Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, Sứ điệp của Gioan

Donald Senior,CP

 Như đã trình bày ngay từ đầu cuộc nghiên cứu của chúng tôi, tường thuật Cuộc Khổ Nạn là đỉnh cao của các chủ đề chính trong Tin Mừng. Sau khi xem xét kỹ những phác thảo trong bức chân dung về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu của Gioan, giờ đây chúng ta đã sẵn sàng lùi lại và nhìn vào toàn bộ bức tranh. Quan điểm của chúng tôi là không trình bày lại những điểm chính trong thần học của Gioan (xem Phần I) mà là tóm tắt cách chúng được diễn đạt trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

I. Cuộc Khổ Nạn và việc Gioan mô tả Chúa Giêsu

 Qua Cuộc Khổ Nạn, Tin Mừng Gioan công bố rằng cái chết của Chúa Giêsu, như một hành động tự hiến hoàn toàn, là mặc khải cuối cùng về tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho thế gian.

 Trình bày Chúa Giêsu như sự mặc khải của Thiên Chúa là dấu ấn của thần học Gioan. Luận điểm căn bản của Tin Mừng Gioan là mọi khía cạnh của cuộc hiện hữu của Chúa Giêsu – con người, sứ vụ, số phận – đều mặc khải Thiên Chúa là ai và kế hoạch của Thiên Chúa cho thế gian là gì. Gioan huy động toàn bộ các ẩn dụ, biểu tượng và sự kiện để khẳng định sự hiểu biết này về Chúa Giêsu. Theo đó, Gioan mô tả sứ mệnh bao trùm của Chúa Giêsu là “Ngôi Lời” nhập thể mang sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa đến một thế giới đã bị đổ vỡ. “Lời” này của Thiên Chúa được thể hiện theo nhiều cách – qua các dấu lạ quyền năng và lòng thương xót của Chúa Giêsu; qua các bài diễn từ mạnh mẽ của Người; và qua những dấn thân táo bạo trong cuộc đời và sứ mệnh của Người. Thật vậy, Chúa Giêsu mang chính tên gọi của Thiên Chúa, “Ta là.” Lời Người là “sự thật” bởi vì con người và sứ vụ của Người mặc khải sự thật tối hậu về Thiên Chúa. Lời chứng của Người là đáng tin và hành động của Người là công trình của Thiên Chúa.

Đối với Tin Mừng Gioan, không “lời” nào của Chúa Giêsu hùng hồn hơn, không dấu chỉ nào minh bạch hơn, không lời chứng nào thuyết phục hơn cái chết của Người. Ngay cả trước khi Cuộc Khổ Nạn bắt đầu diễn ra, Chúa Giêsu của Gioan đã giải thích rõ ràng cái chết sắp xảy ra của mình như một hành động của tình yêu. Chúa Giêsu là “người con” được Thiên Chúa giao nộp vì tình yêu đối với thế gian (3,16-17). Chúa Giêsu là “Mục Tử Tốt”, Đấng đã hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên (10,11); “Hạt lúa mì” phải rơi xuống đất và chết đi để sinh hoa kết trái (12,24). Chúa Giêsu là người bạn thân thiết hiến dâng mạng sống của mình vì tình yêu cho người mình yêu (15,13). Quả thật, Chúa Giêsu yêu những kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (13,1).

Câu chuyện Khổ Nạn được dẫn dắt bởi cái nhìn này của Tin Mừng và một số điểm chính của nó được định hình bởi cái nhìn đó. Chẳng hạn, sự quan tâm của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ  – bạn hữu của Người – được thể hiện qua tường thuật độc đáo của Gioan về việc bắt giữ. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Người, cho phép họ được tự do trong khi chính Người tự ý khuất phục trước bạo lực của Giuđa và quân lính đến bắt Người (18,8). Sự quan tâm tương tự ít nhất cũng là một phần ý nghĩa của hành động cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu khi Người hướng về thân mẫu và môn đệ “mà Người thương mến” (19,26-27).

Khi thảm kịch về việc xét xử và đóng đinh diễn ra, thánh sử quay trở lại các chủ đề về Chúa Giêsu là Đấng mặc khải. Vì vậy, trong khi thẩm vấn, Chúa Giêsu đã thách thức vị thượng tế: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong các hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do Thái tụ họp. Tôi không nói điều gì lén lút.” (18,20). Và Người mạnh dạn nói với một Philatô kém hiểu biết và chậm chạp về mặt tinh thần rằng tất cả cuộc đời của Người là mặc khải “sự thật” về tình yêu thương của Thiên Chúa: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (18,37). Cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và người cầm quyền La Mã đều không thể hiểu rằng sự thật sống động và Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đang hiện thân trước mặt họ trong người tù miền Galilê này.

Nhưng lời khẳng định mạnh mẽ nhất về căn tính của Chúa Giêsu là lời yêu thương của Thiên Chúa dành cho thế gian không phải ở những ẩn dụ hay câu nói cụ thể của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn mà ở chính việc thảm kịch hóa đỉnh cao của nó, khung cảnh cái chết. Người đọc Tin Mừng Gioan chăm chú đã biết cách giải thích mà chính Chúa Giêsu đã đưa ra về cái chết của Người: đó là một hành động của tình yêu thương bạn hữu; đó là sự hi sinh sự sống cho người khác; đó là yêu ai cho đến tận cùng. Đỉnh cao của câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn đã tạo một chất lượng ấn tượng và táo bạo đối với điều đó. Khi phiên tòa La Mã trở nên căng thẳng, Philatô đưa Chúa Giêsu, bị đánh đòn và đội vòng gai với những biểu tượng vương quyền chế nhạo, ra ngoài để đám đông nhìn thấy Người – một nỗ lực chủ ý để lấy lòng thương hại của đám đông và do đó, giải thoát người tù đáng thương này (19,5). Nhưng người đọc – vốn hướng theo những điểm đối lập tinh tế của sự mỉa mai của Gioan – nhận ra rằng đây không phải là thể hiện sự thất bại đáng thương, mà là một biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu, “Ngôi Lời” nhập thể, đích thực là một “con người”, một nhân vật, nhưng trong chính hành động từ bỏ tự do và sự sống, đã biểu tỏ dấu chỉ cuối cùng và không thể nhầm lẫn của tình yêu.

Việc đóng đinh sau đó đã bổ sung thêm các lớp màu sáng cho bức chân dung của Gioan. Chúa Giêsu bị lột áo xống, bị tước bỏ phẩm giá, bị lấy mất tự do và bị đóng đinh vào thập giá. Nhưng một lần nữa bảng màu của Gioan lại thấm đẫm tình trạng trớ trêu. Người đọc biết rằng thập giá thực sự là một khung cảnh rộng lớn mà trên đó Con Người sẽ được “giương cao” cho cả thế giới nhìn thấy (12,32). Tổng trấn La Mã, khi cố gắng châm chọc những người lãnh đạo, những đối thủ chống lại chiến thắng của ông, đã viết tên và tước hiệu của Chúa Giêsu bằng các ngôn ngữ của thế giới để tất cả những ai đi qua đều có thể hiểu được (19,20).

Khi cái chết siết chặt vòng tay của nó, chính Chúa Giêsu biết rằng đây là “giờ”, là thời điểm của sự thật khi tất cả công trình Người phải thực hiện bây giờ đã “hoàn tất”, cái chén mà Người hằng ao ước được uống, tầm mức đầy đủ của tất cả tình yêu mà Người mong muốn bày tỏ cho đến khi “kết thúc” (19,28). Và trong bức chân dung khéo léo của Gioan, Chúa Giêsu chết với lời tuyên bố trên môi: “Thế là đã hoàn tất” (19,30). Lời đã được nói ra; sự sống được ban tặng; tình yêu được bày tỏ. Công trình của Chúa Giêsu với tư cách là Đấng mặc khải về những đặc tính đích thật của Thiên Chúa trong Kinh Thánh đã đi đến kết điểm thành công.

Bằng cách biến đổi một cách sâu xa ý nghĩa của thập giá từ một công cụ của cái chết ghê rợn thành một dấu chỉ của tình yêu tràn ngập, Tin Mừng Gioan đã nắm bắt được nghịch lý căn bản của mặc khải Kitô giáo và khai mở mầu nhiệm vô tận về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian.

Cái chết của Chúa Giêsu là đỉnh cao chiến thắng trong sứ mệnh của Người, là “giờ vinh quang” khải hoàn dẫn Người trở về với Thiên Chúa.

