WHĐ (06.05.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 30: KINH TIỀN TỤNG

I/ VĂN KIỆN

Sách lễ Rôma có nhiều kinh Tiền tụng giúp cho lý do việc tạ ơn trong Kinh nguyện Thánh Thể được biểu lộ bằng nhiều cách khác nhau, và cho các ý nghĩa khác nhau của mầu nhiệm cứu độ được sáng tỏ hơn. (QCSL 364)

II/ LỊCH SỬ

Mặc dầu chúc tụng và tạ ơn là đặc tính của toàn thể Kinh nguyện Thánh Thể và bao trùm toàn thể Thánh lễ, nhưng được trình bày và diễn tả cách rõ rệt hơn trong kinh Tiền tụng, phần mở đầu hay yếu tố đầu tiên của Kinh nguyện Thánh Thể.

Kinh Tiền tụng, tiếng La-tinh là Praefatio, từ tiếng Prae-fari mà ra và có 2 nghĩa sau. (1) Nghĩa thứ nhất là bước mở đầu, sự dẫn nhập, lời nói đầunói trước khi làm điều gì; (2) Nghĩa thứ hai là “công bố” hay “nói ra” trước mặt ai. Ngay thời kỳ đầu, Hội Thánh dùng theo nghĩa thứ hai: nói trước Thiên Chúa và dân Chúa, tức là kinh Tiền tụng được vị tư tế dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa, diện đối diện, và đọc trước cộng đoàn nhằm công bố những hành động quyền năng của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài.[1]

Kinh Tiền tụng ban đầu chỉ toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể và là phần hợp thành của Lễ quy/Kinh nguyện Thánh Thể. Phụng vụ Roma thời kỳ tiền Carolingian chứng thực rằng không ai nghĩ tới sự phân tách giữa kinh Tiền tụng và Lễ quy cả.[2] Nhưng sau này kinh Tiền tụng đã bị tách ra khỏi Lễ quy/Kinh nguyện Thánh Thể và được giới hạn từ phần đối thoại giữa chủ tế và cộng đoàn cho đến bắt đầu kinh “Thánh, Thánh, Thánh.” Durandus có viết về Praefatio và giải thích rằng đó là phần “đi trước hy tế chính.” Sau này, nó được hiểu là một phần đặc biệt trước kinh Sanctus và có nghĩa là, như phát biểu của Rabanus Maurus (+856) thời Trung cổ, Kinh nguyện Thánh Thể bắt đầu sau kinh Sanctus. Vì thế, theo thói quen, người ta dùng một trang sách trong Sách lễ với hình Chúa Chịu Nạn nhằm tách biệt rõ rệt kinh Tiền tụng ra khỏi Kinh nguyện Thánh Thể. Mãi tới sau Công đồng Vaticanô II, kinh Tiền tụng mới trở lại truyền thống nguyên thủy khi được coi là thành phần, là phần đầu tiên hay phần dẫn nhập của Kinh nguyện Thánh Thể (x. NTTL 31).[3]

 Thời các tông đồ cũng như thế kỷ II và III, kinh Tiền tụng cũng như chính Kinh nguyện Thánh Thể chưa ổn định, chủ tế tự do ứng khẩu theo khuôn mẫu cổ truyền. Từ thế kỷ III trở đi, kinh Tiền tụng và Kinh nguyện Thánh Thể mới trở nên ổn định hơn như được tìm thấy trong tài liệu Truyền thống Tông đồ và Hiến Chế Các Tông đồ.[4]

Trong phụng vụ Đông phương, thông thường bản văn kinh Tiền tụng là một phần cố định gắn liền với Kinh nguyện Thánh Thể/Kinh Tiến hiến (Anaphora) trong một cái nhìn tổng quát về toàn thể mầu nhiệm cứu độ: công bố công trình cứu độ của Chúa và tóm lược các giai đoạn chính của lịch sử cứu độ.[5]

