Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

Thấu Hiểu Như Chúa Giê-su

Sau những ngày các môn đệ được Chúa Giê-su sai đi rao giảng Tin Mừng, hôm nay các ông trở về kể lại “Mọi việc các ông đã làm và giảng dạy” cho Chúa Giê-su nghe. Có lẽ tâm trạng lúc này của các ông rất háo hứng về những thuận lợi mang đến, cũng như những bất lợi khi các ông thi hành sứ vụ. Chúa Giê-su thấu hiểu tâm tư của các môn đệ nên Người bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Thật vậy, Người muốn các môn đệ phải cân bằng lại nhịp sống của mình giữa việc mục vụ, đời sống cá nhân, đời sống tâm linh và nhất là cần ở lại bên Chúa để Người dạy dỗ và an ủi vỗ về.

Nhìn vào bối cảnh Tin Mừng, hình ảnh dân chúng tấp nập kéo đến với Chúa Giê-su tưởng chừng như Người là “Idol” trong cuộc đời họ, mà Kinh Thánh diễn tả rất rõ “Đến nỗi các môn đệ không có giờ ăn”, thậm chí dân chúng hiểu ý Chúa Giê-su và các môn đệ tìm nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi, vậy mà họ vẫn lần theo. Tuy Chúa Giê-su biết dân chúng cần đến mình nhưng không vì thế mà Người lãng quên nhu cầu cần nghỉ ngơi của các môn đệ. Chúa Giê-su hiểu các ông là những người luôn chung chia nỗi buồn niềm vui với Người nơi cuộc sống trần thế, đồng thời các ông cũng là tương lai nối tiếp công cuộc loan báo Tin Mừng của Người, nên sự ưu tiên Chúa Giê-su dành cho các môn đệ là thời gian, sự cảm thông và sự khích lệ. Hơn nữa, Người cũng dạy cho các ông một bài học là hãy quan tâm, động viên đến những anh chị em làm việc bên mình như tinh thần của người cha người mẹ hay là một bậc thầy đối với họ, vì họ rất cần sự quan tâm đó.

Trong cuộc sống, dù chúng ta là một người giáo dân bình thường hay là một tu sĩ, ta cũng đã hơn một lần làm việc tông đồ với anh chị em mình, với những người có trách nhiệm trên chúng ta. Những công việc ấy có thể là quét nhà thờ mỗi ngày cuối tuần, cắm hoa hoặc làm công tác mục vụ nào đó trong xứ đạo. Với bao công việc này, có thể mang đến cho chúng ta những thành quả thật tốt đẹp, cảm thấy phấn khởi vì mình đã làm việc cho Chúa, cống hiến cho Giáo Hội và góp phần xây dựng Nước Trời mai sau. Thế nhưng, cũng không ít lần ta cảm thấy những việc đó mang lại nhiều cực nhọc, buồn phiền vì mình làm nhiều mà chẳng được khích lệ và công nhận bao nhiêu, trái lại chỉ thấy phê bình và khiển trách.

Những tâm trạng hân hoan hay chán nản này có thể các môn đệ năm xưa cũng đã từng trải qua trong việc tông đồ của mình. Nhưng may thay, các ông vẫn còn có Chúa Giê-su nghĩ đến họ, Người rất tâm lý, hiểu được môn đệ của mình bao tháng ngày bôn ba trên đường truyền giáo sẽ có lúc mệt nhoài vì nhiều lý do thể lý, tâm lý và tâm linh. Do đó, Người khuyên các ông tìm nơi cô tịch để nghỉ ngơi dưỡng sức về phần xác cũng như phần hồn. Vì Chúa Giê-su biết chỉ có những phút giây tĩnh lặng riêng mình, các môn đệ mới có thể được chữa lành trong tinh thần và thể chất, sâu xa hơn các ông được kín múc sức sống thần linh khi ở bên Người.