 Kỳ lạ thay, Gioan kể về câu chuyện Cuộc Khổ Nạn mang tính chất chiến thắng và vinh quang. Mặc dù quả thực, đó là một câu chuyện tường thuật về một vụ hành quyết công khai – một cuộc hành quyết được bắt đầu bằng một cuộc bắt giữ, thẩm vấn, đánh đập và tra tấn vào giờ khuya – và mặc dù nó kết thúc bằng cái chết trên cây thập tự và một cuộc chôn cất vội vàng trong ngôi mộ của một người xa lạ, người đọc không thể mất cảm giác chiến thắng dâng trào trong câu chuyện này. Phẩm chất này trong Tin Mừng của Gioan rõ ràng hơn nhiều so với trong các phiên bản Nhất Lãm và nó có thể bắt nguồn từ thần học làm nền tảng cho sự trình bày của Gioan về cái chết của Chúa Giêsu.

Một số nội dung thần học ấy được phản ánh trong chủ đề mà chúng ta đã trình bày ở trên. Vì cái chết của Chúa Giêsu được Gioan giải thích là một hành động tình yêu cứu chuộc, thì Cuộc Khổ Nạn không thể là một thảm kịch. Tương tự như vậy, Chúa Giêsu trong Gioan đã nói về cái chết sắp xảy ra của Người như một giờ “vinh quang” trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ được biểu tỏ cho thế gian qua sự dịu dàng vô hạn của tình yêu thương của Chúa Giêsu và qua quyền năng chiến thắng cái ác của Người.

Một cách diễn đạt khác chủ đề căn bản này về Chúa Giêsu như là Đấng mặc khải về Thiên Chúa là việc coi cái chết như một sự “trở về” với Thiên Chúa. Như chúng ta đã lưu ý trong Phần I, Gioan quan niệm về sứ mệnh tổng quát của Chúa Giêsu theo nghĩa “không gian”: Ngôi Lời phát xuất từ ​​Thiên Chúa và đến “thế gian”, trở nên xác phàm và ở lại trong lịch sử nhân loại. Theo đó, Tin Mừng cũng có thể nói về cái chết của Chúa Giêsu như một sự “trở về” với Thiên Chúa, như một sự “trở về nhà”, trong đó Chúa Giêsu quay trở lại với Chúa Cha, Đấng đã sai Người và ở lại mãi mãi trong tình yêu của Thiên Chúa. Số phận của Chúa Giêsu báo trước cho tất cả các tín hữu; trong lời di chúc cuối cùng của mình, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (17,24).

Ở đây có một sự chuyển đổi sâu sắc khác của các biểu tượng. Thay vì coi cái chết như một sự chấm dứt, một sự dừng lại của dòng sự sống, Tin Mừng miêu tả cái chết của Chúa Giêsu như một khởi đầu vinh quang, như một cánh cổng mà qua đó, Chúa Giêsu đi từ thế giới này sang thế giới khác, trở về nhà trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa của mình. Và như vậy Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh của Người.

Cảm giác chiến thắng đó phảng phất trong không gian của toàn bộ câu chuyện Cuộc Khổ Nạn. Chúa Giêsu không mang tính cách của một kẻ bại trận. Người đối đầu với những kẻ bắt giữ, khiến họ quỳ gối khi Người thốt ra thánh danh của mình (18,6). Người không ngần ngại thách thức thầy thượng tế (18,20-21,23) và tổng trấn La Mã (19,11) hoặc duy trì sự im lặng cao thượng và lên án khi đứng trước những lời đe dọa hoặc yêu cầu của họ (19,9). Khi Philatô và những người lính của ông chế nhạo Chúa Giêsu về những tuyên bố của Người về vương quyền, độc giả  biết rằng vương miện và tước hiệu làm vua là phù hợp với Chúa Giêsu (19,5). Ngay cả việc đóng đinh đáng sợ cũng mang một nhịp chiến thắng kỳ lạ: Chúa Giêsu vác thập giá của mình đến Gôlgôtha ​​(19,17); việc đóng đinh Người trở thành một cuộc lên ngôi với một đoàn tùy tùng ở bên phải và bên trái Người (19,18); một công bố về danh hiệu là vua của Người được đóng vào đỉnh của ngai vàng thập giá. Và Chúa Giêsu chết không phải với tiếng kêu than như trong Marcô và Mátthêu, cũng không phải bằng lời cầu nguyện phó thác như trong Luca, nhưng với sự xác tín: “Mọi sự đã hoàn tất” (19,30). Ngay cả khi vượt qua ranh giới của cái chết, cảm giác chiến thắng đó vẫn tiếp tục khi thân thể của Chúa Giêsu không bị gãy chân và mũi đòng chảy ra một dòng nước và máu, dấu chỉ của sự sống mới (19,34). Và Chúa Giêsu được mai táng với các dấu chỉ tôn kính của một vị vua (19,39).

Đối với Tin Mừng Gioan, thập giá của Chúa Giêsu trở thành cánh cổng dẫn đến sự sống viên mãn với Thiên Chúa và do đó, ý muốn của thánh sử đặt chiến thắng của Chúa Giêsu trước cái chết nằm rất gần toàn bộ tường thuật của ngài. Chúa Giêsu không bước vào thế giới đáng sợ mà trở về với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con”. (17,13).

Từ thánh giá của Người, Chúa Giêsu sẽ xét xử quyền lực bóng tối và sự chết đồng thời đánh bại chúng; mặt khác quyền năng của thánh giá trở thành tiêu chuẩn xét xử đối với tất cả các biểu hiện khác của quyền lực.

 Như chúng ta đã lưu ý ngay từ đầu, Tin Mừng Gioan mô tả Chúa Giêsu thường xuyên xung đột với những người hiểu lầm, từ chối hoặc chống lại sứ mệnh của Người. Đặc tính này của Tin Mừng là một biểu hiện của nhãn quan thần học của thánh sử. Hình ảnh của Chúa Giêsu quá choáng ngợp và sự thật về sứ mệnh của Người trong suốt đến mức bắt buộc phải người ta phải có phản ứng: hoặc đón nhận Chúa Giêsu và tin lời Người, hoặc không tin và từ chối Người. Bởi vì căn tính của Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa, nên mọi sự sống đều quy về việc  đón nhận lời chứng của Người. Do đó, từ chối Chúa Giêsu, rốt cuộc có nghĩa là quay lưng lại với sự sống và chọn cái chết đời đời. Theo quan điểm của Gioan, việc quyết định lựa chọn như vậy chỉ có thể bắt nguồn từ sức mạnh của ma quỷ, kẻ gây ra mọi sự chống đối Chúa Giêsu.

Nói cách khác, Kitô học của Gioan là một Kitô học ở tầm cao. Mọi sự đều tùy thuộc vào Chúa Giêsu và Lời sự thật của Người. Như chúng ta sẽ lưu ý dưới đây, có một sự giảm nhẹ nào đó khỏi lập trường nhị nguyên này trong việc ngài miêu tả các nhân vật như ông Nicôđêmô và ông Phêrô, nhưng phần lớn, Tin Mừng đề cập đến những điều tuyệt đối: tin hay không tin; ánh sáng hay bóng tối; sự sống hay cái chết.

Cuộc đụng độ giữa Chúa Giêsu và quyền lực của sự ác được giải quyết trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn. Tại đây, những lời giận dữ trút vào Người trong thời gian thi hành sứ vụ kết hợp lại thành một cuộc tấn công cuối cùng chống lại Lời của Thiên Chúa. Sự hợp nhất đó được báo hiệu trong cảnh mở đầu khi người môn đệ sa ngã Giuđa, vệ binh của người Pharisêu và các tư tế, những người lính La Mã cùng nhau vây bắt Chúa Giêsu (18,3).

Sự chống đối Chúa Giêsu có nhiều hình thức trong Tin Mừng và mỗi hình thức đều được thể hiện trong Cuộc Khổ Nạn. Chắc chắn là những nhà lãnh đạo tôn giáo mà Gioan thường gộp lại thành một bức tường chống đối nổi bật – “người Do Thái” – là một cách diễn tả thâm hiểm của sự không tin vào Tin Mừng. Trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn, họ đóng một vai trò chính yếu. Những người đại diện của họ có mặt tại cuộc bắt giữ (18,3). Cả thượng tế Caipha và người tiền nhiệm của ông, Khanan, đều tra hỏi Chúa Giêsu một cách thù địch (18,19-24), và sau đó, các nhà lãnh đạo Do Thái giao nộp Người cho Philatô để kết án (18:28).

