Cử hành Thánh Thể: Bài 19 – Chuẩn bị bàn thờ và bài ca tiến lễ

WHĐ (19.02.2024)Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 19: CHUẨN BỊ BÀN THỜ VÀ BÀI CA TIẾN LỄ

I/ VĂN KIỆN

Phụng vụ Thánh Thể của Nghi thức Thánh lễ hiện nay gồm 3 phần: (1) Chuẩn bị lễ vật: từ rước lễ vật đến hết lời nguyện tiến lễ; (2) Kinh nguyện Thánh Thể: từ bắt đầu kinh Tiền tụng đến hết Vinh tụng ca; (3) Nghi thức hiệp lễ: từ kinh Lạy Cha đến hết lời nguyện hiệp lễ.

Toàn bộ nghi thức chuẩn bị lễ phẩm bao gồm: (1) Chuẩn bị bàn thờ; (2) Tiến lễ: mang lễ vật trong đoàn rước lên bàn thờ và âm nhạc đi kèm; (3) Đặt lễ vật lên bàn thờ; (4) [Xông hương] và chủ tế rửa tay; (5) Lời nguyện tiến lễ.

II/ CHUẨN BỊ LỄ VẬT THAY CHO DÂNG LỄ

Trước đây, tại Bắc Phi, lần đầu tiên từ “dâng lễ” (offertorium) được thánh Augustinô sử dụng nhằm diễn tả lễ phẩm của giáo hữu được dâng lên.[1] Ngày nay, hạn từ “dâng lễ” (offertorium) hay là “dâng” bánh và rượu lên Chúa đã được đổi thành “chuẩn bị lễ vật” / “trình bày lễ vật” (praeparatio donunum/praesentatio dononum). Chúng ta nhận thức rằng sẽ không thích hợp về mặt thần học nếu dâng lên Chúa Cha bất kỳ thứ gì khác ngoài chính Đức Kitô. Bởi thế, từ ngữ “dâng lễ” (offertorium) chỉ áp dụng cho nghi lễ hiến dâng Mình và Máu Chúa Kitô mà thôi.[2] Dâng thì đúng, vì có nghĩa là đem lên, ở đây mới chỉ đem lên “bánh và rượu” chứ không có gì khác nữa. Nhưng “dâng lễ” có nghĩa khác, nói một cách chuyên môn hơn, chính là “hiến tế.” Nội hàm của hiến tế chính là sát tế và đổ máu sinh vật. Lúc này, trong phần chuẩn bị lễ vật, chưa có hiến tế, vì chúng ta không hiến tế bánh và rượu. Chúng ta chỉ hiến tế lễ vật là chính Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa, hiện diện dưới hình thức bánh rượu chứ không phải chính bánh rượu lúc này là vật để tế lễ.[3] Hiểu như vậy thì “dâng lễ” chưa diễn ra lúc này với bánh và rượu mà chỉ là chuẩn bị lễ vật với hành động chính yếu ở đây là đặt bánh và rượu lên bàn thờ.[4] Còn dâng lễ thực sự sẽ diễn ra trong Kinh nguyện Thánh Thể, tức là sau phần Tường thuật Thiết lập và Tung hô Tưởng niệm (x. GLCG 1350). Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma hiện nay gọi phần “dâng lễ” hay Tiểu Lễ quy trước đây là chuẩn bị lễ vật với việc chuẩn bị bàn thờ và lễ vật nhằm phân biệt với phần Lễ quy chính, hay dâng lễ chính thức, tức là Kinh nguyện Thánh Thể, trọng tâm của cử hành Thánh Thể. Chỉ sau khi bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, lúc ấy Hội Thánh mới chính thức tiến dâng lên Chúa Cha lễ vật vô cùng cao quý đẹp lòng Người là chính Chúa Kitô, lễ vật của Con Chí Ái, lễ vật giao hoà chúng ta với Người (x. GLCG 1354).[5]

