Suy niệm 1:
Trong đời sống xã hội, có lẽ chưa bao giờ là dễ cho ai đó muốn được vẻ vang tại chính quê hương của mình, nơi mà lịch sử cuộc đời mình ai ai cũng biết, và bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu cũng đã trở về quê hương của Ngài là Nazaret, thái độ của những người đồng hương đã không đón nhận Đức Giê-su khi thấy Ngài trong thân phận là một ngôn sứ lẫy lừng.
Như Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, họ đã ngạc nhiên và tự vấn: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?”. Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra, vì họ cho rằng đã biết quá rõ về gia đình và thân nhân của Đức Giêsu. Người làng Nazaret nghi ngờ, chối bỏ sự thành công của Đức Giê-su đạt được trước mặt dân chúng.
Thế nên, họ đưa ra một bằng chứng là nêu lên gia phả của Đức Giêsu: “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”. Họ chỉ nhận thấy người thân của Ngài cũng chẳng có thế giá gì trước mặt họ. Và “Họ vấp phạm vì Người”.
Đức Giêsu vẫn biết trước được những ý nghĩ và thái độ này của họ dành cho Ngài, có lẽ Ngài vẫn còn chút hy vọng cho một sự đón tiếp nồng nhiệt từ những người đồng hương dành cho mình, là một người con trong làng nhưng “Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin”. Phải chăng sự ngạc nhiên này kèm theo nỗi buồn, vì với tâm lý bình thường của một người, Đức Giêsu vẫn mong muốn được những người đồng hương của mình đón nhận thay vì xoi mói và chối từ.
Bài tin Mừng hôm nay thoáng đâu đó một nỗi buồn. Buồn vì người ta chú trọng tới những gì là thế giá và là danh phận của một con người, trong khi những ơn phúc Đức Giêsu đã ban phát cho mọi người khắp nơi lại chẳng nhận ra. Và buồn vì não trạng thành kiến, nghi kị, chống đối đã xây lên bức tường kiên cố khiến người dân làng Nadaret không nhìn thấy diễm phúc được Đấng Messia mà họ đang trông ngóng vẫn luôn ở cùng và ở với họ từ bao lâu nay.
Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay như đang nói đến chính mỗi người chúng con về thái độ đối với những người xung quanh. Chúng con chưa đủ đức tin để thấy được Chúa hiện diện trong anh chị em mình, chưa đủ đức cậy để tin rằng Chúa có thể làm những điều phi thường nơi những người chúng con quá là “quen mặt” và chưa đủ tình mến để mở lòng ra đón nhận những người mà từ lâu chúng con đã “đóng cánh cửa tâm hồn”. Xin Chúa thương biến đổi chúng con nên nhạy bén và mềm mỏng hơn, để dễ dàng đón nhận những điều tốt đẹp đến từ nơi Chúa và tha nhân. Amen.
Bảo Bảo
Suy Niệm 2:
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự cứng lòng tin của những người đồng hương với Chúa Giê-su. Sau một thời gian đi rao giảng công khai, Ngài trở về làng Nazarét. Khi nghe thấy Chúa Giêsu giảng dạy với lời lẽ khôn ngoan, họ đã tự hỏi: “Bởi đâu ông ta được được khôn ngoan như vậy? Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, những người hàng xóm mà chúng ta quen biết rõ sao?”. Trước thái độ xem thường và cứng lòng tin của họ, Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ cho họ.
Theo quan niệm của người Do Thái, Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế phải sinh ra trong vương quyền, là vua muôn dân, đầy quyền năng. Người dân làng Nazaret đã sinh sống cùng làng với Chúa Giêsu gần 30 năm nên họ biết quá rõ về Ngài. Vì thế, họ không thể chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế của họ và không tin Ngài.
Thực tế cho thấy, chúng ta chỉ có thể biết về một người nào đó, dựa vào những gì người khác nói, giới thiệu cho chúng ta, hoặc chính chúng ta trực tiếp gặp gỡ và tìm hiểu họ. Đó chỉ là một sự hiểu biết bình thường và bên ngoài. Nên tất cả những gì chúng ta biết, điều đó chưa đủ để ta khẳng định là mình biết rõ về họ, nhất là về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lý tưởng…. Thêm nữa chúng ta thường bị chi phối bởi cái nhìn chủ quan, tình cảm, sở thích, ước muốn, quan niệm cá nhân. Vì thế, chúng ta dễ có suy nghĩ, nhận định sai lầm về người khác. Điều này thậm chí có thể xảy ra, khi chúng ta nghĩ về Thiên Chúa.
Tin Mừng nhiều lần cho chúng ta thấy, những người thật sự gặp Chúa, biết Chúa, đều cảm thấy ngạc nhiên và họ được biến đổi trở nên tốt hơn, họ thay đổi quan niệm, cái nhìn, suy nghĩ, hiểu biết cũ kỹ của mình về Chúa Giêsu, họ ngạc nhiên và khám phá ra những điều mới lạ nơi lời nói, việc làm của Chúa Giêsu và họ tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa của họ.
Là người Ki-tô hữu, đôi khi chúng ta nghĩ rằng ta đã quá biết về Chúa, vì nghe quá nhiều về Ngài. Bằng chứng là, chỉ cần nghe đọc một đoạn ngắn của bài Tin Mừng trong thánh lễ, chúng ta biết ngay câu chuyện, diễn biến tiếp theo và kết thúc như thế nào, hay ngươi bắt kinh chỉ cần xướng lên câu đầu tiên, chúng ta đều có thể nhớ và đọc theo hết kinh đó. Và điều này có thể là nguy cơ cho chúng ta không nhận ra Chúa như những người dân làng Nazaret. Nếu ta chỉ bằng lòng với những gì chúng ta đã nghe, biết về Chúa mà không cố gắng tìm hiểu, học hỏi, suy niệm lời Chúa và cầu nguyện thì ta không dễ tin nhận Chúa là Đấng cứu thế.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại mối tương quan giữa chúng ta với Chúa, để xem ta có thật sự biết Chúa, gặp gỡ Chúa hay chưa, hay chúng ta chỉ biết Chúa qua loa, dựa vào những gì chúng ta nghe người khác nói, kể về Chúa? Chúng ta có ý thức việc chúng ta đến tham dự Thánh Lễ, là chúng ta đến để gặp gỡ Chúa, để nghe Lời của Ngài, nhất là đón rước Chúa vào lòng, để Chúa biến đổi, làm mới đời sống của chúng ta hay không?
Xin Chúa soi lòng mở trí, giúp chúng ta mỗi ngày khám phá sự mới mẻ của Lời Chúa, hành động của Chúa trong cuộc sống hằng ngày và tin tưởng vào sự hiện diện khiêm nhường, bé nhỏ của Chúa trong Thánh Thể mà chúng ta sắp lãnh nhận. Amen.
Anrê Nhật Trường