Lm. Joseph M. Esper
Ngờ vực không phải là một tội khi nó dẫn chúng ta đến đức tin lớn lao hơn; một cuộc đấu tranh chân thành với sự thật có thể dẫn đến một sự dấn thân mạnh mẽ…
Thánh Tôma Tông đồ có thể đã bị mang tiếng xấu: mọi người đều nhớ đến ngài vì đã nghi ngờ về lời tường thuật đầy phấn khích của các tông đồ khác rằng họ đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh (Ga 20, 24-25), nhưng chúng ta thường bỏ bên việc ngài đã sẵn lòng chết vì Chúa Giêsu trước đó (Ga 11,16) cũng như hoạt động truyền giáo và cuộc tử đạo sau này của ngài.
Thật vậy, điều quan trọng hơn nhiều so với trở ngại trong việc tin tưởng trước kia của Thánh Tôma là lời tuyên xưng đức tin của ngài: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28) Hơn nữa, những ngờ vực của Thánh Tôma thật ra đã thành toàn kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô Cả viết,
“Bạn thật sự tin rằng chỉ là ngẫu nhiên mà vị tông đồ được chọn này vắng mặt, rồi đến và nghe, nghe và nghi ngờ, nghi ngờ và xúc động, xúc động và tin tưởng ư? Điều đó chẳng phải ngẫu nhiên mà là do sự quan phòng của Thiên Chúa. Một cách kỳ diệu, lòng thương xót của Thiên Chúa đã sắp đặt để vị tông đồ hoài nghi này khi chạm vào những vết thương trên thân thể của Thầy mình, sẽ chữa lành những vết thương hoài nghi của chúng ta. Sự hoài nghi của Thánh Tôma đã giúp ích cho đức tin của chúng ta nhiều hơn đức tin của các tông đồ khác. Khi ngài đụng chạm đến Đức Kitô và chịu khuất phục để đạt đến đức tin, thì mọi ngờ vực đều bị xua tan và đức tin của chúng ta cũng được củng cố. Vì thế, vị tông đồ đã nghi ngờ nhưng sau đó được chạm vào các vết thương của Chúa Kitô này sẽ trở thành chứng nhân cho tính chân thật của Đấng Phục Sinh.”
Ngờ vực không phải là một tội khi nó dẫn chúng ta đến đức tin lớn lao hơn; một cuộc đấu tranh chân thành với sự thật có thể dẫn đến một sự dấn thân mạnh mẽ và trưởng thành hơn dành cho Đức Kitô. Sự hoài nghi nhưng vẫn sẵn lòng để được thuyết phục ít nhất cũng cho phép Thiên Chúa làm nên những điều vĩ đại. Chúng ta thấy điều này trong trường hợp của Thánh Batôlômêô, người còn được gọi là Nathanaen. Khi người bạn của ngài là Thánh Philipphê nói về Chúa Giêsu thành Nazareth là Đấng đã được tiên báo sẽ đến, Thánh Batôlômêô tự hỏi liệu có điều gì đáng giá có thể đến từ một nơi tầm thường như Nazareth hay không. Tuy nhiên, vì là “một người Israel đích thực, trong lòng không chút gian dối” (Ga 1,47), nên Thánh Batôlômêô đã có thể đón nhận Chúa Giêsu rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc nhận ra Chúa Giêsu là Chúa không miễn trừ chúng ta khỏi những khủng hoảng về đức tin. Thánh Gioanna Phanxica Chantal thường xuyên bị ngờ vực và cám dỗ nghịch lại đức tin vào cuối đời, nhưng thánh nữ vẫn vui tươi và năng động; Thánh Têrêsa Lisieux đã phản ứng lại tình huống tương tự bằng lòng quyết tâm khi kêu lên: “Tôi vẫn sẽ tin!” khi bị cám dỗ bởi sự hoài nghi.
Đức tin đúng thật là một ơn ban từ Thiên Chúa, nhưng nó cũng phải là một sự lựa chọn về phía chúng ta – và khi chúng ta quyết định, chúng ta phải tin tưởng và hành động theo đó, mặc dù điều này có vẻ nhọc nhằn hoặc bất khả thi (hoặc thậm chí cũng giống như rất nhiều lời nói suông khác), nhưng chúng ta hãy dâng vinh quang lớn lao về cho Thiên Chúa.
Những con người thánh thiện thường có thể trải qua những sự ngờ vực, và bởi vì các ngài đã cảm nhận sâu sắc hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong quá khứ, nên việc mất đi niềm an ủi của Người dường như càng đau đớn hơn. Vị linh mục đạo đức người Ý, Cha Thánh Piô Pietrelcina, qua đời năm 1968, đã mô tả những nỗi sầu khổ thiêng liêng của mình trong một lá thư gửi cho một người bạn linh mục:
“Những lời báng bổ liên tục xuất hiện trong tâm trí tôi, và thậm chí còn nhiều hơn những ý tưởng sai lầm, những ý tưởng về sự bội tín và bội tin. Tôi cảm thấy linh hồn mình như bị chết lặng trong từng khoảnh khắc của cuộc đời; nó giết chết tôi… Đức tin của tôi chỉ được giữ vững bằng ý chí nỗ lực không ngừng chống lại mọi hình thức thuyết phục của con người. Đức tin của tôi chỉ là thành quả của nỗ lực không ngừng mà tôi đòi buộc nơi bản thân mình. Và thưa Cha, tất cả những điều này không phải là chuyện xảy ra một vài lần trong ngày mà là liên tục không dứt… ”
Cha Thánh Piô đã nhận được nhiều ơn ban về mặt thiêng liêng, và những lời cầu nguyện của ngài được biết đến là có hiệu quả đặc biệt trước mặt Thiên Chúa – tuy nhiên Chúa lại để ngài phải chịu đựng những sự ngờ vực dữ dội.
