Tiến sĩ Hoffman Ospino
WHĐ (10.3.2023) – Sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Giáo hội là trách nhiệm của tất cả những người đã được rửa tội. Tất cả người nữ và người nam, đã sống lại với Chúa Giêsu Kitô trong nước Phép Rửa và được đóng ấn bằng dấu ấn Thánh Thần, phải biết mình được trao quyền để loan báo Tin mừng, để làm chứng về những gì Thiên Chúa có được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, và trở thành công cụ của triều đại Thiên Chúa ở đây và bây giờ trong lịch sử của chúng ta. Đây là một khoảnh khắc của ân sủng – một khoảnh khắc cho chúng ta cơ hội với tư cách là những mục tử, các giáo sư và các nhà thần học – để cùng nhau biện phân, trong tinh thần đối thoại hiệp hành, ơn gọi trở thành đồng trách nhiệm của Giáo hội. Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi truyền giáo như một cộng đồng mà sứ vụ chính là loan truyền trên tinh thần hiệp thông.
Dù là giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ, tất cả đã lãnh nhận cùng một phép rửa, đều có trách nhiệm truyền giáo, bởi tất cả chúng ta cùng chia sẻ trong ba nhiệm vụ của Chúa Giêsu Kitô: Linh mục, Tiên tri và Vương đế. Mọi suy tư về việc đào tạo giáo dân phải bắt đầu từ đây. Chúng ta vinh dự được sống trong một thời khắc lịch sử, thời khắc chúng ta cùng chia sẻ nhiệm vụ của Giáo hội cách năng động: Giáo hội ý thức về căn tính và vai trò của giáo dân.
Ba sự phát triển quan trọng cần được lưu ý:
1/ Thứ nhất, Giáo hội đã có những bước đột phá lớn lao, chẳng hạn Giáo hội cho phép nói về vai trò phụ nữ nam giới trong các điều khoản riêng liên quan đến các sinh hoạt mục vụ và truyền giáo của Giáo hội. Địa vị giáo dân không nên được định nghĩa đơn thuần là những người đã được rửa tội nhưng không phải là giáo sĩ hoặc là tu sĩ. Tất cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân là những tín hữu có chung một phẩm giá qua bí tích Rửa tội.
2/ Thứ hai, các hoạt động tông đồ giáo dân đều thiết yếu trong đời sống và cơ cấu của Giáo hội. Người ta không thể nói về Giáo hội mà không nói đủ các thành phần giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ.
3/ Thứ ba, người giáo dân không chỉ đơn thuần là “cộng tác viên” hay “trợ lý” cho hàng giáo sĩ, cho tu sĩ. Người giáo dân đều đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội.
Qua nhiều suy tư thần học và những kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của giáo dân trong Giáo hội, có thể nói người nam và người nữ giáo dân như những người đồng chịu trách nhiệm trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Giáo hội, và các mục tử cần cổ võ các loại hình đào tạo phù hợp các lãnh vực đặc biệt của dân Chúa. Để làm được điều đó đòi hỏi một sự chuyển động về mô hình đào tạo bắt đầu từ giáo dân, các mục tử có thể đề nghị người giáo dân viết thần học, về đời sống mục vụ, truyền giáo và đời sống tông đồ theo quan điểm của giáo dân. Giáo hội sẽ mạnh hơn khi có nhiều quan điểm, được nảy sinh từ những trải nghiệm khác nhau, qua trung gian, qua những lăng kính khác nhau, làm phong phú thêm về sự hiểu biết của các mục tử.
Sự thay đổi mô hình này dựa trên hai xác tín cơ bản về Giáo hội học:
– Một là giáo dân nam nữ cùng chịu trách nhiệm về đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, cũng như về tất cả các thành viên cộng đồng Giáo hội, bởi vì chúng ta đã được rửa tội. Căn tính rửa tội của mỗi tín hữu khiến họ đồng trách nhiệm cho công việc, sứ mệnh, cơ cấu và con người của Giáo hội. Đồng thời, bởi vì chúng ta được rửa tội, chúng ta có quyền tham gia một cách đáng tin cậy vào các tiến trình giúp Giáo hội hoạt động, nhiệm vụ, cấu trúc và con người hiệu quả.
