Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

Phúc Cho Ai Khao Khát Sự Công Chính Vì Nước Trời Là Của Họ

Văn hoá dân gian Vệt Nam quan niệm: “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Ý chỉ đến thói tham ăn tục uống, thấy cái lợi trước mắt là quên cả mọi phẩm giá. Thế mà cái thói xấu ấy hôm nay lại được Đức Giêsu nhắc tới khi đánh giá về các người Do Thái khi họ đến tìm Ngài. “Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm Tôi không phải các ông đã thấy dấu lạ mà vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga6,24)

Nếu như chỉ nhìn bên ngoài thôi, thì đây là một việc làm rất đáng khen, bởi các ông đã bỏ thời giờ công sức, bước xuống thuyền để từ Galile đi Caphacnaum tìm Chúa. Nhưng đáng tiếc thay, việc làm xem ra đáng khen ấy lại bị Đức Giêsu quở trách vì Ngài biết rõ động lực bên trong của việc làm ấy là gì. Lời quở trách của Chúa Giêsu đây cho con nhận ra rằng: điều làm nên giá trị của những hành vi của một người đó là ý hướng tốt lành bên trong của họ, một việc làm dù có vĩ đại đến đâu mà ý hướng bên trong không tốt thì nó cũng chỉ là con số không trước mặt Chúa. Cuộc đời người Ki-tô hữu, cuộc đời của những người sống đời thánh hiến của chúng con đây là một cuộc hành trình đi tìm Chúa, tìm để được gặp chính Chúa và tin nhận Ngài là cứu cánh và là gia nghiệp đời mình. Mục đích ban đầu ấy mỗi chúng con đã được xác định ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào đời tu.

Thế nhưng trong dòng đời tấp nập ngược xuôi này, chúng ta không ít lần bị Chúa quở trách vì đã đi sai với mục đích ban đầu. Biết bao nhiêu công việc xem ra rất lành thánh của chúng ta đã trở nên vô nghĩa, thậm chí đáng chê trách vì những động cơ thiếu ngay lành, thiếu lòng tin mến và sự khiêm nhường.

Tôi đi tìm Chúa là tôi chọn Chúa, chọn vinh danh Chúa, đi tìm Chúa mà tôi chỉ chọn công việc tôi thích, chọn nơi tôi được ca tụng thì là tôi đang đi tìm tôi. Đi tìm Chúa mà tôi còn muốn lo vun vén vật chất cho mình thì quả là tôi đang đi tìm của cải trần gian, ẩn phía sau những công việc lành thánh mà tôi nổ lực hằng ngày có phải là một tình yêu chân thành mà tôi dành cho Chúa và anh chị em của tôi, hay chỉ là sự thỏa mãn tính hư danh, lòng đam mê vật chất và cả những sự hơn thua thấp hèn.

Để sống theo lời Chúa dạy: “Anh em hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn”, tôi cần tập sống như lời dạy của thánh Phao-lô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,23-24). Con người mới ấy là con người của niềm tin, tin Vào Chúa Giêsu và ơn cứu độ của Ngài. Con người mới là con người luôn nhận biết những ơn lành của Chúa trên cuộc đời mình và luôn sống tâm tình tạ ơn. Như lời Chúa nhắc khéo các người Do Thái khi biết các ông đang ngộ nhận “Không phải ông Mo-sê cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà là Cha Tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực “(Ga 6,32). Con người mới, ấy là con người luôn mang trong mình tình yêu chân thành và trong sáng của Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Giêsu, được nhiều người khen ngợi mà bị Chúa chê trách thì có nghĩa gì, được mọi sự vật chất đời này mà thiếu vắng tình yêu của Chúa thì thật bất hạnh cho chúng con.

Xin cho chúng con luôn xét mình kĩ càng cuộc đời mình dưới ánh sáng của Lời Chúa để chúng con luôn làm đúng với ý Chúa. Xin giúp chúng con biết lấp đầy mọi khao khát vật chất, lòng hư danh và đam mê vật chất đời này bằng lòng say mến Thiên Chúa, bằng sự khao khát nên trọn lành để chúng con xứng đáng hưởng lời chúc phúc và gia nghiệp của Chúa như trong bài ca trên núi Chúa đã nói: Phúc cho ai khao khát sự công chính vì nước trời là của họ. Amen.

M. Hài Đồng

Suy Niệm 2:

Lý Do Nào Ta Theo Chúa?