Con đường nên thánh thường gập ghềnh, nhiều khi thiếu đi những dấu hiệu trấn an chúng ta về hướng đi của mình, nhưng Chúa ở cùng chúng ta trong cuộc hành trình này, giúp đỡ chúng ta từng bước trên đường đi. Người sẽ làm nên những điều kỳ diệu cho chúng ta nếu cần thiết; nhưng thay vào đó, Người thường chọn sử dụng những con người khác – điều đó càng tốt hơn để thử thách đức tin của chúng ta vào Người.
Người ta kể rằng, vài ngày sau khi chết đuối trên Biển Địa Trung Hải gần Thánh địa vào năm 1237, Chân phước Jordan Saxony hiện ra trong một giấc mơ với một tu sĩ trẻ Dòng Cát Minh đang bị dày vò bởi những nghi ngờ về ơn gọi của mình và trấn an vị tu sĩ này rằng: “Này anh, đừng sợ. Bất cứ ai phục vụ Chúa Giêsu Kitô đến cùng đều sẽ được cứu độ.” Sự kiên trì là cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thánh Ambrôsiô, giám mục Milan, có một người chị gái cũng cố gắng nên thánh nhưng lại bị nghi ngờ chống lại đức tin. Đáp lại lời yêu cầu của cô về lời khuyên để vượt qua những cám dỗ này, thánh nhân đã viết: “Mỗi sáng và tối hãy nhiệt thành đọc Kinh Tin Kính của các tông đồ, và khi những cám dỗ như vậy đến, hãy đọc lại kinh này, và chị sẽ dễ dàng vượt qua chúng”. Cô đã làm theo gợi ý này và nhận được sự trợ giúp rất lớn nhờ nó.
Đức tin không chỉ là cảm giác mà chúng ta có được; đó là một quyết định mà chúng ta đưa ra. Khi chúng ta chọn tin vào Thiên Chúa, Người sẽ ban cho chúng ta những phương tiện không chỉ để kiên vững trong đức tin mà cuối cùng còn làm cho đức tin trở nên sâu sắc và mạnh mẽ hơn.
“Điều Răn Thứ Nhất đòi hỏi chúng ta phải nuôi dưỡng và bảo vệ đức tin của mình với sự khôn ngoan và cảnh giác, đồng thời loại bỏ mọi điều nghịch lại đức tin. Có nhiều cách khác nhau để phạm tội chống lại đức tin: Cố tình nghi ngờ về đức tin, coi thường hoặc từ chối nhìn nhận những gì Thiên Chúa đã mạc khải và Giáo Hội dạy phải tin là đúng. Vô tình nghi ngờ thì đề cập đến sự do dự khi tin, sự khó khăn trong việc vượt thắng những điều đối nghịch liên quan đến đức tin, hoặc cũng là sự lo lắng do bóng tối của đức tin khơi lên. Nếu cố tình dung dưỡng, sự nghi ngờ có thể dẫn tới sự mù quáng về mặt thiêng liêng.” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2088)
“Trong cuộc hành trình vượt biển thế gian này, Giáo Hội giống như một con tàu lớn đang bị vùi dập bởi những cơn sóng dữ dội khác nhau của cuộc đời. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là bỏ rơi con tàu mà là giữ cho nó đi đúng hướng.” – Thánh Bônifaciô
“Đức tin mở cửa cho sự hiểu biết; sự thiếu lòng tin sẽ đóng nó lại.” – Thánh Augustinô
Điều gì đó để bạn có thể thử
Thánh Anphonsô Liguori nói với chúng ta rằng: “Đức tin là nền tảng của tình yêu, trên đó tình yêu được xây dựng nên. Nhưng tình yêu là thứ đưa đức tin đến sự hoàn hảo. Chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa một cách hoàn hảo thì chúng ta càng tin vào Người một cách hoàn hảo”. Vì vậy, nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc thực hiện một hành động đức tin vào Thiên Chúa, thì điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải thực hiện một hành động yêu thương – bằng cách cố gắng làm một việc tốt, bằng cách giúp đỡ những người mà chúng ta không thích hoặc thường cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, hoặc bằng bất kỳ hành động bác ái nào mà chúng ta thực hiện cách đặc biệt nhân danh Chúa Kitô.
Hãy nhớ rằng Thiên Chúa ở cùng bạn. Khi Thánh Catarina Siêna trải qua một thời gian dài khô khan và cám dỗ về mặt thiêng liêng, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa đã ở đâu? Con đã có những ý nghĩ và cảm xúc khủng khiếp.” Thánh nữ đã nghe thấy Thiên Chúa trả lời mình rằng: “Này Catarina, Ta đã ở trong trái tim con suốt thời gian qua. Chính Ta là người đã cho con lòng dũng cảm và sức mạnh để tiếp tục bước đi mỗi ngày!” Thiên Chúa đã luôn ở bên Thánh Catarina – và nếu bạn thực sự tìm kiếm Người, Người sẽ ở bên bạn.
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Catholic Exchange (24/08/2023)
Nguồn: giaophanvinhlong.net (27.08.2023)