III/ CHUẨN BỊ BÀN THỜ

Trong bữa tối cuối cùng của CGS với các môn đệ, không có hồi chuẩn bị lễ vật. Khi Thánh lễ được liên kết với một bữa ăn, gọi là bữa tiệc huynh đệ (Agape), các tín hữu hội họp tại một tư gia rộng rãi. Việc chuẩn bị lễ vật lúc này rất đơn giản, họ mang theo những món ăn để chia cho nhau trong tình tương thân tương ái. Sau bữa ăn này, họ giữ lại một phần bánh và rượu cho việc hiến tế bằng cách đặt trên bàn cử hành Eucharistia.[6]

Khoảng đầu thế kỷ III, sách Truyền thống Tông đồ (Traditio apostolica) của thánh Hippôlytô có nói đến lễ vật bánh và rượu cũng như công việc đưa bánh rượu lên bàn thờ được dành cho các phó tế để được ĐGM chúc lành. Bàn thờ được trải khăn để các thừa tác viên và dân chúng đem bánh và rượu tới rồi đặt trên đó. Từ thế kỷ IV, phụng vụ Rôma và Đông Syria chọn lựa đặt chuẩn bị lễ phẩm ra sau Phụng vụ Lời Chúa.[7] Trong Thánh lễ giáo hoàng (cuối thế kỷ VI), người ta thấy có nghi thức thầy phó tế trải khăn thánh (corporal) phủ lên cả bàn thờ [vì kích thước của khăn thánh không nhỏ như hiện nay], chén thánh lớn được đặt trên bàn thờ rồi tất cả đi tiếp nhận bánh và rượu do các thành viên của cộng đoàn mang tới. Đến thời Trung cổ, việc trải khăn bàn thờ diễn ra vào những lúc khác nhau, chén thánh được đặt trên bàn trước ca nhập lễ, trước hay sau bài Tin Mừng. Chỉ từ thế kỷ XVI mới có luật buộc áp dụng phải mang khăn thánh và chén thánh đến bàn thờ lúc bắt đầu cử hành cùng với khăn lau chén (khăn tuyết). Vết tích của thói quen xa xưa này được lấy lại trong Thánh lễ hát trọng thể khi thầy phó tế đem khăn thánh (đã rút bớt kích thước) lên bàn thờ đang khi đọc kinh Tin kính hay lập tức trước phần dâng lễ (offetorium). Chén thánh và khăn lau chén thường được đem lên bàn thờ lúc bắt đầu dâng lễ.[8]

Sách Lễ 1570 đã hủy bỏ sự phức tạp của nghi thức dâng lễ bởi vì toàn bộ Thánh lễ được cử hành tại bàn thờ. Các vật dụng thánh đã sẵn sàng ở đó ngay từ đầu lễ khi tư tế đem chén thánh, đĩa thánh và bánh lễ trong cuộc rước đầu lễ rồi đặt tất cả trên bàn thờ.[9]

Hiện nay, việc sửa soạn bàn thờ diễn ra sau lời nguyện tín hữu. Lúc đó, mọi người ngồi và bắt đầu hát ca tiến lễ (x. QCSL 74). Cụ thể hơn, tới phần chuẩn bị lễ vật, thầy phó tế hoặc thầy giúp lễ hay một thừa tác viên giáo dân khác mới đem khăn thánh, khăn lau chén, chén thánh và Sách Lễ đặt trên bàn thờ (QCSL 73, 139). Việc sửa soạn bàn thờ lúc này giúp các tín hữu thấy rõ một điều gì đó mới mẻ đang bắt đầu vì từ tiêu điểm (focal point) của cử hành Phụng vụ Lời Chúa là giảng đài bây giờ sẽ được dịch chuyển sang bàn thờ, tiêu điểm của cử hành Phụng vụ Thánh Thể. Giờ đây, toàn thể cộng đoàn hướng về bàn thờ.[10]

