Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm A

Suy niệm 1:

CÔNG BẰNG VÀ TÌNH THƯƠNG

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào một nghi vấn: “Ông chủ trong Tin Mừng có công bằng không? Xin thưa rằng ông chủ này hoàn toàn công bằng, thậm chí lại là một ông chủ đầy tốt bụng và giàu tình thương”. Ông không phải là ông chủ hà khắc, tính toán với những người thợ làm công cho mình. Ông đã trả đúng với số lương đã được thỏa thuận ngay từ lúc ban đầu mà không hề bớt xén hay bóc lột sức lao động của một người thợ nào. Không những vậy, đây còn là ông chủ giàu lòng quảng đại và xót thương. Chính ông đã đi bước trước ngỏ lời mời những người thợ vào làm vườn nho cho ông mà không hề đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Chính ông đã tạo điều kiện cho những người thợ có việc làm mà không phải chịu cảnh thất nghiệp hay không có đồng lương nào để sống qua ngày. Đây chính là nét đặc biệt của ông chủ trong Tin Mừng, hoàn toàn khác hẳn với một ông chủ công ty xí nghiệp ngoài đời thực. Nhưng đáp lại thái độ rộng lượng của ông chủ là sự giận dỗi, trách móc của những người được gọi vào làm vườn nho lúc ban đầu. Họ đã không đủ thấu hiểu tình thương của ông chủ nên đã trở thành những người vô ơn đối với ông chủ. Tóm lại, chỉ vì lòng ganh tỵ với anh em mình mà họ đã có thái độ so đo tính toán và phân bì như vậy.

Ông chủ trong Tin Mừng Matthêu hôm nay chính là hình ảnh của một vị Thiên Chúa đầy lòng nhân ái. Còn những người thợ được ông chủ mời gọi vào làm vườn nho cũng chính là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Thật hạnh phúc và vinh dự biết bao khi Thiên Chúa đã tạo cơ hội cho chúng ta được cộng tác trong Vườn Nho Nước Trời của Ngài. Nhưng nhiều lúc chúng ta chẳng khác những người thợ làm vườn nho vào giờ đầu. Theo lẽ thường ai trong chúng ta cũng mong cho mình một cuốc sống thành đạt, được nhiều may mắn hơn trong cuộc sống nhưng ngược lại chúng ta lại không đủ quảng đại để chúc phúc cho những thành công, hạnh phúc của người khác. Tất cả chỉ vì tâm hồn của chúng ta chất chứa sự đố kỵ, ghen tỵ khi thấy anh chị em mình được thành công, tài giỏi, được mọi người ngưỡng mộ hơn mình. Chúa đã ban cho chúng ta biết bao hồng ân nhưng thay vì chúng ta nhận ra để cám ơn Chúa, chúng ta lại đi ganh tỵ với những người khác và tỏ thái độ trách móc Thiên Chúa bất công và thiên vị. Chỉ khi chúng ta chấp nhận bằng lòng với những gì Chúa ban cho chúng ta, thì lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy bình an và hạnh phúc nhất. Đồng thời, đó cũng là giây phút chúng ta cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa không phải ngang hàng với công bằng mà còn vượt trên cả sự công bằng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được tình thương mà Chúa đã không ngừng tuôn đổ trên cuộc đời chúng con để từ đó chúng con cũng biết mở rộng trái tim hầu “vui với người vui và khóc với người khóc”. Đặc biệt xin Chúa cũng ban cho chúng con biết bằng lòng với những gì Chúa ban cho chúng con để chúng con tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh với tâm tình phó thác và cậy trông; biết bằng lòng với tha nhân để cảm thông, chia sẻ với những phận người bé nhỏ, yếu đuối; và cuối cùng biết bằng lòng với chính mình để nhìn nhận mình còn nhiều thiếu sót, lỗi lầm hầu sửa đổi bản thân mỗi ngày nên đẹp lòng Chúa hơn.

Anê Thành – Kim Vui

Suy niệm 2:

CÔNG BẰNG TRONG TÌNH YÊU

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo có câu: Hỏi Thiên Chúa là Đấng nào? Thưa Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Thiêng Liêng, Hằng Có Đời Đời, Quyền Phép, Thánh Thiện, Nhân Từ, Công Bằng và Chân Thật vô cùng. Trong số những đặc tính mà con người có thể diễn tả về Thiên Chúa thì việc Nhân Từ và Công Bằng của Thiên Chúa là hai điều quan trọng ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của con người. Vậy thế nào là công bằng và nhân từ của Thiên Chúa? Đó có phải như những định nghĩa mà con người đặt ra cho nhau như một quy ước chung hay không? Trong sách tiên tri Isaia có viết: “Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng vượt xa tư tưởng và đường lối của các ngươi bấy nhiêu”.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu kể cho mọi người nghe câu chuyện về những người được ông chủ gọi vào làm vườn nho. Nếu câu chuyện cứ diễn tiến và kết thúc như quy luật mà xã hội đặt ra cho nhau là “làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít” hay “ăn đồng chia đủ” thì chắc là chẳng có gì phải bàn cãi. Nhưng cái kết của câu chuyện lại gây một bất ngờ, nếu không nói là quá sốc cho những ai đang mang trong mình tư tưởng “đồng đều” như trên.

