là vua vũ trụ, vì tất cả mọi chiều kích trong vũ trụ đều mang hình ảnh của Người.

  1. Ngôi Lời Nhập Thể để cho chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.

Ngôi Lời Nhập Thể để chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr l,4). “Ngôi Lời làm người, Con Thiên Chúa làm con loài người: Chính là để cho con người, khi kết hợp với Ngôi Lời và lãnh nhận tử hệ thần linh, được trở nên con cái Thiên Chúa” (Thánh Irênê, chống lạc giáo 3,19,1). “Vì Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa” (Thánh Atanasiô, Nhập Thể 54,3). “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được thông phần thiên tính của Người, nên đã mang lấy bản tính chúng ta, để vì đã làm người, Người biến chúng ta thành thần thánh” (Thánh Tôma Aquinô, Tiểu phẩm 57 về ngày lễ Thánh Thể 1).

Nhiều học thuyết cho rằng Đức Kitô chỉ là con người thôi để có tính cách gần gũi với con người. Nhưng cái chính yếu tạo nên giá trị cho sự liên đới là thực tại Ngôi Vị Thiên Chúa. Ngôi Vị Thiên Chúa đã vượt qua vực thẳm ngăn cách Thiên Chúa và con người để trở thành một thành phần của loài người chúng ta. Sự kiện ấy đã nâng cao phẩm giá cuộc sống con người. Hơn nữa, Đức Kitô đến trần gian không những thông phần đau khổ với anh em mình mà còn chịu đau khổ thay cho họ. Làm sao Người có thể làm giá cứu chuộc cho loài người nếu chẳng phải Người là con người và đồng thời cũng là Con Thiên Chúa. Nhờ sống trong hai bản tính, Đức Kitô thực hiện một hình thức liên đới kỳ diệu trong tiến trình lịch sử của Giáo Hội “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Kết Luận: Tại sao Ngôi Lời Nhập Thể? Câu hỏi này vẫn tiếp tục dành cho mỗi người chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân qua Chúa Giêsu Kitô. Công đồng Vaticanô II cho biết: “Qua việc nhập thể, một cách nào đó, Con Thiên Chúa đã kết hợp với tất cả mọi người”. Điều này cũng muốn nói là không ai được cứu độ riêng lẻ một mình, nhưng là với những người khác, vì ơn cứu độ là ơn huệ liên đới. Ngôi Lời Nhập Thể không chỉ là “Thiên Chúa ở với chúng ta” mà còn là “con người cho mọi người.” Vì Chúa Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa tình yêu, Ngài thương yêu hết thảy mọi người (x.Ga 3,16), nên Ngài tự trao ban chính mình cho mỗi người, mong hòa giải mọi người với Chúa Cha và với nhau, làm cho ơn liên đới ấy trở thành “môi sinh” của nhân loại mới. Vì vậy, nơi tha nhân, Kitô hữu có bổn phận phải nhận cho ra sự hiện diện của chính Chúa Giêsu.

Trong Đức Kitô tất cả trở nên một. Như thế, người khác không còn là giới hạn cản trở quyền tự do của tôi, song là điều kiện tiến hành của nó, vì cá nhân chỉ thành tựu con người mình trong mối liên đới với người khác. Tắt một lời, Nhập Thể đem lại cho con người khả năng trở nên con người hoàn hảo trong Con Người hoàn hảo là Đức Kitô.

 Lâm Trang

Trả lời