MẠNG XÃ HỘI: HY VỌNG VÀ LO ÂU[1]
Một thoáng nhìn về mạng xã hội dưới ánh sáng của Công đồng Vaticano II
Giuse Nguyễn Văn Lăng
WHĐ (23.10.2023) – “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng”[2] là cụm từ thánh Công đồng đã dùng để khởi đầu cho Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay. Theo đó, “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ…”[3] Chắc chắn đó vẫn và mãi là nỗi ưu tư lớn nhất của con người nói chung và của Giáo hội nói riêng về thân phận của con người trong thế giới. Cũng theo thánh Công đồng, thì “…thế giới là sân khấu của lịch sử nhân loại và là thế giới được ghi dấu bằng những cố gắng, thất bại và thắng lợi của nhân loại…”[4] mà trong đó, “nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những thay đổi sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và nỗ lực sáng tạo của con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên cách suy tư và hành động đối với sự vật cũng như con người…sự biến đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như đang bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào cũng có thể bắt nó phục vụ cho mình…chưa bao giờ nhân loại dồi dào tài sản, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay, một phần rất lớn nhân lợi trên thế giới vẫn đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao người đang phải chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó, lại thấy sống dậy những hình thức nô lệ mới về mặt xã hội cũng như tâm lý… Thật vậy, vẫn còn kéo dài mãi tới ngày nay những bất đồng trầm trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ, và một cuộc chiến diệt vong vẫn còn đe dọa… Sau hết, người ta nỗ lực đi tìm một tổ chức trần thế hoàn hảo hơn, nhưng lại không lo tiến tới sự phát triển tinh thần tương xứng… Do đó, bị lay động giữa hy vọng và lo âu, băn khoăn về sự xoay chuyển hiện tại của thế giới, họ cảm thấy một nỗi ưu tư. Sự xoay chuyển của thế giới đang thách thức và thức bách con người tìm câu giải đáp”[5]…
Suy tư về những tư tưởng của thánh Công đồng về thân phận của con người trong thế giới, chúng ta không khỏi giật mình kinh ngạc khi biết những lời này đã được viết ra cách đây hơn 60 năm, thời kì mà mạng xã hội có lẽ chỉ là một bộ phim viễn tưởng. Thế nhưng, chúng ta xác tín chính Chúa Thánh Thần đã thổi một bầu khí mới qua Công đồng, để rồi như một lời tiên tri, những ưu tư của Giáo hội vẫn luôn hiện sinh và vẫn còn nguyên giá trị đối với Giáo hội và thế giới mà chúng ta đang sống, một xã hội đã thay đổi chóng mặt. Con người đã đạt được rất nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực, nhất là khi chúng ta đang sống trong kỉ nguyên công nghệ số, kỉ nguyên được coi là đỉnh cao của trí tuệ con người, với sự ra đời của internet và sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông số. Tuy nhiên, dù thế giới phát triển đến mức nào, thì dường như những hy vọng, những niềm vui luôn đi đôi với những ưu tư và lo âu về thế giới và thân phận con người vẫn luôn còn đó. Thậm chí, khi con người càng phát triển, thì dường như mối lo âu về tương lai và sự tồn vong của nhân loại lại càng trở nên hiện hữu một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, nhất là trong một kỉ nguyên mà công nghệ, nhất là công nghệ AI và thế giới ảo đang từng bước thống trị và đẩy con người khỏi tầm kiểm soát chính những công cụ do mình tạo ra…
Thế giới thay đổi, con người đổi thay…
Thế giới đang thay đổi và đầy biến động. Nhất là trong thời đại kĩ nghệ, khi mà những thành tựu khoa học và công nghệ đang từng ngày làm biến đổi bộ mặt thế giới và đáp ứng ngày càng nhiều hơn những nhu cầu của con người. Những tiến bộ về mọi mặt, cùng những phát minh, sáng kiến hay những khám phá mới là điều không thể phủ nhận khả năng của con người đang giúp thế giới thay da đổi thịt mỗi ngày, dù có thể chỉ với một vẻ ngoài đầy lung linh hào nhoáng. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp và bùng nổ về công nghệ cũng kéo theo những tác động tiêu cực đến đời sống và nếp nghĩ của con người thời đại hôm nay, nhất là khi internet và mạng xã hội xuất hiện. Sự chênh lệch và khoảng cách giữa các quốc gia và giữa các dân tộc ngày càng đào thêm những hố sâu ngăn cách giữa con người với nhau, nhất là văn hóa bài trừ và dửng dưng với niềm tin tôn giáo và Thiên Chúa. Trong kỉ nguyên số, con người không đơn thuần bị chi phối bởi thế giới thật, nơi tương quan của con người được xác định bằng việc tiếp cận mặt giáp mặt, hay sờ chạm, nhưng con người ngày nay còn bị chi phối bởi một thế giới ảo. Thế giới ảo đang lên ngôi và dường như có xu hướng nuốt chửng thế giới thật và cuốn nhiều người đi vào trong thế giới đó thay vì sống trong thế giới thật. Nhân loại đang bị chi phối ngày càng lớn và không thể kiểm soát bởi internet và những nền tảng trên đó, nhất là mạng xã hội, nơi mà không phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo đều đang hằng ngày hằng giờ tương tác và tham gia mọi hoạt động thông qua mạng xã hội…
