Mục Vụ Tháng 08. 2023: Hiệp Thông Giữa Hội Thánh Hoàn Vũ Và Hội Thánh Địa Phương

Trong chiều kích của Mầu Nhiệm hiệp thông không thể không nhắc đến việc hiệp thông giữa Hội Thánh Hoàn Vũ và Hội Thánh Địa Phương, hai thực thể luôn song hành và cùng phát triển trong sứ mạng loan báo tin mừng cho muôn dân. Trở đi từ sách Tông đồ Công vụ trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ hợp nhau cầu nguyện cùng với Mẹ Maria thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên từng người và ban ơn giúp các Tông đồ mạnh dạng ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Đó là ngày chính thức khai sinh Hội Thánh của Ngài. Không dừng lại ở đó, sau khi được ơn Thánh Thần, các Tông Đồ nói được nhiều thứ tiếng lạ khiến cho mọi người đều bỡ ngỡ đến mức nghĩ các ông bị ma men nhập. Nhưng thật sự chính do ơn tác động của Thánh Thần làm cho mọi người từ khắp các dân tộc khác nhau có thể hiểu được lời giảng dạy của các Tông Đồ. Và cao đỉnh là từ những cuộc bị bách hại và chạy trốn của các Tông Đồ, qua công cuộc truyền giáo của thánh Phaolô – vị tông đồ của dân ngoại mà Hội Thánh địa phương được thiết lập khắp nơi qua những lời rao giảng của các ngài.

Nhưng phải hiểu làm sao cho đúng về bản chất thực sự của Hội Thánh Hoàn Vũ và Hội Thánh Địa Phương trong sự hiệp thông với nhau? Không thể hiểu theo lối suy nghĩ Hội Thánh Hoàn Vũ là tập hợp hay là liên minh của các Hội Thánh Địa Phương. Vì về mặt bản thể học và theo trình tự thời gian thì Hội Thánh Hoàn Vũ có trước các Hội Thánh Địa Phương. Thêm vào đó, Hội Thánh lúc sơ khai có Mẹ Maria và các Tông đồ là những người lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần đầu tiên, cũng được coi như là những đại diện của một Hội Thánh duy nhất và những người sáng lập tương lai của các Hội Thánh địa phương, những người có sứ mạng hướng về thế giới: từ đó trở đi, Hội Thánh nói tất cả các ngôn ngữ. Nói cách khác, Hội Thánh Hoàn Vũ không phải là “sản phẩm” của nhiều tập đoàn hợp lại nhưng là được coi là mẹ sinh ra nhiều con cái là các Hội Thánh Địa Phương.

Về bản chất, Hội Thánh Địa Phương không phải là một “quốc gia tự trị”, có đường lối tồn tại và phát triển riêng biệt nhưng phụ thuộc vào Hội Thánh Hoàn Vũ. Tính đơn phương này, vốn làm nghèo đi không chỉ khái niệm về Hội Thánh phổ quát mà cả khái niệm về Hội Thánh đặc thù, cho thấy một sự hiểu biết không đầy đủ về khái niệm hiệp thông. Như chính lịch sử đã chứng minh, khi một Hội Thánh địa phương tìm cách giành lấy quyền tự trị của mình bằng cách làm suy yếu sự hiệp thông thực sự của mình với Hội Thánh phổ quát và trung tâm quan trọng và hữu hình của mình, thì sự thống nhất nội bộ của Hội Thánh đó bị phá vỡ và hơn nữa, Hội Thánh đó có nguy cơ mất tự do về mặt hình thức của nhiều thế lực nô dịch và bóc lột.

Mặt khác, khi nói đến sự hiệp thông giữa Hội Thánh hoàn Vũ và Hội Thánh Địa Phương, thiết nghĩ chúng ta cũng nên nói đến việc “thuộc về” Hội Thánh của một tín hữu qua Bí Tích Rửa Tội. Mọi tín hữu, nhờ đức tin và Phép Rửa, được tháp nhập vào Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Một người không thuộc về Hội Thánh phổ quát một cách trung gian, thông qua việc thuộc về một Hội Thánh cụ thể, nhưng theo một cách trực tiếp, ngay cả khi việc gia nhập và sống trong Hội Thánh phổ quát nhất thiết phải diễn ra trong một Hội Thánh cụ thể. Nói một cách đơn giản hơn, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tại một Hội Thánh Địa Phương cụ thể, người tín hữu được thuộc trọn về Hội Thánh phổ quát một cách trực tiếp mà không cần phải thông qua một nghi thức hay một trung gian nào nữa.

Và cũng trong sự hiệp thông ấy, người tín hữu đang sống tại một Hội Thánh Địa Phương bất kì, đều tham gia cùng một nghi lễ phụng vụ, lãnh nhận cùng một ơn ích do các Bí Tích mang lại. Chẳng hạn như trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể cách riêng, mọi tín hữu thấy mình ở trong Hội Thánh của mình, trong Hội Thánh của Chúa Kitô, bất kể thuộc về hay không thuộc về giáo phận, giáo xứ, hoặc cộng đồng cụ thể khác nơi diễn ra việc cử hành này theo quan điểm giáo luật. Trong Hội Thánh là thân mình của Chúa Kitô, mỗi tín hữu ở khắp mọi nơi đều là anh chị em với nhau vì có cùng một Cha trên trời.

Mầu nhiệm Hiệp Thông giữa Hội Thánh Hoàn Vũ và Hội Thánh Địa Phương giúp người tín hữu xác tín hơn về tình thương của Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong tầng lớp xã hội, màu da, ngôn ngữ nào thì trong sự hiệp thông duy nhất của Hội Thánh Chúa Kitô tất cả đều có cùng một phẩm giá, một nhân vị, nhân quyền và quan trọng hơn, mọi người đều có thể lãnh nhận ơn cứu rỗi qua cái chết và Phục Sinh vinh hiển của Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Anna Thương Thảo

Để lại một bình luận