Xin Chúa dạy chúng con cách sống thật tâm, biết nghĩ đến những anh chị em làm việc bên chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

 Suy Niệm 2:

Giữa ồn ào và náo nhiệt của cuộc sống, giữa những xôn xao và lắng lo của công việc bổn phận, chúng ta thường bị cuốn vào một vòng quay mà không thể nào thoát ra được. Vì thế, Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về sự tĩnh lặng:”Các con hãy lánh riên một nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thật, sự cô tịch hay sự lắng đọng lại trong đời sống là rất cần thiết cho mỗi người tín hữu, vì chỉ khi chúng ta biết để cho tâm hồn mình biết tìm về sự “yên nghỉ của nội tâm”, ta mới có thể nhận ra đâu là sứ vụ chính yếu của mình và đâu là giá trị cho cuộc đời mình.

Khi đọc lại Tin Mừng chúng ta thấy rằng, Chúa Giê-su trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, các ông đã chu toàn bổn phận của mình, và khi trở về các môn đệ kể lại hành trình rao giảng mình. Có lẽ, nhiều kinh nghiệm buồn vui, lẫn thành công và thất bại. Chúa Giêsu đã hiểu thấu được điều đó nên Ngài đã bảo các môn đệ “Hãy lánh riêng ra một nơi để nghỉ ngơi đôi chút”. Như vậy, sứ vụ thì lúc nào cũng có, nhưng ta sẽ bị kiệt quệ nếu chúng ta không biết tự tách biệt mình ra khỏi những công việc, khỏi những ồn ào để được Chúa an ủi và nâng đỡ ta trong khoảng thời gian tĩnh lặng.

Trong cuộc sống hiện đại này, chúng ta khó tránh khỏi những ồn ào quanh ta, tiếng đọng ấy không chỉ dừng lại những âm thanh của dòng nhạc xập xình, nhưng còn ồn ào của nội tâm, là danh vọng khi chúng ta cảm thấy thích và muốn được khen ngợi, ồn ào của tiền bạc khi chúng ta tranh thủ mọi thời gian để kiếm thật nhiều tiền, và ồn ào của những ước muốn bất chính khi chúng ta không kiềm chế được nơi bản thân mình, hay là tiếng ồn của những mối tương quan khiến chúng ta phải bận lòng.

Chúa Giê-su hôm nay mời gọi người môn đệ của Chúa cần phải tránh xa những xôn xao đó để tâm hồn được tĩnh lặng và nghỉ ngơi bên Chúa. Tất cả chúng ta đều cần thời gian để suy nghĩ, điều chỉnh cảm xúc của mình một cách riêng tư mà không bị ảnh hưởng bởi người khác. Những giây phút nghỉ ngơi bên Chúa sẽ giúp chúng ta nạp lại năng lượng của sự bình an và tích cực. Từ đó chúng ta sẽ sẵn sàng bước tiếp trên con đường phục vụ Chúa và tha nhân. Và chúng ta có thể nói nghỉ ngơi cũng là một nhân đức. Đó là một biểu hiện của nhân đức can đảm khi chúng ta dám dừng lại, dám để Chúa bước vào cuộc đời mình dù đang trên bước đường thành công của sứ vụ và bổn phận.

Lạy Chúa Giê-su, xin hướng dẫn chúng con luôn tìm về bên Chúa mỗi khi chúng con mệt mỏi vì sứ vụ, vì chỉ khi nghỉ ngơi bên Chúa chúng con mới thể đủ sức tiếp tục lên đường làm việc tông đồ cho Chúa. Amen.

Maria Nguyễn Thị Minh Thư

Suy Niệm 3:

 Cuộc sống hôm nay lôi cuốn chúng ta vào những công việc, những hoạt động không ngừng đến độ chúng ta không còn thời gian nghỉ ngơi và thiếu những khoảng lặng để gặp gỡ nhau và gặp gỡ Chúa. Vì thế, Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ lưu ý về việc “tĩnh lặng” này sau khi các ông đi loan báo Tin Mừng trở về với Người: “Các con hãy hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”. Chúa Giê-su nhẹ nhàng không muốn người môn đệ của mình ở tình trạng ngủ quên trong chiến thắng, vì điều ấy có nguy cơ khiến các ông tự mãn và phô trương những gì mình làm được.