Sống trong một thế giới thay đổi như thế, tư duy của con người không thể không bị ảnh hưởng và bị chi phối. Đọc lại lịch sử nhân loại, chúng ta dễ dàng nhận ra con người cũng thay đổi qua từng thời đại về mọi mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo. Cũng vậy, giữa một làn sóng khoa học, công nghệ hiện đại đang lướt qua và tác động hằng ngày hằng giờ, nhiều người, nhờ được tiếp cận với kho tàng tri thức một cách nhanh chóng và hiệu quả, cũng thay đổi mỗi ngày trong cách tư duy, cách nhìn nhận cho tới cách đánh giá mọi vấn đề xung quanh con người… Từ đó, những thay đổi trong tư duy của con người về xã hội, lịch sử, văn hóa, tôn giáo cũng như về những hệ thống quan điểm và tư tưởng và về mọi khía cạnh của đời sống là điều không thể tránh khỏi, thậm chí đang diễn ra một cách nhanh chóng và sâu rộng. Trong đó, những giá trị nền tảng tưởng chừng vĩnh cửu về xã hội, luân lý, đạo đức hay tâm linh đang phải đối diện với những thách đố, nhất là sự lan tràn của tư tưởng tự do cá nhân cực đoan, cùng sự tàn phá của chủ nghĩa tương đối và duy vật, với sự trợ giúp đắc lực của làn sóng thần của thời đại mang tên internet và mạng xã hội, đang quét qua và làm lung lay tận gốc rễ…
Vẫn còn đó khát vọng trường tồn…
Dù con người tiến bộ và thăng tiến trên nhiều phương diện, nhưng thẳm sâu nơi tâm khảm con người vẫn còn đó một khát vọng vô biên, một khao khát mà không gì có thể lấp đầy. Đó là khao khát về sự tự do và hạnh phúc đích thực, một thứ tự do và hạnh phúc mà con người thời nay tưởng chừng đã nắm trong tay nhờ phương tiện hoàn hảo nhất. Thế nhưng, càng cố gắng bao nhiêu để nắm lấy, con người càng thất vọng bấy nhiêu khi thực tại ấy lại càng trở nên xa vời… Tự do và hạnh phúc đích thực mãi chỉ là một ước mơ không bao giờ tròn, một thứ bong bóng vỡ tan ngay lúc con người chạm tới…
Thật vậy, thế giới ngày nay khiến con người dễ rơi vào ảo giác và ảo tưởng về một sự tự do tuyệt đối và một hạnh phúc vĩnh cửu có thể đạt được bằng chính sức mạnh và khả năng của mình. Nhưng sự bất toàn và giới hạn của con người, nhất là đau khổ và cái chết chính là rào cản lớn nhất ngăn con người thực hiện tham vọng của mình. Càng cố gắng, con người càng nhận ra sự bất lực của mình trong việc đạt tới một sự tự do và hạnh phúc đích thực. Để rồi những thứ hạnh phúc và tự do giả tạo chóng qua mà con người tạo ra sớm đập tan giấc mơ của con người như sự vỡ tung của bong bóng xà phòng.
Tuy nhiên, chính Thiên Chúa đã đặt để nơi tâm hồn con người một khát vọng để rồi dù trong bất cứ hoàn cảnh và thời đại nào, con người vẫn hướng về Chân-Thiện-Mỹ, những thực tại chỉ đạt tới sự toàn vẹn nơi Thiên Chúa. Vì thế, mọi nỗ lực của con người về vật chất hay tinh thần cũng chỉ phần nào khỏa lấp hố sâu thăm thẳm của khát vọng vô biên về sự hạnh phúc, mà chỉ niềm tin và chỉ có Đức Ki-tô mới có thể lấp đầy và làm cho con người thực sự thỏa mãn. Do đó, thật là sai lầm, và sự thật là không ít người đã lầm tưởng những tiến bộ về khoa học, công nghệ có thể giúp con người thoát khỏi niềm tin và tôn giáo cũng như giúp cho khát vọng của con người được đáp ứng và thỏa mãn cách trọn vẹn…
Giáo hội trong thế giới hôm nay
Đứng trước một nhân loại với biết bao tâm hồn đang ngày đêm khao khát và kiếm tìm hạnh phúc đích thực, Giáo hội ý thức mình không bao giờ và không thể chỉ là một kẻ đứng ngoài như một quan sát viên để rồi thờ ơ với mọi thực tại và sự biến chuyển của thế giới. Trái lại, dưới ánh sáng của Công đồng Vaticano II, luồng gió mới của Chúa Thánh Thần đã thổi vào trong Giáo hội và giúp Giáo hội nhìn lại chính mình cũng như sứ mạng của mình trong thế giới ngày nay. Từ đó, Giáo hội nhìn vào chính mình và nhìn ra thế giới. Nếu trước Công đồng, Giáo hội là một thực tại gần như biệt lập với thế giới, một pháo đài khép kín và tự huyễn hoặc chính mình. Thì sau Công đồng, Giáo hội đã bước ra khỏi chính mình và để Chúa Thánh Thần hoạt động, Giáo hội đi vào trong thế giới, đi đến và đi cùng con người. Hiến chế Lumen Gentium đã trình bày một tuyên bố chính thức về sự tự biết mình của Giáo hội Công giáo[6].