– Hai là người nữ và người nam giáo dân, đã được rửa tội và là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, cùng với hàng giáo sĩ và những người được thánh hiến làm thành cộng đoàn Giáo hội – Dân Thiên Chúa. Người mục tử khi nói về giáo dân, phải nhìn họ như những người “giúp Giáo hội thăng tiến sứ mệnh của mình” hoặc những người mà “Giáo hội phục vụ hoặc đồng hành”. Từ quan điểm này, người mục tử đòi hỏi người giáo dân phải có trách nhiệm hơn trong việc thực thi công việc mục vụ của mình theo trách với tinh thần đồng trách nhiệm đối với các giáo dân khác, với hàng giáo sĩ và với người thánh hiến. Sự thay đổi mô hình được đề xuất ở đây, tập trung vào kinh nghiệm của giáo dân để nói về giáo dân sẵn sàng thừa nhận và khẳng định các nguyên tắc sau đây:
* Thứ nhất, Chúa Thánh Thần sống, hành động và hoạt động trong mỗi người đã được rửa tội. Đó là Thánh Thần đã được trao ban khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, được đổi mới nhờ việc tham dự vào các bí tích và đời sống cầu nguyện. Tất cả mọi người giáo dân đều mang lấy phẩm giá làm con Thiên Chúa; cùng một Thần khí nâng đỡ ơn gọi của các tu sĩ và giáo sĩ; cùng một Thần khí hướng dẫn và canh tân Giáo hội trong lịch sử. Điều này chúng ta sẽ gọi nguyên lý Thần khí học.
* Thứ hai, giáo dân nam nữ, với tư cách là những người có đức tin, xét theo những bối cảnh, kinh nghiệm cụ thể, và hoàn cảnh trong đó cuộc sống diễn ra, bên trong và bên ngoài các cơ cấu Giáo hội, kinh nghiệm cuộc sống phù hợp với ơn gọi trong tình trạng giáo dân. Kinh nghiệm như vậy, cho phép chúng ta biết và giải thích thực tế theo những cách riêng biệt, chẳng hạn: kết hôn, sinh con, nuôi con, chăm cháu, đi cùng vợ hoặc chồng hoặc con qua bệnh tật, trải nghiệm sự đau khổ đặc biệt liên quan đến việc mất vợ hoặc chồng hoặc con cái, cuộc sống độc thân phục vụ người khác, tham gia vào chính trị; lao động trong môi trường xã hội, và trong các hoạt động khác, làm mở mang kiến thức và hiểu biết cách sâu sắc, nhất là giúp nhận ra sự bí ẩn thâm sâu của con người và của Thiên Chúa, điều không thể nhận biết được bằng cách khác. Điều này chúng ta sẽ gọi là nguyên tắc nhận thức luận.
* Thứ ba, liên kết chặt chẽ với những kinh nghiệm vừa đề cập, người giáo dân trải qua lịch sử khám phá những cách để hiểu thực tế và cách trải nghiệm về Chúa hàng ngày trong ngôn ngữ bình thường của cuộc sống, không là ngôn ngữ thần học hoặc Kinh thánh, nhưng vẫn dựa trên giáo huấn của Giáo hội. Trong các lãnh vực liên quan đến nghệ thuật, văn học, thế giới kỹ thuật số, công nghệ, truyền thông và truyền thống triết học và tôn giáo đa dạng, người giáo dân vẫn có thể khám phá nơi đó tiếng nói của Thiên Chúa, để nỗ lực trình bày về Thiên Chúa cách thích hợp với hoàn cảnh cụ thể. Điều này chúng ta sẽ gọi là nguyên lý thần học.
* Thứ tư, nam nữ giáo dân sống và thực hành ơn gọi rửa tội của mình trong môi trường mình sống, đòi hỏi phải làm chứng Tin mừng mà không cần nhắc đến ngôn ngữ tôn giáo một cách rõ ràng và cũng không cần phải loan báo Tin mừng nơi bục giảng, trong nhà thờ. Họ loan báo Tin mừng trong nhà máy, bệnh viện, văn phòng, lớp học, sân thể thao, ngân hàng, cuộc họp hội đồng quản trị, trang trại, phòng thí nghiệm, các căn phòng nơi những quyết định sinh tử được đưa ra, căn phòng nơi chính sách sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người được soạn thảo, v.v. Chứng kiến niềm tin của chúng ta trong những không gian này, đặc biệt là trong một xã hội ngày càng tục hóa, khẳng định về sự sống và sự thật, tuyên bố rằng Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta, rằng Chúa Giêsu Kitô là Cứu Chúa của thế giới. Điều này chúng ta sẽ gọi là nguyên tắc tiên tri.
