Ngày 28 tháng 8
THÁNH AUGUSTINÔ
345-430
1. GƯƠNG THÁNH NHÂN
Augustinô chào đời năm 354 trên đất Phi Châu đầy sức sống. Xuất thân từ một gia đình trung lưu với những khuynh hướng tôn giáo hỗn hợp: Cha chàng là Patricius, một người ngoại đạo sống khá phóng túng, nuôi nhiều tham vọng cho cậu con trai đầy hứa hẹn này. Mẹ chàng là Monica, một Kitô hữu sốt sắng đã dành cho chàng một tình thương đặt biệt sáng suốt, đã phải khuyên răn và khóc lóc nhiều về hạnh kiểm của con mình nhưng cuối cùng đã được chứng kiến cuộc trở lại của Augustinô và đồng thời được Augustinô dẫn lên những đỉnh cao của chiêm niệm và lòng say mê Thiên Chúa.
Nói về thiếu thời của mình, Augustinô tự nhân: “Tôi chỉ ham chơi”. Cậu bé thần đồng ấy rất sợ đi học, nhưng khi đã bị đẩy đến trường thì cậu trở thành một học sinh ưu tú vượt hẳn các bạn đồng liêu.
Đặt nhiều hy vọng vào con đường học vấn của cậu, thân sinh đã gửi cậu đến Carthagô là một trong những trung tâm văn hóa trứ danh nhất thời đó. “Tôi đến thành Carthagô, tất cả chung quanh tôi vùng dậy những quay cuồng đam mê ngang trái”.
Augustinô học hành xuất sắc bao nhiêu thì ăn chơi cũng sành sỏi bấy nhiêu. Chàng đã yêu và yêu tha thiết với sức đam mê mãnh liệt của loài người với một trái tim nóng hổi, với tất cả giác quan nhạy bén. “Lao mình vào tình ái, tôi muốn bị kẹt trong đó luôn”.
Với tài hùng biện sẵn có, Augustinô tự rèn luyện khoa ăn nói và làm quen với các văn hào la tinh, với các triết gia Hy Lạp. Một hôm tình cờ chàng giở quyển Hortensius của Cicéron, và nhận được ánh sáng bừng chiếu qua những hàng chữ của tác giả.
“Quyển sách này đã đổi hẳn các tình cảm của lòng con, hướng con về với Chúa, các ước nguyện và ý muốn của con được xoay chiều. Tất cả những ước mộng viển vông trở thành phi lý. Với một sức mạnh phi thường, con thèm muốn đức khôn ngoan bất diệt. Con bắt đầu đứng dậy trở về với Ngài”.
Từ Carthagô, cuộc sống dần đưa chàng đi tìm kế sinh nhai tại Rôma, Milan. Augustinô nay đã 30 tuổi, với thời gian, nhiều mộng đẹp đã tan vỡ. Những khó nhọc của cuộc sống giúp chàng trưởng thành hơn.
Cho tới một ngày kia, ơn Chúa đã toàn thắng, như một cơn gió lốc cuốn đi tất cả những do dự, khắc khoải trong lòng Augustinô. Một hôm, ngồi ngoài vườn với một người bạn chí thân, Augustinô nghe tiếng trẻ nhỏ nhẩm câu:
“Hãy cầm lấy mà đọc”. Nghe vậy, Người mở thánh thư và câu đâu tiên Người đọc là: “Hãy mặc lấy Đức Kitô và đừng thỏa mãn với những đam mê xác thịt”.
Câu này quả dành riêng cho Augustinô đó. Đây chính là lời đáp của ơn trên. Augustinô chạy báo tin vui này cho mẹ. Bà điềm nhiên trả lời: “Mẹ đã biết mà, Mẹ ở đâu thì con cũng sẽ đến đó”. Sứ mệnh của bà đã chấm dứt, bà mừng rỡ thấy Augustinô bắt đầu cuộc sống mới. Từ nay, Augustinô sẽ rảo bước trên con đường của Luật Chúa.
“Dưới sự hướng dẫn của Ngài, Lạy Chúa, con đã bước vào chính thâm tâm con. Con đã làm được điều đó nhờ sức Chúa nâng đỡ.”
Sau khi khám phá Thiên Chúa là Đấng đáng để cho ta bán hết tất cả để đi theo, Augustinô quyết tâm rút vào sa mạc sống ẩn dật để được thưởng thức Chúa, nhưng Augustinô sẽ không bao giờ được sống ẩn dật lâu. Danh tiếng của ngài đã được truyền lan, dân chúng theo đuổi Augustinô xin ngài hướng dẫn họ, xin ngài cố vấn cho họ trong công ăn việc làm, chỉ dẫn cho họ đường ngay nẻo chính.
Một hôm, trong khi dự lễ tại Hippone, dân chúng nảy ra ý kiến: Augustinô sẽ làm Linh mục của họ, và hơn thế nữa sẽ là Giám Mục chăn dắt học. Ý dân là ý trời, ngay lúc đó Augustinô được tôn làm làm Linh mục và sau một thời gian Augustinô trở thành Giám Mục của dân.
