Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

 Thầy Là Đức Ki-tô

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giê-su đã đặt ra một câu hỏi quan trọng cho các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8,27). Đây không phải là một câu hỏi xuất phát từ sự tò mò về nhận định của người khác, mà là một lời mời gọi mỗi người suy xét về vị trí của Ngài trong đời sống của họ. Thầy Giê-su chờ đợi câu trả lời không chỉ từ các môn đệ, mà từ tất cả chúng ta – một câu trả lời mang tính quyết định, có khả năng thay đổi đời sống và đức tin của người trả lời. Trong đời sống mỗi người, dù chúng ta là người Ki-tô hữu hay vô thần, cũng sẽ có lúc phải đối diện với câu hỏi: “Giê-su, Ngài là ai đối với tôi?” Đây là câu hỏi không chỉ đòi hỏi chúng ta phải trả lời bằng lời nói, mà còn qua cuộc sống, qua cách chúng ta sống niềm tin và lòng mến đối với Ngài.

Khi Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8,29), ông không chỉ nói lên một sự nhận biết, mà còn là một lời cam kết sống theo sự thật ấy. Đối với Phê-rô, Giê-su không chỉ là một vị Thầy thông thái hay một nhà lãnh đạo tài ba, mà là Đấng Cứu Độ, Đấng mà ông sẵn sàng theo suốt cuộc đời, ngay cả khi phải đánh đổi bằng mạng sống của mình. Câu trả lời của Phê-rô không chỉ thay đổi ông, mà còn xác định con đường mà ông sẽ bước đi, một con đường dẫn đến thập giá và vinh quang phục sinh.

Cũng như Phê-rô, mỗi người chúng ta cần suy nghĩ về câu hỏi: “Đối với tôi, Giê-su là ai?” Câu trả lời không chỉ là một kiến thức lý thuyết về Chúa Giê-su, mà là một trải nghiệm cá nhân sâu sắc, là sự gặp gỡ và nhận biết Ngài trong đời sống. Khi chúng ta nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ, là Đấng luôn yêu thương và hướng dẫn đời sống của ta sẽ được biến đổi. Mỗi suy nghĩ, hành động và quyết định của chúng ta đều phản ánh tình yêu và sự hiện diện của Ngài.

Nhưng nhận biết Chúa Giê-su không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn bản thân, mà còn là trách nhiệm chia sẻ Ngài với thế giới. Câu trả lời của chúng ta không chỉ dành cho bản thân, mà còn là một lời mời gọi chia sẻ khuôn mặt của Chúa Giê-su cho anh chị em. Ngày nay, giữa một thế giới đầy rẫy sự chia cắt, thiếu lòng tin và đau khổ, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua cách sống của mình, chúng ta có thể phản chiếu ánh sáng của Đức Ki-tô, để những ai chưa biết Ngài có thể cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa qua đời sống của chúng ta. Đức Giê-su không chỉ là một nhân vật trong lịch sử, mà là một Đấng luôn hiện diện và sống động trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho mỗi người chúng con biết nhận ra Ngài là ai trong cuộc đời mình, và sống xứng đáng với câu trả lời ấy. Xin cho cuộc đời của chúng con trở thành những chứng nhân sống động, mang tình yêu và lòng thương xót của Chúa đến với mọi người xung quanh. Amen.

Maria Nguyễn Thị Thu Yến

Suy Niệm 2:

Đón Nhận Đau Khổ

Giữa hạnh phúc và đau khổ, nếu được chọn, chắc hẳn chúng ta sẽ chọn hạnh phúc. Không ai tự nguyện đón nhận đau khổ. Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu nói về cuộc thương khó sắp đến, Phêrô đã phản đối và kéo Chúa ra khỏi con đường ấy. Chúa Giê-su liền quở trách Phêrô nặng nề, gọi ông là “Satan” vì đã cố ngăn cản Ngài thực hiện sứ mệnh cứu độ. Qua đó, Chúa Giê-su muốn Phêrô hiểu rằng con đường hy sinh và sự chết là con đường cứu rỗi mà Ngài phải đi qua để mang lại tình yêu và sự sống cho nhân loại.

Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình.” Những lời này nhấn mạnh rằng, người môn đệ của Chúa không thể tránh được đau khổ và thử thách. Chỉ khi đối diện với những thập giá trong cuộc đời, chúng ta mới nhận ra sự hiện diện cần thiết của Thiên Chúa, và tình yêu mà Ngài dành cho con người qua sự hy sinh.

Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ mỗi người chúng ta đều đã, đang, và sẽ phải đối mặt với những đau khổ, thử thách. Đó có thể là những khó khăn trong gia đình, những mối quan hệ rạn nứt hay những nỗi đau cá nhân sâu kín. Nhiều lúc, chúng ta cảm thấy thập giá đang đè nặng trên vai, tưởng như không thể chịu đựng nổi. Nhưng chính trong những khoảnh khắc ấy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận đau khổ như một phần không thể thiếu của cuộc hành trình theo Chúa.

Thập giá không phải là hình phạt, mà là dấu chỉ của tình yêu và hy sinh. Qua việc vác thập giá, chúng ta trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đau khổ và chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Vì thế, vác thập giá không chỉ là sự cam chịu, mà còn là hành động yêu thương và hiến dâng. Khi chúng ta can đảm đón nhận những thử thách của đời sống, chúng ta cũng đang thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và anh chị em đồng loại.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con mỏng manh và yếu đuối, thường sợ hãi trước những đau khổ của cuộc đời. Nhưng qua Lời Chúa hôm nay, Chúa đã chỉ cho chúng con con đường để đến gần Chúa hơn – con đường của thập giá. Xin ban ơn cho chúng con có đủ can đảm để đón nhận mọi thử thách với lòng tin tưởng vào Chúa, biết rằng qua đó, chúng con không chỉ được lớn lên trong đức tin mà còn có thể đem lại niềm hy vọng và ơn ích thiêng liêng cho người khác. Xin giúp chúng con vững bước theo chân Chúa, tin tưởng rằng mọi đau khổ chúng con đang chịu đựng đều có ý nghĩa trong kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

 Thầy Là Ai?

Trong một xã hội đầy thách đố, con người thường đối diện với những câu hỏi quan trọng như: “Tôi sống để làm gì?”, “Tôi là ai?”, “Sự nghiệp tôi sẽ ra sao?”. Những câu hỏi này dường như luôn đeo bám và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Tuy nhiên, hôm nay, Chúa Giê-su cũng đặt ra một câu hỏi cho chúng ta: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mc 8,27). Đây không phải là câu hỏi mang tính xã giao, mà là lời mời gọi mỗi người chúng ta đối diện với chính mình và với Đấng Cứu Độ.

Dưới cái nhìn của trẻ nhỏ, có thể Chúa Giê-su là một ông Bụt luôn ban phát những điều tốt đẹp, mang lại niềm vui và hạnh phúc. Với những tâm hồn thiếu niềm tin, Chúa Giê-su có thể là một vị thẩm phán nghiêm khắc, người mà họ chỉ đến để giữ lễ nghĩa, sợ bị phạt hơn là yêu mến thật lòng. Nhiều người tham dự Thánh Lễ chỉ vì nỗi lo lắng hơn là lòng khao khát gặp gỡ Thiên Chúa.

Nhưng điều mà Chúa Giê-su muốn mạc khải cho chúng ta vượt xa hơn những nhận định hời hợt ấy. Ngài không chỉ là một Đấng Ki-tô oai phong, đầy quyền năng. Thay vào đó, Ngài chính là một Đấng Ki-tô hiền lành và khiêm nhường, đã hiến mạng sống mình vì nhân loại. Chúa Giê-su không đến để đánh bại kẻ thù, hay chỉ để chữa lành thể xác, nhưng để cứu chuộc tâm hồn và mang lại sự sống đời đời cho con người. Ngài nói với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc 8,31).

Tình yêu của Chúa Giê-su dành cho chúng ta là vô điều kiện, tuyệt đối và không thể sánh được. Như lời Ngài đã dạy: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Đó là tình yêu mà Chúa Giê-su đã dành cho chúng ta, bằng việc chịu đau khổ và chết trên thập giá để cứu rỗi nhân loại. Thế nhưng, đáng tiếc thay, không phải ai cũng nhận ra và quý trọng tình yêu đó. Nhiều người đã đặt Chúa ra ngoài cuộc sống của mình, xem Ngài như một sự vướng bận, không dành cho Ngài một vị trí trong trái tim, không để Ngài dẫn dắt cuộc đời họ.