Xuyên suốt phần trình bày của Gioan về phiên tòa La Mã, những người lãnh đạo – thường được gọi là “người Do Thái” – là những nhân vật chủ chốt kiên định, luôn đưa ra những lời buộc tội mới chống lại Chúa Giêsu (19,7), hối thúc Philatô (18,30; 19,12) và phản đối những nỗ lực yếu ớt của ông ta muốn xử khoan hồng (18,38-40; 19,4-7; 19,12; 19,14-15). Ngay cả khi Chúa Giêsu đã bị hành hình, các “thượng tế” vẫn phản đối cách diễn đạt tấm biển mà Philatô treo trên thập giá (19,21). Chiều sâu của sự không tin của các nhà lãnh đạo được đo lường bằng những tuyên bố thật kinh ngạc về lòng trung thành mà họ gắn bó với Caesar để bảo đảm cho việc lên án Chúa Giêsu. Họ cảnh báo Philatô rằng ông ta sẽ “không là bạn của Caesar” nếu ông tha Chúa Giêsu vì “kẻ tự xưng là vua, thì chống lại hoàng đế” (19,12) và cuối cùng họ đi quá xa khi xúc phạm truyền thống của chính họ bằng cách tuyên bố: “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Caesar” (19,15).

Hầu hết các môn đệ đã sớm rời khỏi khung cảnh Cuộc Khổ Nạn vì Chúa Giêsu bảo vệ họ ngay lúc Người bị bắt và bảo đảm sự an toàn cho họ – một dấu chỉ cho thấy vai trò của Người là Mục Tử đích thực (18,8-9). Nhưng Giuđa, một môn đệ sa ngã, lại chất chứa sự hoài nghi. Sự quyến rũ của bóng tối đã đưa nhân vật bi thảm này đến phía của sự không tin để cuối cùng anh ta dẫn đầu một toán lính canh và quân lính đến bắt Chúa Giêsu (18,2-3, 5). Trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn, thánh sử không suy đoán gì thêm về số phận của Giuđa; điều đó đã được nói đến trong các cảnh trước đó của Tin Mừng. Trong lời cầu nguyện cuối cùng của mình, Chúa Giêsu tuyên bố rằng Người đã bảo vệ tất cả những kẻ mà Cha đã ban cho Người khỏi sự hư mất – ngoại trừ một người, “đứa con hư hỏng” (17,12).

Khi chối Chúa Giêsu, ông Phêrô đã đi đến bờ vực thẳm nhưng ông không bị hư mất. Như chúng ta sẽ thảo luận dưới đây, trong Tin Mừng Gioan ông Phêrô không phải là một kiểu mẫu về sự không tin, nhưng là một trong những ví dụ hiếm hoi hơn về những người nỗ lực vươn dậy trong đức tin.

Ông Philatô là một nhân vật khác của Gioan, mà thoạt đầu, dường như có một vai trò không rõ ràng trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn. Vào đầu cuộc xét xử của người La Mã, Philatô ở thế đối lập với người Do Thái và ủng hộ Chúa Giêsu. Ông đã bốn lần bác bỏ những lời buộc tội của họ (18,31, 38; 19,4, 6) và công khai tìm kiếm việc tha Chúa Giêsu (18,39-40; 19,12). Nhưng khi phiên tòa mở ra, rõ ràng là Philatô cũng đang ở trong tình trạng không tin và nỗ lực của ông để thả Chúa Giêsu được thúc đẩy không phải bởi đức tin mà bởi sự khinh thường người Do Thái và sự sợ hãi. Ở một số nơi trong Tin Mừng, các nhân vật chủ chốt có cơ hội đối thoại với Chúa Giêsu. Trong những trường hợp như người phụ nữ Samari (4,4-42) và người mù bẩm sinh (9,1-41), những cuộc trò chuyện này dẫn đến sự hoán cải và cuộc sống mới. Tuy nhiên những trường hợp khác kết thúc bằng sự mơ hồ (5,2-14; 3,1-10) hoặc thậm chí cắt đứt mối quan hệ với Chúa Giêsu (6,66).

Ông Philatô có cơ hội duy nhất được nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu vào lúc Người chịu Cuộc Khổ Nạn – một thủ pháp văn học bao trùm trình thuật của Gioan (18,33-19,12). Nhưng bi kịch là Philatô không nhận ra rằng ông đang đối diện với Sự Thật tối thượng (18,38) và cuối cùng ông đã giao nộp Chúa Giêsu cho kẻ thù của Người (19,16).

Đối thủ hung dữ nhất của Chúa Giêsu, đứng ngoài bối cảnh nhưng tác động rất mạnh trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn của Gioan là Satan. Tin Mừng đã nói rõ điều đó ở phần đầu của Sách Vinh Quang khi Gioan lưu ý rằng “ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Iscariốt ý định nộp Chúa Giêsu” (13,2). Trước đó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng một người trong số họ là “quỷ” và người kể chuyện cho độc giả biết rằng Chúa Giêsu đang nói về “Giuđa, con ông Simôn Iscariốt” (6,70-71). Sự chiếm đoạt đó của ma quỷ hoàn tất vào lúc Chúa Giêsu trao cho Giuđa một miếng bánh trong bữa ăn, một dấu hiệu cho thấy ai đã phản bội Người: “Sau khi y ăn xong miếng miếng bánh, Satan đã nhập vào y” (13,27). Người đọc cũng biết rằng, theo quan điểm của Gioan, chính các nhà lãnh đạo trong vai trò là biểu tượng của sự không tin một cách cố chấp cũng bị Satan lôi kéo và do đó, có ý định tiêu diệt Chúa Giêsu. Điều này đã được nêu ra trong cuộc tranh luận mạnh mẽ ở chương 8, nơi Chúa Giêsu cáo buộc những người lãnh đạo có Satan làm cha mẹ của họ: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (8,44).

Do đó, theo cái nhìn của Gioan, sự chống đối dẫn đến Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu không phải là một lập trường được chọn để đưa đến cực điểm và cũng không chỉ đơn giản là sự sai lầm của công lý. Ẩn khuất bên dưới sự chống đối Chúa Giêsu là chính ác thần, đang nỗ lực cản trở công trình của Thiên Chúa và bào mòn sứ điệp về lời cứu chuộc của Chúa Giêsu. Niềm xác tín này khơi thông một lập trường kiên định mà Gioan trình bày cả Chúa Giêsu và những kẻ chống đối Người trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn và trong suốt Tin Mừng.

Nhưng Gioan không cho thấy nghi ngờ gì rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng quyền lực sự dữ, và sự khẳng định điều này thấm đẫm trong sự mỉa mai, một sự mỉa mai trở nên trọng tâm của sứ điệp Kitô giáo. Trong khi theo bản năng, sự dữ cố gắng tiêu diệt Chúa Giêsu và qua đó phá hủy quyền năng của Người, thì độc giả Tin Mừng lại nhận biết rằng trong chính hành động chết này, một cái chết vì tình yêu, quyền năng của Thiên Chúa chiến thắng. Một lần nữa, Tin Mừng Gioan lại tập trung sức mạnh bi thảm của nó vào trung tâm mầu nhiệm và nghịch lý của sứ điệp Kitô giáo: cái chết dẫn đến sự sống – một khẳng định lật đổ quyền lực của bóng tối.

Việc xét xử quyền lực của cái ác được trình bày đặc biệt mạnh mẽ ở một trong những biểu tượng trọng tâm của câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Gioan, đó là “vương quyền”. Sự nổi bật của bối cảnh phiên tòa La Mã trong tường thuật của Gioan và sự giao thoa giữa Philatô, đại diện của quyền lực đế quốc, và Chúa Giêsu, người tù bị buộc tội xưng mình là vua, khiến ẩn dụ này có một vị trí quan trọng trong thần học về Cuộc Khổ Nạn của Gioan.

Ở đây, sự mỉa mai cũng là một thủ pháp văn học chính của Gioan. Người đọc ngay từ đầu đã biết rằng Chúa Giêsu  Hoàng Tử của Thiên Chúa, nắm mọi quyền hành từ trên cao. Ngay cả những kẻ thù của Người cũng thoáng nhìn thấy vẻ uy nghiêm đáng sợ này vào lúc bắt bớ, khi chính âm thanh từ tên của Người đã đẩy họ ngã xuống đất, bất lực (18,6). Và Philatô cũng vậy, mặc dù bị mê man trong sự không tin, ông vẫn cảm thấy rằng người đàn ông mà ông thẩm vấn có một quyền năng bí ẩn và ông sợ hãi điều đó (19,8).

