Mục Vụ Tháng 11. 2024: Giáo Lý Viên Tham Gia Thế Nào?

 GIÁO LÝ VIÊN THAM GIA

TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

 Để có thể tham gia trong đời sống đức tin đòi hỏi Giáo lý viên (GLV) phải sống gắn bó mật thiết với Đức Kitô. Nhờ Người, họ mới có thể trở nên một tấm gương sống động, mang hình ảnh Thiên Chúa đến với tha nhân trong công tác mục vụ (x. Gl 2, 20). Tham gia là lối sống của Giáo Hội. Thế nên, đây cũng là lối sống của tất cả thành phần dân Chúa và lối sống này không gì khác hơn là đời sống trong Đức Kitô. Cách riêng GLV là những người có sứ mạng đặc biệt giới thiệu Chúa cho mọi người (x. Tông Huấn Catechesi Tradendae, số 6).

GLV phải là những người “có Chúa” trước khi có những kiến thức và kỹ năng dạy giáo lý. Nghĩa là họ phải đặt đời sống cầu nguyện, kết hợp với Chúa làm ưu tiên hàng đầu (x. Lc 41-42). Câu hỏi đặt ra là làm thế nào GLV giáo dân có thời gian để cầu nguyện trong khi họ rất bận rộn với cuộc sống mưu sinh? Thông thường nhiều người vẫn còn nghĩ rằng cầu nguyện là phải có nhiều giờ ngồi với Chúa trong Nhà thờ, phải đọc thật nhiều kinh…Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những cách cầu nguyện chứ không phải là tất cả. Cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ giữa con người và Cha trên trời. Thiên Chúa cũng muốn con người đến với Ngài bằng tình yêu của một người con thảo. Mỗi người sẽ có cách cầu nguyện khác nhau tuỳ theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (Rm 8, 26).

Đặc biệt, cần trân quý sự cộng tác tích cực của GLV giáo dân. Họ vừa có trách nhiệm với gia đình và chu toàn những nghề nghiệp bên ngoài xã hội. Đồng thời, họ cũng mang sứ mạng là người giáo dục đức tin. Nghĩa là họ sống gần những giá trị trần thế nhưng phải vươn lên những giá trị thần thiêng. Đây là thách đố lớn đối với những ai dám dấn thân vì nước Chúa, nhưng dưới con mắt đức tin thì “Thử thách càng lớn lao thì tình yêu càng tinh ròng” (NKLTX 57). Đó là cơ hội để chúng ta chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa. Hiểu được điều này, giúp GLV có thái độ tích cực và tự tin hơn.

Bởi vì, vẫn còn đâu đó những anh chị em tự ti về kiến thức và kỹ năng của mình khi mỗi ngày trình độ phát triển dân trí càng nâng cao. Hơn hết, là phải có đời sống trong Đức Kitô, sống đúng với căn tính GLV của mình. Một trong 3 căn tính của GLV là “Nhân chứng của đức tin và người gìn giữ kỷ niệm về Thiên Chúa” (x. “Tân chỉ nam Huấn giáo”, số 113). Nghĩa là hiệp hành giữa lời nói và hành vi, nhằm giúp GLV nhận thức và đào sâu vấn đề luân lý để có thể thi hành sứ mạng là người hướng dẫn đời sống đức tin. Bên cạnh đó, những ai được kêu gọi vào thừa tác vụ GLV phải là những người có một đức tin sâu xa và trưởng thành nhân bản, tham dự tích cực vào đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Đồng thời, có khả năng tiếp đón, quảng đại và đời sống hiệp thông huynh đệ (x. Phanxicô, Tông thư dưới dạng Tự sắc Antiquum ministerium, số 8).