Đang khi đó, nơi phụng vụ Roma trước đây (từ thế kỷ V-XX), chỉ có một Lễ quy nhưng có phần thay đổi cho mỗi lễ là kinh Tiền tụng, phần đầu của Lễ quy. Bởi vậy, chúng ta thấy trong các Sách lễ Rôma cổ điển (Sacramentarium Leonianum/Sacramentarium Veronese – 550), có tới 267 kinh Tiền tụng khác nhau tùy theo ngày lễ trong năm phụng vụ, hầu như mỗi ngày đều có kinh Tiền tụng khác nhau.[6] Trước đó, sách Sacramentarium Gelasianum cổ (thế kỷ V) có 54 kinh Tiền tụng, nhưng Sacramentarium Gelasianum mới tìm thấy ở St. Gall/Gallen lại có tới 186 kinh Tiền tụng.[7] Khi Đức Grêgôriô Cả (590-604) lên cai quản Hội Thánh, ngài quyết định rút xuống chỉ còn 14 kinh Tiền tụng như có thể thấy trong Sacramentarium Gregorianum.[8] Vào thời kỳ này, tức thế kỷ VII, bên Tây phương chỉ còn duy nhất một Lễ quy Rôma (Canon missae) cùng với sự hạn chế các kinh Tiền tụng. Sang thời đế quốc Carôlô (Carologian – thế kỷ VIII), con số kinh Tiền tụng tiếp tục giảm xuống chỉ còn 7 cho cả năm. Các thế kỷ sau thì tăng thêm một chút.[9] Trước năm 1000, Hội Thánh thêm vào 3 kinh Tiền tụng với các chủ đề về Thánh Giá, Chúa Ba Ngôi và mùa Chay. Như vậy, dưới thời Đức Urbano II (1088-1089), có 10 kinh Tiền tụng, sau đó thêm một kinh Tiền tụng nữa về Đức Trinh nữ Maria và lần đầu tiên được hát tại Synod của vùng Piazenca/Guastalla vào năm 1094.[10] Từ đó cho đến thế kỷ XII, không có một sự thay đổi nào liên quan đến kinh Tiền tụng nữa. Về sau, số lượng kinh Tiền tụng lại gia tăng tuy không nhiều. Đặc biệt là vào thế kỷ XIII, có thêm các kinh Tiền tụng cho Chúa nhật hướng về mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, nhưng gián tiếp là ca ngợi mặc khải của Chúa Kitô mang đến cho chúng ta.[11]

Sách lễ Rôma 1474 và 1570 đã phải cắt bớt số kinh Tiền tụng để chỉ giữ lại những kinh Tiền tụng nào nói lên tinh thần cảm tạ vì mầu nhiệm Chúa cứu chuộc hay thuộc về các lễ thích ứng với mầu nhiệm ấy, chẳng hạn kinh Tiền tụng lễ Đức Mẹ và các thánh tông đồ. Kể như Sách lễ 1570 có 15 kinh Tiền tụng. Trước cuộc canh tân phụng vụ theo Công đồng Vaticanô II, cũng có 15 kinh Tiền tụng nhưng tính luôn cả 5 kinh Tiền tụng mới được thêm vào cho các Thánh lễ: cầu cho người quá cố (năm 1919); thánh Giuse (1919); Chúa Kitô Vua (1925); Thánh Tâm (1928); và Truyền Dầu thứ Năm Tuần Thánh.[12]

Đến năm 1968, Thánh Bộ Lễ nghi cho xuất bản thêm 8 kinh Tiền tụng mới cùng lúc với việc ban hành 3 Kinh nguyện Thánh Thể mới (II; III và IV). Sách lễ Rôma 1970 chứa đựng hơn 80 kinh Tiền tụng.[13] Một lần nữa, số lượng kinh Tiền tụng lại tăng bội lên tới 108 trong Sách lễ Rôma ấn hành năm 1975 mà phần lớn in trong phần Thường lễ. Chúng thích ứng với sự đa dạng của các mùa phụng vụ, các phạm trù thánh nhân khác nhau, không chỉ giới hạn các thánh tông đồ và tuẫn đạo như trong cuốn Sacramentarium Veronese.[14]

Hiện nay, với ấn bản Sách lễ Rôma lần thứ III (2002), số kinh Tiền tụng là 99. Hầu hết chúng dựa trên những kinh Tiền tụng từ truyền thống xa xưa.

