Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gửi thư mục vụ đến cộng đồng dân Chúa, các ngài đã chỉ dẫn cho chúng ta về việc tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Đồng thời, mời gọi toàn thể dân Chúa dấn thân sự tham gia ấy trong năm 2024. Qua đó, Mẹ Giáo Hội mong muốn mỗi chúng ta thực hiện đúng vai trò của mình trong lòng Giáo Hội, góp phần xây dựng “ngôi nhà” Giáo Hội nơi giáo phận, giáo xứ, nơi hội dòng và môi trường ta sống, vì sự tham gia là thuộc về bản chất của chúng ta. Do đó, chúng ta cần ý thức rằng “tôi là Giáo Hội”, thì ta mới có thể dám cống hiến phần mình cho Giáo Hội và tha nhân như Đức Giê-su đã nêu gương trước cho chúng ta.
Quả vậy, như lời của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh: “Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa [….] (Diễn từ khai mạc Thượng HĐGM thế giới XVI, ngày 09/10/2021). Như vậy, khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội là ta đã mang trong mình một đặc quyền của người tín hữu, vừa có quyền lợi nhưng cũng phải nỗ lực thực hiện những gì chúng ta đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa và Giáo Hội ngang qua ba chức năng: tư tế, vương đế và ngôn sứ được cụ thể hóa trong đời sống của mình.
- Đối với chức năng tư tế: Nhờ đức tin và phép rửa chúng ta trở thành người Ki-tô hữu và qua đó, chúng ta được dự phần vào ơn gọi tư tế. Tuy nhiên, chức tư tế của người tín hữu khác với chức tư tế của thừa tác về cấp bậc và bản chất nhưng chúng ta vẫn được tham gia vào chức linh mục duy nhất của Đức Ki-tô theo sứ mệnh riêng của mình, là mỗi ngày chúng ta hiệp dâng thánh lễ; thi hành chức vụ ấy trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, sự từ bỏ và bác ái tích cực trong cuộc sống.
- Đối với chức năng vương đế: Đức Ki-tô đã thi hành vương quyền bằng cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài nhằm để thu phục mọi người đến với mình. Dù là Vua và Chúa muôn loài nhưng Đức Ki-tô đã tự hạ mình làm tôi tớ mọi người, vì “Ngài không đến để được phục vụ mà để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Phần chúng ta, ‘muốn làm vương đế với Đức Ki-tô thì ta phải phục vụ Ngài’ theo cách riêng của mình nơi những người mình gặp gỡ, nhất là những người nghèo khó và khổ đau. Vì nơi những con người ấy, Hội Thánh mới nhận ra hình ảnh của Đức Ki-tô nghèo khó và đau khổ. Thế nên, người tín hữu thực hiện chức năng vương đế của mình, đó là việc chúng ta sống phù hợp ơn gọi phục vụ cùng với Đức Ki-tô.
- Đối với chức năng ngôn sứ: Khi người Ki-tô hữu sống cảm thức đức tin và sống đoàn sủng Dân Thiên Chúa thì họ đã tham dự vào chức tiên tri của Đức Ki-tô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Ngài, đặc biệt qua đời sống đức tin và đức ái theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần khơi dậy và duy trì, đồng thời dưới sự chỉ dẫn của huấn quyền mà mỗi người tín hữu trung thành tuân theo, lúc đó chúng ta không chỉ nói bằng lời nói của con người nữa nhưng là nói bằng lời của Thiên Chúa. Và chúng ta gắn bó hoàn toàn với Đức Ki-tô, tiến sâu hơn trong đức tin nhờ việc phán đoán đúng đắn và sống đức tin cách hoàn thiện hơn.
Vậy, qua góc nhìn nhỏ về “Nền Tảng Của Sự Tham Gia Vào Đời Sống Giáo Hội” mời gọi mỗi chúng ta, dù là ai, hay ở vai trò nào thì chúng ta cũng hãy góp thêm phần của mình để cải thiện, thay đổi môi trường mà ta đang sống, nhất là Tân Phúc Âm xã hội. Nếu như người học trò muốn thi đỗ mà không chịu khó học tập thì làm sao đạt điểm tốt. Nếu chúng ta muốn có cuộc sống ấm no mà không lao động thì làm sao có được. Vì thế, ngoài việc cậy trông ơn Chúa giúp thì chúng ta phải tham gia hết sức mình để biến đổi thế giới này. Chúa làm phần của Chúa, chúng ta làm phần của chúng ta, như thế đời sống giáo phận, giáo xứ và hội dòng mới có thể thông hiệp cùng nhau trong Chúa, và sinh lợi thêm nhiều nén bạc mà Đức Ki-tô đã trao phó cho mỗi chúng ta. Trong bầu khí đón mừng Ngôi Hai Giáng Thế, xin Chúa Giê-su ban cho chúng con luôn hăng say nhiệt thành trong sứ vụ mình được giao phó, hầu chúng con trở thành chứng nhân tình yêu của Ngài trong thế giới hôm nay.
M. Nhị Thơ