Bốn nguyên tắc này – Khí học, Nhận thức luận, Thần học và Tiên tri – đòi hỏi một tin tưởng đặc biệt vào những nam nữ giáo dân như những bình chứa, thông dịch viên và người quản lý đích thực của sứ mạng rao giảng Tin mừng duy nhất của Giáo hội.
Là những người cộng tác trong vườn nho của Chúa, anh chị em giáo dân hiệp thông với các giáo sĩ và những người sống đời thánh hiến chia sẻ Tin mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô để thánh hóa thế giới. Cộng tác với hàng giáo sĩ và tu sĩ, người giáo dân không chỉ có sự hiểu biết chung về sứ mệnh mà còn chia sẻ trong cùng một sứ mệnh. Sứ mệnh chung không xóa bỏ các vai trò và ơn gọi riêng biệt mà mỗi người được mời gọi trong cùng một cộng đoàn Giáo hội. Thánh Phaolô đã trình bày điều này qua hình ảnh về một thân xác: “ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần khí duy nhất”.
Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (x. 1Cr 12,12-21).
Thật lạ lùng khi cho rằng duy chỉ có người giáo dân nam nữ làm chứng đức tin ở bên ngoài các cấu trúc Giáo hội, hay nói cách khác chỉ ở “trong thế gian”. Nói như thế khó giải thích được theo khái niệm về vũ trụ học, và nhân học. Làm sao cắt nghĩa được về các hình thức tồn tại đồng thời “trong thế gian” và “bên ngoài thế gian”. Sự phân chia này có vẻ giả tạo. Giáo hội với tư cách là dân Thiên Chúa hiện hữu trong lịch sử. Chúng ta tồn tại trên thế giới; chúng ta là thế giới. Ngay cả khi chúng ta đọc phép ẩn dụ qua lăng kính của thần học Johannine: những người “ở ngoài thế gian” là những người từ chối Thiên Chúa và Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cần phải cẩn thận để không sử dụng nó một cách ngây thơ hoặc không phù hợp khi đề cập đến cuộc sống và sự tham gia của giáo dân vào sứ mạng loan báo Tin mừng. Người giáo dân sống ơn gọi của bí tích Rửa tội không phải lúc nào cũng sống trong không gian của các công việc được gọi là thuộc về Giáo hội, nhưng như là những người cùng cộng tác làm việc trong vườn nho của Chúa, người giáo dân cũng tham dự vào phận vụ của Giáo hội và chia sẻ trách nhiệm với hàng giáo sĩ và tu sĩ trong việc làm cho Tin mừng của Chúa đến với muôn dân cho dầu họ bị hạn chế về thời gian, không gian và khả năng do nghề nghiệp cụ thể của họ.
Người giáo dân cũng là những cộng tác viên trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Giáo hội trong nội bộ Giáo hội. Nếu tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, người ta cho rằng nhiệm vụ này là mục tiêu chủ yếu của hàng giáo sĩ và người giáo dân chỉ đảm nhận một vai trò thụ động, chờ đợi để được mời giúp đỡ hoặc hỗ trợ cho công việc loan báo, đó không phải là tầm nhìn và thách đố mà Công đồng Vatican II đã đưa ra, đặc biệt là trong Lumen Gentium, mời gọi chúng ta hiểu Giáo hội là dân Chúa. Là thành viên của các giáo xứ, giáo phận, các tổ chức và các cấu trúc khác của Giáo hội, chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng quan tâm đến vận mệnh của Giáo hội. Do đó, các mục tử phải quan tâm đến việc đào tạo giáo dân, giống như việc Giáo hội quan tâm đến việc đào tạo cho các ứng viên linh mục tương lai.
