Mục Vụ Tháng 08. 2024: Tu Sĩ Tham Gia Thế Nào?

Trước hết, là một người tu sĩ tôi luôn xác tín rằng, ơn gọi này là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm này không phải là thành quả do nỗ lực riêng mình, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào thánh ý Thiên Chúa. Do đó, Chúa chọn ai, gọi ai là do Người muốn và tùy ý Người, như Chúa đã chọn gọi thánh Phêrô, thánh Phaolô và thánh Augustinô … tất cả các vị này đều có những quá khứ không mấy tốt đẹp nhưng Thiên Chúa lại chọn gọi các ngài để làm nên hành trình huyền nhiệm này.

Cũng như có một vài ơn gọi được khởi điểm bằng những điều đơn sơ và cũng có vẻ tầm thường, chẳng hạn: thích đi tu vì mê đá bóng, chơi đàn, thích bộ áo dòng … và còn nhiều lý do ngây ngô khác. Như vậy, dù là bất cứ lý do nào một khi Thiên Chúa muốn chọn gọi ai thì Người sẽ có cách để bước vào cuộc đời người ấy, và trong đó có tôi. Để theo năm tháng sống trong ơn gọi, nét đơn sơ thuở ban đầu dần được thanh luyện để trở nên người thuộc về Chúa thêm rõ nét hơn.

Thứ đến, tôi ý thức ơn gọi tu sĩ là khởi đầu cho một sứ mạng, mà đôi khi vượt quá trí hiểu của con người. Như thánh Phêrô không thể nào hiểu được hành động rửa chân của Chúa Giêsu: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Đến sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, thánh nhân mới hiểu rằng sứ mệnh Thầy trao cho là sống chết vì Tin Mừng, đón nhận cái chết bị treo ngược đầu trên thập giá. Noi gương thánh Phêrô, tôi cũng được mời gọi để nhìn thấy sứ mạng của mình ngang qua linh đạo, đặc sủng Mến Thánh Giá, được thực hiện trong những sứ vụ mà Hội dòng đã trao phó.

Qua đó, tôi nhận ra rằng không gì khác hơn khi người tu sĩ sống linh đạo, đặc sủng của Hội dòng mình một cách đúng nghĩa trong lòng Giáo Hội cũng chính là lúc người tu sĩ đã tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Ngoài ra, người tu sĩ tham gia vào Giáo Hội bằng đời sống nguyện cầu của mình trong cuộc sống. Đó là căn tính của những ai sống đời tận hiến. Người tu sĩ ở lại với Chúa trong cầu nguyện là dấu chỉ họ “ở lại trong tình thương” của Người, và kết hợp mật thiết với Người, khi đó người tu sĩ sẽ tìm thấy Chúa, nhất là biết mình ‘là ai’, đang dấn bước ‘theo ai’ trong ơn gọi này. Đồng thời, người tu sĩ tự nguyện thuộc về Chúa bằng đời sống Thanh khiết, Khó nghèo và Vâng phục trong đức tin và lòng mến.

Cùng với những nỗ lực thăng tiến bản thân về đời sống tình thần và thể chất, tôi còn có bổn phận phải cầu nguyện cho tất cả các công cuộc của Giáo hội, bởi vì tôi là một chi thể trong thân thể Chúa Kitô. Qua bí tích Rửa Tội, tôi liên đới với anh chị em như những chi thể, tuy mỗi chi thể làm việc theo chức phận mình, nhưng tất cả là trong Chúa Kitô, để thân thể sống động và duy nhất. Song hành với đời sống cầu nguyện, người tu sĩ còn tham gia vào Giáo Hội bằng tinh thần phục vụ và yêu thương ngang qua sứ vụ mình đảm nhận mà Hội thánh và Hội dòng trao cho.

Như chúng ta biết, mỗi Hội dòng đều có linh đạo và sứ mạng riêng, chẳng hạn nhiều dòng tu chuyên phục vụ trong các bệnh viện, chăm lo cho người nghèo, hay dấn thân loan báo Tin Mừng trong các miền truyền giáo …vv… Nhưng tất cả đều quy về một mục đích là loan truyền tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với muôn người. Chính nhờ sứ mạng của người tu sĩ, mà người ta có thể nhận ra dấu chỉ Nước Trời đang hiện diện giữa lòng nhân thế. Qua việc làm cụ thể là gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ những gian khó của anh chị em và nhất là trở thành trung gian chuyển cầu ơn Chúa xuống trên họ.

Giữa bao thăng trầm của cuộc sống hiện tại, hơn bao giờ hết, Giáo hội và Xã hội luôn cần người tu sĩ hiện diện như những chứng tá sống động của Thiên Chúa và Nước Trời. Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục nâng đỡ và chỉ dẫn chúng con là những người sống đời tận hiến cho Chúa, giúp chúng con trung thành với linh đạo, đặc sủng và sứ vụ của Hội dòng mình, hầu chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa mang đến cho nhân loại.

Hoa Xuân

Để lại một bình luận