Nhưng đối với hầu hết trình thuật, chỉ có sự mỉa mai mới cung cấp chìa khóa cho cảnh này. Vấn đề trọng tâm của phiên tòa là tuyên bố được cho là của Chúa Giêsu về vương quyền và, không vòng vo, Philtô đặt ra ngay câu hỏi đó: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” (18,33). Và chính Chúa Giêsu mạnh dạn tuyên bố về chính mình: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này…” (18,37).

Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng rằng quyền làm vua của Người hoàn toàn khác với quyền lực tàn bạo như của Philatô và các nhà lãnh đạo Do Thái. Vương quốc của Người không phải là “từ thế gian này” (18,36). Vai trò làm vua của Người không được thể hiện trong việc thống trị người Do Thái và trong việc buôn bán sự sống con người, như của La Mã và do đó của Philatô. Và quyền lực của Philatô bị giới hạn trong những gì Thiên Chúa ban cho ông (19,11). Sứ mệnh làm vua của Chúa Giêsu là đến thế gian “để làm chứng cho sự thật” (18,37). Sự thật về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian cuối cùng được tỏ hiện qua việc Chúa Giêsu tự hiến cho bạn hữu của Người.

Chính trên nền tảng đó, sự mỉa mai đã tạo ra một cái nêm giữa các biểu tượng về quyền lực mà Philatô phấn đấu và biểu hiện hoàn toàn khác về vương quyền của Chúa Giêsu. Trong một nỗ lực muốn tạo ra lòng thương cảm cho Chúa Giêsu, Philatô đã bao quanh Người bằng những biểu tượng của quyền lực đế quốc: một chiếc vương miện; một chiếc áo choàng màu tím; sự kính trọng của binh lính (19,1-3). Hai lần ông dẫn Chúa Giêsu ra ngoài công đường trước đám đông để bắt chước một nghi lễ tung hô của công chúng (19,4-5; 13-15). Tất cả những biểu tượng này đều là sự ngụy tạo có chủ ý: một chiếc vương miện bằng gai nhọn; lòng kính trọng đó là một trò chơi bạo lực; một cuộc công kênh vương giả có nghĩa là để khơi gợi sự thương hại và loại bỏ, không phải là sự tán tụng. Khi làm như vậy, quả thực Philatô muốn khẳng định rằng, Chúa Giêsu không phải là vua mà chỉ là một nhân vật bất lực và tầm thường, một con người không đáng bị công chúng lên án. Khi tính thủ đoạn đưa dẫn bàn tay của tổng trấn để Chúa Giêsu bị xử tử, Philatô bày tỏ sự khinh thường của ông đối với các nhà lãnh đạo Do Thái; ông tiếp tục khẳng định việc chế giễu “địa vị làm vua” của Chúa Giêsu bằng cách gắn tấm biển vào thập giá, mặc dù ông và những người lãnh đạo biết rằng điều này không phải như vậy (19,19-21).

Cuối cùng, tất cả các lực lượng dàn ra để chống lại Chúa Giêsu đều bị thất bại. Những kẻ chống đối tin rằng khi xử tử Chúa Giêsu, họ sẽ loại bỏ được Người, lại chỉ làm cho việc hướng Chúa Giêsu đến thời điểm mà tình yêu trung kiên của Người dành cho bạn hữu – dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian – được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất. Gioan đã tô đậm điều mỉa mai đó qua những lời của Caipha trước Cuộc Khổ Nạn: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Chúa Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (11,50-52). Satan, kẻ đã tác động Giuđa nhận ra rằng mưu đồ của hắn chỉ dẫn đến thất bại của cái chết, chứ không phải chiến thắng.

Và người ta không nên đánh giá thấp sự phê phán chính trị được hiểu ngầm trong việc Gioan xử lý các biểu tượng về vua. [1] Quyền lực đế quốc của La Mã không phải là đã lỗi thời khi Tin Mừng thứ tư được viết ra. Quyền lực tiêu biểu của một tổng trấn La Mã, uy quyền tuyệt đối được tuyên bố bằng danh hiệu “vua” hoặc “hoàng đế”, sự thể La Mã chiếm đóng Palestine, hình phạt tàn bạo đóng đinh bất kỳ tội phạm nổi dậy nào – tất cả những điều này làm cho câu chuyện Cuộc Khổ Nạn của Gioan trở thành một khía cạnh nguy hiểm trong thế giới mà nó đã được viết. Khi Gioan nói về vương quyền của Chúa Giêsu bằng ngôn từ “thiêng liêng” – “Vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này” (18,36) – người đọc biết rằng điều này không có nghĩa là uy quyền của Chúa Giêsu không có tác động đến các thực tại xã hội và chính trị, cũng như không phải nó không tạo ra khả năng xảy ra xung đột triệt để với các cấu trúc chính trị hiện hữu và các yêu sách chính trị của đế quốc.

Câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Gioan chia sẻ với các sách Tin Mừng khác một sự phê phán ngầm, nhưng không thể nhầm lẫn, về tất cả quyền lực chính trị được điều hành bởi các giá trị khác với giá trị của Tin Mừng. Quyền năng của Thiên Chúa ở trong Chúa Giêsu và được ban cho con cái Thiên Chúa, là những người tin vào Ngài, mạnh hơn rất nhiều và sẽ tạo được hiệu quả biến đổi hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống chính trị nào.

Điều này được chứng tỏ qua hố sâu ngăn cách giữa Philatô và Chúa Giêsu trong cảnh xét xử trước phiên tòa La Mã; tổng trấn La Mã không thể hiểu được bản chất quyền bính của Chúa Giêsu cũng như không nhận ra giới hạn của chính mình. Quyền bính của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa và được thể hiện trong việc công bố sự thật; và Người sử dụng mọi khả năng của mình để bày tỏ tình yêu Thiên Chúa cho thế gian. Bày tỏ tính siêu việt, chứ không tự làm gia tăng địa vị, đã thúc đẩy Chúa Giêsu thể hiện quyền năng thần thiêng của Người.

Trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn, cây thánh giá trở thành điểm xung đột giữa hai “thế giới” này. Để bảo vệ quyền lợi và để khẳng định sức mạnh của mình, quyền lực La Mã đã bắt giữ người Galilê này và tiêu diệt sự sống của Người thông qua cách thức đóng đinh thật rùng rợn. Khi làm điều đó, nó thể hiện một cách công khai sự khẳng định quyền lực tối thượng đối với sự sống và cái chết. Trong sự phản đối mù quáng của họ đối với Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã từ bỏ gia sản vững chắc về đức tin của họ. Những người tin Kinh Thánh biết rõ giới hạn tất cả các định chế của con người cũng như tất cả những tuyên bố về quyền lực, nếu nó nằm ngoài một mình Thiên Chúa. Thánh sử đã xát thêm muối vào vết thương đó bằng cách để các nhà lãnh đạo tung hô: “Chúng tôi không có vua nào ngoài Caesar” (19,15).

Nhưng ngay tại thời điểm sức mạnh áp đảo đó dường như là toàn thắng, thì nó đã bị phủ nhận chiến thắng của nó. Khi cái chết đến, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất!” – dấu chỉ quyền năng của Người có thể đảo ngược cái vòng khắc nghiệt của cái chết để biến nó thành một nguồn sự sống mới. Khi hi sinh sự sống của mình vì tình yêu, Người hoàn toàn tự do và sống một cách viên mãn. Không một sức mạnh nào của con người, không một cỗ máy áp bức nào có thể cản trở sức mạnh của thập giá.

