Cử hành Thánh Thể: Bài 5 – Cúi chào – hôn kính – xông hương [bàn thờ]

WHĐ (06.11.2023)Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 5: CÚI CHÀO – HÔN KÍNH – XÔNG HƯƠNG [BÀN THỜ]

  1. VĂN KIỆN

Khi tới cung thánh, vị tư tế, phó tế và các người giúp lễ cúi sâu chào bàn thờ. Sau đó, để tỏ lòng tôn kính, vị tư tế và thầy phó tế hôn bàn thờ; rồi vị tư tế tùy nghi xông hương thánh giá và bàn thờ (QCSL 49).

  1. LỊCH SỬ & Ý NGHĨA
  2. Cúi chào

Cử chỉ đầu tiên của chủ tế khi cử hành Thánh lễ là bày tỏ sự tôn kính bàn thờ bằng cách cúi chào và hôn kính (Nghi thức Thánh lễ [NTTL], số 1).

Khoảng thế kỷ VII và VIII, đoàn rước tiến vào thánh đường với Sách Tin Mừng được cung nghinh đi trước chủ tế. Do vậy, chủ tế cúi chào không chỉ bàn thờ mà còn cả Sách Tin Mừng đặt trên đó nữa.[1] Cử chỉ cúi chào bàn thờ là kính chào chính Chúa Kitô vì bàn thờ đã được thánh hiến như một biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Kitô.[2]

  1. Hôn kính

Thời xa xưa, hôn được coi là dấu chỉ chào đón hay tiếp rước ai đó cho nên đã được sử dụng để tỏ lòng tôn trọng đền thờ, bàn thờ các thần linh cũng như tượng thần và được đưa vào trong phụng vụ. Nếu tượng thần ở vị trí quá cao, người ta hôn vào bàn tay của mình rồi giơ tay cao lên hướng về tượng thần như trao ban nụ hôn đó. Từ thế kỷ IV, cả bên Đông phương lẫn Tây phương, cử chỉ hôn bàn thờ xuất hiện với ý nghĩa là sự chào hỏi vì bàn thờ không chỉ là “trung tâm của cảm tạ” mà còn là “bàn ăn của Chúa” (1Cr 11,20).[3] Vì bàn thờ xây bằng đá, tượng trưng cho Chúa Kitô là tảng đá góc tường và thiêng liêng của Hội Thánh đang ở giữa cộng đoàn tham dự (x. Mt 21,42; 1Pr 2,7-8; 1Cr 10,4),[4] cho nên hôn bàn thờ là hôn kính Chúa Kitô.[5]

Trong những thế kỷ đầu của thời Trung cổ, phong trào tôn kính các thánh Tử đạo trở nên thịnh hành đến độ mỗi nhà thờ đều có mộ phần các vị tử đạo, bàn thờ nhiều khi được xây trên mộ của các ngài hay ít ra có xương thánh của các ngài đặt phía dưới bàn thờ.[6] Do đó, hôn kính bàn thờ cũng có nghĩa là kính chào vị thánh, nhất là vị thánh được mừng lễ hôm ấy nói riêng, và qua các ngài, kính chào và bày tỏ lòng tôn kính đối với Hội Thánh khải hoàn nói chung.

Cho đến thế kỷ XIII, bàn thờ chỉ được hôn 3 lần trong Thánh lễ: lúc bắt đầu Thánh lễ – trong khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể – và trước lúc giải tán. Sang thế kỷ XIV, cứ mỗi lần quay ra chào dân chúng thì chủ tế lại hôn bàn thờ. Nghi thức này làm cho số lần hôn bàn thờ tăng lên nhiều lần đến độ làm lu mờ lần hôn kính bàn thờ đầu Thánh lễ và lúc kết thúc Thánh lễ.[7]

Ngày nay, phó tế và linh mục chỉ hôn bàn thờ hai lần vào lúc đầu lễ và kết lễ. Ý nghĩa của hành vi này là: [i] Chào kính Đức Kitô, có thể hiểu là một cử chỉ tôn thờ, tôn vinh Đức Kitô vì Ngài là ông chủ Ngôi Nhà của Chúa và cũng là người chủ của cộng đoàn đang quy tụ cũng như khi hôn lên đất của một quốc gia Đức Giáo hoàng muốn tỏ lòng kính trọng đất nước đó;[8] [ii] Bày tỏ sự hiệp thông của cộng đoàn phụng vụ với Thiên Chúa, với Đức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt các Thánh vì bàn thờ (altus) được coi là nơi nối kết giữa Thiên Chúa và trần gian.[9]

  1. Xông hương

Bàn thờ còn được tôn kính bằng cách xông hương nữa (QCSL 49, 123, 277). Hương được sử dụng như dấu hiệu tôn kính Thiên Chúa, là một biểu tượng cho kinh nguyện của chúng ta dâng lên cho Ngài và nhắc nhớ chúng ta là dân thánh của Ngài (QCSL 276). Ý nghĩa của việc xông hương thời cổ xưa là: [i] tượng trưng cho sự thờ phượng và cầu nguyện nồng nàn; [ii] biểu tượng của lễ tế; [iii] đi kèm với những cuộc rước mang tính lễ hội; [iv] là phương thế làm cho tinh sạch; [v] xua trừ tà thần ma quỷ.