III/ CẤU TRÚC & NỘI DUNG

Kinh Tiền tụng gồm ba phần:

(1) Phần mở (Một lời chúc tụng – tạ ơn): Con người ý thức nhiệm vụ của mình khi đứng trước sự cao trọng và siêu việt của Thiên Chúa cho nên thật là chính đáng khi chúng ta tuyên xưng và ca tụng thánh danh Chúa nhờ Đức Kitô. Lời ca tụng này đượm màu sắc tri ân và cảm tạ.

(2) Phần chính (Lý do tạ ơn): Đây là nội dung chính của kinh Tiền tụng nêu ra cho chúng ta lý do phải tạ ơn Thiên Chúa được diễn tả tùy theo chủ đề của Thánh lễ. Cách chung và thông thường, phần này nhắc nhớ chúng ta về những công trình Chúa đã làm cho nhân loại; và sau đó là một lời cầu nguyện được xem xét dưới ánh sáng của những gì Thiên Chúa đã làm, hoặc suy ngẫm về ý nghĩa hành động của Thiên Chúa.

(3) Phần kết (Dẫn vào kinh Thánh! Thánh! Chí Thánh! [Sanctus]): Nhờ Đức Kitô, cộng đoàn (Hội Thánh tại thế) được vị chủ tế mời gọi hợp cùng với các thiên thần và các thánh nam nữ đồng thanh ca hát chúc tụng tôn vinh Chúa.

IV/ Ý NGHĨA   

Bản văn kinh Tiền tụng trước hết là một nhịp cầu nối giữa phần đối đáp dẫn vào Kinh nguyện Thánh Thể với phần tung hô Thánh, Thánh, Thánh.

Toàn bộ kinh Tiền tụng là một lời ca tụng Thiên Chúa với những lý do đặc biệt, nhất là ca tụng công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài.

Ở Đông phương, lời đối thoại trong kinh Tiền tụng mang màu sắc hân hoan và được hát trọng thể giữa phó tế và cộng đoàn. Nơi họ, có nhiều kinh Anaphora, mỗi kinh đều có kinh Tiền tụng riêng và kinh Tiền tụng này cố định cho từng kinh Anaphora. Cách chung, những bản văn kinh Tiền tụng thường nói nhiều và tổng quát về lịch sử cứu độ, nhấn mạnh đến chiều kích hiến lễ của lời tạ ơn, đưa ra nhiều lý do để tạ ơn và được kể lể dài dòng. Còn bên Tây phương, chỉ có một Lễ quy Rôma (Canon) duy nhất, nhưng lại có nhiều kinh Tiền tụng để thay đổi theo mùa phụng vụ và những ngày lễ đặc biệt. Dần dần, con số này giảm bớt khá nhiều. Với cuộc cải tổ của Công đồng Vaticanô II, phụng vụ Rôma còn lại hơn 80 kinh Tiền tụng riêng biệt dành cho những ngày lễ trọng, mùa phụng vụ, các Thánh lễ tạ ơn, những dịp đặc biệt. Với số lượng 99 kinh Tiền tụng trong Sách lễ Rôma hiện nay, những lý do đưa ra để ca tụng, tạ ơn Chúa làm thành một tổng hợp khá đầy đủ và phong phú về các thiện hảo của Thiên Chúa, những mầu nhiệm về Nước Trời, về cuộc đời Chúa Giêsu, cũng như những nét đặc trưng của Đức Mẹ và các thánh.