Trong cuộc sống hiện đại, khi con người luôn bận rộn tìm kiếm thành công, địa vị và hạnh phúc, có lẽ họ đã quên mất Thiên Chúa. Nhiều người không còn đặt niềm tin vào Ngài, mà thay vào đó là các giá trị vật chất và tạm thời. Họ không nhận ra rằng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể mang lại cho họ sự bình an và hạnh phúc đích thực.

Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi chúng ta hãy thay đổi cái nhìn, hãy làm mới lại tương quan với Đấng Cứu Độ. Chúng ta cần nhận ra rằng, Thiên Chúa không phải là một sự ràng buộc hay gánh nặng trong cuộc sống, nhưng chính Ngài là Đấng mang lại niềm vui và sự tự do thực sự. Chỉ khi chúng ta đặt Thiên Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa và hướng đi đúng đắn cho cuộc sống.

Lạy Chúa Giê-su, xin thay đổi cách nhìn của chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu vô biên của Chúa, để từ đó, chúng con biết đặt Ngài làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Xin cho mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng con đều phản chiếu tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Amen.

Ysave Đinh Thị Quế Phương

Suy Niệm 4:

 Đức Tin Của Tôi Như Thế Nào?

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mở đầu bằng câu hỏi của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ: “Đối với con người, Chúa Giê-su là ai?” Câu hỏi này không chỉ dành cho họ, mà còn dành cho tất cả chúng ta hôm nay. Câu hỏi ấy đòi hỏi mỗi người phải suy tư và trả lời, vì nó liên quan mật thiết đến đức tin và mối tương quan của chúng ta với Chúa. Chúa Giê-su không chỉ muốn biết chúng ta nghĩ gì về Ngài, mà còn muốn giúp ta lớn lên trong đức tin. Ngài mời gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34). Đây là con đường của sự từ bỏ, thập giá và cứu độ.

Một câu chuyện kể về hành trình biến đổi, tựa như hành trình đức tin của mỗi người, gợi lên những suy tư sâu sắc.

Trước kia, tôi không phải là một tách trà đẹp đẽ. Tôi chỉ là một miếng đất sét đỏ, không có hình dạng gì đặc biệt. Một ngày, ông chủ của tôi bắt đầu nhào nặn, đập dẹp tôi, rồi lại nhào tiếp. Tôi sợ hãi, hét lên: “Buông tôi ra!” Nhưng ông chỉ cười và nói: “Chưa được đâu.” Rồi ông đặt tôi lên bàn xoay, xoay liên tục đến mức tôi chóng mặt, muốn hét lên: “Dừng lại đi!” Nhưng ông vẫn nhắc nhở: “Chưa được đâu.”

Sau đó, ông đưa tôi vào lò nung nóng khủng khiếp. Tôi không thể chịu nổi sự đau đớn, đập vào thành lò và kêu gào. Nhưng ông vẫn nói: “Vẫn chưa được đâu.” Khi tôi tưởng mình không còn chịu nổi nữa, ông kéo tôi ra và để tôi nguội dần. Nhưng chưa kịp hưởng sự dễ chịu, ông bắt đầu sơn lên người tôi, khiến tôi khó chịu vô cùng. Tôi kêu lên: “Hãy dừng lại!” Nhưng ông vẫn tiếp tục, cho đến khi tôi được đặt vào lò nung lần nữa, nóng gấp đôi lần trước. Tôi tuyệt vọng, khóc lóc, nhưng ông vẫn kiên quyết: “Chưa được đâu.”

Cuối cùng, ông chủ đưa tôi ra và đặt trước một chiếc gương. Tôi nhìn thấy mình biến thành một tách trà xinh đẹp. Ông chủ nói: “Nếu không trải qua những khó khăn đó, con sẽ không trở thành tách trà đẹp đẽ và bền vững. Chính những thử thách đã làm con mạnh mẽ hơn.”