Thật vậy, “Giáo hội hôm nay đang sống trong một thế giới rất khác với thế giới của những thế kỉ trước. Các mạng truyền thông không ngừng gia tăng, đang hợp nhất các dân tộc trên toàn thế giới, thống nhất các nền kinh tế, các thị trường tài chính và các hệ thông tin vẫn đang đóng góp cho hiện tượng được coi là toàn cầu hóa, một sự thay đổi hay biến đổi trong cán cân của tổ chức của con người, một tổ chức liên kết các cộng đoàn ở xa và mở rộng việc đạt đến các mối liên hệ quyền lực ngang qua các miền và các lục địa trên thế giới”[7]. Chính Công đồng cũng quả quyết “thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, và trước mặt nó là đường dẫn tới tự do hoặc nô lệ, tiến bộ hoặc thoái hóa, huynh đệ hoặc hận thù…”[8]
Vì thế, “Giáo hội Công giáo cuối cùng đã chấp nhận thời hiện đại như một thách thức… Hiến chế Mục vụ của Công đồng về Hội Thánh trong thế giới hôm nay đã trình bày một khúc quanh rõ ràng về thế giới này khi đặt Hội thánh vào vị trí phục vụ thế giới ấy…”[9] Trong, một thế giới “với những người liên kết với nhau bằng email hôm nay, hệ thống não bộ điện tử đã làm cho các cuộc truyền thông ở mức độ hành tinh hầu như xảy ra tức thì…”[10], Giáo hội không thể không hội nhập với bước tiến của thế giới. Trái lại, dưới ánh sáng của Tin Mừng và của thánh Công đồng, Giáo hội đã từng bước chấp nhận sự biết mình để dấn mình đem lời Chúa và chân lý đến với nhân loại dưới sự trợ giúp đắc lực của những phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là qua internet và mạng xã hội…
Vẫn còn đó một sứ mạng…
Bản chất của Giáo hội là truyền giáo và sứ mạng của mỗi người tín hữu là loan báo Tin Mừng và gieo rắc bình an cùng nền văn hóa sự sống cho con người mọi nơi mọi thời. Sứ mạng này bắt nguồn từ chính lệnh truyền của Đức Kitô trước khi về trời (x. Mt 16,15). Dù thế giới thay đổi và con người đổi thay, nhưng sứ mạng này chưa bao giờ lỗi thời hay bị coi nhẹ. Trái lại, tùy từng môi trường, điều kiện, hoàn cảnh… Giáo hội vẫn miệt mài thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, hầu Lời Chúa và ơn cứu độ được lan tỏa đến tận cùng trái đất. Điều này được củng cố một cách cụ thể và sống động hơn nơi các văn kiện của Công đồng Vaticano II. Giáo hội quyết tâm loại bỏ mô hình kim tự tháp, vốn biến Giáo hội trở thành một thực tại ấu trĩ với chủ nghĩa giáo sĩ trị và sự kiêu ngạo, để đi ra với thế giới và cổ võ mọi thành phần thực thi sứ mạng của mình, nhất là nâng cao vai trò của người giáo dân, một sứ mạng từng bị quên lãng trong việc loan báo Tin Mừng…
Thật vậy, ngay trong lời mở đầu của Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, thánh công đồng đã quả quyết: “Được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên “Bí tích cứu độ phổ quát”, Giáo hội vì những đòi hỏi căn bản của Công giáo tính và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, nhất quyết loan báo Tin Mừng cho hết mọi người… Nhưng tình trạng của thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới. Vì thế, Giáo hội, là muối và ánh sáng thế gian, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Ki-tô…”[11]
Như vậy, trong mọi nơi, mọi thời, mọi hoàn cảnh, “Giáo hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô…” [12] Đó chính là sứ mạng của mọi thành phần trong Giáo hội. Nhất là trong thế giới đang thay đổi mỗi ngày với sự ra đời và bùng nổ của internet và mạng xã hội, thì sứ mạng loan báo Tin Mừng càng trở nên khẩn thiết và thuận tiện hơn bao giờ hết. Sứ mạng ấy không thể coi là đặc quyền của giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng của tất cả mọi người, những cư dân mạng và cũng là những nhà truyền giáo đích thực trên mạng xã hội…
Internet và mạng xã hội – Dấu chỉ của thời đại
Thế giới mà chúng ta đang sống là một hệ mô hình hóa của màu sắc, âm thanh hay mùi vị… tất cả đều hòa quyện vào nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Tuy nhiên, thế giới kĩ thuật số được mở ra trước mắt chúng ta qua những chiếc máy vi tính thì lại hoàn toàn khác: nó là nhị phân, tắt hay bật, có hoặc không[13]…
Một trong những thành tựu thể hiện sự thống trị của công nghệ thông tin đó chính là sự ra đời của internet và các nền tảng được biết đến với tên gọi chung là mạng xã hội. Thật vậy, “trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Mạng xã hội , hay gọi là mạng xã hội ảo, là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng. Mạng xã hội là một trang web cho phép bạn kết nối với bạn bè và gia đình. Ở đó, bạn có thể chia sẻ hình ảnh, video, âm nhạc và các thông tin cá nhân một cách nhanh chóng.
Hiện nay thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau, với MySpace và Facebook nổi tiếng nhất trong thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu; Orkut và Hi5 tại Nam Mỹ; Friendster tại Châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Mạng xã hội khác gặt hái được thành công đáng kể theo vùng miền như Bebo tại Anh Quốc, CyWorld tại Hàn Quốc, Mixi tại Nhật Bản và tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều các mạng xã hội như: Zing Me, YuMe, Tamtay…” Trong các nền tảng đó thì “Facebook là một trong những mạng xã hội phát triển nhanh nhất hiện nay, từ một mạng lưới các sinh viên đại học đến nay nó đã phát triển trên toàn cầu, đây là một mạng lưới đa sắc tộc và đa dạng về lứa tuổi…”[14]
“Theo thống kê, một số mạng xã hội lớn nhất thế giới và phổ biến hiện nay như sau: Facebook: Số người dùng hoạt động hằng tháng: 2,070,000,000; Youtube: Số người dùng hoạt động hằng tháng: 1,500,000,000; Instagram: Số người dùng hoạt động hằng tháng: 800 triệu; Twitter: Số người dùng hoạt động hằng tháng: 330,000,000.” [15] Những con số khiến bất cứ ai cũng phải kinh ngạc dù chẳng ngạc nhiên…
Đứng trước sự bước tiến không ngừng của thế giới và nhân loại, Giáo hội luôn ý thức dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ nhạy bén và nhận ra những dấu chỉ của thời đại. Để từ những dấu chỉ đó, Giáo hội nhận ra sứ mạng và suy tư về cách tiếp cận và sử dụng những dấu chỉ ấy như phương tiện hữu hiệu để thi hành sứ mạng của mình trong thế giới và trong thời đại ngày hôm nay. Với sự ra đời của internet, nhất là sự bùng nổ của mạng xã hội và không gian kĩ thuật số, bộ mặt thế giới dường như đã thay đổi hoàn toàn. Thế giới trở nên phẳng hơn và con người dường như cũng được xích lại gần nhau hơn… Những thành tựu và ảnh hưởng tích cực của internet và mạng xã hội là điều không thể phủ nhận và vẫn đang biến đổi thế giới mỗi ngày cũng như trở thành phương tiện hỗ trợ đắc lực cho nhân loại trong thế giới hôm nay.