Quả thật, đối với Chúa Giêsu, thành công ấy chỉ là một chút thành quả để chuẩn bị cho những chặng đường đang chờ đợi các môn đệ ở phía trước. Bởi con đường mà các ông sẽ phải bước tiếp không phải là con đường bằng phẳng, mà đó là một con đường đầy gian nan, thử thách và nhất là nơi bản thân các ông lại còn có giới hạn. Chúa Giê-su thấu cảm được điều này nên Người khuyên các ông cần phải lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, vì nghỉ ngơi sẽ giúp các ông có thời gian hồi tâm lại những gì đã trải qua và nhất là để Chúa bổ sức cho. Đây cũng là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy trở về với lòng mình trong sự thinh lặng, tĩnh lặng để chúng ta có thể tìm lại con người thật của mình, tìm về tương quan với Chúa và tương quan với anh chị em. Có như thế, chúng ta mới có thể nhìn lại tất cả mọi hoạt động ta đã sống và đã làm, để rút ra những kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại và hoạch định cho tương lai đời mình. Khi trở về bên Chúa trong thinh lặng chúng ta sẽ lắng nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa, khám phá ra lòng thương xót vô biên của Người, từ đó chúng ta biết sống tâm tình tạ ơn Chúa vì những điều Người đã ban cho ta, đồng thời được Người biến đổi, đỡ nâng, an ủi và ban thêm sức mạnh để ta tiếp tục lên đường dấn thân cho sứ vụ.

Ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta biết ghi nhớ và áp dụng lời Chúa Giêsu dạy, để  chúng ta tìm thấy sự quân bình cần thiết trong công việc và nghỉ ngơi, cân bằng trong thể xác và linh hồn của chúng ta.

Anrê Nhật Trường

Suy Niệm 4:

 Thiên Chúa Đến Bên Con Người

 Tin Mừng hôm nay thuật lại Đức Giê-su thể hiện tấm lòng thật ấm áp và gần gũi với chúng ta. Người không đến với ta như một Vì Thiên Chúa cao sang và uy quyền nhưng Người đến như một người bình thường trong quan tâm và yêu thương.

Trước tiên là sự ân cần của Đức Giê-su đối với các môn đệ, Người nhắc nhở các ông sau khi đi rao giảng trở về thuật lại mọi việc với Người “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Và đối với đám đông dân chúng, Đức Giê-su thương cảm họ vì “Họ như bầy chiên không người chăn dắt và người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mt 6, 34).

Như trong bài giảng của Đức Giám Mục Giuse Đỗ Quang Khang đã chia sẻ trong thánh lễ kính Thánh Têrêsa Avila, tại Đan Viện Cát Minh, Ngài nói: “Trí tuệ nhân tạo đã làm cho con người cuộc sống đầy tiện nghi, mỗi ngày mức độ tiện nghi ngày càng cao đến nỗi câu chuyện của thế giới trở nên gần gũi như câu chuyện của xóm làng. Con người không chỉ có nhu cầu về thể lý mà còn có nhu cầu về tâm linh. Thân xác đau chỗ nào chúng ta biết nhưng linh hồn đau, khát, bệnh…chúng ta không biết. Linh hồn chúng ta cũng có nhu cầu, quên đi nhu cầu của linh hồn mình, không đáp ứng thì linh hồn sẽ chết”.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà con người luôn vội vã, tất bật với công việc, bị cuốn theo vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, danh dự, địa vị và tiền tài…mà điều ấy khiến chúng ta đánh mất tương quan với nhau, ít quan tâm tới người khác, như chúng ta vẫn thường nghe trong thời đại hôm nay: “xin lỗi tôi rất bận, tôi không có thời gian”. Và tệ hơn nữa, một số người lại quên lo cho phần linh hồn, đời sống tâm linh của mình. Bao nhiều lần chúng ta viện lý do để không đến Nhà Thờ, lãng quên Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, đã bao lần chúng ta bỏ lễ Chúa Nhật, bỏ kinh sáng kinh tối…và bao lần chúng ta lướt qua đời nhau một cách vô tình? Theo lời mời gọi của Đức Giê-su, chúng ta hãy dừng lại và nghỉ ngơi trong Người, để ta được Chúa bồi dưỡng và thêm sức mạnh phần xác và phần hồn, chỉ khi đó ta mới có thể đủ can đảm vượt qua những gì phía trước đang chờ đợi chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su, đôi lúc chúng con cảm thấy mất thời gian khi tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa, và đôi khi chúng con tương quan với anh chị em xung quanh lại là gánh nặng. Xin cho chúng con biết sống chậm lại, sống tốt tương quan với Chúa và với tha nhân. Nhờ đó, chúng con lan tỏa tình yêu Chúa cho anh chị em. vì khi chúng con biết mở lòng ra lắng nghe tiếng Chúa, chia sẻ với người xung quanh thì cuộc sống chúng con trở nên tươi đẹp. Amen.

