Điều gì sẽ xảy ra nếu có “Đức giáo”?

Tuy có những lời cảnh giác của Tòa Thánh, Giáo hội Công Giáo tại Đức nhất quyết tiến hành “Con đường Công nghị” trong chương trình cải tổ và việc này đang đưa Cộng đoàn Giáo Hội tại đây dần dần xa lìa Giáo Hội hoàn vũ.

Vấn đề vẫn còn

Thực vậy, từ lâu dư luận Công Giáo tại nhiều nơi đã đặt câu hỏi: liệu Cộng đoàn Công Giáo tại Đức có ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và trở thành “Đức giáo” hay không? Còn Đức Thánh Cha Phanxicô thì đã hơn một lần cảnh giác rằng tại Đức đã có Giáo Hội Tin Lành rồi, không cần một “Giáo Hội Tin lành thứ hai”!

Nhiều Giám Mục Đức, bắt đầu từ hai vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, là Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, và Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, đều quả quyết Công Giáo tại Đức sẽ không ly khai với Tòa Thánh.

Mặc dù có những lời trấn an và xác quyết đó, mới đây ký giả John Allen của trang mạng Công Giáo “Crux now” của Mỹ, và một số ký giả khác vẫn đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp có ly giáo ở Đức?

Viễn tượng này dường như càng trở nên cụ thể trong thời gian gần đây, trước sự kiện mặc dù 3 vị Hồng Y lãnh đạo tại Tòa Thánh đã gửi thư cho các Giám Mục Đức để vạch rõ những sai trái, nhưng những lời yêu cầu đó không được chấp nhận, và người ta càng thấy rõ lập trường của các Giám mục Đức trong khóa họp cấp đại lục Âu Châu, từ ngày 5 đến 12/2 vừa qua tại Praha, thủ đô Cộng hòa Séc. Khoá họp này chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16 ở Roma trong tháng 10 năm nay và năm tới về chủ đề: “Tiến tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.

Tòa Thánh cảnh giác các Giám Mục Đức

Ngày 16/1 năm nay (2023), Tòa Thánh đã gửi tới Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, và yêu cầu chuyển tới các Giám Mục nước này, những lời cảnh giác mạnh mẽ.

Thư mang chữ ký của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin và Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, và được Đức Thánh Cha phê chuẩn theo thể thức đặc biệt, nghĩa là không thể kháng nghị lên thẩm quyền nào khác. Thư được công bố hôm 23/1 sau đó tại Đức.

Nguyên nhân của lá thư này là do thắc mắc được Đức Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Koeln, và 4 Giám Mục giáo phận thuộc miền Bavaria là Regensburg, Passau, Eichstaet và Augsbur gửi về Tòa Thánh. Các ngài xin giải đáp thắc mắc về vấn đề các Giám Mục có buộc phải tham gia Hội đồng Công nghị (Synodal Rat) không. Cơ chế này được Đại hội ngày 10/9 năm ngoái (2022) của Con đường Công nghị ở Đức quyết định thành lập như “một cơ quan thảo luận và quyết định về những tiến triển quan trọng trong Giáo Hội và xã hội, và đưa ra những quyết định cơ bản vượt lên trên giáo phận”. Đây là một cơ quan giám sát thường trực có thẩm quyền đưa ra những quyết định quan trọng về kế hoạch mục vụ, các vấn đề tương lai, ngân sách của Giáo Hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận.

Để thành lập Hội đồng này, có trù định một Ủy ban công nghị gồm 27 Giám Mục giáo phận, 27 thành viên Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức đã được bổ nhiệm, và 20 thành viên khác sẽ được bầu lên trong khóa họp vào tháng 3 sắp tới của Con đường công nghị. Ủy ban này sẽ đảm nhận công việc trong năm nay.

Nội dung lá thư

Thư của 3 vị lãnh đạo tại Tòa Thánh nhắc lại câu trả lời của Tòa Thánh trong tuyên ngôn ngày 21/7 năm ngoái (2022), theo đó “Con đường Công nghị không có quyền đòi các Giám Mục và các tín hữu chấp nhận những hình thức cai quản và những hướng đi mới về tín lý và luân lý, vì đó là một việc làm thương tổn cộng đoàn Giáo Hội và sự hiệp nhất của Giáo Hội”.

Theo tuyên ngôn đó, các Giám Mục không có nhiệm vụ tham gia công việc của Ủy ban Công nghị, một ban có mục đích chuẩn bị Hội đồng Công nghị cho đến năm 2026.

Thư của 3 vị lãnh đạo tại Tòa Thánh nhận xét rằng “Hội đồng Công nghị” tạo nên một cơ cấu lãnh đạo mới của Giáo Hội tại Đức. Điều này trái ngược với Hiến chế tín lý “Ánh sáng muôn dân” (Lumen gentium), số 21, về chức năng của các Giám Mục: “Khi được tấn phong, các Giám Mục lãnh nhận trọn vẹn bí tích truyền chức thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo Phụ gọi là chức Linh Mục tối cao, và nhận lãnh thực tại trọn vẹn của thánh vụ. Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai quản; tuy nhiên các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ Lãnh và các phần tử của Giám Mục đoàn”.

Trong thư, 3 vị Hồng Y nhấn mạnh rằng “Chúng tôi muốn minh xác: Con đường công nghị, cũng như bất kỳ cơ quan nào do Con đường này lập nên”, và không một Hội Đồng Giám Mục nào có thẩm quyền thiết lập “Hội đồng công nghị ở cấp độ quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ”.

Phản ứng

Tuy có lập trường rõ ràng trên đây, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và bà Chủ tịch Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức tuyên bố tiếp tục dự án thành lập Hội đồng Công nghị.