Chúng ta không thể phủ nhận mạng xã hội mở ra những cơ hội quá lớn và cụ thể để cho con người nói chung và Giáo hội nói riêng thực thi công việc và sứ mạng của mình. Ngày nay, việc sử dụng mạng xã hội như công cụ hỗ trợ con người trong công việc và đời sống là không thể chối cãi. Cũng vậy, Giáo hội cũng tiếp nhận đó như một dấu chỉ của thời đại, và sử dụng nó một cách có chọn lọc và khôn ngoan để gieo rắc hạt giống Lời Chúa và làm lan tỏa hình ảnh và ơn cứu độ của Đức Kitô đến với mọi dân tộc. Những điểm tích cực của internet và mạng xã hội đã được tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội[16] ghi nhận và được cả thế giới công nhận và tận dụng những điểm tích cực đó trong cuộc sống hằng ngày.
Thật vậy, chính Công đồng Vaticano II, dù diễn ra khi mà những tiến bộ về internet và mạng xã hội còn rất hạn chế, nhưng cũng đã linh cảm và kêu mời mọi con cái biết nhận ra những dấu chỉ của thời đại và tận dụng cũng như sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cho sứ mạng của mình. Công đồng khẳng định: “Trong những phát minh kỳ diệu về kĩ thuật, mà tài năng con người, nhờ Thiên Chúa trợ giúp, đã từng khai thác từ tạo vật, nhất là trong thời đại chúng ta, thì Giáo hội là Mẹ, đặc biệt ân cần tiếp nhận và theo dõi từ những phát minh liên quan đặc biệt tới tinh thần con người, đến những phát minh tạo thêm những phương thế mới để truyền thông một cách hết sức dễ dàng đủ các loại tin tức, tư tưởng và mệnh lệnh…”[17]
Như thế, Giáo hội luôn tôn trọng những phát minh của con người và coi đó như một quà tặng cao quý mà Thiên Chúa ban cho con người nhờ khả năng đã được chính Ngài ban tặng, để giúp hoàn thiện hơn sự hiện hữu của con người trên trần gian… Đồng thời, Giáo hội cũng khôn ngoan cổ võ con cái mình sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để thực thi cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình trong thế giới hôm nay…
Nhưng không thiếu những thách đố…
Bên cạnh những cơ hội và những điểm tích cực, sự bùng nổ của mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách đố cho nhân loại nói chung và cho Giáo hội nói riêng. Cũng giống như việc sử dụng đồng tiền, nếu sử dụng một cách khôn ngoan và hợp lý, mạng xã hội sẽ trở thành một đầy tớ tốt, những trợ tá thực sự đắc lực và hiệu quả giúp con người thăng tiến và hoàn thiện hơn; nhưng nếu không cẩn thận, mạng xã hội sẽ nghiễm nhiên trở thành một ông chủ cực kì xấu xa và độc ác, nhất là vô nhân tính có thể phá hủy tất cả cũng như nhấn chìm toàn thể nhân loại và thế giới trong sự suy đồi, diệt vong và chết chóc… Điều này chúng ta không lạ lẫm khi nhan nhản trên mạng và trong đời sống là những hậu quả đáng sợ do việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích của mạng xã hội gây ra…
Cụ thể, trong tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội đã chỉ ra những điểm tiêu cực căn bản của mạng xã hội đối với nhân loại nói chung và với hình ảnh và sứ mạng của Giáo hội nói riêng. Theo đó, Hội đồng Giáo hoàng khẳng định: “Internet cũng đặt ra một số vấn đề đặc biệt cho Giáo Hội… Một khi đã nhấn mạnh những điểm tích cực về Internet, ta cũng cần phải hiểu rõ những điểm không tích cực của Internet… “thế giới của các phương tiện truyền thông đôi khi có thể rất vô tình, thậm chí đối nghịch cả với đức tin và luân lý Kitô giáo. […] Trong số những vấn đề đặc biệt do Internet đặt ra có vấn đề: có những địa chỉ truy cập chỉ nhằm mục đích bôi nhọ và tấn công các tập thể tôn giáo và sắc tộc. Một số trong các địa chỉ ấy nhắm tới Giáo hội Công giáo. Cũng như tranh ảnh khiêu dâm và bạo lực trong các phương tiện truyền thông, những địa chỉ thù nghịch của Internet chính là “những phản ánh bề mặt đen tối của bản tính con người đã bị tội làm cho hư hỏng”[…] Số địa chỉ mạng quá nhiều tự nhận là Công giáo đặt ra cho Giáo Hội một vấn đề khác. Như thường nói, các tập thể có liên quan tới Giáo Hội nên có mặt trên mạng Internet một cách sáng tạo; những cá nhân và những tập thể không chính thức nào có động cơ và có thông tin đầy đủ, có thể tự mình hoạt động, đều có quyền có mặt trên mạng. Nhưng nói cho cùng thì thật khó phân biệt được những cách giải thích giáo lý kỳ lạ, những việc thực hành tôn giáo lập dị và việc ủng hộ một ý thức hệ mang nhãn hiệu “Công giáo…””[18]
Tuy nhiên, dù mạng xã hội đặt ra rất nhiều thách đố cho nhân loại nói chung và cho Giáo hội nói riêng, nhưng Giáo hội vẫn nhìn nhận đó là một dấu chỉ của thời đại, một công cụ vô cùng hiệu quả và một đầy tớ tốt để phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng và gieo rắc sự bình an cùng văn minh Kitô giáo cho mọi người và mọi dân tộc…. Chính vì thế, “sự quan tâm của Giáo Hội đối với Internet biểu hiện đặc biệt sự quan tâm xưa nay của Giáo Hội đối với các phương tiện truyền thông xã hội […] Giáo Hội đã tiếp cận các phương tiện truyền thông với một thái độ căn bản là tích cực…”[19]