CÁCH GIOAN MÔ TẢ NGƯỜI DO THÁI

Dưới ánh sáng của khoa lịch sử gần đây, không có suy tư nào về Tin Mừng Gioan mà không thêm chú thích về chủ đề này. Bằng xu hướng hợp nhất nhiều nhóm người Do Thái khác nhau chống đối Chúa Giêsu thành một nhóm, gọi chung là “những người Do Thái,” và bằng cách coi họ là biểu tượng của sự không tin và sự thù địch hung hăng với Chúa Giêsu, Tin Mừng Gioan – có lẽ mạnh hơn các sách Tin Mừng khác – đã vô tình thúc đẩy các Kitô hữu chống lại người Do Thái. [2]

“Vô tình” là một nhận định chính xác về quan điểm của Gioan. Hai lý do chính – một lý do thần học và một lý do lịch sử khác – đã dẫn Gioan đến việc mô tả tiêu cực về các nhà lãnh đạo Do Thái. [3] Như chúng ta đã lưu ý một vài lần trong quá trình nghiên cứu này, thần học của Gioan có xu hướng “nhị nguyên”, nghĩa là nó miêu tả về Chúa Giêsu và sự đáp trả mà nó đòi hỏi một cách tuyệt đối. Chúa Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể, là Con Thiên Chúa, là sự mặc khải cuối cùng và trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian, là Đường và Sự Thật thiết yếu cho sự sống đời đời. Ở cấp độ diễn ngôn này, không có chỗ cho các nhân vật tôn giáo hoặc phương thế cứu rỗi khác: Đền thờ, Môisen và Lề Luật, các nghi lễ của người Do Thái – theo quan điểm của Gioan, tất cả đều được quy lại và phải được thay thế bằng hình tượng bao trùm của Chúa Kitô. Và, do đó, sự đáp trả đối với Chúa Giêsu phải ở cùng một mức độ cực điểm: lựa chọn tin vào Chúa Giêsu là chọn “ánh sáng”, là đón nhận “sự sống” – hoặc không tin và do đó là chọn bóng tối và sự chết.

Trong thế giới của những lựa chọn rõ ràng này, những kẻ chống đối Chúa Giêsu không thể được miêu tả bằng bất cứ điều gì khác ngoài những ngôn từ tuyệt đối. Từ những truyền thống mà ngài đón nhận, vị thánh sử và cộng đoàn của ngài biết rằng một số người trong các nhóm lãnh đạo chắc chắn đã mâu thuẫn với Chúa Giêsu về các điểm lề luật khác nhau và cuối cùng đã không đón nhận sứ điệp của Người. Điều này đã trở thành nền tảng lịch sử và nó được triển khai trong suy tư thần học và việc sử dụng biểu tượng của ngài.

Một yếu tố lịch sử khác có thể đã khiến Gioan miêu tả các nhà lãnh đạo Do Thái với ngôn từ  tiêu cực nổi bật. Sự rạn nứt giữa Kitô giáo sơ khai và Do Thái giáo thời kinh sư, mà một phần của những thực hành này được đẩy nhanh và làm cho phức tạp hơn bởi sự đàn áp của người La Mã đối với cuộc nổi dậy của người Do Thái vào năm 70 sCN, chắc chắn đã ảnh hưởng đến cộng đoàn của Gioan. Chúng ta không thể biết rõ vết thương của cuộc xung đột này giữa Giáo Hội sơ khai và Do Thái giáo còn mới mẻ như thế nào vào thời điểm Tin Mừng Gioan cuối cùng được  thành hình. Nhưng vào một thời điểm nào đó trong lịch sử, sự thù địch tôn giáo xảy ra giữa người Do Thái và Kitô hữu đã để lại dấu ấn trên quan điểm của tác giả Tin Mừng. Câu chuyện về một người mù bẩm sinh mà cha mẹ sợ bị đuổi khỏi hội đường vì kết hợp với Chúa Giêsu dường như phản ánh kinh nghiệm này (9,22); cũng như lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong bài diễn từ cuối cùng: “Họ sẽ khai trừ anh em ra khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.” (16,2). [4]

Lưu ý rằng đây không phải là cuộc xung đột giữa một bên là dân ngoại và một bên là người Do Thái. Chắc chắn, nhiều người trong số các Kitô hữu của Gioan có nguồn gốc là người Do Thái và thần học cũng như biểu tượng của Do Thái giáo có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của Gioan. Do đó, đây không phải là chủ nghĩa chống Do Thái theo cách ngày nay chúng ta nói đến.

Tuy nhiên, miêu tả của Gioan về những người chống đối Chúa Giêsu khơi lên chủ nghĩa bài Do Thái khi những người chú giải sử dụng Tin Mừng làm cơ sở cho sự căm ghét hoặc khinh bỉ người Do Thái. Đây là một di sản bi thảm và thậm chí là báng bổ. Một Tin Mừng mang sứ điệp cốt lõi là công bố tình yêu không nên được sử dụng theo cách mà nó gieo rắc hận thù và thành kiến ​​vào huyết mạch của Giáo Hội.

Một số người đã gợi ý rằng cách giải độc duy nhất cho vấn đề này là thay đổi văn bản của Tin Mừng Gioan bằng cách, hoặc dịch thuật ngữ “người Do Thái” thành “người Giuđê”, do đó làm cho thuật ngữ này ít đặc thù và bao gồm ý nghĩa lịch sử hơn, hoặc, ít nhất trong việc cử hành phụng vụ, chỉnh sửa các văn bản của Gioan để những đoạn văn gây xúc phạm không được công bố trong các nhà thờ Kitô giáo.

Không có giải pháp nào trong số này là hoàn toàn thỏa mãn và có lẽ không có phương án nào dựa trên việc thay đổi văn bản có thể thực hiện được. Một giải pháp khó hơn nhưng cuối cùng thực chất hơn là đánh thức người đọc, người nghe và người rao giảng Tin Mừng Gioan về hoàn cảnh lịch sử của nó cũng như về ý nghĩa đầy đủ của thần học của nó, từ đó tạo điều kiện cho việc Kitô giáo lên tiếng chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, chứ không phải nuôi dưỡng nó.

Cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu chuộc và từ Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nguồn sự sống mới tuôn chảy vào Thế giới

Ẩn chứa trong tất cả các chủ đề mà chúng ta đã xem xét cho đến nay là niềm xác tín của Gioan – một đức tin được chia sẻ với các Tin Mừng Nhất Lãm – rằng cái chết của Chúa Giêsu có sức mạnh biến đổi. Tất nhiên, Gioan nhìn cái chết có mối liên hệ không thể phá vỡ với sự phục sinh của Chúa Giêsu – sự trở về của Người với Chúa Cha trong vinh quang, như ngôn ngữ Gioan đã diễn đạt điều đó. Nhưng chính khoảnh khắc của cái chết đã lan tỏa sức mạnh cứu chuộc và có tác dụng cứu rỗi con người.

Chẳng hạn, việc miêu tả Chúa Giêsu là Đấng mặc khải của Thiên Chúa có nghĩa là những ai “hiểu” hoặc “biết” hoặc “thấy” Thiên Chúa là ai qua dấu chỉ yêu thương về cái chết hi sinh của Chúa Giêsu cho thế gian, được tăng sức mạnh để chính họ trở nên thụ tạo mới và được “tái sinh” làm con cái của Thiên Chúa. Rõ ràng, các phạm trù “biết”, “hiểu”, “thấy” và “tin” được sử dụng trong thần học Gioan không phải chỉ là những thao tác trí tuệ hay những hành động tri giác đơn thuần. Trong thế giới của Gioan – một thế giới chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp và Do Thái – “biết” ai đó, “hiểu” Lời Chúa, có nghĩa là toàn bộ con người của họ đã được biến đổi.

Do đó, mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian được diễn tả qua việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá mang sức mạnh biến đổi vượt trội. Những người hiểu được ý nghĩa về cái chết của Chúa Giêsu sẽ để cho toàn bộ con người của họ – tâm trí, trái tim, ý chí – được  biến đổi bởi nhận thức về sự thật của Thiên Chúa. Lời công bố của nhân chứng kết thúc cảnh về cái chết cho thấy nhận thức về sức mạnh mà dấu chỉ này tác động: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin để anh em cũng có thể tin” (19,35).

Các sự kiện và chủ đề khác của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn củng cố lời tuyên bố của Gioan về quyền năng cứu chuộc trong cái chết của Chúa Giêsu. Như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn bên dưới, việc gửi gắm thân mẫu của Chúa Giêsu cho người Môn đệ Yêu dấu đối với Gioan có thể ngụ ý rằng chính cộng đoàn Kitô hữu được sinh ra vào lúc Chúa Giêsu chết (x. 19,26-27). Những dấu chỉ đầy ý nghĩa của nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu bị đóng đinh cũng là hình ảnh cho thấy quyền năng cứu chuộc của thập giá (19,32-37). Từ thân thể của Chúa Giêsu bị đóng đinh, đền thờ mới của Thiên Chúa (2,21), tuôn chảy sức mạnh của Chúa Thánh Thần vào thế giới, một Thần Khí được tượng trưng bằng nước ban sự sống và máu nuôi dưỡng.

