CHÚNG TA LẮNG NGHE ĐIỀU GÌ TRONG CUỘC SỐNG
Ngày nay trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội chúng ta thấy các cuộc thi thể thao, sắc đẹp, các game shows, các chương trình văn nghệ … ngày càng nhiều với mọi hình thức, dành cho mọi lứa tuổi tham gia. Trong tất cả các chương trình đó đều có người hướng dẫn, những người tham gia thì ai cũng quyết tâm để đạt được phần thắng cao nhất, kết quả tốt nhất nên tất cả điều nghe theo vị hướng dẫn này. Họ không thể không nghe, không chỉ phải nghe một cách mơ hồ, mà phải nghe cho kĩ, cho rõ như thế bắt buộc họ phải thật chú ý, phải trật tự để lắng nghe. Lắng nghe để được tham gia, tham gia để đạt được kết quả tốt, để được phần thắng, được giải thưởng.
Các cuộc chơi là như thế đó còn nơi các lớp học cũng vậy, một lớp học đạt kết quả tốt thì các bạn học sinh phải lắng nghe giáo viên giảng bài, truyền đạt kiến thức. Các gia đình cũng thế, để có được một gia đình hạnh phúc thì các thành viên trong gia đình phải lắng nghe nhau. Con cái lắng nghe ông bà cha mẹ dạy dỗ điều hay lẽ phải để biết được công ơn của ông bà cha mẹ mà sống hiếu thảo, sống tốt đạo đẹp đời, ông bà cha mẹ lắng nghe con cái tâm sự, chia sẻ để thấu hiểu con mình cần gì và sẽ đáp ứng được những nhu cầu của con cũng như sẽ có phương pháp dạy dỗ, chăm sóc con mình một cách tốt nhất. Đó là các thực tại trần thế. Về phần Giáo Hội “Một Giáo Hội hiệp hành là một Giáo Hội lắng nghe, với ý thức rằng lắng nghe nhiều hơn nghe suông”. (Tông Huấn Evangelii Gaudium SỐ 171)
Giờ đây khi Hội Thánh muốn sống một sự đổi mới sâu xa về truyền giáo, có một hình thức rao giảng thuộc về tất cả chúng ta như một bổn phận hàng ngày. Ðó là mang Tin Mừng đến cho những người mà chúng ta gặp, dù là những người lân cận hoặc những người lạ. Ðó là việc rao giảng không chính thức có thể được thực hiện trong một cuộc trò chuyện và đó cũng là việc mà một nhà truyền giáo làm khi đến thăm một gia đình. Là một môn đệ có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình. (Tông Huấn Evangelii Gaudium SỐ 127)
Con Một Thiên Chúa đã nêu gương cho chúng ta khi xuống thế làm người, mang thân phận phàm nhân sống với loài người, rong ruổi khắp đất nước rao giảng Tin Mừng để lắng nghe, để thấu hiểu dân tộc của Ngài, để lắng nghe tiếng kêu than của con cái Ngài, để biết con người lầm than tội lỗi. Lịch Sử Giáo Hội có rất nhiều mẫu gương truyền giáo: Đức Cha Pierre Lambert De La Motte khi đến vùng tryền giáo Ngài cũng khởi đầu bằng việc học tiếng địa phương và tìm hiểu phong tục, văn hóa bản xứ để có thể thi hành sứ vụ cách hữu hiệu nhất. Mẹ Têrêsa Calcutta, Cha Phanxico Savie … Gần chúng ta nhất và rất quen thuộc là hình ảnh và những câu chuyện truyền giáo của cha Pio Ngô Phúc Hậu.
Chúng ta sống trong một xã hội khoa học kĩ thuật phát triển vượt bậc, Thiên Chúa dường như vắng bóng và tình thương yêu tha nhân cũng không, con người chạy theo tiền tài, danh vọng, đâu đâu cũng đầy những tiếng ồn ào náo nhiệt, điều gì cũng phải nhanh theo kiểu “mì ăn liền”. Những lần quan tâm giúp đỡ nhau, những câu nói, những lời hỏi thăm nhau cũng thưa dần, thay vào đó là “xin lỗi tôi không giúp được, tôi không có thời gian, tôi rất bận …”. Chúng ta cần sống chậm lại, dừng lại để xét duyệt đời sống của chúng ta xem Khả năng lắng nghe của chúng ta có những hạn chế nào, đặc biệt là lắng nghe những người có quan điểm khác với chúng ta? Nơi chốn nào dành cho tiếng nói của những người thiểu số, đặc biệt những người trải qua cảnh đói nghèo, ở bên lề hay bị xã hội loại trừ?. Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta. (Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Hiệp Hành. số 2.2)
Có hai người bạn đang cùng nhau đi giữa đường phố nhộn nhịp với bao tiếng xe cộ ồn ào. Giữa hàng trăm loại âm thanh hỗn hợp của xe cộ, của người, của nhạc cụ, … một cô bạn bỗng nói, “Tôi nghe tiếng dế kêu.” Người bạn kia sửng sốt đáp lại, “Làm gì có, làm sao có thể nghe được tiếng dế giữa hàng trăm thứ tạp âm trong thành phố? Bạn khéo tưởng tượng thật!” Người bạn đáp, “Không, mình thực sự nghe tiếng dế mà. Nào hãy theo mình.” Cả hai cùng đi về một góc đường, và tiến đến một bụi cây. Càng đến gần, tiếng dế càng rõ hơn. Bên dưới những chiếc lá khô, họ thấy một chú dế đang cất tiếng gáy say sưa.
“Chao ơi, thật là lạ. Tai bạn thật là tuyệt vời. Bạn có bí quyết gì vậy?” Người bạn kia hỏi. “Ồ không, tai mình cũng như bạn thôi, đâu có bí quyết gì đâu.” Nhưng hãy xem đây. Cô bạn liền lấy trong túi áo ra vài đồng tiền cắc và tung ra bên vệ đường. Ngay tức khắc, mấy chục người bộ hành ngừng lại và quay nhìn về phía phát ra âm thanh của những đồng tiền cắc. Cô bạn nói tiếp, “Bí quyết là ở chỗ đó. Vấn đề là bạn muốn nghe điều gì trong cuộc sống của bạn.”
Vì vậy chúng ta hãy “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân Ngài; lắng nghe Dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó”. (Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Hiệp Hành. số 2.2)
Fiat