Mạng xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa thật và là Người thật, đã đến trần gian hơn hai ngàn năm để hoàn tất công trình cứu chuộc của Thiên Chúa Cha bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài. Từ đó, Tin Mừng và ơn cứu độ của Ngài được Giáo hội tiếp nhận và chuyển trao cho nhân loại qua mọi thời và mọi dân tộc. Giáo hội, trong sứ mạng của mình, luôn liên kết với Đầu là Đức Kitô và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tiếp tục sứ mạng mà chính Chúa Giêsu đã giao phó trước khi về trời là “đem ánh sáng Chúa Kitô đến với muôn dân… bằng việc rao giảng Phúc âm.”[20]
Dù đã hơn hai ngàn năm, nhưng những sứ điệp Lời Chúa vẫn còn nguyên giá trị, đầy tính hiện sinh, thức thời, rất gần gũi cũng như cần thiết cho con người trong thế giới hôm nay. Lời Chúa vẫn tiếp tục vang vọng, biến đổi thế giới và con người mọi thời đại. Con người chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên số, nhưng sứ điệp Lời Chúa và ơn cứu độ của Ngài vẫn cần thiết cho mọi người. Bởi vì dù con người phát triển đến đâu, con người vẫn cần được cứu độ để khỏa lấp nỗi khát vọng thẳm sâu trong lòng mình, mà chỉ Đức Kitô, nhờ giá Máu Cứu Chuộc và sự phục sinh của Ngài mới có thể mang lại hạnh phúc và sự sống đích thực và vĩnh cửu cho con người.
Trong thời đại của công nghệ và mạng xã hội, nhiều người lầm tưởng Tin Mừng không còn chỗ đứng nơi mạng xã hội, thậm chí trở thành lỗi thời và vô dụng với con người hôm nay. Tuy nhiên, chính Đức Giêsu, với phương pháp sư phạm đại tài, qua những câu chuyện, những dụ ngôn và những hình ảnh tưởng chừng đơn sơ, nhưng đã phần tiên báo trước những dấu chỉ của thời đại, nơi mà hạt giống Nước Trời vẫn tiếp tục nảy mầm, nơi mà những cánh đồng truyền giáo bao la luôn hiện diện dù ở bất cứ thời đại nào.
Cụ thể, trong dụ ngôn người gieo giống, dưới ánh sáng của Tin Mừng, trước dấu chỉ thời đại nơi mạng xã hội, phải chăng internet và mạng xã hội chính là một mảnh đất mà trong tổng hợp đầy đủ bốn mảnh đất trong Tin Mừng: vệ đường, bụi gai, sỏi đá và đất tốt. Những người gieo giống của thời kĩ nghệ không ai khác là Giáo hội mà trong đó có mỗi người chúng ta, những người kitô hữu không phân biệt thành phần, vẫn phải tiếp tục đáp lại lời mời gọi của Chúa, ra đi gieo vãi hạt giống Lời Chúa nơi chính những mảnh đất là mạng xã hội, để những hạt giống ấy có thể nảy mầm và sinh hoa kết quả. Để được như thế, mỗi người cũng luôn phải cộng tác với ơn Chúa để tiếp tục canh tác những mảnh đất xấu để biến đổi, loại bỏ những sỏi đá hay gai góc giúp mảnh đất mạng xã hội nên mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa bám rễ sâu, nảy mầm và sinh hoa kết quả gấp bội…
Cũng vậy, dưới ánh sáng của Tin Mừng, mạng xã hội cũng chính là chỗ nước sâu của thời đại mới mà Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta, cũng noi gương bắt chước các Tông đồ khi xưa, dám can đảm, tin tưởng vào Chúa mà vâng lời thả lưới. Để rồi, chắc chắn với ơn Chúa và sự nỗ lực của chúng ta, những mẻ cá lạ nơi mạng xã hội sẽ được kéo lên và mang về cho Chúa bằng chính những công cụ và con người của thời đại hôm nay…
Như thế, nếu chúng ta đọc Tin Mừng dưới lăng kính của thời đại, chúng ta sẽ không khó để nhận ra những hình ảnh tiên trưng về mạng xã hội như một cánh đồng truyền giáo, chỗ nước sâu hay một mảnh đất, vườn nho và còn nhiều hơn nữa… đã được chính Chúa Giê-su nói đến trong Tin Mừng. Để từ đó, cũng như xưa, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi Giáo hội là mỗi người kitô hữu chúng ta tiếp tục sự mạng loan báo Tin Mừng và gieo vãi Tình yêu, sự bình an và ơn cứu độ cho thế giới và con người mọi nơi, mọi thời cho đến ngày tận thế…
Giáo hội với mạng xã hội
Thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu, Giáo hội vẫn bền bỉ, kiên định trong sứ mạng bản chất của mình để Tin Mừng cứu độ được loan báo cho hết mọi loài thụ tạo. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, từng thời đại, từng dân tộc, từng nền văn hóa khác nhau mà sứ mạng ấy được Giáo hội thực hiện và chuyển trao cho con người từng thời đại. Nhất là dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Công đồng Vaticano II xuất hiện như một bước ngoặt của Giáo hội, một “Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống mới” trong thiên niên kỉ mới, khi mà thế giới và con người có những bước tiến chóng mặt như đã trình bày ở trên. Dù đã diễn ra cách đây hơn 60 năm, nhưng những văn kiện của Công đồng vẫn còn nguyên giá trị và việc thực hiện các văn kiện ấy trong đời sống Giáo hội vẫn còn cần được đào sâu, triển khai và áp dụng một cách sâu rộng hơn cho phù hợp với thời đại và con người ngày hôm nay. Những văn kiện như Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, hay Sắc lệnh về truyền giáo, Sắc lệnh của Giáo hội về truyền thông xã hội… đã cho thấy sự quan tâm của Giáo hội đối với việc tiếp cận và áp dụng những tiến bộ của nhân loại trong sứ mạng loan báo Tin Mừng…