Một đồng tiền – một ngày công là cái giá được đặt ra cho người thợ được mời vào làm đầu tiên. Cả bên chủ lẫn bên thợ đều vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên diễn tiến tiếp theo là ông chủ lại ra các ngã đường mời những người khác vào làm vườn nho vào những giờ khắc khác nhau trong ngày, và dần về sau số giờ làm việc càng ít hơn. Có lẽ vào lúc làm việc thì chẳng ai quan tâm đến ai, công việc thì cứ làm nhưng tới khi trả lương cuối ngày thì mọi chuyện lại khác. Chúng ta thắc mắc tại sao ông chủ lại gọi người vào làm cuối cùng lên nhận lương đầu tiên làm chi để mọi chuyện rắc rối thêm? Lại còn cho họ đồng giá với người làm trước nhất, vậy mới có chuyện để nói! Nếu người làm một ít giờ cũng bằng lương với người làm cả ngày thì hoá ra ông chủ không công bằng à? Tính toán theo công xá làm việc thì chẳng công bằng với người làm đầu tiên. Nhưng chúng ta nên xét lại, sự công bằng mà chúng ta đòi hỏi là đang tìm lợi ích cho ai? Cho số đông hay cho bản thân chúng ta?

Thiên Chúa là người Cha chung của tất cả. Sự công bằng của Thiên Chúa là yêu thương mọi người như nhau không phân biệt tốt xấu. Như trời cho mưa rơi trên người lành cũng như kẻ bất chính thì hồng ân Chúa cũng tuôn tràn cho hết thảy mọi người. Còn sự công bằng mà con người nhắm tới là việc đồng đều theo công sức, theo thái độ hành vi hay theo luật pháp.

Nhưng xét cho cùng trong dụ ngôn được nêu ra thì cái giá một đồng đã được thoả thuận từ ban đầu cho người làm việc cả ngày, còn việc ông chủ có trả cho những người việc muộn hơn như thế nào là do lòng nhân từ của ông ta. Sự khó chịu xuất hiện khi những người đi làm đầu tiên này không có cái nhìn yêu thương đối với những người làm việc muộn hơn.

Lạy Chúa, quá nhiều lần trong đời sống chung con đòi hỏi sự công bằng đến từ Thiên Chúa, từ những vị có trách nhiệm nhưng có biết đâu rằng sự công bằng mà con muốn chỉ để che đậy cái tôi ích kỉ nhỏ nhen của con. Chỉ khi nào con dám mở lòng ra đón nhận người khác với tình yêu thì khi đó con không còn đặt nặng vấn đề công bằng nữa và khi đó con chỉ muốn trao gởi đi tất cả những gì tốt nhất đến với người khác.

Xin cho con trái tim của Chúa, đừng khép kín ở nơi chính mình, xin cho con quảng đại như Chúa vươn lên cao trong ánh sáng tình yêu…

Bảo Bảo

Suy niệm 3:

Món Quà Ân Phúc

Thiên Chúa là tình yêu. Thật vậy, tư cách của ông chủ vườn nho trong dụ ngôn đã diễn tả phần nào tình yêu ấy – Thiên Chúa không tính toán thiệt hơn như con người thường cư xử với nhau, Ngài yêu thương và thi ân giáng phúc cho chúng ta cách vô điều kiện. Hôm nay Đức Giê-su mời gọi chúng ta bước vào cuộc tình trường cửu, cuộc tình ấy không bị giới hạn bởi thời gian, khả năng hay điều kiện, nhưng đòi hỏi điều duy nhất, đó là ta biết quý trọng điều mình được nhận lãnh cùng quảng đại trao ban cho người khác. Vì chưng, mục đích của Thiên Chúa chính là muốn chúng ta cùng quy tụ với nhau trong Tình Yêu Vĩnh Cửu của Ngài.