IV/ CA TIẾN LỄ

Vào những thế kỷ đầu, việc chuẩn bị lễ vật cũng như mang lễ phẩm lên bàn thờ diễn ra trong thinh lặng (không hát, không kinh kệ), nhưng dần dần người ta hát Thánh vịnh đang khi rước lễ phẩm. Điều này có thể bắt nguồn từ bên Phi châu (khoảng năm 400) và được cho là do thánh Augustinô khởi xướng nhằm đáp lại những kẻ chống đối thực hành hát các Thánh vịnh “trước khi dâng lễ.”[11] Trong khi đoàn người tiến lên dâng của lễ, bài hát sẽ mang lại cho cuộc rước một ý nghĩa phong phú. Điều này dễ thấy khi chúng ta biết rằng: nơi các nền phụng vụ Đông phương, bài ca dâng lễ này được coi là linh thánh nhất và trọng đại nhất của Thánh lễ, vì được so sánh với bài ca của các thiên thần Kêrubim theo hầu Chúa Kitô khi Ngài tế lễ mình cho Chúa Cha, cùng với toàn thể Hội Thánh và toàn thể các thọ tạo.[12] Bên Rôma, thực hành này xảy ra muộn hơn trong đó thường có hai bè hát những câu Thánh vịnh đối đáp nhau với một điệp ca/tiền xướng (antiphona) lúc bắt đầu và kết thúc Thánh vịnh. Bài ca đi kèm trong cuộc rước lễ vật như thế được gọi là antiphona ad offertorium. Vì mục đích của ca hát là đi kèm với cuộc rước và việc tiếp nhận các lễ phẩm, nên khi bỏ dần việc rước lễ vật (khoảng thế kỷ XI) thì cũng dẫn đến sự giảm bớt các câu hát trong bản văn, chỉ còn hát một câu điệp ca mà thôi và cũng bỏ luôn bài ca đi kèm cuộc rước.[13]

Trong Sách Lễ 1570, tư tế đọc câu điệp xướng dâng lễ ngay lập tức sau khi nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện.” Những bản văn dùng làm câu điệp xướng dâng lễ phù hợp với chủ đề ngày lễ và mùa lễ trong năm phụng vụ và một cuốn sách gọi là Liber usualis gồm chứa những bài hát dùng cho các phần trong Thánh lễ kể cả ca dâng lễ.[14]

 Việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh vào sự tham dự của dân chúng và muốn đơn giản hóa nghi thức chuẩn bị vễ vật, cho nên đã rút các bản văn dùng để hát ca dâng lễ ra khỏi Sách Lễ mặc dầu vẫn có thể tìm thấy chúng trong Gradulae Romanum – tức bộ sưu tầm các bài ca cho Thánh lễ, hoặc trong một phiên bản đơn giản hơn là cuốn Graduale simplex. Còn chính Sách Lễ hiện nay chỉ còn chứa đựng duy nhất một bản văn để hát ca dâng lễ vào ngày thứ Năm Tuần Thánh (lễ Tiệc Ly).[15]

Hiện nay, nếu chọn hát ca tiến lễ thì bắt đầu hát trong khi chuẩn bị bàn thờ (x. QCSL 139) và tiếp tục cho đến khi lễ phẩm đã được đặt trên bàn thờ, tức là cho đến lời nguyện tiến lễ (x. QCSL 74). Thực chất là bài ca trong phần chuẩn bị vễ vật không phải luôn luôn cần thiết hay đáng ước mong và khi sử dụng cũng không cần chúng phải đề cập đến bánh và rượu hay việc dâng tiến mà có thể là bài ca diễn tả niềm vui, chúc tụng, mang chủ đề về cộng đoàn và tinh thần của mùa lễ hay ngày lễ đặc biệt.[16]

Khi có rước kiệu lễ vật thì nên hát: bài hát đề cao ý nghĩa của hành động và tạo khả năng cho mọi người hiện diện cùng tham gia vào đó. Lại nữa, nếu việc quyên tiền vẫn còn đang tiếp tục (rất mong là có nhiều người quyên tiền, để không mất thời gian), bài hát sẽ giữ cho cộng đoàn được lấp đầy một cách thông minh cho đến khi hoàn tất việc ấy.[17] Tuy nhiên, còn hơn thế nữa, bài ca tiến lễ không chỉ đơn giản là một hoạt động chèn vào nghi thức đang khi thu tiền lạc quyên và chuẩn bị vễ vật trên bàn thờ, mà còn là phần không thể tách rời khỏi việc chuẩn bị tâm hồn các tín hữu khi sắp bước vào Kinh nguyện Thánh Thể. Lúc này, chính mọi người cũng là của lễ đang được chuẩn bị.[18]

