Mừng Ngày 20.11

Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy

Em yêu phút giây này thầy em tóc như bạc thêm
Bạc thêm vì bụi phấn cho em bài học hay
Mai sau lớn lên người làm sao có thể nào quên
Ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ (Bài hát Bụi Phấn. NS Vũ Hoàng)

Lúc còn học sinh lớp ba lớp bốn, tôi hay nghêu ngao, ngân nga bài hát “Bụi Phấn” này, có khi đứng trước lớp hát tặng Cô, Thầy và bạn bè. Hôm 2.11 vừa qua có dịp trở về quê có ghé ngang mái trường thân yêu năm xưa, và trong tâm trí tràn về những ký ức thời học trò lớp một, lớp hai, lớp ba, lớp bốn, lớp năm và lớp sáu.

Tuy còn bé xíu, nhưng tôi nhớ nhiều kỷ niệm lúc đó: Thầy Cô, bạn bè và những trò phá phách lúc bấy giờ…điều nằm sâu trong tâm trí tôi là mỗi khi tới giờ đi học có đám bạn ghé ngang nhà hú hé rủ rê đi học, đặc biệt là năm lớp ba tôi thi học kỳ cuối năm được giấy khen học sinh tiên tiến, học lực tiên tiến ngày ấy khá là chất lượng chứ không như bây giờ, tôi cho Má hay, Má mừng lắm và sáng ngày hai Má con vội vã đi xe đạp cọc cạch xuống trường nhận giấy khen. Ôi, tôi nhớ hoài hoài…. ký ức rất tuyệt vời không thể xóa nhòa đối với tôi, mặc dù tôi là đứa học không giỏi nhưng các bạn tới đâu là tôi tới đó!

Một chút kỷ niệm thời học sinh cấp một, có lẽ đó cũng là những yếu tố góp phần cho tuổi thơ, cho những ngày tháng đầu đời trở nên những con người có ích cho xã hội và Giáo hội.

“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” (lời Bác Hồ) nên Thầy Cô dày công sức để chắt chiu từng ngày vun đắp cho tôi và bạn những kiến thức cần thiết, đủ làm cho mỗi học trò lớn lên, trưởng thành về tri thức cũng như cung cách làm người.

Đâu còn kỷ niệm của những tháng ngày hồn nhiên lứa tuổi học trò cùng thầy cô, bạn bè, nhưng vẫn còn đọng lại trong từng ngày của cuộc sống là tôi và bạn của hiện tại xây đắp lên ước mơ xanh cho đất nước, ước mơ hồng cho cuộc sống riêng mình.

Hôm nay, nhân ngày 20/11, là dịp để cho các thế hệ học trò tỏ bày lòng biết ơn, niềm tri ân sâu sắc đến thầy cô đến những ai đã dồn hết tâm huyết để trao ban từng con chữ cho tôi và bạn, dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, góp phần nâng cao giá trị và phẩm giá cho tôi và bạn, góp phần làm cho đất nước thăng tiến về mọi mặt, phồn vinh và hạnh phúc.

Tuy nhiên, tôi không thể lãng quên người thầy ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời tôi là Ba Má tôi. Ba Má là người thầy đầu tiên dạy tôi những tiếng “ê a”, dìu dắt những bước chân đầu tiên trong đời, nuôi dạy tôi khôn lớn từng ngày từng ngày và quảng đại gởi tôi đến một vị Thầy tuyệt vời nhất trên thế gian không ai sánh bằng là Đức Giê-su. Bài học Ngài truyền cho nhân loại, cách riêng cho tôi “Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29b). Đây là bài học không thể thiếu trong đời sống ki-tô hữu, đặc biệt trong đời dâng hiến của tôi.

 Dịu hiền: Trong nguyên bản hy lạp, thánh Matthêu dùng chữ praus: nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Vậy, “dịu hiền” bao gồm một tâm thế bên trong và một phong thái đáp ứng bên ngoài.

Khiêm nhường: Trong nguyên bản hy lạp, thánh Matthêu dùng chữ tapeinos. Chữ này có nghĩa là chấp nhận “đứng thấp”, “ở dưới”, “bị hạ xuống”, hoặc tự ý xuống thấp, ở dưới.

Với đời sống của người bình thường trong xã hội, họ cũng phải học cách sống khiêm cung và đối nhân xử thế với nhau cho thật tử tế, thật nhẹ nhàng, dù rằng họ chưa được học nơi Đức Giê-su rõ ràng.

Tôi là nữ tu, là môn đệ của Thầy Giê-su thì sao? Tôi có thấm nhuần đạo lý và thực hành sự dịu hiền và khiêm nhường đó chưa? Hay còn loay hoay vênh váo với những chuyện như chiếc lông gà vỏ tõi mà quên lời Thầy Giê-su đã dạy và đã sống.

Trong tâm tình biết ơn tới quý thầy cô, cùng các Đấng Bề trên, những người trong Hội dòng đã có công dạy dỗ, xin Chúa Giê-su là Thầy dạy lẽ khôn ngoan, gia tăng sự hiểu biết, ơn khôn ngoan cho các Ngài, để các Ngài phục vụ xã hội và Giáo Hội trong chân lý và tình thương.

M. Nhị Thơ

 

Để lại một bình luận