Lời Chủ chăn Giáo phận Vĩnh Long: Hiệp thông giữa Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương

LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG:
HIỆP THÔNG GIỮA HỘI THÁNH HOÀN VŨ VÀ HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và Xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần VIII, sẽ nói về sự Hiệp thông giữa Giáo Hội Toàn Cầu và Giáo Hội Địa Phương được trích trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sắc Lệnh Nhiệm Vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội (Christus Dominus), Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) và Thư gửi các Giám mục của Giáo hội Công giáo về một số khía cạnh của Giáo hội của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng 5 năm 1992.

Ý nghĩa về Giáo Hội.

Trước hết chúng ta cần hiểu Giáo Hội là gì? Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, – Thân Thể Đức Kitô, – Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Chương đầu tiên của Lumen Gentium, có tựa đề “Mầu Nhiệm Giáo Hội”, bất kỳ định nghĩa nào đều bắt đầu bằng cách đặt Giáo Hội vào tiến trình cứu độ do Chúa Kitô thực hiện; “Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG số 1).

Nhưng chính việc tìm cách định nghĩa rõ ràng hơn về Giáo Hội mà Lumen Gentium chương II đã trình bày về Giáo Hội như là một trong những sự kiện chính của Công Đồng Vatican II: đó là Dân Thiên Chúa, dân của Giao Ước Mới đã tiếp nhận từ Dân Thiên Chúa của Giao Ước cũ, Israel (x. chú thích LG số 9).

Trong Sách GLHTCG phần “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” viết rất nhiều, ở đây chỉ trích một đoạn ngắn: “Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ Ecclesia (Hội Thánh) dùng để chỉ một cuộc tập họp phụng vụ (cf. 1Co 11,18; 14,19. 28. 34. 35), nhưng cũng để chỉ một cộng đoàn các tín hữu ở một địa phương (cf. 1Co 1,2; 16,1) và toàn thể cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới (cf. 1Co 15,9; Ga 1,13; Ph 3,6). Ba nghĩa này thật ra không thể tách biệt nhau. “Hội Thánh” là dân được Thiên Chúa quy tụ từ khắp thế gian. Hội Thánh hiện diện trong những cộng đoàn địa phương và trở nên hiện thực trong một cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn cử hành Thánh Thể. Hội Thánh sống nhờ Lời và Mình Thánh Đức Kitô và như vậy, Hội Thánh trở thành Thân Thể Đức Kitô” (GLHTCG 752).

Một cách vắn tắt chúng ta có thể định nghĩa Giáo Hội theo như Kinh Thánh viết trong quyển Từ Điển Đức Tin Kitô Giáo: Giáo Hội của Thiên Chúa (2Tx 1,4; 1Tm 3,5; 3,15 v.v…) là sự tập họp Dân Thánh của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, vào những thời gian sau cùng này (Rm 1,7; 1Cr 1,2); đó là một sự xây dựng tinh thần và thánh thiện giữa lòng nhân loại, đó là Israel mới của Chúa (Gl 6,16; Kh 7,4; 1Gc 1,1; Pl 3,3), một Dân Mới của Chúa (1Pr 2,10), thừa hưởng những ân lộc của “Giáo Hội trên hoang địa xưa” (Cv 7,38); một Mầu nhiệm được dấu từ muôn đời trong Thiên Chúa, và đã được mặc khải vào những thời gian sau cùng này (Eph 1,19; Rm 16,25).

– Giáo Hội được dùng để chỉ xã hội pháp lý, tức cơ chế phục vụ cho cộng đồng: hướng dẫn, giảng dạy và cai quản cộng đồng này. – Giáo Hội cũng được hiểu là yếu tố phẩm trật bên trong xã hội: đó là những vị Giám mục hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, có nhiệm vụ triệu tập Dân Chúa, nuôi dưỡng đoàn chiên bằng Lời Chúa và các Bí tích, và hướng dẫn đoàn chiên này.

Các Hình thức của Giáo Hội

Trong Gợi ý Mục vụ VII Giáo Hội, sự Hiệp thông giữa các Thánh có bàn đến Ba tình trạng của Giáo Hội. Đó là những tình trạng khác nhau của Giáo Hội đối với mỗi thành viên: – Giáo Hội lữ hành tại thế hoặc Giáo Hội chiến đấu (trên dương thế); – Giáo Hội đau khổ (trong luyện ngục); – Giáo Hội vinh phúc khải hoàn hoặc Giáo Hội toàn thắng trên Giêrusalem, trên trời.

