NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ

17 tháng 4, thứ Năm Tuần thánh

Lễ Tiệc ly

Hội thánh sơ khai cử hành mừng lễ Phục sinh trọn vẹn chỉ vào đêm Canh thức Vượt qua kéo dài đến sáng Chúa nhật Phục sinh. Chỉ đến thế kỷ thứ 4, việc cử hành này mới được phân chia dần ra thành ba ngày của Tam Nhật Thánh, bắt đầu với Thánh lễ Tiệc ly (Missa in Coena Domini) và đạt đến đỉnh cao trong đêm Canh thức Vượt qua. Theo truyền thống Do Thái, ngày mới bắt đầu vào buổi tối trước đó, nên Tam Nhật Thánh bắt đầu từ tối thứ Năm. Vì vậy, các đại lễ và Chúa nhật cũng đã được cử hành phụng vụ từ kinh Chiều tối hôm trước. Lý do thứ hai là trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã tiên báo cách bí tích việc tự hiến bản thân mình sẽ diễn ra trên thập giá. Theo luật và phong tục Do Thái, Chúa Giêsu đã cử hành lễ Vượt qua của người Do Thái với các môn đệ để tưởng nhớ việc dân Israel được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Trong bối cảnh bữa tiệc này, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, bí tích cứu độ, và thiết lập chức tư tế thừa tác. Người không chỉ dừng lại ở việc nói bằng lời, mà còn thực hiện một cử chỉ bày tỏ “ý nghĩa” sâu xa và chân thật nhất của điều Người vừa cử hành: việc rửa chân, một việc phục vụ của tình yêu. Việc rửa chân vốn do các người nô lệ thực hiện để phục vụ chủ nhân và khách, nhờ đó chân các vị này được rửa sạch khỏi bụi đường. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã phá vỡ các quy tắc thông thường về sự thống trị và phục vụ. Đây chính là “chìa khóa” để hiểu và sống mầu nhiệm Tiệc ly, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Những lời này không chỉ nói đến việc “lặp lại” các hành động và lời nói tại bữa Tiệc ly liên quan đến Bí tích Thánh Thể, mà còn hướng dẫn chúng ta “làm điều này” trong sự phục vụ, trong tình yêu thương lẫn nhau, bắt đầu từ những người bé nhỏ nhất. Đây chính là ý nghĩa trọn vẹn của Bí tích Thánh Thể. Ước mong rằng thứ Năm Tuần thánh sẽ trở thành một cuốn sách mở, như một trường học về đức tin và sự khôn ngoan Kitô giáo.

———-

Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga 13,1-15)

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã tiên báo hành động yêu thương cao cả nhất
cho các môn đệ của Chúa.
Chúa triệu tập họ ở phòng Tiệc ly,
để thiết lập chức linh mục.
Chúa cầm lấy bánh và rượu,
dâng lời tạ ơn, rồi trao cho họ.
Chúa đứng lên, cởi áo ngoài, lấy chậu nước,
và rửa chân cho họ.
Triệu tập.
Chia sẻ.
Phục vụ.
Ba cử chỉ ấy, lạy Chúa,
để dạy con hiểu lôgíc của Bí tích Thánh Thể,
để dạy con hiểu lôgíc của cuộc sống.
Ba cử chỉ ấy, lạy Chúa,
đan quyện vào nhau,
mỗi cử chỉ làm sáng tỏ ý nghĩa của cử chỉ còn lại.
Thánh Thể hiện diện nơi đâu có tình huynh đệ.
Tình huynh đệ hiện diện nơi đâu có sự chia sẻ.
Sự chia sẻ hiện diện nơi đâu có tinh thần phục vụ.
Và phục vụ là nơi chúng con cùng nhau làm cho Thánh Thể được hiện diện.
Từ  ngai tòa Thánh Thể,
Chúa dạy con, lạy Chúa,
nghệ thuật của các mối tương quan,
cách sống phong cách sẻ chia,
và sự tự do trong phục vụ.
Hôm nay, Chúa mời con đến bàn tiệc của Chúa:
Con biết rằng con không xứng đáng, lạy Chúa,
nhưng chính Chúa, Chiên Thiên Chúa,
Đấng xóa tội trần gian,
chỉ cần Chúa phán một lời,
thì con sẽ được chữa lành. 
(Linh mục Andrea Vena)

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News