“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Trong cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su, xem ra Ngài phải đón nhận nhiều cách đối xử phủ phàng hơn là điều thiện chí và tốt lành từ những người cùng thời với Ngài. Điển hình trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đã biết được dụng ý của dân chúng đi theo và tìm Ngài cũng chỉ là để được no thỏa phần xác, ngoài điều ấy, họ lại không chân nhận những giá trị vĩnh cửu nơi Chúa Giê-su đã làm cho họ, qua phép lạ “Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” mà Chúa đã thực hiện trước đó.

Quả thật, nếu xét theo bản tính con người, có lẽ Chúa Giê-su cảm thấy hụt hẫng vì ý hướng không ngay lành của dân chúng tỏ ra, biết bao phép lạ Ngài làm và nhất là họ cũng đã từng chứng kiến những điều lạ lùng ấy. Vậy mà, dân chúng không nhận ra Ngài là ai và yêu thương họ thế nào. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không hề chịu thua trước xử sự thờ ơ của họ. Nhưng Ngài mở ra cho đoàn dân này thấy rằng, đời sống của họ không chỉ chú trọng đến việc tìm kiếm những vật chất mau qua, hay những lương thực nơi trần thế, nhưng phải lo kiếm tìm sự sống thần thiêng là lương thực từ trời cao mà Ngài ban tặng: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.

Thật vậy, ngoài việc cần có trách nhiệm chăm lo cho bản thân mình đủ về phương diện vật chất trong cuộc sống là cơm ăn, áo mặc và những điều kiện cần thiết, thì Chúa Giê-su đòi hỏi người Do thái phải thực hiện điều Ngài mong muốn ở bậc cao hơn đó chính là tin nhận Ngài là Đấng mà Chúa Cha sai đến, tin vào Ngài là Đấng trở nên của ăn nuôi sống linh hồn họ và dưỡng nuôi toàn thể nhân loại trong cuộc sống lữ hành và cũng là phương thế dẫn đưa họ đến sự sống đời sau. Trước thái độ bước theo Chúa Giê-su của người Do Thái năm xưa trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi xem xét lại, ta đi theo Chúa với mục đích gì? Và chúng ta có bao giờ như người Do thái theo Chúa là vì nhu cầu của riêng ta chăng?

Khi nhìn lại cuộc đời của mỗi chúng ta, có lẽ ý định ta tìm Chúa, theo Chúa cũng không hơn gì những người Do thái thời của Ngài, bởi vì ta thường cho rằng “Có thực mới vực được đạo” hiểu cách nôm na là cái bụng no thì mới có thể nghĩ đến chuyện thiêng liêng, tâm mới nghĩ đến những điều siêu việt. Quả thật, đôi khi chúng ta cứ biện minh như thế, nên ít nhiều đã khiến ta sống thực dụng, không còn tha thiết nhiều đến việc tìm kiếm chân lý, thi hành ý Thiên Chúa và phụng sự Người, bằng cách chúng ta xem trọng việc đi làm, kiếm tiền hơn việc dự lễ Chúa Nhật, và yêu lấy bản thân mình hơn là hy sinh vì tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con, để chúng con theo Chúa trong tình yêu chân thật chứ không vì lý do thực dụng nào đó mà làm tổn thương tình Ngài dành cho chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

 Giê-su Trong Đời Tôi

Cha Mark Link chia sẻ rằng: “Trái tim của chúng ta có một khoảng trống mà chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy”.

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người càng được cải thiện, người ta không chỉ lo cho no đủ về thể chất mà còn chú trọng nhiều đến đời sống tinh thần. Đặc biệt là tìm cách để thỏa mãn các nhu cầu ngày càng cao. Nhìn bề ngoài xem ra con người thời nay khá đầy đủ về vật chất, nhưng nếu nhìn sâu bên trong, có lẽ chúng ta sẽ thấy nhiều khoảng trống cần được lấp đầy. Con người loay hoay theo vòng xoáy tiền tài, danh vọng, địa vị và họ lo tạo sức mạnh, ảnh hưởng cho riêng mình để rồi sau đó chỉ còn là sự lạc lõng, cô đơn và buồn chán, càng kiếm tìm họ càng thấy không đủ. Chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế gian đó, khi họ ta sự thỏa mãn vật chất lên hàng đầu. Nhưng hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy tìm đến Ngài: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”. Vì nơi Chúa Giê-su, chúng ta sẽ được phủ đầy tâm hồn và thể xác nếu ta thật sự tin vào Ngài.