Đứng trước thái độ so đo của người làm thuê giờ đầu tiên và sự quảng đại của ông chủ gợi lên cho chúng ta suy nghĩ: đối với người làm thuê, anh ta không bằng lòng với những gì đã thỏa thuận với ông chủ, “tại sao họ làm ít giờ cũng lãnh một quan tiền như tôi”; anh ta không nhận ra rằng mình thật là may mắn vì đã được ông chủ chọn làm vườn nho từ giờ đầu tiên, đây là một sự đảm bảo chắc chắn cho cả ngày sống. Nói đến đây, ta mới cảm thấy được sự bấp bênh, lo lắng của những người làm thuê mà không ai mướn, thời gian càng dần về chiều thì họ càng phải đối diện với thực tại của cuộc sống khó khăn. Thêm nữa, cũng là phận người làm thuê, người làm giờ đầu tiên lẽ thường phải biết thương những người kém may mắn hơn mình – mãi cuối ngày mới có được việc làm, cùng biết chia vui với ân phúc mà ông chủ ban cho họ. Nhưng trái lại, anh ta tự cho mình đáng giá hơn người khác, với ánh mắt đố kỵ và lòng ghen tương, anh ta quên bản thân đã được ông chủ thương ra sao, nên cũng không thể chấp nhận người khác được ông chủ thương.

Còn đối với ông chủ, ông luôn chủ động trong việc chọn người làm vườn nho cho mình, và cũng rất hào phóng khi ban phát cho họ những món quà của tình thương – ông không đặt lợi nhuận lên trên giá trị của người làm công, nhưng ông tôn vinh giá trị của sự lao động chân chính nơi họ; đồng thời ông còn mở ra mối tương quan thân thiết, trao cho người làm công cơ may không chỉ là “một quan tiền” để sống trong ngày, nhưng còn là món quà của tình thương giữa người với người. Quả thật, món quà này thật quý giá đối với những ai được lãnh nhận, và thiết tưởng rằng, họ sẽ có kinh nghiệm để chuyển trao món quà ấy cho người khác trong cuộc sống. Qua hai thái độ trên, đâu là thái độ mà bạn và tôi chọn lựa khi sống với anh chị em đồng loại?

Đời người mấy ai không trải qua những lúc khó khăn, thất bại chắc hẳn không chỉ tìm đến ta một lần, đau khổ dường như gắn chặt với kiếp nhân sinh, … Món quà quý giá của cuộc sống là cho ta cơ hội để trải nghiệm, lớn lên và trưởng thành. Món quà này càng trở nên quý giá hơn khi ta biết trao cho người khác với tất cả tấm lòng thành cùng lòng biết ơn cuộc đời. Với con mắt đức tin, mọi sự xảy đến trong đời ta chưa bao giờ là ngẫu nhiên, nhưng là do thánh ý Thiên Chúa quan phòng.

Ước chi Lời Chúa ngày hôm nay soi sáng giúp chúng ta chân thành nhìn lại đời mình, nhìn nhận những ân phúc mà Thiên Chúa đã làm trên cuộc đời của chúng ta, để rồi, nhờ sức mạnh của tình yêu Chúa, chúng ta quảng đại chung chia món quà ân phúc ấy cho những người mà ta gặp gỡ.

Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thánh Thần Chúa trên chúng con, giúp chúng con trở nên những quản gia trung thành và khôn ngoan của Chúa, để nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng con hân hoan sống yêu thương, cùng hăng hái lên đường chuyển trao món quà yêu thương của Chúa đến cho mọi người. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 4:

KHI THIÊN CHÚA TRẢ CÔNG CHO CON NGƯỜI

        Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy ngạc nhiên về cách tính công và trả tiền cho thợ như ông chủ vườn nho trong dụ ngôn được phụng vụ trình bày hôm nay. Trên trần thế này chẳng có ông chủ nào tốt bụng như vậy, nhất là thời buổi kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận như ngày nay. Vì nếu các chủ công ty, nhà máy, xí nghiệp mà xử sự như ông chủ vườn nho trong Tin Mừng thì chỉ có nước phá sản!

        Nhưng điều Chúa Giêsu muốn diễn tả không phải là lãnh vực trần thế mà là lãnh vực Nước Trời; không phải là lãnh vực kinh tế trần gian mà là lãnh vực siêu nhiên. Trong Nước của Thiên Chúa sẽ không có mua bán đổi chác, phần thưởng sẽ không dựa vào lao động như thước đo. Phần thưởng trong Nước Thiên Chúa không được tính theo số lượng giờ giấc nhưng trước hết phải căn cứ vào niếm tin và sự trung thành với niềm tin đó.

        Thông điệp tuyệt vời mà chúng ta có thể rút ra từ Tin Mừng này là Thiên Chúa là tình yêu. Ngài muốn trở thành Cứu Chúa của mọi người. Ngài kêu gọi mọi người làm việc để xây dựng Vương quốc của Ngài. Ngài mời gọi mọi người vào mọi giờ, trong ngày và ở mọi lứa tuổi trong cuộc đời. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa luôn đổ đầy tình yêu của Ngài cho mọi người. Ngài muốn cứu tất cả mọi người. Mức lương mà Ngài đưa ra cho chúng ta là Sự sống vĩnh cửu.

      Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta một cách tự do và không cần công trạng gì về phía chúng ta. Điều này đúng với những người làm việc vào giờ thứ mười một cũng như những người làm việc vào giờ đầu tiên. Làm sao chúng ta có thể không nghĩ tới người mà chúng ta quen gọi là “kẻ trộm lành”? Tên cướp này là người “công nhân vào phút cuối”. Ông cũng được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Vườn nho của Chúa là Giáo hội, vườn nho của Chúa cũng chính là cuộc đời, nơi chúng ta được sai đến để làm chứng cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Nhiều người may mắn được làm việc sớm. Họ hạnh phúc vì cuộc sống của họ tràn ngập sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng cũng có những người được tuyển dụng trễ hơn, với rất nhiều sự tin tưởng và yêu mến. Thiên Chúa là chủ vườn nho bao dung nhân hậu. Tuy vậy, chúng ta không nên cậy dựa vào lòng nhân hậu của Chúa mà trễ nải khi được mời gọi vào vườn nho của Ngài. Những người thợ trong dụ ngôn hôm nay, khi được chủ mời vào làm vườn nho, họ đều sẵn sàng nhận lời. Vì vậy mà họ đáng được thưởng công. Ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống, nhất là niềm vinh hạnh vì được làm con cái Chúa.

       Lời mời gọi vào làm vườn nho của Chúa đã kéo dài suốt hai mươi thế kỷ. Đây là lời kêu gọi mà Chúa Giêsu gửi đến các tông đồ trước khi về cùng Chúa Cha vào Ngày Thăng Thiên: “Vậy các con hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Theo chân các Tông Đồ, tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới ngày nay.

         Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì hồng ân đức tin, và chúng con được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa. Chúng con nài xin Chúa hướng dẫn chúng con trong cuộc phiêu lưu đức tin này. Amen.

Fiat

Suy niệm 5:

LÒNG BAO DUNG – SỰ ÍCH KỶ

Chuyện kể rằng: Có một người đàn bà nhà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả những người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà. Tuyệt nhiên, bà không hề đá động đến cô gái nghèo đã trung thành hầu hạ bà từng giây từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cô là một cây Thánh giá được bọc thạch cao. Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng cô đầy cay đắng, buồn phiền. Cô tự nhủ: mình đã trung thành phục vụ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì. Không còn đủ bình tĩnh, nuốt đủ cay đắng cô đã kéo thánh giá xuống khỏi tường và ném tung trên nền nhà. Cây thánh giá vỡ tung và kìa trước sự ngạc nhiên của Cô tất cả những mảnh vụn tách ra khỏi vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh.

Anh chị em thân mến!

Lòng giận hờn, ganh tỵ, nóng giận khiến cô gái không thể nhận ra giá trị bên trong của cây thánh giá mà bà nhà giàu nọ đã tặng cho cô. Chỉ khi ta có lòng bao dung thì ta dễ nhận ra những giá trị bên trong việc ta làm. Chúng ta cần phải có cái nhìn rộng lượng trong cách đối xử với tha nhân, đồng thời phải thận trọng để nhận ra lòng bao dung của Thiên Chúa.

Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” mà Tin Mừng hôm nay Thánh Mátthêu mô tả lại cho chúng ta thấy tấm lòng bao dung, sự quảng đại của ông chủ dành cho các gia nhân của mình và cũng nói lên sự ích kỷ, hẹp hòi của con người đối với tha nhân. Nếu Thiên Chúa là Đấng rộng rãi, thì con người lại quá nhỏ nhen, ích kỷ. Ông chủ đã quá sòng phẳng với những người làm việc từ đầu ngày, ông không bóc lột sức lao động của ai cả. Ông đã công bằng trả lương theo thỏa thuận ban đầu với họ là mỗi ngày một quan tiền. Ông đã có lòng rộng lượng với người vào làm sau cùng là trả lương cho họ cũng một quan tiền như người vào làm đầu ngày thôi. Điều đó khiến họ trách móc, phàn nàn ông chủ. Đối lại phàn nàn thì ông chủ trả lời họ: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Người chủ vườn nho là hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài là Đấng bao dung, có lòng thương xót đối với những ai cầu xin Người.

Lạy Chúa! Ngài là Đấng tốt lành, giàu lòng thương xót. Ngài không tính thời gian hay công việc chúng con làm mà Ngài nhìn đến tinh thần chúng con làm như thế nào. Chúa có đường lối riêng của Chúa, Ngài không xử chúng con theo như người đời nhưng Ngài dùng luật yêu thương. Xin cho chúng con nhận ra ân huệ Chúa dành tặng cho chúng con và mở lòng ra với anh chị em mà không so đo, tính toán hay ganh tỵ, nhưng biết dấn thân phục vụ trong yêu thương.

Cây Bút Chì

Để lại một bình luận