Tóm lại, GLV hiệp hành trong việc sống đức tin được thể hiện qua những việc làm cụ thể:

  • Đối với bản thân
  • Cần sắp xếp thời gian để giữ đời sống thiêng liêng. Từ đó, đào sâu tương quan với Chúa và có kinh nghiệm cá vị với Ngài chứ không chỉ giảng dạy những lý thuyết khô khan, thiếu thực tế. Tổ chức đời sống quân bình để chu toàn bổn phận đối với gia đình, cộng đoàn với trách nhiệm trong việc dạy giáo lý.
  • Thường xuyên học hỏi Lời Chúa để có sự nhạy bén với tiếng Chúa trong từng hoàn cảnh của cuộc sống và trong những dấu chỉ thời đại. Trung thành với các giáo huấn của Giáo Hội, và hiệp thông với các vị chủ chăn (GL 776). Tham gia các khoá huấn luyện GLV để trao dồi kiến thức, kỹ năng và nắm vững các tài liệu, định hướng của Giáo hội.
  • Đối với cộng đoàn Dân Chúa
  • Vì cha mẹ là GLV đầu tiên đối với con cái nên GLV cần có sự tương tác với các phụ huynh để giúp họ ý thức trách nhiệm Giáo hội trao phó trong ngày lãnh nhận Bí tích Hôn phối (Đọc kinh hôm mai trong các gia đình, suy niệm và học hỏi Lời Chúa, tham dự Thánh lễ, sống công bình bác ái…).
  • Cộng tác tích cực với chủ chăn và những người có trách nhiệm, cùng nhau thăm viếng các gia đình các học viên có hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời nâng đỡ, hỗ trợ. Tham dự các buổi chia sẻ Lời Chúa, lần chuỗi hoặc tổ chức “Chuỗi sống” cho cầu nguyện cho việc huấn giáo…
  • Tham gia cộng tác trong các công việc chung của Giáo xứ. Sống đoàn kết, yêu thương, tôn trọng những hoạt động khác nhau của các Hội đoàn. Sống hiệp thông, biết lắng nghe, đối thoại, cùng tham gia trong mọi sinh hoạt của Giáo xứ, cũng như trong các Khu xóm.
  • Đối với các học viên giáo lý
  • Trong những buổi “gặp gỡ” giáo lý: Tạo bầu khí nhẹ nhàng, thân thiện, vui tươi, với mục tiêu là cùng nhau gặp gỡ Chúa. Thực sự là người đồng hành, là nhà giáo dục đức tin, là chứng nhân bằng đời sống luân lý tốt lành, có sự thống nhất giữa lời dạy và đời sống hằng ngày. Nhất là trở nên người bạn có thể cảm thông và để các học viên có thể dễ dàng chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống.
  • Ngoài những buổi “gặp gỡ” giáo lý: Quan tâm, thăm viếng để hiểu được hoàn cảnh của học viên, để kịp thời giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất đối với những học viên có hoàn cảnh đặc biệt.
  • Đối thoại liên tôn

Từ Công Đồng Vaticanô II cho đến nay, Hội thánh đã và đang thực hành việc đối thoại liên tôn (Đối thoại và Rao truyền, số 42-46). GLV cũng được mời gọi cộng tác trong việc truyền giáo (GL 785):

Đối thoại bằng cuộc sống: Sống trong tinh thần cởi mở và ăn ở thuận hòa với bà con hàng xóm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những vấn đề nhân sinh và mối ưu tư của nhau. Ở mức độ căn bản, biết về tín ngưỡng tôn giáo bạn và những việc cử hành các lễ nghi tôn giáo cũng như những gì là tốt đẹp nơi các tôn giáo ấy. Có thể chúc mừng nhau trong những ngày lễ và ngày hội tôn giáo của nhau để giới thiệu hình ảnh Đức Kitô gần gũi với tín đồ tôn giáo bạn.

– Đối thoại bằng hành động: Cộng tác trong các chương trình thiện nguyện nơi khu xóm để chung sức thúc đẩy sự phát triển con người, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng.

Hội thánh dạy: “Ở trung tâm của việc dạy giáo lý, chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Đức Giêsu Kitô Nazareth, Con Một của Chúa Cha …” (GLHTCG, 426). Ý thức việc dạy giáo lý là sứ mạng thiêng liêng, và việc phát triển đức tin, lòng đạo nơi học viên là do Thiên Chúa. Hơn hết, trung tâm của việc dạy giáo lý là gặp gỡ Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa. Vì thế GLV cần phải không ngừng cầu nguyện để phó dâng công việc mình đã làm cho sự quan phòng của Thiên Chúa, nài xin Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn các học viên đón nhận Lời Chúa để gặp Đức Giêsu. Từ đó, làm sinh hoa kết trái trong tâm hồn các học viên (1Cr 3, 6).

Thụy Lâm

Để lại một bình luận