Thật vậy, “Giáo hội không được giấu mình, đức tin phải được giải thích; và đức tin có thể giải thích được, vì nó hợp với lý trí”[21], nên dù “lối sống vội vã hiện nay làm con người nên bệnh hoạn, dù Giáo hội chưa có được câu trả lời trước vũ trụ truyền thông mạng”[22], và dù “thời nào cũng có nỗ lực khai tử Thiên Chúa, để quay về với những thứ có thể cầm nắm được, nhất là khi những thứ này lại là những chú bò vàng”[23]. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta, những người kitô hữu của thời đại kĩ nghệ này, “là giới thiệu Chúa cho con người và nói cho họ biết sự thật: sự thật về các bí ẩn của tạo dựng; sự thật về sự thật của hiện hữu con người; và sự thật về niềm hy vọng vào cái vượt lên trên những gì hữu hạn trong vũ trụ của chúng ta.”[24]
Cũng trong chiều hướng đó, Giáo hội thay vì đóng khung trong một pháo đài, đã mở ra với thế giới và để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, sử dụng những phương tiện và công cụ của thời đại để loan báo Tin Mừng. “Điều này đặc biệt đúng với Internet, là phương thế dùng để tạo ra những sự thay đổi có tính cách mạng trong thương mại, giáo dục, chính trị, báo chí, quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa nền văn hoá này với nền văn hoá khác – những thay đổi này không chỉ giới hạn trong việc con người liên hệ với nhau như thế nào, mà còn là con người hiểu thế nào về cuộc sống của mình.”[25]
Cụ thể, “càng ngày càng có nhiều giáo xứ, giáo phận, dòng tu, các cơ sở có liên quan với Giáo Hội, các chương trình và tổ chức đủ loại sử dụng Internet một cách rất hữu hiệu cho những mục đích vừa kể và nhiều mục đích khác nữa. Đã có nhiều dự án mang tính sáng tạo do Giáo Hội bảo trợ đang có mặt ở nhiều nơi mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Toà Thánh đã hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực này từ vài năm nay và vẫn đang tiếp tục mở rộng cũng như phát triển mạng Internet. Các tập thể có liên quan với Giáo Hội chưa tiến hành tham gia các thực tế ảo cũng đang được khuyến khích xem lại khả năng thực hiện việc ấy sớm hơn. Chúng tôi hết sức cổ vũ việc trao đổi quan điểm và thông tin về Internet giữa những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này với những người mới làm quen.”[26]
Không những thế, chính các vị chủ chăn trong Giáo hội là các Đức Giáo hoàng cũng luôn khuyến khích mọi kitô hữu sử dụng mạng xã hội cách khôn ngoan và có hiệu quả để thực thi sứ vụ của mình trong đời sống cũng như trong sứ mạng của mình. Hơn nữa, chính các Ngài cũng tham gia mạng xã hội với mục đích loan báo Tin Mừng và gieo niềm hy vọng cho con người và thế giới. Chính Đức Gioan Phaolô II đã gọi các phương tiện truyền thông là “đất thánh đầu tiên của thời đại mới” và đã tuyên bố rằng “nếu chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến thông điệp Kitô giáo và giáo huấn chính thức của Giáo Hội thì chưa đủ. Còn phải làm sao đưa thông điệp ấy ăn sâu nào nền “văn hoá mới” do các phương tiện truyền thông tạo ra”.[27] Trong khi đó, Đức Bênêđictô XVI đánh giá: “Mạng Xã Hội chính là cánh cửa của sự thật và đức tin, không gian mới cho việc chia sẻ Tin Mừng và hy vọng”[28]. Còn Đức Phanxicô cũng là thành viên của mạng xã hội, mà mỗi dòng tweet hay bài đăng của Ngài đều thu hút được hàng triệu lượt theo dõi hay cảm xúc chỉ trong một thời gian ngắn. Nhờ đó, các ngài không ngừng lan tỏa ánh sáng Lời Chúa và văn hóa sự sống cho thế giới… Ngoài ra, rất nhiều cá nhân, tổ chức và hội nhóm của Giáo hội cũng tích cực dùng mạng xã hội như những công cụ hữu hiệu cho sứ mạng của mình, nhờ đó, hình ảnh Đức Kitô ngày một sáng rõ và Tin Mừng cứu độ của Ngài đến được với nhiều dân tộc và nhiều tâm hồn hơn…
Tuy nhiên, dù Giáo hội luôn khuyến khích và cổ vũ việc dùng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để ánh sáng Lời Chúa được chiếu dãi đến muôn dân tộc, nhưng dường như những bước đi của nhiều Giáo hội địa phương vẫn rụt rè và e dè trước mạng xã hội. Điều này cũng dễ hiểu bởi sự mới lạ cùng những thách đố nơi mạng xã hội, sự hạn chế về hiểu biết cũng như sự thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận, đối diện và ứng phó với những thách đố cũng như những vấn đề nhiễu nhương mà mạng xã hội mang lại, cùng với đó là sự ngần ngại của các vị mục tử cũng như các nhà đào tạo…
Đối diện với nhiều thách đố của mạng xã hội, vẫn còn không ít linh mục, chủng sinh hay tu sĩ cảm thấy lúng túng và không biết cách sử dụng hay tiếp cận mạng xã hội, thậm chí còn có thái độ kì thị, chống đối, cấm đoán và loại bỏ nó khỏi sứ vụ của mình. Cũng thế, dường như nhiều dòng tu và chủng viện vẫn không dám đối diện và đón nhận mạng xã hội như một dấu chỉ của thời đại để tìm cách tiếp cận, tạo điều kiện và có những sách lược cần thiết để chuẩn bị cho những ứng sinh hay thành viên của mình những hiểu biết và hành trang cần thiết, cùng với một đời sống trưởng thành khi sử dụng mạng xã hội. Trái lại, sự sợ hãi cùng sự e dè khiến không ít người đóng khung, chạy trốn mạng xã hội, để rồi hậu quả là vẫn còn đó nhiều vị mục tử trẻ, các chủng sinh trẻ hay các tu sĩ trẻ vẫn lúng túng, thậm chí choáng ngợp, thậm chí “gãy” khi tiếp cận và sử dụng mạng xã hội.
