Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

Thay Đổi Tầm Nhìn

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su phải đối diện với thái độ nghi ngờ của người Do thái, họ cho rằng làm sao Ngài có tư cách và khả năng gì mà dám tự nhận mình “Tôi là bánh từ trời xuống”, trong khi họ biết gia thế của Chúa Giê-su như thế nào, con cái nhà ai, họ đều biết cả. Do đó, nơi Chúa Giê-su chẳng có gì cao quyền lớn thế, nhất là chẳng có cơ sở nào để cho người Do thái có thể tin được những điều Ngài nói. Vì theo niềm tin dân gian Do thái, Đấng Mêsia phải xuất hiện bất ngờ, không ai biết Người từ đâu đến. Chính do họ dựa vào quan niệm như thế nên đã không thể chấp nhận điều Chúa Giê-su khẳng định.

Quả thật, người Do thái càng cảm thấy chướng tai gai mắt nơi Chúa Giê-su bao nhiêu thì Ngài lại càng xác nhận mạnh mẽ hơn về tư cách và về thần tính của mình, nên “Ngài bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”. Dù giữa Chúa Giê-su và người Do thái đang trong trạng huống không “xuôi chèo mát mái” nhưng Ngài phải nói sự thật cho họ hiểu rằng, chuyện họ đến với Chúa Giê-su không phải là chuyện đương nhiên mà họ đến được với Ngài nếu như không có sự “lôi kéo” của Chúa Cha. Và sự lôi kéo này không hiểu theo nghĩa là dùng sức mạnh để lôi kéo vật nào đó, hay ép buộc ai đó, vì Thiên Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của con người, nhưng là bằng cách Thiên Chúa vạch ra cho họ thấy đâu là sự thật và những lợi ích của việc sống sự thật như thế nào.

Như vậy, sự thật Chúa Giê-su muốn tiết lộ cho người Do thái trong Tin Mừng hôm nay đó chính là Ngài là “Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Thật vậy, đối với Chúa Giê-su, điều duy nhất Ngài muốn là hiến tặng cho nhân loại chính mạng sống của mình, mong ước con người sống hiệp nhất trong Chúa, qua việc mời gọi họ đón nhận và tin vào Ngài là nguồn sống nuôi dưỡng linh hồn họ nơi cuộc đời trần thế này, và cũng là sự sống thần linh dẫn đưa họ đến cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Thế nhưng, đối với người Do thái lúc bấy giờ họ không thể chấp nhận được điều Chúa Giê-su nói về mình như thế, là bánh, là thịt, bởi vì nơi ánh mắt của họ điểm xuất phát của Ngài không phải từ thần linh nhưng là từ một gia đình nghèo làng Nazaret bình thường, thì làm sao có chuyện trở nên lương thực nuôi sống họ, quả là điều vô lý với họ.

Còn đối với chúng ta ngày nay, là người Ki-tô hữu, chúng ta xét xem mỗi khi ta tham dự Thánh lễ, ta có giống não trạng của người Do thái năm xưa chăng khi nhìn thấy vẻ ngoài của Chúa Giê-su? dưới ánh mắt của họ Chúa chỉ là một con người xoàng xĩnh và không đẳng cấp, từ đó họ không nhìn nhận Ngài là Đấng Messia. Mỗi khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa Giê-su khi Ngài ẩn mình nơi tấm bánh nhỏ bé, không mùi vị và không sắc màu, ta có thái độ nào đối với Ngài? Xác tín hay hờ hững? đón nhận Chúa Giê-su bằng lòng tin, cậy, mến chân thành hay chỉ là một thói quen, chiếu lệ?

Xin Chúa Giê-su tha thứ cho chúng con mỗi khi chúng con chưa thật sự tin và yêu mến Ngài nơi Bí Tích Thánh Thể tình yêu.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su cho chúng ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi vì Ngài là Thiên Chúa vô cùng cao cả, nhưng lại gần gũi với con người. Chúa Giê-su đã đến trần gian để cho con người được sự sống muôn đời nên Ngài đã quả quyết khi nói với những người Do thái về Bánh Hằng Sống là chính Thịt Máu Người, và Ngài mời gọi chúng ta cần phải ăn bánh này mới được cứu độ.