Giáo Hội hữu hình, Giáo Hội vô hình. – Giáo Hội hữu hình theo phương điện xã hội, có cơ chế, có phẩm trật, có các bí tích, nghĩa là theo phương diện các phương tiện của ơn Cứu chuộc; – Giáo Hội vô hình, theo phương diện nào đó, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể thấy, là những người được Thiên Chúa kêu gọi, được đóng ấn và được Cứu chuộc.

Giáo Hội Địa Phương hay là Giáo Hội riêng biệt là Giáo hội ở một nơi nào trên thế giới, có đầy đủ các quyền hành và các thừa tác vụ của Giáo hội. Thí dụ như Giáo Hội Việt Nam, Giáo Hội Ý. Nhưng khi chúng ta nói Giáo Hội Rôma thì có thể hiểu là Giáo Hội ở thành Rôma, hoặc là Giáo Hội hoàn cầu với người đứng đầu là Giám mục Rôma, Đức Giáo Hoàng. Về vấn đề nầy liên quan đến các Giáo phận trong Giáo Hội.

Giáo phận là một phần của đoàn Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăn dắt, với sự trợ giúp của Linh mục đoàn, để khi liên kết với vị chủ chăn của mình và được chính ngài qui tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Tin Mừng và Thánh Thể, Giáo phận lập thành một Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Chúa Kitô thật sự hiện diện và hành động” (Sắc Lệnh Christus Dominus số 11).

Hiệp thông giữa các Giáo Hội?

Giáo Hội hoàn vũ không phải là kết quả của việc bổ sung các Giáo Hội địa phương. Giáo Hội địa phương không phải là “một phần” của Giáo Hội hoàn vũ do sự phân chia. Giáo Hội địa phương hay Giáo Hội riêng biệt là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô ở một nơi nhất định và vào một thời điểm nhất định. Đây là một điểm quan trọng vì nó có nghĩa là Giáo Hội địa phương hay riêng biệt, chẳng hạn như Giáo phận, chủ yếu không phải là một nguyên tắc tổ chức mà là một quan điểm dựa trên Mầu nhiệm của Giáo Hội, như được tuyên xưng Giáo Hội của Chúa Kitô là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.

Mượn đoạn số 9 trong Thư gửi các Giám mục của Giáo hội Công giáo về một số khía cạnh của Giáo hội của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng 5 năm 1992 để kết thúc vấn đề ở đây.

“Để có thể thấu hiểu ý nghĩa thực sự của việc dùng loại suy mà áp dụng từ ngữ hiệp thông cho toàn bộ các Giáo Hội địa phương, thì trước hết cần phải nhận thức rằng: xét theo tư cách là “những thành phần trong Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô” (Décr. Christus Dominus, n. 6/c), các Giáo Hội địa phương đều có một mối liên hệ đặc biệt với toàn thể, tức là với Giáo Hội phổ quát: đó là mối liên hệ phát sinh từ “bản chất hỗ tương trong nội tính” (JEAN-PAUL II, Discours à la Curie Romaine, 20-XII-1990, n. 9: “L’Osservatore Romano”, 21-XII-1990, p. 5.); bởi lẽ trong mỗi Giáo Hội địa phương “đều có Giáo Hội của Đức Kitô, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, hằng thực sự hiện diện và hoạt động” (Décr. Christus Dominus, n. 11/a.). Vì thế, “không thể nào lại đi quan niệm Giáo Hội phổ quát như là tổng số, hoặc như là một liên hiệp các Giáo Hội địa phương được” (JEAN-PAUL II, Discours aux Evêques des Etats-Unis d’Amérique, 16-IX-1987, n. 3: op. cit., p. 555). Giáo Hội phổ quát không phải là kết quả của sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương, nhưng tự mầu nhiệm chủ yếu của nó, là một thực thể có trước mọi Giáo Hội địa phương riêng lẽ cả về mặt hữu thể lẫn thời gian”.

Giáo Hội tọa lạc trên thế giới. Giáo Hội hiện diện trên thế giới như một thứ men đã mất trong toàn bộ khối bột nhão của con người. Mỗi thành viên của Giáo Hội địa phương và các cộng đồng cụ thể đặt mình trong một bối cảnh cụ thể, một tình huống nhất định cần được biết đến. Ước mong mọi người chúng ta đều hướng tới mầu nhiệm Giáo Hội trong sự Hiệp Thông nầy.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 07 năm 2023

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.net(10.08.2023)

Trả lời