Và, cuối cùng, việc sử dụng khéo léo biểu tượng lễ Vượt Qua của Gioan cũng giúp công bố quyền năng của cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu “Chiên Thiên Chúa” (1,29, 36) bước vào cái chết ngay tại thời điểm các con chiên của lễ Vượt Qua bị giết trong đền thờ (19,14). Và chân của Chúa Giêsu không bị gãy xương, giống như con chiên của lễ Vượt Qua, liên kết cái chết của Người với Kinh Thánh (19,33, 36). Qua đó, Gioan nối kết cái chết của Chúa Giêsu với ngày lễ và nghi thức Vượt Qua, ngày lễ nguyên thủy của người Do Thái cử hành quyền năng giải phóng của cuộc xuất hành. Xuất hành là hành động cứu chuộc kiểu mẫu đưa dân Israel từ cõi chết đến sự sống. Bữa ăn lễ Vượt Qua kỷ niệm sự cứu chuộc khai mào của dân Israel và hướng về sự giải thoát cuối cùng của Thiên Chúa. Gioan ngụ ý rằng chính Chúa Giêsu là hiện thân cho hành động cứu chuộc đó của Thiên Chúa và khi hi sinh mạng sống mình, Người sẽ đánh dấu tín hữu bằng dấu hiệu giải thoát của lễ Vượt Qua.

Theo phong cách điển hình của Gioan, tất cả những điều này đều là những “dấu chỉ” có sức lôi cuốn, nhưng không phải là những mệnh đề rõ ràng. Một cách lũy tích, chúng miêu tả khoảnh khắc cái chết của Chúa Giêsu như một khoảnh khắc của sự biến đổi kinh ngạc, một khoảnh khắc trong đó sự sống mới bật tung xuất hiện. Sự đau đớn trước cái chết của Chúa Giêsu không phải là nỗi đau tận cùng, mà như là cơn đau đẻ và khi sự sống mới xuất hiện, ngay cả nỗi đau đó cũng được biến thành niềm vui (16,20-21).

Mặc dù những biểu tượng này mặc những nét tinh tế, việc giải thích ơn cứu chuộc về cái chết của Chúa Giêsu không phải là một rủi ro. Trong hơn một lần, khi câu chuyện Tin Mừng được mở ra, Chúa Giêsu trong Gioan đã tuyên bố rõ ràng bằng nhiều hình ảnh rằng cái chết của Người là một cái chết đem lại ơn cứu chuộc: thịt của Người được ban cho “sự sống của thế gian” (6,51); với tư cách là một Mục Tử Tốt, Người sẽ hy sinh mạng sống của mình cho đàn chiên để chúng có được “sự sống đời đời” (10,15, 28); như hạt lúa mì chết trong đất, Người sẽ sinh ra nhiều bông hạt (12,24); và vào bữa ăn tối cuối cùng, Người hứa rằng khi Người “ra đi”, Người sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với họ (16,7). Bầu khí hân hoan của Cuộc Khổ Nạn của Gioan và những biểu tượng đầy ý nghĩa của nó về sự sống mới xuất hiện ở thập giá phải được đọc dưới ánh sáng của toàn bộ Tin Mừng.

II. Cuộc Khổ Nạn và việc Gioan miêu tả Đời sống Đức tin

Xuyên suốt trình thuật Cuộc Khổ Nạn cũng như trong toàn bộ Tin Mừng, hình ảnh Chúa Giêsu thu hút mạnh mẽ sự chú ý của người đọc. Nhưng sự rọi sáng về Kitô học của Gioan cũng chiếu vào các nhân vật khác trong câu chuyện, đặc biệt là trong các phản ứng khác nhau của họ đối với Chúa Giêsu và sứ vụ của Người. Vai trò của họ giúp xác định sự nắm hiểu của Gioan về đời sống đức tin. Thời điểm khủng hoảng của sự đau khổ và cái chết trở thành một sân khấu rộng lớn, trên đó cuộc đấu tranh của đức tin và ý nghĩa của đời sống Kitô hữu nổi bật lên một cách rõ rệt.

Sự khủng hoảng trong Cuộc Khổ Nạn cho thấy ý nghĩa của Đức tin và cái giá của ơn gọi làm môn đệ

Những người chống đối Chúa Giêsu minh họa cho bi kịch của sự không tin. Việc họ từ chối tin vào Chúa Giêsu khiến họ liên minh với quyền lực cai trị La Mã và cuối cùng là phản bội lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa tối cao khi họ tuyên bố: “Chúng tôi không có vua nào ngoài Caesar!” (19,15).

Giuđa người môn đệ chối Chúa cũng gặp một số phận tương xứng với sự phản bội của mình. Không giống như Mátthêu hay Luca, Gioan không thuật lại cái chết của Giuđa nhưng người đọc biết rằng người môn đệ này nhận ác quả và bị “hư mất” (17,12).

Số phận của Philatô cũng vậy, dù không được phóng chiếu trong bản tường thuật nhưng người đọc nhận thấy khoảnh khắc bi thảm khi người đàn ông này đích thực bỏ lỡ cơ hội của cuộc đời khi Sự Thật của Thiên Chúa đứng trước mặt ông và ông ta không hiểu Chúa Giêsu là ai hoặc nguồn gốc của Người là gì (18,38; 19, 9).

Một nhóm nhân vật khác, ít về số lượng nhưng đã nói lên lời chứng hùng hồn, để làm gương cho thái độ đáp trả tích cực hơn của đức tin đang nảy sinh. Tương tự như các phiên bản Nhất Lãm, câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Gioan không có nhiều những tấm gương anh hùng khác hơn là gương của chính Chúa Giêsu. Mẹ của Chúa Giêsu và người Môn đệ Yêu dấu vẫn ở gần thập giá nhưng các ngài hầu như chỉ đóng một vai trò thụ động, một sự hiện diện trung thành khi Chúa Giêsu chịu chết và là những người nhận những lời trăn trối cuối cùng của Người (19,26-27). Lời chứng tai nghe mắt thấy có lẽ cũng chính từ người Môn đệ Yêu dấu này được nhấn mạnh khi cảnh khổ nạn kết thúc (19,35). [5] Cùng với họ là bà Maria, vợ của Clophas và bà Maria Magđalêna (19,25). Chúng ta không biết được gì thêm về họ trong chính câu chuyện Cuộc Khổ Nạn, nhưng đức tin của Maria Magđalêna sẽ bùng phát trong những câu chuyện về cuộc hiện ra sau phục sinh của chương 20.

Có ba nhân vật khác đóng vai trò tích cực hơn trong thảm kịch Cuộc Khổ Nạn và cung cấp nhiều nội dung hơn cho việc mô tả về đức tin của Gioan. Ông Phêrô là ví dụ điển hình. Ông Phêrô phản ứng quyết liệt vào lúc Chúa bị bắt khi ông ra tay với người nô lệ của vị thượng tế (18,10). Với sự hỗ trợ của “một môn đệ khác”, ông Phêrô cũng vào được sân của vị thượng tế, chỉ để bị đối mặt với người phụ nữ làm công việc giữ cổng, và trước những câu hỏi của chị ta, đã từ chối một cách thảm hại sự liên kết của ông với Chúa Giêsu (18,15-18; 25-27). Sau đó, Phêrô không còn vai trò nào nữa trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn, cho tới khi Tin Mừng thuật lại việc khám phá ra ngôi mộ trống (20,10) và cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Phục Sinh ở Galilê (chương 21).

Cả hai tình tiết này trong Cuộc Khổ Nạn đều phác họa ông Phêrô dưới góc độ tiêu cực. Thoạt đầu, nỗ lực bảo vệ Chúa Giêsu vào lúc Người bị bắt có vẻ là một hành động trung thành, nhưng sự sự hung hăng đó đã được làm dịu lại bởi phản ứng không bằng lòng của chính Chúa Giêsu. Việc Phêrô sử dụng thanh gươm cho thấy ông biết Chúa Giêsu ít như thế nào. Chúa Giêsu quở trách Phêrô và bảo ông hãy cất gươm lại vào vỏ (18,11). Như Chúa Giêsu thẳng thắn nói với Philatô, chỉ khi vương quốc của Chúa Giêsu bị tác động bởi những giá trị sai lầm và tàn bạo của “thế giới này” thì môn đệ của Người mới được khuyến khích cầm gươm (18,36).