Hương đã được sử dụng nơi các dân ngoại và trong truyền thống Thánh Kinh (x. Xh 30,1-10; 37,25-28; Lv 16,11-13; Lc 1,9; Kh 8,3-4). Do ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, người La Mã cũng sử dụng hương khi dâng lễ vật, nhất là trong việc an táng. Tuy vậy, trong 3 thế kỷ đầu, hương không thuộc về phụng tự Kitô giáo. Phải đợi một thời gian khá lâu, Hội Thánh bên Tây phương mới cho phép dùng hương trong phụng vụ vì trước đó cho rằng đốt hương là một tập quán mê tín thuộc về nghi thức ngoại giáo, là dấu hiệu của bội giáo, là quay mặt khỏi Đức Kitô và lạc xa đức tin chân chính. Trái lại, Hội Thánh bên Đông phương vẫn sử dụng hương (PG 3:428). Từ đó việc xông hương lan rộng sang các nơi khác (OR I, 8 [PL 78, 941]).

Còn việc xông hương bàn thờ chỉ được xác nhận vào thế kỷ XI và ý nghĩa nguyên thủy của nó cũng như ngày nay là: [i] Thanh tẩy và bảo vệ; [ii] Dấu chỉ làm nên bầu khí cầu nguyện, hướng lòng con người về với Thiên Chúa và biểu tượng cho lời kinh của các tín hữu và lễ tế của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha (Ep 5,2).[10] Xông hương bàn thờ là tôn kính Đức Kitô là đền thờ, thượng tế và hy lễ.[11] Chủ tế đi quanh bàn thờ để xông hương sẽ giúp dân thánh của Chúa quy tụ quanh bàn thờ cảm nhận được rằng bàn thờ thuộc về toàn thể Hội Thánh, thuộc về một cộng đoàn được sắp xếp và quy tụ theo phẩm trật đang ở chung quanh Đức Kitô, Ngài là Bàn thờ, là Tư tế và là Hiến lễ của họ.[12] Điều này làm nổi bật biểu tượng về sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn.[13]

III. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

  1. Cúi chào & Hôn kính

1/ Khi tới gần bàn thờ, những ai trong đoàn rước không cầm/mang gì thì sẽ cúi sâu chào bàn thờ; còn những người đang cầm vật gì thì chỉ cúi đầu (x. NTTL 1; QCSL 49, 274).[14]

2/ Thừa tác viên mang Sách Tin Mừng (phó tế / thầy đọc sách) đi thẳng lên bàn thờ mà không cúi chào bàn thờ, nhưng cung kính đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. LNGM 129).

3/ Chủ tế đi đến bàn thờ, ngài cúi sâu chào bàn thờ và hôn tại trung tâm của bàn thờ như đại diện cho Hội Thánh. Khi hôn bàn thờ, chủ tế đặt cả hai tay trên bề mặt của bàn thờ và chắp tay lại khi đứng thẳng lên.[15]

4/ Phó tế cũng hôn bàn thờ, sau khi đã đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. NTTL 1; QCSL 49). Theo tập tục, phó tế không đặt hai tay của mình trên bàn thờ khi hôn nhưng hôn bàn thờ với đôi tay chắp lại (x. QCSL 49).[16]

  1. Xông hương

1/ Trong một Thánh Lễ, chỉ thực hiện theo một trong hai cách thức:

a/ Theo cách Á đông: xá nhang hoặc đốt hương trong lư trước khi hôn kính bàn thờ: tại Việt Nam, chủ tế có thể vái nhang và cắm vào bát hương trước bàn thờ, hoặc đổ hương vào bình than cháy trong lư hương đặt trước bàn thờ. Nếu vái nhang, chủ tế cầm nhang, giơ cao lên để dâng rồi cúi mình ba lần để tỏ lòng tôn kính, sau đó cắm nhang vào bát nhang (QCSL 277).

b/ Xông hương theo truyền thống Âu tây

2/ Đang khi di chuyển, giúp lễ cầm bình hương đi đầu đoàn rước nhập lễ phải lắc bình hương bằng cách đung đưa bình hương theo hướng trước – sau bên hông mình hoặc nếu không gian rộng thì có thể đung đưa bình hương theo hướng sang phải sang trái phía trước hầu giúp cho hương tỏa khói nghi ngút (QCSL 120a, 276a). Phụng vụ canh tân coi việc cầm bình hương với hương khói nghi ngút như thế là “xông hương” và kể nó là một trong 5 lần xông hương trong thánh lễ.[17]

3/ Chủ tế xông hương bàn thờ và thánh giá sau khi hôn kính bàn thờ (NTTL 1; QCSL 123). Xông hương bàn thờ bằng cách lắc bình hương liên tục quanh bàn thờ; Xông hương thánh giá bằng cách xông thẳng thánh giá ba lần mỗi lần 2 lắc (3X2).

4/ Động tác cho mỗi lần xông thẳng: nâng cao bình hương – dừng – lắc/đẩy bình hương hai nhịp – hạ bình hương xuống một chút (không phải vừa đưa lên vừa lắc và không bao giờ lắc ba nhịp).[18]

Để lại một bình luận