Một số nam nữ giáo dân được kêu gọi tham gia cách rõ ràng hơn vào thừa tác vụ của Giáo hội. Họ là những thừa tác viên giáo dân. Như vậy, họ được mời gọi tham gia vào hoạt động mục vụ của giáo xứ nơi họ sống và phục vụ, và được chính giám mục bổ nhiệm. Để làm được điều này, họ phải trải qua sự huấn luyện thần học và thừa tác thích hợp. Công việc mục vụ Giáo hội là một ơn gọi cụ thể được đặt để trong ơn gọi nảy sinh từ bí tích Rửa tội. Những công việc mục vụ này được trao cho người giáo dân phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ, nhờ đó công việc loan báo Tin mừng được phong phú theo cách riêng biệt. Thừa tác vụ giáo dân là ơn gọi mục vụ đích thực trong đời sống Giáo hội, bắt nguồn từ sự phong phú và năng quyền của bí tích Rửa tội, và như thế nó không nên được coi là một giải pháp tạm thời khi phải đối mặt với tình trạng khan hiếm linh mục. Sự hưng thịnh của thừa tác vụ giáo dân là một hồng ân của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội trong thời đại chúng ta. Sự hưng thịnh đó sẽ được thúc đẩy cùng với sự hưng thịnh của thừa tác vụ của hàng giáo sĩ .
Việc đào tạo giáo dân bắt đầu với cam kết cung cấp các nguồn lực cho tất cả những người đã được rửa tội, để họ có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô ở đây và ngay bây giờ. Chỉ có những người cảm nghiệm được tình yêu thương xót và biến đổi của Chúa trong cuộc đời họ, những người xác tín chắc chắn về mầu nhiệm Vượt qua và sự phục sinh của Người mới có thể giúp họ trở thành người môn đệ đích thật của Chúa. Điểm khởi đầu của sự đào tạo với tư cách là những môn đệ chính là cuộc sống của chính chúng ta được định hình bởi thực tế và hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải hàng ngày. Mọi quá trình hình thành đều bắt đầu từ cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta hãy trở lại với bốn nguyên tắc đã được xác định trước đó: khí học, nhận thức luận, thần học, và tiên tri.
Việc đào tạo giáo dân cần phải:
- Cung cấp cho người giáo dân các ngôn từ thích hợp để giúp họ xác định và gọi tên cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống cụ thể của họ;
- Khẳng định sự khôn ngoan và sự hiểu biết sâu sắc của giáo dân như là điểm gặp gỡ với các nguyên tắc cốt lõi của truyền thống Kitô giáo;
- Hình thành trí tưởng tượng của giáo dân để nuôi dưỡng đời sống tinh thần, và từ đó nảy sinh nhiều sáng kiến trong việc loan báo Tin mừng cách có hiệu quả;
- Và trao cho giáo dân quyền làm chứng với niềm vui và can đảm cho sự thật và các giá trị của Tin mừng, bắt đầu từ chính gia đình và cộng đồng đức tin, và từ đó hướng đến nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống của chúng ta.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong một thời điểm rất quan trọng của lịch sử Giáo hội. Chúng ta có thể nói cách tin tưởng tuyệt đối rằng Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta. Đây là một Kairos; một thời gian ân sủng cho phép chúng ta học hỏi nhiều hơn và đánh giá cao hơn vai trò của nam nữ giáo dân với tư cách là những người thợ trong vườn nho của Chúa. Trong tinh thần hiệp hành lắng nghe và phân định, hy vọng rằng những ý tưởng được đưa ra nơi đây sẽ truyền cảm hứng cho các cuộc đối thoại và cách tiếp cận sáng tạo hơn nữa đến việc đào tạo các nam nữ giáo dân để trở thành những người cộng tác cách sống động tích cực vào sứ vụ của Giáo hội. Tất cả chúng ta đều là Giáo hội, do đó chịu trách nhiệm xây dựng những cộng đoàn đức tin vững mạnh bằng những hồng ân Chúa Thánh Thần đã ban cho mỗi chúng ta, cá nhân và cộng đồng. Chúng ta cần có nhau.
LM Antôn Hà Văn Minh lược dịch
[1] Trích đoạn bài thuyết trình của Tiến sĩ Hoffman Ospino Cao đẳng Boston, Hoa Kỳ, tại hội nghị quốc tế về chủ đề: Mục tử và giáo dân được mời gọi cùng tiến bước (Pastors and Lay Faithful Called to Walk Together) do Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức từ ngày 16-18/02/2023 tại Vatican.