Và việc ông Phêrô chối Chúa Giêsu một cách đau đớn cũng là một bài học về sự đổ vỡ của vai trò môn đệ. Mặc dù những lời cảnh báo mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho ông và sự tự tin vào bản thân về khả năng trung thành của mình (13,37-38), ông Simôn Phêrô đầu hàng sợ hãi và ba lần công khai phủ nhận rằng ông là một trong các môn đệ của Chúa Giêsu (18,17, 25, 27).

Cùng với sự ngưỡng mộ của Gioan đối với người Môn đệ Yêu dấu trong suốt Tin Mừng, người ta có thể bị cám dỗ để kết luận rằng Tin Mừng thứ tư hoàn toàn tiêu cực về hình tượng của ông Phêrô. [6] Trong hầu hết mọi lần, Người Môn đệ Yêu dấu đều đáp lại Chúa Giêsu tích cực hơn và nhất quán với Người hơn trong sự hiểu biết và niềm tin của ông.

Nhưng sự ưu tiên của Gioan dành cho người Môn đệ Yêu dấu như là gương mẫu của ơn gọi làm môn đệ và là điểm căn bản cho truyền thống của Tin Mừng thứ tư, không dẫn đến một mô tả hoàn toàn tiêu cực về Phêrô. Quả thật, thánh sử Gioan sử dụng hình ảnh ông Phêrô để miêu tả những nỗ lực phấn đấu của việc làm môn đệ. Không có gì phải bàn cãi về tính xác thực của ơn gọi làm môn đệ của ông Simôn, mặc dù trong trình thuật của Gioan, ông không phải là người đầu tiên được gọi (1,40-42). [7] Và Phêrô sẽ đóng một vai trò lớn hơn một vị trí thứ yếu trong Tin Mừng. Việc đáp trả của ông trong chương sáu chắc chắn được Tin Mừng xem như một mẫu gương về đức tin đích thực, tương phản với những người đã quay lưng lại với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (6,68-69). Vào những thời điểm khác, chẳng hạn như lúc đầu từ ông từ chối được rửa chân (13,6-11) hoặc tỏ ra can đảm khi ông thề theo Chúa Giêsu cho đến chết (13,36-38), Simôn thể hiện sự  bốc đồng và kém hiểu biết nhưng không bao giờ chống lại Chúa Giêsu.

Mô tả đầy đủ về ông Phêrô trong Tin Mừng Gioan phải kể đến chương 20 và 21. Như chúng ta đã lưu ý ở trên, Tin Mừng thứ tư phục hồi hình ảnh Phêrô trong các chương này. Đức tin về sự phục sinh đến từ từ đối với Phêrô nhưng quả thật bình minh đã xuất hiện. Và trong chương 21, Chúa Giêsu chủ ý hòa giải ba lần chối Chúa của Phêrô và giao cho ông trách nhiệm truyền giáo và mục vụ đối với cộng đoàn. Một số tác giả cho rằng những phần này, đặc biệt chương 21 là những nỗ lực để bù đắp hình ảnh tiêu cực của ông Phêrô trong nội dung Tin Mừng. Mặc dù có thể là như vậy, nhưng ngay cả trong phần nội dung của Tin Mừng, ông Phêrô không được miêu tả bằng những tông màu hoàn toàn tiêu cực. Và trong mọi trường hợp, chúng ta đang chọn làm việc với bức chân dung hiện đã ở dạng hoàn toàn được biên soạn lại của Tin Mừng, chứ không phải giai đoạn giả định trước đó của nó. Trong hình thức hiện tại, hình ảnh ông Phêrô không phải là một mẫu gương về đức tin yếu kém, nhưng về những nỗ lực mà người môn đệ có thể trải qua, về tác động của sự yếu đuối của con người, và về chiến thắng của ân sủng.

Đây chính là điều mà sự khủng hoảng của Cuộc Khổ Nạn gây ra. Trong tâm bão của sự chống đối Chúa Giêsu như thế, các môn đệ có thể thấy rõ cái giá phải trả khi đi theo Người. “Sự căm ghét” của thế gian đối với Chúa Giêsu tràn sang các môn đệ. Đây là điều Chúa Giêsu đã cảnh báo họ trong bữa ăn tối cuối cùng:

Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy. (15,18-21)

Ông Phêrô đã tuyên bố ý định theo Chúa Giêsu cho đến chết nhưng ông đã đánh giá thấp sức mạnh của sự sợ hãi, và khi đối mặt với nguy cơ bị lộ diện là một môn đệ, ông đã chọn từ chối chính căn tính của mình. Chỉ có ân sủng hòa giải của Chúa Phục Sinh và quyền năng của Đấng Bảo Trợ mới giúp các môn đệ chống chọi lại ngọn lửa bách hại và thù hận dữ dội đồng thời giúp họ có thể làm chứng một cách không sợ hãi trước thế gian. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (16,33).

Do đó, chân dung của Tin Mừng về ông Phêrô, không phải lúc nào cũng tán dương, nhưng cuối cùng chính là lòng trắc ẩn. Ông Phêrô không bị coi là một trong những người “phải hư mất” – chỉ có Giuđa mới ứng vào tình trạng khủng khiếp đó. Chúa Giêsu không để cho ông Phêrô bị ‘‘giật khỏi tay Người” (10,29) và Tin Mừng cho thấy rằng điều đó là do sức mạnh tối thượng của tất cả ơn gọi làm môn đệ dưới những áp lực căng thẳng. Ông Phêrô không những được cứu chuộc và được hòa giải với Chúa Phục Sinh, mà còn được giao cho quyền tông đồ và được phục hồi sứ vụ của mình.

Hai nhân vật khác được trình bày với màu sắc hơi mơ hồ trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn của Gioan. Chúng ta biết rất ít về ông Giuse Arimathê ngoại trừ việc ông là một môn đệ “kín đáo” của Chúa Giêsu vì sợ bị người Do Thái trả thù (19,38). Ông Nicôđêmô xuất hiện ở một số nơi trong Tin Mừng, là một nhân vật khác trong Tin Mừng có đức tin dường như kém mẫu mực. Nhưng cùng một tiêu chuẩn áp dụng cho ông Phêrô có thể được áp dụng cho hai nhân vật này, để họ được đánh giá qua toàn bộ vai trò họ thể hiện trong Tin Mừng. Dù những yếu kém trước đó của họ có là gì đi nữa, thì việc họ sẵn sàng mạo hiểm xuất hiện trước công chúng khi xin xác Chúa Giêsu bị đóng đinh cùng với sự tôn kính đặc biệt của họ dành cho Người trong nghi thức mai táng cho thấy họ đã trút bỏ được nỗi sợ hãi. Trái ngược với ông Phêrô, chấn thương của sự đau khổ và cái chết đã hun đúc cho hai môn đệ này, khiến họ có thêm can đảm để làm chứng mà trước đây họ không thể hành động.

Có một hiện thực được diễn tả trong nhóm nhân vật mà Gioan đặt trong thảm kịch của Cuộc Khổ Nạn. Cơ hội giành giật quyền lực phơi bày những lựa chọn khủng khiếp của những đối thủ của Chúa Giêsu và giá trị trống rỗng của Philatô. Đối với một số người, chẳng hạn như Phêrô, thử thách của đau khổ và bắt bớ là quá lớn, thách thức vai trò môn đệ chưa chín mùi. Đối với những người khác, cú sốc về cái chết của Chúa Giêsu giúp họ trút bỏ sự lưỡng lự và bước ra ánh sáng, minh chứng cho sức hút của thập giá mà Chúa Giêsu đã tiên báo: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12,32). Thập giá là trung tâm của quan điểm của Gioan – đó là cội nguồn của cả sự xét xử và sự sống mới.

Thập giá của Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa mới cho cuộc đối diện của Kitô hữu với cái chết

Đặc tính chiến thắng trong câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Gioan không phải là không có ý nghĩa cho trải nghiệm về cái chết của Kitô hữu. Mỗi sách Tin Mừng có một cách tiếp cận riêng trong việc miêu tả cái chết của Chúa Giêsu và từ mỗi sách người ta có thể rút ra một số suy tư về kinh nghiệm đau khổ và cái chết.