Có lẽ cũng đã đến lúc cần nơi các mục tử cùng mọi thành phần dân Chúa trên thế giới và tại Việt Nam nói riêng phải nhìn thẳng vào vấn đề để nhận ra và tìm cách giải quyết những vấn đề của thời đại. Đồng thời, can đảm để từng bước tiếp cận và biến mạng xã hội thành một phương tiện phục vụ cho những sứ vụ và những nhu cầu bức thiết của con người và thế giới hôm nay…
Một vài đề nghị
Đứng trước những thuận lợi và những thách đố do mạng xã hội mang lại cho cuộc sống cũng như cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, chúng ta không thể phủ nhận những đám mây đen vẫn vần vũ trên bầu trời Giáo hội cũng như những khủng hoảng mà cả xã hội và Giáo hội đang phải đối diện. Nơi đó, người ta trách các Kitô hữu sống trong ảo ảnh tôn giáo. Nhưng thật ra thì toàn thể nhân loại lại đang sống trong những thế giới hoàn toàn ảo khác: thế giới ảo của thị trường tài chính, của truyền thông, của xa hoa và tân tiến và nhất là của mạng xã hội[29]… Con người sẽ mất căn cước, mất định hướng, mất sự thật nếu họ để cho nền văn hóa vô đạo mới quản lý suy tư và hành động của mình. Nền văn hóa vô đạo đó sẽ trở nên thật đáng sợ nếu để cho mạng xã hội lên ngôi và trở thành ông chủ chi phối và điều hướng tư tưởng của con người, nơi một xã hội mất dần hy vọng và chẳng còn dám tin gì nữa[30]… Vì thế, là những thực thể, những hữu thể giữa thế giới, và là chi thể của Giáo hội, cùng với Giáo hội, chúng ta không thể phủ nhận hay đứng ngoài những bước tiến của văn minh nhân loại. Trái lại, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua ánh sáng Lời Chúa, Công đồng Vaticano II, cùng với các giáo huấn chính thống của Giáo hội, mỗi kitô hữu chúng ta phải khôn ngoan khi tham gia mạng xã hội với tư cách là thành viên và với bất cứ mục đích nào, từ giải trí, kinh doanh hay để loan báo Tin Mừng, không để mình trở thành nô lệ hay trở thành những nạn nhân đáng thương của nó, để rồi cuộc đời, sứ vụ của chúng ta trở nên đáng buồn và đáng thương. Một số thái độ và một số điều tưởng chừng như cần thiết khi tham gia mạng xã hội:
Tận dụng chứ không lạm dụng…
Mạng xã hội là một công cụ, một đầy tớ tốt, mà nếu biết tận dụng những tiện ích do nó mang lại, chúng ta được hỗ trợ rất đắc lực và hiệu quả trong công việc, trong đời sống từ giải trí tới công việc và nhất là sứ mạng của mình. Nhưng nếu lạm dụng, chúng ta dễ dàng trở thành nạn nhân của nó, thậm chí trở thành những con nghiện, lãng quên thực tại, bỏ bê sứ vụ và nhấn chì cuộc đời trong vòng xoáy không lối thoát do mạng xã hội tạo ra…
Khôn ngoan chứ không khôn lỏi…
Khi tham gia mạng xã hội, thái độ cần thiết nhất có lẽ là sự khôn ngoan. Khôn ngoan để phân định, để biết đâu là những ứng dụng những tiện ích tốt và đâu là những nền tảng, những thứ độc hại để tránh và để loại trừ. Thái độ khôn lỏi là thái độ đáng lên án khi tham gia mạng xã hội, nơi nhiều người sử dụng mạng xã hội để lọc lừa và tuyên truyền những thói hư tật xấu bằng những thủ thuật và sự lọc lừa của mình…
Cầu tiến chứ không cầu toàn
Khi tham gia mạng xã hội, chúng ta cần có tinh thần cầu tiến để đón nhận những tiện ích mà mạng xã hội đem lại trong tinh thần khiêm tốn học hỏi. Nhờ đó, công việc và sứ mạng của chúng ta, nhất là những người kitô hữu trong việc loan báo Tin Mừng sẽ đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Tuy nhiên, một sự cầu toàn có thể cướp mất rất nhiều cơ hội để chúng ta tiến bộ và tận dụng được những dấu chỉ của thời đại để tăng triển bản thân, cũng như bỏ lỡ nhiều cơ hội để gieo rắc hạt giống Lời Chúa cho nhiều tâm hồn…
Một tinh thần tỉnh thức kết hợp với đời sống cầu nguyện