Câu chuyện này giống như hành trình đức tin của mỗi chúng ta. Có những lúc, cuộc sống giống như sự nhào nặn và nung đốt, chúng ta đau đớn, giằng co trong những thử thách. Nhưng chính qua đó, Thiên Chúa đang biến đổi, làm cho chúng ta mạnh mẽ và vững vàng hơn trong đức tin. Qua mỗi khó khăn, Chúa Giê-su muốn chúng ta học cách từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá và theo Ngài với lòng tin tưởng.

Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết chấp nhận những thử thách trong cuộc sống như những cơ hội để chúng con lớn lên trong đức tin. Xin cho chúng con luôn vững vàng và trung thành theo Ngài, để mỗi ngày chúng con được trở nên hoàn thiện hơn theo ý Chúa muốn. Amen.

Fiat

Suy Niệm 5:

Chúa Giêsu, trong một cuộc trò chuyện với các môn đệ, đã hỏi một câu đầy ý nghĩa: “Người ta bảo Thầy là ai?” Câu hỏi đó không chỉ đơn thuần là sự tìm hiểu về dư luận, mà là cơ hội để Ngài khơi gợi sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân Ngài trong lòng dân chúng. Những câu trả lời mà Ngài nhận được từ đám đông cho thấy họ nhìn nhận Chúa Giêsu như một ngôn sứ, một vị thầy có quyền năng, người làm được nhiều phép lạ như ông Gioan Tẩy Giả hay tiên tri Êlia.

Tuy nhiên, sau khi nghe được những gì đám đông nói, Chúa Giêsu hướng câu hỏi đến các môn đệ thân tín của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Lúc này, Phêrô, đại diện cho các môn đệ, đã trả lời với lòng xác tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Câu trả lời của Phêrô thể hiện niềm tin và hiểu biết của ông về căn tính đích thực của Chúa Giêsu, một niềm tin mà ông đã rút ra từ chính những gì ông đã chứng kiến khi đi theo Chúa.

Quả vậy, ngay cả niềm tin của Phêrô lúc đó cũng chưa thực sự vững vàng. Ông vẫn phải tiếp tục học hỏi, trải qua nhiều thử thách để hiểu thấu đáo hơn về Đấng Kitô mà ông tôn thờ.

Cũng giống như các môn đệ khi xưa, mỗi người chúng ta hôm nay cũng được Chúa Giêsu hỏi: “Đối với bạn, Chúa Giêsu là ai?” Câu hỏi này không dễ trả lời nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết. Nếu ai đó hỏi chúng ta về Chúa Giêsu, ta có thể dễ dàng trả lời rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ nhân loại. Nhưng khi được hỏi cụ thể hơn: “Đối với bạn, Chúa Giêsu là ai?” – lúc này, câu trả lời phải đến từ cuộc sống, từ sự tương giao cá nhân với Ngài.

Đức tin không phải chỉ là một tập hợp của kiến thức, mà là một hành trình liên tục sống và thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống hàng ngày. Như thánh Giacôbê nhấn mạnh: “Đức tin không có việc làm thì quả là đức tin chết” (Gc 2,26). Câu trả lời của chúng ta về Chúa Giêsu phải được phản ánh qua tư tưởng, lời nói và hành động. Nếu chúng ta gọi Chúa Giêsu là Thầy, là Cha, thì chúng ta phải vâng lời và thực thi lời Ngài. Nếu chúng ta gọi Ngài là bạn, thì chúng ta cần đến bên Ngài mỗi ngày để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Nếu chúng ta tin rằng Ngài là Chúa và là Đấng Cứu Độ, thì chúng ta phải phó thác hoàn toàn cuộc đời mình cho Ngài, để Ngài dẫn dắt.

Chúa Giêsu hôm nay vẫn đặt ra câu hỏi đó cho từng người trong chúng ta. Ngài không đòi hỏi câu trả lời đến từ hiểu biết của người khác, mà muốn nghe chính chúng ta, thông qua đời sống hằng ngày. Câu trả lời không chỉ bằng lời nói, mà là bằng chính sự tin tưởng, yêu mến và sống đức tin một cách cụ thể, nhất là trong những thử thách, khó khăn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thêm lòng tin tưởng và yêu mến Ngài. Xin giúp chúng con luôn biết chạy đến cùng Ngài trong mọi hoàn cảnh, phó thác đời mình trong tay Chúa và sống đức tin qua từng hành động nhỏ bé. Amen.

Anrê Nhật Trường

Để lại một bình luận