Cấu trúc của việc tạ ơn cũng là cấu trúc của Kinh nguyện Thánh Thể. Đó là một cấu trúc hướng về Ba Ngôi Thiên Chúa, không phải theo khía cạnh mà thần học Tây phương quen chú ý đến, nghĩa là một bản tính duy nhất trong Ba Ngôi (như kinh Tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi), nhưng là theo chiều hướng của thần học Đông phương, cũng là chiều hướng của phụng vụ: chú ý đến Ba Ngôi theo phận vụ của mỗi Ngôi trong chương trình cứu độ. Kinh Tiền tụng nhờ Đức Kitô mà ngỏ lời với Chúa Cha. Thông thường, trong Thánh lễ, Đức Kitô không phải là mục tiêu cho việc thờ phượng, Người là Đấng trung gian, là tư tế để thi hành công việc đó.[15]

Đối tượng của việc tạ ơn thường là tất cả những ân huệ Chúa ban. Trong kinh nguyện, người Do Thái thường tạ ơn vì công cuộc tạo dựng và cứu độ của Đức Chúa, nghĩa là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của Ai cập (x. Tv 135). Trong Lễ quy Rôma, chúng ta không thấy nói đến công cuộc tạo dựng, trừ trong kinh đi trước Lời chúc vinh tổng kết: “Nhờ Người, Cha không ngừng sáng tạo những của lễ tốt đẹp này…” Các Kinh nguyện Thánh Thể mới nói tới công trình tạo dựng ngay từ đầu, nhất là Kinh nguyện Thánh Thể IV. Nhưng trong Kitô giáo, chúng ta tạ ơn đặc biệt vì chương trình cứu độ, và trọng tâm của chương trình này là mầu nhiệm Phục sinh mà Thiên Chúa đã hoàn tất qua Đức Kitô.[16] Vì thế, có những kinh Tiền tụng nhắc đến toàn bộ lịch sử cứu độ như Anaphora của Hippôlytô, của thánh Basil và Anaphora nằm trong sách Hiến chế Các Tông đồ (cuốn số 8) cũng như những kinh Tiền tụng dùng trong các lễ Quanh năm nhưng có nhắc đến mầu nhiệm Phục sinh. Ngoài ra, đối tượng của lời tạ ơn này cũng liên quan tới tưởng niệm.[17] Nói chung, kinh Tiền tụng không ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa một cách trừu tượng, nhưng kể ra những kỳ công Thiên Chúa đã làm và vẫn tiếp tục thực hiện cho nhân loại. Ví dụ, chúng ta đọc thấy trong kinh Tiền tụng Chúa nhật thứ VII Thường niên như sau:

Vì lượng từ bi, Cha yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Đấng Cứu Chuộc đến với chúng con. Người vô tội mà Cha muốn Người sống như chúng con, để Cha yêu thương nơi chúng con, điều Cha quý mến nơi Con Cha.

V/ MỤC VỤ

1) Các linh mục đồng tế gần bàn thờ nên tới sát bàn thờ trước khi bắt đầu phần đối đáp dẫn nhập kinh Tiền tụng. Nghĩa là ngay lập tức sau lời nguyện tiến lễ, các vị đồng tế này phải di chuyển đến gần bàn thờ hơn mà không chờ sau Kinh Sanctus mới đi. Chủ tế nên dừng lại một lát sau lời nguyện tiến lễ nhằm 2 mục đích. (1) Thứ nhất, cho thấy một cách rõ ràng hành động “cầm lấy” tức phần “chuẩn bị lễ vật” đã hoàn tất trước khi đi vào một hành động khác biệt là “dâng lời chúc tụng”. (2) Thứ hai, chờ cho các vị đồng tế vào vị trí của họ ở gần sát bàn thờ rồi thì chủ tế mới bắt đầu kinh Tiền tụng, nhờ vậy (i) các vị tư tế mới dễ dàng tập trung vào lời nguyện, (ii) cũng như không gây chia trí cho dân chúng đang khi tham dự vào cuộc đối đáp của kinh Tiền tụng (x. NTTL 31; QCSL 79, 215).[18] Nên lưu ý là các vị đồng tế nên đứng chung quanh bàn thờ thế nào để vừa không cản trở việc cử hành các nghi thức lại vừa không che chắn tầm nhìn của dân chúng hướng về bàn thờ (x. QCSL 215; LNGM 153).