Ngày 01 tháng 08 chúng ta mừng kính Thánh ANPHONGSÔ ĐỆ LIGUORIÔ, khi đọc lại cuộc đời của ngài chúng ta được biết, vào năm 1723 trong một vụ kiện lịch sử, Anphong, với lương tâm trung thực và thanh liêm, nghĩ tưởng công lý nằm trong lẽ phải, nhưng ngài bàng hoàng khi thấy đồng tiền bẻ cong công lý, quyền lực giày đạp luật pháp dưới chân. “Hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi… Vĩnh biệt pháp đình” là câu nói cuối cùng của vị luật sư trẻ khi nhìn ra được bộ mặt gian xảo của thế gian. Cắt hết mọi mối tương quan, chìm đắm trong cô tịch để làm lại cuộc đời, nhưng vẫn duy trì nếp sống đạo đức và viếng thăm bệnh nhân. Ngày kia, một câu nói xoáy vào tâm hồn: “Hãy để thế gian lại đó và hiến mình cho Ta.  Thánh Anphong tỉnh ngộ chạy đến nhà thờ Đức Maria Chuộc Kẻ Làm Tôi, rút thanh gươm quý tộc đặt dưới chân Đức Maria và thưa: “Vĩnh biệt thế gian và của cải phù vân”.

Lạy Chúa, đời con nay thuộc về Chúa. Chức tước và của cải gia đình, con xin dâng làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa và cho Mẹ Maria. Thánh Augustino đã nói: Lạy Chúa, “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Lạy Chúa, chỉ có Ngài mới có thể hướng dẫn chúng con trên con đường hoán cải. Chúng con tạ ơn Chúa vì món quà Ngài đã ban cho chúng con và xin Chúa giữ gìn cho chúng con trung thành với lời Ngài. Amen.

Fiat

Suy Niệm 4:

Đoạn Tin mừng hôm nay nối tiếp với đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều được thuật lại Chúa Nhật XVII vừa qua. Khi Chúa Giêsu làm phép lạ đó, dân chúng được no nê nên họ tiếp tục đi tìm Ngài. Sáng hôm sau, người Do thái tìm gặp thấy Chúa Giê-su ở phía bên kia biển hồ, Ngài nói với họ: “Các ngươi tìm Ta vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Và Chúa Giê-su mời gọi họ hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn mang lại phúc trường sinh, là sống đời đời.

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng cố gắng phấn đấu để có tiền để được cơm no, áo ấm, khi đã có đủ những nhu cầu cơ bản đó chúng ta lại cố gắng làm sao để ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, nhà lầu xe hơi, quyền cao, chức trọng… Tất cả điều ấy dường như đã lôi kéo chúng ta mãi miết theo đuổi chúng, ta làm mọi giá để đạt được những điều chóng qua đó, và chúng ta nghĩ rằng điều kiện đầy đủ như thế ta mới thấy  hạnh phúc.

Quả thật, đạt được những nhu cầu cần thiết vốn dĩ chúng không xấu, nhưng không bảo đảm mang lại cho chúng ta hạnh phúc, bình an, nhiều khi nó lại là nguyên nhân dẫn chúng ta đến bất an và thậm chí làm cho chúng ta phải trầm luân trong hỏa ngục. Bằng chứng là người càng giàu, càng nhiều của cải cứ lo sợ bị cướp, tỉ phú nom nóp lo sợ chết, quyền cao chức trọng lo sợ bị tù đày, bị lật đổ, ăn không ngon ngủ không yên, và trong dụ ngôn ông chủ vườn nho, người giàu có và ladarô đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Thực tế cuộc sống cũng cho chúng ta thấy tiền bạc của cải vật chất, địa vị chức quyền, khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta không thể mang theo được gì, như câu chuyện của Alexander Đại Đế  khi còn sống tung hoành ngang dọc đánh chiếm nhiều nước, vàng bạc đầy kho, trước khi chết, ông đã kêu những người thân cận của mình khoét hòm, đặt hai bàn tay của ông thò ra ngoài để cho người ta thấy dù có quyền lực, giàu có thế nào đi chăng nữa, thì khi chết cũng chỉ còn hai bàn tay trắng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. Do đó chúng ta cần duyệt xét lại xem đâu là những bận tâm lớn nhất của chúng ta? Những điều nào khiến ta quan tâm lo lắng nhất mỗi ngày? Trong ngày sống tôi có lúc nào nghỉ và mơ ước được sự sống đời sau hay không? Trước khi làm bất cứ việc gì chúng ta có nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng gì đến sự sống đời đời của tôi chăng?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khao khát những giá trị nước trời và cố gắng tìm kiếm và xây dựng Nước ấy ngay trong cuộc sống hiện tại, bằng việc chúng con làm bất cứ việc gì cũng nhắm đến hạnh phúc nước trời mai sau. Amen.

Anrê Nhật Trường

Trả lời