V/ SUY NIỆM

Một khoảng thời gian trước đây, các tín hữu đã mang bánh và rượu [cùng những sản phẩm khác nữa] như là của đóng góp cho cử hành Thánh lễ. Chủ tế sẽ chọn một phần nhỏ trong đó để hiệp thông với cộng đoàn và đọc lời cầu nguyện, gọi là lời nguyện trên lễ vật. Sau đó, phần còn lại sẽ được phân phát cho những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, bánh và rượu được dâng tiến không phải dùng hết trong Thánh lễ: chỉ một ít của ăn được sử dụng, phần còn lại dành cho những anh chị em nghèo túng; cũng vậy, chỉ một ít của uống được sử dụng, phần còn lại để những anh chị em đói khát được thoả thuê. Lạy Chúa, đó thực sự là cử hành Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu, những người nghèo khổ bây giờ có lẽ cần nhiều thứ hơn là bánh và rượu. Họ cần tiền bạc, quần áo và các loại nhu yếu phẩm khác nữa. Những thành viên nào trong cộng đoàn có bất cứ thứ gì dư thừa chưa xài đến hay muốn đáp đền ân phúc Chúa ban, họ sẽ dâng tiến những thứ đó cho Hội Thánh sau Thánh lễ. Lạy Chúa, cách thức nối kết những lễ phẩm của tín hữu với hành động tự hiến cao vời của Chúa tại Bữa tiệc ly và trên thập giá thật ý nghĩa biết bao!

Bánh và rượu: là hoa trái của ruộng đồng và là sản phẩm từ lao tác con người. Trong Thánh lễ, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh và rượu sẽ trở nên Mình và Máu của Ngài để nuôi dưỡng chúng con. Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời! Để làm người, Chúa đã cần đến sự cộng tác của một người nữ là Đức Trinh Nữ Maria. Để trở nên Thánh Thể, Chúa cần đến sự đóng góp của mẹ đất và công lao của con người. Thật đáng kinh ngạc cho chúng con khi tưởng nghĩ đến chuyện Đấng tạo dựng vũ trụ lại tự nguyện lệ thuộc vào những đồng lúa và vườn nho.

Lạy Chúa, chúng con muốn nghĩ về Thánh Thể như một thực tại không chỉ gói gọn trong bánh và rượu. Trên hết, bánh và rượu là biểu tượng cho tấm lòng bao la rộng lớn của Chúa đối với hạnh phúc nhân loại. Thánh Thể thôi thúc chúng con có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới xung quanh. Chúng con thấy còn đó biết bao anh chị em nghèo đói; còn đó rất nhiều những người hành khất trên đường phố; còn đó biết bao người phải “chạy ăn từng bữa”; còn đó bao người phải lam lũ vất vả để mong kiếm được chút tiền thù lao. Lạy Chúa, ước chi bánh và rượu chúng con tiến dâng đây dạy chúng con biết chia sẻ phúc lành của chúng con cho họ.

Chúng con nhìn thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên của mẹ đất đã bị sự tham lam của con người tàn phá. Những nông trại từng xuất ra bao sản phẩm nay biến thành vùng đất giải trí cho một ít người. Nhiều anh chị em nghèo khổ phút chốc thành ra không cửa không nhà. Nhân danh sự phát triển, nhiều cây xanh đã bị chặt phá, nhiều đồi núi đã bị san bằng và khai thác triệt để. Lạy Chúa, ước gì đừng bao giờ xảy ra nữa kiểu phát triển kinh tế vô tội vạ, bất lợi cho dân chúng và xâm hại môi trường sinh thái.

Dường như nạn thất nghiệp đã trở thành nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng. Nhiều người miền quê đã phải đến trung tâm thành phố để kiếm việc làm, nhưng sự cạnh tranh khắc nghiệt ở đây đã làm không ít người trở nên tuyệt vọng. Lạy Chúa, ước chi đất nước chúng con có đủ công ăn việc làm cho họ và tạo ra những cơ hội ngang bằng cho tất cả mọi người. Amen.

Trả lời