Vì mến Chúa đi đôi với yêu người, Augustinô mang tất cả kinh nghiệm, kiến thức rộng lớn của mình để phục vụ anh em. Nhưng trên hết mọi sự, Augustinô là con người của tình yêu: Ngài dành trọn vẹn tất cả khả năng yêu đương cho Chúa và cho anh em, điểm nổi bật của Ngài là một trái tim nóng hổi.
Năm 430, sau một cơn hấp hối, Augustinô về với Chúa, Đấng mà Ngài đã tha thiết mến yêu.
2. CUỘC ĐỜI AUGUSTINÔ ĐỂ LẠI CHO CHÚNG TA HAI BÀI HỌC:
Bài thứ nhất: Khi Ngài còn sống trong tội lỗi và yêu chuộng cuộc đời trụy lạc, thì Thiên Chúa là tình yêu đã dùng hình ảnh của người mẹ để từ từ lôi kéo ngài về với Chúa. Như vậy chúng ta thấy nhờ ơn Chúa, con người có thể thắng mọi trở ngại. Dù là những đòi hỏi của một trí tuệ sắc sảo, kiêu căng, hay những lệ thuộc của một thể xác đầy dục vọng, ơn Chúa cũng vẫn chiến thắng để làm cho con người thuộc về Chúa nếu con người có ý chí quyết tâm, kiên trì và sẵn sàng hy sinh cho con mình như trường hợp bà Monica.
Bài thứ hai: Augustinô là người thích chiêm niệm hơn, nhưng Chúa lại thúc dục ngài hoạt động. Cuộc trở lại của ngài cho chúng ta một gương về sinh hoạt tông đồ. Nếu chúng ta được mời gọi hoạt động, hãy chấp nhận như một bổn phận đức ái, nhưng đừng lãng quên chiêm niệm vì công việc tông đồ của chúng ta cần có hậu thuẫn của một sự tiếp xúc mật thiết với Chúa và nguồn mạch sự sống và chân lý. Quan trọng là chúng ta biết đặt ý Chúa lên trên hết mọi sự.
Cha Gonza thuật truyện:
Khi ấy tôi là công nhân, có dịp đi tiếp tế cho một trại tù Phát xít. Trại này có độ 500 người: gồm Giám mục, tổng đại diện, quản hạt, chánh xứ, phó xứ,… họ bị kết án không cho hoạt động gì cả. Tôi nghĩ rằng, khi tới trại giam tôi sẽ gặp những người chán nản, tuyệt vọng. Tôi chắc rằng đau khổ lớn lao nhất đối với những người này, là nghĩ tới hàng ngàn giáo dân không có người săn sóc. Nhưng ngược lại, các ngài vui vẻ trả lời với tôi rằng:
“Chúng tôi đang sống với Chúa, và đang theo Chúa ở đây. Theo tính tự nhiên, sống mà không hoạt động, nhất là phải xa đoàn chiên là một đau khổ lớn. Nhưng chúng tôi làm điều Chúa muốn, chứ không phải do chúng tôi muốn; chúng tôi tin chắc là Chúa sẽ lo cho giáo dân thay chúng tôi, ở đây chỉ cần sống mỗi giây phút đầy yêu thương nhau, và thương yêu mọi người xung quanh chúng tôi, thì cả những người lính gác cũng vui vẻ với chúng tôi.”
Cha Gonza kể tiếp: “Có lần tôi lại đi tiếp tế cho một linh mục bị giam biệt phòng, tôi hỏi ngài có buồn chán lắm không?
Ngài đáp: “Tự nhiên cũng buồn, vì mình phải câm lặng suốt năm, suốt tháng, suốt ngày, nhưng rồi tôi đã chấp nhận tất cả. Khi có được bánh rượu thì tôi dâng lễ. Khi không có bánh rượu thì tôi cũng vẫn kết hợp với Chúa suốt ngày, và luôn luôn tôi tự nhủ, nếu Chúa không muốn tôi dâng lễ, làm việc tông đồ, thì sống với Chúa trên thánh giá vậy. Tôi hát suốt ngày và suy niệm lời Chúa, nghe Chúa nói với tôi, tôi nói với Chúa. Tuy đau khổ, nhưng tôi cứ sống từng phút, hết phút này đến phút khác, và tôi thấy đây là những giây phút sung sướng nhất của đời tôi, chưa bao giờ tôi dâng thánh lễ, chưa bao giờ tôi chầu Chúa sốt sắng như bây giờ.
Thánh nhân đã để lại cho Giáo Hội nhiều áng văn lỗi lạc về Thiên Chúa tuyệt đỉnh của tình yêu. Những châm ngôn của Ngài đã trở nên bất hủ và qua các thế hệ đã làm của ăn tinh thần cho nhiều tâm hồn: “Tình yêu là sức mạnh của tôi. Chúa đã sinh con ra cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến lúc được nghỉ ngơi trong Chúa.”
Lm. Giuse Đinh Tất Quý