Như đã trình bày, mạng xã hội luôn có hai mặt, là con dao hai lưỡi, là một đầy tớ tốt và trung thành nhưng cũng là một ông chủ cực kì độc ác có thể nhấn chìm và đánh sập bẫy bất cứ ai không kể đó là giáo hoàng, giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ hay giáo dân. Vì thế, khi tham gia mạng xã hội, không được chủ quan và tự tin vào khả năng của mình cũng như để mình bị ru ngủ bởi những thành công hay những thứ hào nhoáng mà mạng xã hội đem lại. Trái lại, một thái độ tỉnh thức, cùng một tâm hồn khiêm tốn, tinh thần cầu nguyện liên lỉ và một đức tin trưởng thành kết hợp với Chúa là những hành trang cần thiết và thường hằng để có thể đứng vững trước những cám dỗ và những cạm bẫy tinh vi nơi mạng xã hội. Nhờ đó, dưới ánh sáng của Tin Mừng, sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội nơi mạng xã hội sẽ ngày một phát triển và đạt được những hóa trái tốt đẹp như lòng Chúa và Giáo hội mong ước…
Tạm kết
Thế giới và văn minh nhân loại đang ngày càng đạt được những bước tiến lớn trong mọi lĩnh vực, nhất là trong kỉ nguyên công nghệ số. Đồng thời, cùng với sự tiến bộ đó là những vấn nạn mà nhân loại đang phải đối diện và giải quyết nếu không muốn sự diệt vong sớm xảy ra mà con người chính là nạn nhân nhưng cũng chính là thủ phạm gây ra sự diệt vong ấy. Giáo hội mà mỗi chúng ta, các kitô hữu mọi thành phần không thể đứng ngoài, dửng dưng hay đóng khung mình trong vỏ sò của sự an toàn giả tạo để rồi tự huyễn hoặc chính mình. Giáo hội từ Công đồng Vaticano II đã từng bước mở ra với thế giới và dấn thân vào thế giới để nên muối và ánh sáng cho nhân loại và cho thế giới hôm nay, thì mỗi chúng ta cũng phải nhận ra những dấu chỉ của thời đại, biết khôn ngoan trong việc tiếp cận và sử dụng các phương tiện của thời đại, nhất là mạng xã hội, để cùng Giáo hội lan tỏa những giá trị Tin Mừng, rắc gieo và làm thấm nhuần những hoa trái của tình yêu và văn hóa sự sống đến với nhiều người. Để rồi, dù vẫn còn đó những thách đố, dù vẫn biết “có rất nhiều vấn nạn phải giải quyết tất cả, nhưng chúng sẽ không được giải quyết hết nếu thế giới không tái khám phá Thiên Chúa và đưa Người vào vị trí trung tâm”[31]. Nhưng chúng ta xác tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa, với sự nỗ lực của bản thân, sự cộng tác của mọi người, nhất là sự hướng dẫn và thánh hóa của Chúa Thánh Thần, bộ mặt trái đất và thân phận con người mỗi ngày một thấm nhuần và triển nở những hoa trái của Tin Mừng và ơn cứu độ có thể lan tỏa tới muôn người trong thế giới hôm nay…
[1] Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 4
[2] Cf. Ibid., số 1
[3] Cf. Ibid., số 1
[4] Cf. Ibid., số 2
[5] Cf. Ibid., số 4
[6] Cf. Thomas P. Rausch, SJ, Hướng đến một Hội Thánh Công Giáo đích thật, Nxb Đồng Nai, tr. 49
[7] Cf. Ibid. tr. 311
[8] Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 9
[9] Cf. Thomas P. Rausch, SJ, Hướng đến một Hội Thánh Công Giáo đích thật, Nxb Đồng Nai, tr. 24
[10] Ibid. tr. 30
[11] Cf. Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, số 1
[12] Cf. Ibid. số 5
[13] Cf. Charles Arthur, Cuộc chiến công nghệ số, Nxb Dân trí, Tr. 5
[14] Cf. https://giaophanvinhlong.net/kito-huu-va-mang-xa-hoi.html
[15] Cf. Ibid.
[16] Cf. Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội: Giáo Hội và Internet, số 5, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-thong-xa-hoi-giao-hoi-va-internet-45929
[17] Cf. Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 1
[18] Cf. Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội: Giáo Hội và Internet, số 8-9, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-thong-xa-hoi-giao-hoi-va-internet-45929
[19] Cf. Ibid. số 1
[20] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Giáo hoàng học viện Pio X, tr. 119
[21] Đức Bênêđictô XVI
[22] Cf. Đức Bênêđictô XVI, Ánh sáng thế gian, Nxb Tôn Giáo, tr. 9
[23] Cf. Ibid. tr.9
[24] Cf. Ibid. tr. 11
[25] Cf. Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội: Giáo Hội và Internet, số 2
[26] Cf. Ibid. số 5
[27] Cf. Ibid. số 4
[28] Cf. https://giaophanvinhlong.net/kito-huu-va-mang-xa-hoi.html
[29] Cf. Đức Bênêđictô XVI, Ánh sáng thế gian, Nxb Tôn Giáo, tr. 8
[30] Cf. Ibid. tr. 10-11
[31] Cf. Đức Bênêđictô XVI, Ánh sáng thế gian, Nxb Tôn Giáo, tr. 12