Dư âm về Con đường công nghị của Công Giáo Đức

Con đường công nghị của Công Giáo Đức đã kết thúc cách đây hơn 1 tuần lễ, nhưng đó đây biến cố này vẫn là đề tài được bàn đến trong dư luận Công Giáo tại nhiều nước, và không thiếu những câu hỏi được đặt ra.

Một giai đoạn được vượt qua

Trong 3 ngày từ 9 đến hết 11/3/2023, gần 230 đại biểu gồm các Giám Mục và các đại biểu khác gồm đa số là giáo dân, đã nhóm khóa họp toàn thể thứ 5 và là khóa chót của Con đường Công nghị ở thành phố Frankfurt bên Đức và đã thông qua một số văn kiện, trái với các quy định của giáo luật hiện hành, nhắm mục đích cải tổ Giáo Hội.

Trong số các văn kiện được thông qua có việc chúc lành cho các cặp đồng phái, cho giáo dân giảng trong thánh lễ (omelia), và thỉnh cầu ĐGH Phanxicô xét lại kỷ luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Công Giáo La Tinh, truyền chức phó tế cho phụ nữ.

Khóa họp kết thúc một tiến trình dài 4 năm đi từ tiền đề là các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, khiến cần phải cải tổ Giáo Hội.

Chúc lành các cặp đồng phái

Trong số các quyết định được thông qua, được chú ý nhiều nhất là Nghị quyết chúc lành cho các cặp đồng phái mang tựa đề là “Các lễ nghi chúc lành cho những cặp yêu nhau”. Trong số 58 Giám Mục bỏ phiếu, 38 vị bỏ phiếu ủng hộ việc chúc lành, 9 vị bỏ phiếu chống, 11 Giám Mục bỏ phiếu trắng. Giả sử 11 vị Giám Mục này bỏ phiếu chống thì văn kiện sẽ không được thông qua vì không hội đủ 2/3 số phiếu cần có nơi các Giám Mục. Văn kiện cũng kêu gọi chúc lành cho quan hệ của những cặp ly dị và tái hôn dân sự cũng như những cặp không kết hôn chính thức. 176 giáo dân tại khóa họp đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Khi kết quả bỏ phiếu được công bố, họ vỗ tay, reo hò và vẫy cờ màu cầu vồng chào mừng.

Việc chúc lành cho các cặp đồng phái sẽ được phép thi hành từ tháng 3 năm 2026 trong khi chờ đợi nghiên cứu thiết lập một “nghi lễ phụng vụ” cho vấn đề này.

Biện pháp trên đây do Con đường Công nghị thông qua không có tính chất bắt buộc trong các giáo phận tại Đức nếu Giám Mục địa phương không thi hành. Tuy nhiên các quan sát viên tin rằng các biện pháp này sẽ được áp dụng trong hầu hết các giáo phận, trong một số trường hợp vì chính các Giám Mục ủng hộ những điều có, và trong những trường hợp khác vì sức ép của các nhân viên khác của Giáo Hội, các cơ quan truyền thông Công Giáo và các anh em Giám Mục khác.

Đức Cha Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức

Phấn khởi nhất và đi hàng đầu trong việc xúc tiếp áp dụng ngay các nghị quyết của Con đường công nghị là Đức Cha Franz-Josef Bode, Giám Mục giáo phận Osnabrueck, ở miền bắc Đức.

Mặc dù Công nghị ở Frankfurt quyết định các nghi thức chúc lành cho các cặp đồng phái sẽ bắt đầu được thi hành từ tháng 3 năm 2026, nhưng 16/3 vừa qua, Đức Cha Bode mời gọi các tín hữu Công Giáo trong giáo phận thuộc quyền hãy tiếp xúc với các giáo xứ để cử hành việc chúc lành cho các cặp đồng phái và những quan hệ khác mà đạo lý và kỷ luật Công Giáo coi là bất hợp pháp như ly dị tái hôn hoặc những cặp sống chung mà không kết hôn. Đặc biệt là tuyên ngôn ngày 15/3/2021 của Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng Giáo Hội không có quyền làm phép chúc lành cho sự kết hiệp của những người đồng phái, và vì thế, việc làm phép chúc lành như vậy là điều bất hợp pháp. Tuyên ngôn đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn trước đó.

Vài phản ứng

Những sự kiện trên đây không khỏi gây thắc mắc và phản ứng nơi các vị lãnh đạo và tín hữu Công Giáo.

Trả lời câu hỏi của 1 ký giả ở Roma hôm 13/3 về việc các Giám Mục Công Giáo Đức đã bỏ phiếu chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói: “Vấn đề này Tòa Thánh đã bày tỏ lập trường rõ ràng”, và ngài nói là người ta “sẽ tiếp tục đối thoại trong Con đường Công nghị của Giáo Hội hoàn vũ”. Và Đức Hồng Y kết luận rằng “Một Giáo Hội địa phương không thể đưa ra một quyết định như vậy vốn có liên hệ tới kỷ luật của Giáo Hội hoàn vũ”.