Bà Beate Gilles, phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Đức, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Chúng tôi cảm thấy Rôma nổi giận, họ chống Con đường Công nghị Đức, cả trước khi chúng tôi quyết định. Nhưng các Giám Mục của chúng tôi đã mạnh mẽ bác bỏ ý kiến đề nghị tạm ngưng Con đường này”.

Tại khóa họp ở thủ đô Cộng hòa Séc

Tại khóa họp nói trên ở Praha, qua các bài phát biểu, người ta nhận thấy chủ ý của Giáo Hội tại Đức tiếp tục tiến hành các dự án cải tổ của mình dù chúng đi ngược với giáo huấn Công Giáo về các cặp đồng tính, chỗ đứng của phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội.

Khóa họp do Liên Hội đồng Giám Mục Âu Châu tổ chức và tiến hành qua 2 giai đoạn: trước tiên từ 5 đến 9/2/2023 với sự tham dự của 200 đại biểu hiện diện trực tiếp và khoảng 400 người tham dự trực tuyến. Phần thứ 2 diễn ra từ 10 đến 12/2/2023 và chỉ có 39 chủ tịch Hội đồng Giám Mục Âu Châu tham dự.

Tại khóa họp có các ý kiến rất khác nhau: nhiều đại biểu, như từ Ba Lan, mong muốn Công nghị nói rõ ràng đâu là điều Giáo Hội tuyên dạy. Ví dụ nữ tu Mirona Turzysnka, dòng Phan Sinh Ba Lan (OSF) bày tỏ yêu cầu đó và nói: sau cùng tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng phải nói rõ: “Đâu là 10 giới răn, đâu là tội, đâu là sự hoán cải!”.

Một đại biểu khác của Công Giáo Ba Lan, giáo sư Aleksander Banka, lên tiếng chống lại cám dỗ muốn “kiến tạo một Giáo Hội khác” như một số đại biểu ở Đức hoặc nước khác đề nghị.

Trong khi đó, 1 đại biểu từ Đức, bà Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban trung ương Giáo dân Công Giáo Đức, và là đồng chủ tịch Con đường Công nghị ở Đức, ngang với Đức Cha Baetzing, yêu cầu Giáo Hội truyền chức linh mục cho phụ nữ, bởi vì, bà cảnh giác: “nếu không sẽ có nhiều phụ nữ rời bỏ Giáo Hội”. Bà mạnh mẽ phê bình những người không muốn thay đổi.

Tại Đức, một số giáo phận đã bất chấp và bắt đầu chuẩn bị tiến hành thành lập Hội đồng Công nghị tại địa phương, gồm các giáo dân, để cùng với Giám Mục nhắm cai quản giáo phận.

Hậu quả nếu có ly giáo

Ký giả John Allen của tạp chí “Crux now” nhận định rằng mặc dù có những lời hòa dịu từ hai phía, nhưng một sự ly giáo không phải là một giả thuyết vô lý. Nhưng nếu điều này xảy ra thì đó không phải là một “thảm họa”:

– Trước hết về mặt nhân sự: trên lý thuyết nước Đức có 22 triệu tín hữu Công Giáo, nhưng trong đó chỉ có 3,1 triệu người tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội. Con số tín hữu Công Giáo Đức thật nhỏ bé so với 1 tỷ 300 triệu người Công Giáo trên thế giới. Một cuộc ly giáo, xét về số lượng, không trầm trọng lắm.

Công Giáo Đức cũng không đóng góp quan trọng về nhân sự Giáo Hội. Cả nước năm nay chỉ có 48 chủng sinh mới tại 27 giáo phận toàn quốc. Trong khi đó tại Ấn độ, có số Công Giáo tương tự như Đức, nhưng mỗi năm số tân linh mục nhiều gấp 10 lần.

– Tuy nhiên, nếu có ly giáo thì đó là một mất mát quan trọng về tài chánh đối với Giáo Hội, đặc biệt là Tòa Thánh và các nước Mỹ châu La tinh.

Ký giả Carsten Frerk ước lượng tài sản của các giáo phận Công Giáo Đức vào khoảng 460 tỷ Mỹ kim trong đó 150 tỷ là vốn và phần còn lại là bất động sản và các tài sản khác, nhờ chế độ thuế Giáo Hội Công Giáo cũng như Tin Lành và một số tôn giáo khác tại Đức được hưởng.

Đức cũng như Mỹ và Ý là những nước trong đó các tín hữu đóng góp quan trọng về tài chánh cho Tòa Thánh. Theo ký giả Allen, nếu mất sự đóng góp từ Đức, có thể Vatican sẽ bị thiệt mỗi năm khoảng 90 triệu đôla. (Cath.ca 13/2/2023)

Nhận định của Đức Hồng Y Mueller

Đức Hồng Y Gerhard Mueller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Libero ở Ý, truyền đi hôm 25/1/2023, nhận định rằng “Từ lâu đang xuất hiện một lý thuyết về ‘Công nghị tính’, Synodality, phần nào giống như một sự dân chủ hóa Giáo Hội và nó chẳng liên hệ gì tới thần học Công Giáo. Giáo Hội không thể ví với một Quốc gia hoặc một cơ cấu trần thế. Tôi nghĩ rằng tại Đức, người ta đang tạo nên một tình trạng tệ hại hơn một cuộc ly giáo, cuộc ly giáo này trong thực tế có từ lâu rồi. Chúng ta đang chứng kiến sự tách rời của một Giáo Hội địa phương ra khỏi trung tâm Roma, trong thực tế, người ta đang từ bỏ bí tích tính: đây thực sự là một sự chối đạo hay bội giáo đúng nghĩa, tệ hại hơn cả một cuộc ly giáo”.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Trả lời