Tuy nhiên, với tâm tư bình thường của con người, người Do thái lúc bấy giờ khó chấp nhận việc Chúa Giê-su tự xưng mình là bánh từ trời, họ đã phản ứng rất sôi nổi khi nghe Chúa Giê-su nói như vậy, do họ nhận thấy nguồn gốc của Chúa Giê-su không có gì nổi bật chỉ là “Con bác thợ mộc”, điều ấy trở thành rào cản, khiến họ không tiến xa hơn vì cái nhìn thiên kiến ấy. Trước thái độ cứng lòng tin của dân chúng như thế, Chúa Giêsu không hề nao núng việc tỏ bày thần tính nơi Ngài, trái lại Ngài khẳng định rõ ràng hơn: “Chẳng ai đến được với tôi nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”. Quả thật, nhờ Thiên Chúa Cha thôi thúc, hướng dẫn chúng ta, thì ta mới có khả năng đến với Chúa Giê-su được. Và chỉ nơi Ngài mới cho con người sự sống đích thực, sự sống vĩnh cửu mà chúng ta đã khát khao từ khi Thiên Chúa dựng nên ta.

Như lời Chúa Giê-su phán: “Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời”. Đời sống của người Ki-tô hữu chỉ được tồn tại khi chúng ta biết kín múc nguồn sống từ nơi Ngài, nhưng trong cuộc sống đôi khi chúng ta chưa khát khao thật vì ta còn bám víu vào những lương thực chóng qua đời này. Đã không ít người trong chúng ta từng nghe Lời Chúa, đã nhiều lần rước lấy Mình Thánh Chúa, thế nhưng đời sống nội tâm của ta vẫn còn èo uột, chênh vênh và chưa được biến đổi thực sự.

Lạy Chúa Giê-su là của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, xin Ngài tăng thêm niềm tin, lòng yêu mến và hy vọng nơi chúng con, để chúng con không còn lệ thuộc hay tìm kiếm những gì mau qua nơi trần gian, nhưng thay vào đó là sự xác tín mạnh mẽ vào tình yêu nhưng không mà Chúa Giê-su đã tự hiến mình vì yêu chúng con, nhất là chọn ở lại với chúng con nơi tấm bánh nhỏ bé trong nhà tạm.

Tạ ơn Chúa đã ban Bánh Hằng Sống, quà tặng tình yêu thần linh cho chúng con. Mỗi lần rước Bánh Thánh Thể với lòng sốt mến kính cẩn chúng con được cảm nến hương vị thiên đàng. Xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con nhận biết Mình Thánh Con của Cha trong tấm bánh chúng con chia sẻ cùng nhau. Chúng con tạ ơn Chúa đã luôn nuôi dưỡng và dẫn đưa chúng con vào sự sống đời đời. Amen.

M. Hoa Rơi

Suy niệm 3:

 Tấm Bánh Chúa Giê-su – Bánh Sự Sống

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay Chúa Kitô tự giới thiệu mình với mọi người là “Bánh từ trời xuống”. Đó là món quà lớn nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Chính Chúa Giêsu đã hiến mình cho chúng ta để ta có thể sống mãi mãi. “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Quả thật, tặng phẩm này đến từ Thiên Chúa cách nhưng không, nhưng để đón nhận đòi hỏi nơi chúng ta cần phải có lòng tin.

Thật vậy, Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại biết Ngài là ai. Thế nhưng, thời của Chúa Giê-su lại có nhiều người chưa tin Ngài, và trong thế giới của chúng ta ngày nay cũng vậy, nhiều người đã sống thờ ơ, chối từ Ngài. Người ta chỉ nhận thấy Chúa Giê-su với ánh mắt nhân loại. Họ khước từ thiên tính của Chúa Giê-su. Qua Tin Mừng hôm nay cũng thách thức chúng ta khi nhìn về Chúa Ngài. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài, đón nhận Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn ta và chính Ngài là món quà của Thiên Chúa ban tặng.

Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”. Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng: Chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”. Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày, và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy…“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Lạy Chúa, đời sống chúng con hôm nay có rất nhiều điều mê hoặc chúng con. Xin cho chúng con khi tìm kiếm những nhu cầu của thân xác cũng biết “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích” mà tìm kiếm và chính Thiên Chúa vào trong cuộc sống chúng con, nhờ đó chúng con được tham dự vào sự sống đời đời của Ngài. Amen.

Fiat

Trả lời