Đức Hồng Y Gerhard Mueller

Có những Hồng y bày tỏ lập trường mạnh mẽ hơn. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài truyền hình “Lời Vĩnh Cửu” (EWTN) truyền đi tối ngày 16/3, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, nói rằng: “Cần phải có một vụ xem xét và những Giám Mục Đức bỏ phiếu cho phép chúc lành cho những cặp đồng phái hoặc ly dị tái hôn phải bị kết án, và cách chức nếu không hoán cải và chấp nhận đạo lý Công Giáo. Thật là buồn vì đa số các Giám Mục Đức đã bỏ phiếu chống lại đạo lý mạc khải, và đức tin mạc khải của Giáo Hội Công Giáo cũng như của mọi tư tưởng Kitô giáo, chống lại Kinh Thánh, Lời Chúa trong Kinh Thánh và trong Truyền thống tông đồ, cũng như đạo lý được xác định của Giáo Hội Công Giáo”.

Theo Đức Hồng Y Mueller, những giáo dân và Giám Mục ủng hộ những nghị quyết vừa nói tại Con đường Công nghị ở Đức bị ảnh hưởng của trào lưu đồng tính nam, nữ, lưỡng tính và đổi giống, quen gọi tắt là LGBT, cũng như ý thức hệ cấp tiến.” “Thật là điều tuyệt đối phạm thượng khi chúc lành cho những hình thức sống là tội lỗi, theo Kinh Thánh và đạo lý của Giáo Hội, vì mọi hình thức tính dục ngoài hôn nhân thành sự là tội lỗi, không thể được chúc lành”.

Đức Hồng Y cũng giải thích rằng: “Nếu bạn đọc Kinh Thánh, tuyệt đối chỉ có hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, được kết hiệp trong tình yêu về thân xác và linh hồn… và có khả năng trở thành cha mẹ, thành lập một gia đình”.

Đức Hồng Y Raymond Burke

Về phần Đức Hồng Y Raymond Burke, người Mỹ, nguyên Chủ tịch Tối cao Pháp viện của Tòa Thánh, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Truyền hình vừa nói, ngài cũng kêu gọi Tòa Thánh hãy trừng phạt các Giám Mục ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng phái, và nói: ”Dù đó là một sự rời bỏ, giảng dạy lạc giáo và chối bỏ một trong các đạo lý đức tin, hay là bội giáo theo nghĩa từ bỏ Chúa Kitô và mọi giáo huấn của Chúa trong Giáo Hội Công Giáo để tuân theo một hình thức tôn giáo khác, những hành động đó đều là tội ác. Tôi muốn nói, đó là những tội chống lại chính Chúa Kitô, và dĩ nhiên đó là những tội rất nặng. Và giáo luật đã trù định những hình phạt thích đáng”.

Đức Hồng Y Burke cũng cảnh giác rằng Giáo Hội đang bị “lợi dụng” để đẩy mạnh một chương trình hành động theo ý thức hệ. Ngài nói: “Những thứ phát minh đó của con người, những ý thức hệ phàm nhân đang được đẩy mạnh và Giáo Hội bị lạm dụng… để biến Giáo Hội thành một thứ tổ chức con người, hầu như giống như một cơ quan chính phủ, bị lèo lái để thăng tiếng những chương trình và kế hoạch nào đó. Vì thế chúng ta cần phải tỉnh thức đối với những gì đang xảy ra”. (CNA 17-3-2023)

Đức Hồng Y Ouellet

Về phần Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng mãn nhiệm của Bộ Giám Mục, ngài tái phê bình Con đường Công nghị của Công Giáo Đức.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng “Religión Digital” ở Tây Ban Nha, hôm 15/3 vừa qua, Đức Hồng Y Ouellet, nhận định rằng “Những người khởi xướng Con đường Công nghị ở Đức thiếu phương pháp. Họ đặt ý kiến của các giáo dân ngang hàng với các Giám Mục và cùng quyết định theo thể thức dân chủ. Đây là điều không phù hợp với đạo lý của Hội Thánh về Giáo Hội.”

Đức Hồng Y nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục không đi tới độ quả quyết tiến trình cải tổ Giáo Hội tại Đức dẫn tới một cuộc ly giáo, và nói: “Tôn tin tưởng nơi lý trí của các Giám Mục Đức, có thể tránh tình trạng cực đoan hóa về lâu về dài, khiến cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức trở nên xa lạ đối với Giáo Hội hoàn vũ”.

Viễn tượng ly giáo

Một số ký giả nhận định rằng nếu Tòa Thánh xử mạnh và trừng phạt những Giám Mục Đức đã hành động trái ngược với đạo lý và kỷ luật của Giáo Hội Công Giáo, thì sẽ có ly giáo: các Giám Mục này, được sự ủng hộ của đa số giáo dân, sẽ ly khai khỏi Giáo Hội hoàn vũ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA truyền đi hôm 5/3 vừa qua, Đức Hồng Y Walter Kasper, người Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, nhận định rằng: “Những người chủ trương và theo đuổi Con đường Công nghị Đức thường nhấn mạnh và lập đi lập lại rằng họ không hề muốn một sự ly giáo. Nhưng người ta cũng có thể rơi vào một cuộc ly giáo. Phần nào cũng giống các đại cường quốc đã rơi vào thế chiến thứ I, mặc dù không ai thực sự muốn như thế. Những người theo Con đường Công nghị ở Đức phải nghiêm túc để ý đến điều đó. Và những câu hỏi đến từ các Hội Đồng Giám Mục khác cũng phải được nghiêm túc để ý tại Đức và đừng làm như thể mình đã biết sự thật. Điều này khiến cho người Đức luôn bị dị nghị ở nước ngoài. Khi tôi gặp các Hồng Y ở Roma này, các vị vẫn “lắc đầu” về người Đức. Khi ấy tôi cố gắng giải thích một số điều cho họ” (KNA 5-3-2023)

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Để lại một bình luận