2) Kinh Tiền tụng là một nhịp cầu kết nối giữa phần đối đáp dẫn vào Kinh nguyện Thánh Thể với phần tung hô Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus). Do vậy cách hay nhất và đạt hiệu quả nhất là nên hát kinh này, nhất là ở phần đầu của kinh Tiền tụng, tức phần đối thoại/đối đáp của nó vốn được coi là một trong những lời đối đáp quan trọng nhất của Thánh lễ. Nếu không hát được, thì cũng cần phải đọc khoan thai và tuyệt đối tránh lối đọc quá nhanh hoặc quá uỷ mị (x. QCSL 40; MVTN 168 ).[19]

3) Chủ tế nên chuẩn bị sẵn bản văn của kinh Tiền tụng sẽ sử dụng trước khi khởi sự phần đối đáp để không xảy ra tình trạng vừa đọc vừa lật trang tìm kiếm kinh Tiền tụng (x. NTTL 31).[20]

4) Khi đọc/hát câu “Chúa ở cùng anh chị em”, chủ tế mở và khép tay như lời chào cộng đoàn, còn mắt hướng thì về dân chúng. Với câu “Hãy nâng tâm hồn lên”, ngài nâng tay lên cao ít là ở tầm ngang mắt với mong ước tất cả mọi người hãy tập trung chú ý vào Kinh Nguyện long trọng này.[21] Rồi ngài hạ thấp tay xuống ở mức bình thường khi đọc/hát câu “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta” để đi vào cử chỉ dang tay cầu nguyện “orans”, chứ không phải chắp tay lại như cách cử hành trước đây nữa,[22] vì đây là tiếng nói tạ ơn Thiên Chúa của cả cộng đoàn mà chỉ một mình chủ tế cất lời tạ ơn như vị đại diện: ngài muốn mời gọi tất cả mọi người hợp ý với mình trong Kinh nguyện Thánh Thể (x. NTTL 31; QCSL 148).[23]

[1] X. Paul Bradshaw, ed. The New SCM Dictionary of Liturgy and Worship (London: SCM Press, 2002), s.v. “Preface,” by Editor, 385-86; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 202; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 107.

[2] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 106.

[3] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012),188; Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 67.

[4] Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 67.

[5] X. Paul Bradshaw, ed., 386; J. D. Crichton, Understanding the Mass, 3rd edition (Londong/New York:  Geoffrey Chapman, 1993), 98.

[6] Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 67.

[7] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 118.

[8] Ibid., 120.

[9] Ibid.

[10] Ibid.

[11] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 376.

[12] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 121.

[13] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 208.

[14] X. Davit Power, “Theology of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville:  The Liturgical Press, 2011), 263; X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu,188.

[15] Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 62.

[16] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 129; Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001)129.

[17] Ibid, 63.

[18] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, nos. 79, 215; Paul Turner, Ars Celebrandi (Collegeville: The Liturgical Press, 2021), Kindle, 129; Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), n.  185.

[19] Lê Ngọc Ngà, “Nghệ thuật Cử hành Thánh lễ”, acc. 02/01/2024, https://gpcantho.com/nghe-thuat-cu-hanh-thanh-le/CaTEWCelebrating the Mass, nos. 134, 186, 191.

[20] Peter Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 281.

[21] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 131.

[22] Ritus servantus in celebratione Missae [Missale Romanum 1962], VII, n. 8.

[23] Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 281.