Fiat

Suy Niệm 5:

“Tựa nép bên lòng Chúa, con xin ngỏ hết tâm tư, vui buồn của đời sống dương gian …”. Lời hát mang lại cho người nghe cảm giác bình an trong tâm hồn và thanh thản nơi thể xác. Thật thế, giữa bao thăng trầm cuộc sống, hằng ngày chúng ta phải chạy đua với những nhu cầu của con người, nên điều này cũng khiến cho sự an yên trong lòng ta bị giảm xúc. Như vậy, tìm về một chốn nghỉ ngơi, một nơi thanh vắng luôn cần thiết hơn đối với những ai đang “vất vả mang gánh nặng nề” trong cuộc sống.

Tin mừng hôm nay thuật lại sau khi các Tông đồ đã hoàn thành sứ mạng Chúa Giêsu giao phó, các ngài trở về hớn hở trình bày với Người những “chiến công” mà mình đã lập được. Lúc đó, thay vì Chúa Giê-su dành lời khen ngợi cho các Tông đồ nhưng Người lại bảo các ông “Lui về nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”. Phải chăng Chúa Giêsu không tinh tế tán thưởng những thành công mà các tông đồ vất vả đạt được? Hay còn một lý do gì khác quan trọng hơn khiến Người hành động như thế?

 Với kinh nghiệm trong hành trình rao giảng cũng như đời sống tâm linh của Chúa Giê-su, Người biết được sau mọi hoạt động miệt mài cho công cuộc rao giảng dù thành công hay thất bại, điều cần nhất cho các tônng đồ vào lúc này đó là sự nghỉ ngơi, không chỉ về phần xác mà còn về phần linh hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức lực thể xác cho con đường dài phía trước phải đi. Nghỉ ngơi để tìm lại bình an cho tâm hồn trước những xao động của tiền tài, danh vọng, khó khăn và thử thách. Nghỉ ngơi để tìm lại chính mình, hàn gắn lại những đổ vỡ trong các mối tương quan. Và nhất là nghỉ ngơi để tìm về bên Thiên Chúa là Đấng luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu mọi ước vọng của con người.

Lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ năm xưa, cũng chính là đang nói với chúng ta hôm nay. Đôi khi chúng ta vì quay cuồng với cuộc sống mà ta quên mất bản thân mình là ai và đây là đâu?”. Điều gì cần thiết nhất với tôi vào lúc này? Và nơi nào, người nào sẽ mang lại cho tôi sự bình yên đích thực?

Thiên Chúa vẫn kêu mời chúng ta lui về nơi thanh vắng của cõi lòng mình, tạm gác lại tất cả những lo toan, phiền muộn, những hơn thua tranh giành được mất để nghỉ ngơi “đôi chút”. Vì khi đó, chúng ta mới có thể kết nối lại với Thiên Chúa, tha nhân và với chính mình. Đồng thời giúp ta tận hưởng những hạnh phúc giản đơn trong hiện tại. Và còn giúp chúng ta vạch định cho tương lai với lòng cậy trông, phó thác vào quyền năng, yêu thương của Thiên Chúa, như thánh tông đồ Phêrô khuyên chúng ta: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7)

Bảo Bảo

Để lại một bình luận