Trước hết, câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Gioan khẳng định một điều là xác tín căn bản của toàn bộ Tân Ước: cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã lấy đi nọc độc của sự chết. Lời cuối cùng là sự sống vĩnh cửu chứ không phải cái chết: đó là một sứ điệp được đề cao trên hầu hết các trang của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn của Gioan. Cái chết đối với Chúa Giêsu trở thành giờ “vinh quang” vì đó là thời điểm hoàn thành sứ mệnh của Người và Người trở về với Cha của Người. Một cách ngầm hiểu, thần học Gioan nhìn thấy trong số phận của Chúa Giêsu tương lai của tất cả các tín hữu. Mối liên kết đó đã được nêu lên trong lời cuối cùng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là người đi đầu của Kitô hữu: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo” (13,36). Mối liên kết được thắt chặt giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa cây nho và cành nho, không thể bị cắt đứt bởi cái chết.

Những hình ảnh khác củng cố niềm xác tín này về chiến thắng trước cái chết và làm tăng thêm vẻ nghịch lý cho lời kể trong Cuộc Khổ Nạn của Gioan. Trong diễn từ cuối cùng, Chúa Giêsu đã nói về cái chết như một sự “trở về” nhà, như một sự “ra đi” về với Cha của Người (x. 14,1-4, 12, 28-29; 16,5-7, 28; 17,11, 13). Tương ứng với điều này là lời hứa của Chúa Giêsu không để các môn đệ “mồ côi” nhưng Người sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến ở với họ và cuối cùng sẽ trở lại để đưa họ “về ở” với Người (x. 14,3, 18-19, 28 ; 16,7, 16; 17,24).

Những hình ảnh gợi liên tưởng về sự trở về nhà, về sự đoàn tụ, và sự yên nghỉ cuối cùng xua tan nỗi kinh hoàng về cái chết và giải thích lý do tại sao Gioan lại trình bày Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu – thực tế bề ngoài rất đáng sợ – nhưng quả thực, là một câu chuyện về chiến thắng, trong đó Chúa Giêsu hành động với sự thanh thản và sự tín thác. Đức tin cho phép người Kitô hữu coi cái chết không phải là sự chấm dứt sự sống cũng như không phải đi vào sự ly biệt, mà là sự trở về nhà với Thiên Chúa trong sự đồng hành của Chúa Kitô Phục Sinh. Có lẽ không cần phải nhận biết nguồn gốc của nó ngay lập tức, từ thế hệ này sang thế hệ khác các Kitô hữu đã đối diện với cái chết trong bình an dựa trên những hình ảnh Tin Mừng này cũng như đức tin mà họ bày tỏ. [8]

Cách chết của Chúa Giêsu được mô tả trong Cuộc Khổ Nạn của Gioan không chỉ thể hiện cảm giác bình an và trọn vẹn – “Mọi sự đã hoàn tất” (19,30) – diễn tả sự trở về của Người với Thiên Chúa, mà còn là sự tín thác và ý thức về mục đích trùng hợp với ý nghĩa của sự tử đạo. Chúa Giêsu đối mặt với những kẻ bắt giữ mình một cách không do dự, và thực sự làm chủ tình hình mặc dù Người là tù nhân. Người đối diện với những kẻ thẩm vấn và nhận lấy cây thập giá của chính mình. Không có lời than thở, không tỏ dấu hiệu của sự than trách. Người hoàn thành công việc của mình và chịu chết – thỏa mãn sự khao khát thực hiện ý muốn của Thiên Chúa bằng cách tự do chấp nhận cái chết của mình.

Một đoạn văn chính mà chúng ta đã ghi nhận nhiều lần trong nghiên cứu về Cuộc Khổ Nạn của Gioan cũng chính là ở đây: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (10,17-18). Chắc chắn, sự tự do cao cả này phản ánh cái nhìn của Gioan về căn tính của Chúa Giêsu. Là Con Thiên Chúa Nhập Thể, Chúa Giêsu không nhận chịu sự tác động của lịch sử. Người tự do hi sinh sự sống của mình và tự do lấy lại nó để theo đuổi sứ mệnh mà Chúa Cha đã giao phó cho Người.

Thoạt nhìn, một viễn cảnh như thế ít có liên quan đến kinh nghiệm về cái chết của Kitô hữu. Chắc chắn rằng không ai, dù anh hùng đến đâu, có thể tự tin vào sự chủ động đối với số phận của mình như vậy. Nhưng suy tư nhiều hơn có thể nói về một câu chuyện khác. Chúa Giêsu thể hiện sự tín thác và quyền năng như vậy cũng chính là Chúa Giêsu, ở một mức độ nào đó của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn, thực sự là một tù nhân: bị quân lính bắt giữ, chịu tra khảo và tra tấn, bị kết án tử hình, và bị xử tử công khai với thân hình mềm nhũn, bị xâm phạm bằng một mũi giáo để kiểm tra Người đã chết hay chưa. Nhưng bất chấp những sự tàn bạo này, người đọc Tin Mừng cảm nhận rằng Chúa Giêsu thực sự là người hoàn toàn tự do – tự do hơn những kẻ bắt giữ Người, những kẻ tin rằng họ đích thực nắm giữ cuộc sống của Người.

Trải nghiệm của các Kitô hữu qua suốt nhiều thế kỷ bị bách hại trở thành nhân chứng cho những câu chuyện Cuộc Khổ Nạn tương tự. Ngay cả khi vũ lực tàn bạo đe dọa cuộc sống con người, những người có đức tin vẫn có thể thể hiện sự tự do hoàn toàn: sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của Tin Mừng; từ chối lấy ác báo ác, từ chối đặt cuộc sống của họ dựa trên các giá trị sai lầm của những kẻ bắt giữ họ. Không một sức mạnh nào trên trái đất, ngay cả sức mạnh ma quỷ, có thể cướp đi sự tự do và chiến thắng này của Kitô hữu.

Theo cách riêng của nó, trình thuật Cuộc Khổ Nạn của Gioan là một ngòi nổ về chứng tá Kitô giáo và ơn gọi tử đạo.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung dịch

 1 Về điểm này, xem: D. Rensberger, Johaninne Faith and Liberating Community, esp. 87-106.

2 Về vấn đề này, xem các tác phẩm của R. Fuller, “The ‘Jews’ in the Fourth Gospel,” Dialog 16 (1977) 31-37; J. Leibig, “John and the Jews’ Theological Antisemitism in the Fourth Gospel,” Journal of Ecumenical Studies 20 (1983) 209-34; R. A. Culpepper, “The Gospel of John and the Jews,” Review and Expositor 84 (1987) 273-88; D. Moody Smith, “Juda­ism and The Gospel of John,” in J. Charlesworth (ed.), Jews and Christians (New York: Crossroad, 1990), 76-99.

3 Mặc dù Gioan sử dụng một thuật ngữ chung, “người Do Thái”, tuy nhiên rõ ràng trong Tin Mừng của ngài là nhóm được đề cập đến chủ yếu là những người lãnh đạo, không phải toàn dân; về điều này, xem U. C. von Walde, “The Johannine Jews: A Critical Survey,” New Testament Studies  28 (1982) 33-60.

4 Xem phân tích về đoạn này trong J. L. Martyn, History & Theology in the Fourth Gospel (Nashville: Abingdon, rev. ed., 1979), 24-36.

5 Có lẽ cũng người môn đệ này dẫn ông Phêrô vào trong sân vị thượng tế; xem phần thảo luận về câu 18,15-16, ở phần trên.

6 Chẳng hạn, xem A. Droge, “The Status of Peter in the Fourth Gospel: John 18:10-11,” Journal of Biblical Literature 109 (1990) 307-11; tác giả kết luận rằng việc ông Phêrô dùng gươm trong vườn là bằng chứng nữa cho thấy môn đệ này thuộc về những người không hiểu được bản chất của vương quốc của Chúa Giêsu và do đó “đã gần như bị xếp ra ngoài giới hạn cho phép của Gioan.” (311).

7 Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, ông Phêrô được gọi đầu tiên; không phải Gioan. Cũng lưu ý rằng thay vì “câu chuyện ơn gọi”, chúng ta có thủ thuật đặc trưng của Gioan, trong đó các môn đệ được lôi kéo đến với Chúa Giêsu bằng cách tiếp xúc trực tiếp (1,35-39, 43) hoặc thông qua trung gian (1,40-42; 45 -47). Trái ngược với Droge, đây không phải là một thủ thuật  tiêu cực mà có thể là một hình mẫu cho việc truyền niềm tin trong chính trải nghiệm của cộng đoàn của Gioan.

8 Chẳng hạn, người ta có thể nghĩ đến câu nói nổi tiếng của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ngay trước khi ngài qua đời: “Túi xách của tôi đã được đóng gói và tôi đã sẵn sàng đi.” Các câu chữ có một hương vị “Gioan”.

Để lại một bình luận