Suy niệm 1:
Có thể nói nội dung bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh một chữ YÊU. Và các môn đệ Đức Giê-su được mời gọi phải làm cho tình yêu mình dành cho Thầy sinh những hoa trái ngọt lành như đã được liệt kê lần lượt trong bản văn. Ta thấy tình yêu đòi sự ưu tiên xem ra quá sức người, đó là phải đặt Chúa lên trên cả đấng sinh thành và dưỡng dục mình. Tiếp theo đó, tình yêu đòi phải mở cửa lòng tiếp nhận không chỉ chính Chúa, mà là những người được Chúa sai đến, rồi lại cả những người nghèo hèn bé nhỏ.
Những đòi hỏi này của tình yêu dễ khiến tôi, bạn và mọi người mệt mỏi, dễ đặt ta vào tình cảnh nghi vấn, hoang mang không biết yêu như thế có ổn chăng? Không biết mình có thể trung thành với tình yêu này đến bao giờ, dẫu rằng tâm ta vẫn thiện đủ để khát mong yêu Chúa, lòng ta vẫn sáng đủ để chọn cho mình một đối tượng và một cách yêu đúng đắn giữa muôn vàn sắc màu của tình yêu trong thời đại hôm nay. Nếu yêu Chúa, ta có dám đứng một mình khi mọi người đứng ở phía đối diện chăng? Dám đứng một mình là đồng nghĩa với việc chấp nhận sự phân rẽ, chấp nhận sự đối đầu, chấp nhận bị loại trừ, … Đồng thời Ngài còn đòi hỏi người ta phải hy sinh kể cả những tình cảm vừa hợp pháp lại vừa thiêng liêng nhất: Ai yêu cha mẹ hơn Ta, thì không xứng đáng với Ta.
Có nghĩa là Ngài luôn luôn phải chiếm vị trí ưu tiên, phải chiếm chỗ nhất trong trái tim và cuộc đời của mỗi người chúng ta. Mặc dù chúng ta phải thảo kính cha mẹ, nhưng trong những trường hợp phải chọn lựa, thì Đức Kitô phải luôn luôn phải là nhân vật số một.
Hơn nữa, bát nước cho một người bé mọn vì Chúa sẽ chẳng mất phần thưởng. Và kẻ bé mọn thì chung quanh tôi có đầy: Những người tàn tật tinh thần và thể xác. Những người nghèo đói tình thương và cơm bánh. Những người bị bỏ rơi và quên lãng. Những người bị hà hiếp và chèn ép. Những trẻ thơ không cha mẹ, không người thân thuộc. Những cô nhi và quả phụ. Những nạn nhân chiến tranh và lòng thù ghét của đồng loại. Như vậy, khi Chúa Giê-su lấy đơn vị một bát nước, và một người anh em hèn mọn nhất, để đo lường và cân nhắc thái độ đón tiếp của tôi dành cho nhau, cũng như tình cảm mà tôi dành cho anh chị em mình là như nhắn gửi tôi rằng, trong hoàn cảnh nào, và trong bất cứ ai, thì Chúa Giê-su vẫn có mặt, và đến với tôi. Ngài đến không chỉ để ban thưởng, mà còn để xin tôi, mong đón nhận nơi tôi một lời an ủi, một nụ cười thông cảm, và một ánh mắt yêu thương. Như một người đang đi đường nhận được bát nước giải khát vậy.
Ngoài ra, Ngài còn mời gọi ta phải từ bỏ mọi sự để vác thập giá theo Ngài. Duyệt xét lại, chúng ta thấy có nhiều loại từ bỏ:
– Tôi soạn lại tủ áo của tôi. Nhiều áo quá. Có những chiếc đã cũ và lỗi thời, tôi có thể bỏ bớt để đem cho người nghèo.
– Trong sân nhà tôi có hai cây mọc cạnh nhau. Nếu cứ để như thế thì hai cây vẫn sống, nhưng không cây nào lớn mạnh tốt được. Tôi nên bỏ bớt một cây để cây kia mọc tốt hơn.
Đức Giêsu kêu gọi người đi theo Ngài hãy từ bỏ. Vậy phải bỏ những gì và bỏ cách nào?
Có những thứ ta có thể bỏ. Thí dụ bớt chút thức ăn, bớt chút giờ ngủ khi ta ăn chay hãm mình.
– Có những thứ ta nên bỏ để cuộc sống của ta nên tốt hơn. Thí dụ khi ta nhường nhịn không trả đũa, không đòi lại của cải hoặc danh dự bị người khác làm tổn thương, mất mát.
– Có những thứ ta buộc phải bỏ như: tội lỗi, thói xấu, dịp tội….
Và sau đây là câu chuyện cho thấy “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy” thì sẽ tìm thấy được:
Vào một sáng mùa đông tuyết lạnh, Sadhu và một người bạn cùng đi du lịch ở miền núi phía Bắc Ấn Độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào đổ tới, khiến họ phải rất vất vả để chống trả với cơn bão tuyết. Bấy giờ họ thấy một người đàn ông bị lạnh cóng đang nằm thoi thóp bên đường chờ chết. Sadhu muốn dừng lại cứu giúp người gặp nạn, nhưng anh bạn kia lại không đồng ý vì cho rằng để cứu mạng mình lúc này cũng đã khó khăn vất vả lắm rồi, và anh ta cương quyết bỏ đi. Chạnh lòng xót thương, Sadhu ở lại bên kẻ bất hạnh, xoa nóng tay chân cho người sống dở chết dở ấy. Sau đó với sức lực còn lại, Sadhu cố gắng cõng anh ta trên lưng và tiếp tục đi qua vùng bị bão tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hòa quyện lấy nhau khiến người kia dần hồi sinh và cả hai dìu nhau đi tiếp. Đi khoảng mươi dặm, cả hai kinh ngạc khi nhìn thấy một xác chết vì bị lạnh cóng đang nằm bên vệ đường. Họ càng ngạc nhiên hơn khi nhận ra đó không ai khác hơn là anh bạn đã cùng đi với Sadhu trước đó.
Hành động yêu thương xả thân cứu người của Sadhu đã minh chứng cho lời Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Đó là điều nghịch lý mà Đức Giê-su đã trải qua và dạy các môn đệ noi theo. Tôi thường có thái độ thế nào đối với những kẻ mình không ưa hay những khách lạ không mời mà đến? Tại sao người ta đóng cửa nhà hay cửa lòng với những người nghèo đói ăn xin?
Lạy Chúa, qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa đòi hỏi chúng con phải từ bỏ mình, có nghĩa là phải từ bỏ những tư tưởng, những lời nói và những việc làm, khi chúng đi ngược lại với những điều Chúa đã truyền dạy. Đồng thời Chúa bảo chúng con phải vác thập giá mình hằng ngày. Thập giá đời thường của chúng con, đó chính là những hy sinh gian khổ, những bực bội buồn phiền, những mệt mỏi vất vả chúng con gặp phải trong cuộc sống. Tất cả đã kết thành cây thập giá đời thường Chúa muốn chúng con vác lấy để bước theo Chúa. Có từ bỏ mình và chấp nhận thập giá, chúng con mới thực sự trở thành những người môn đệ của Chúa.
M. Hoa Rơi
Suy niệm 2:
TIẾP ĐÓN KHÁCH
Tin Mừng Chúa Nhật tuần này nói vể chủ đề từ bỏ mọi sự để theo Chúa và cũng nói với chúng ta về lòng hiếu khách. Trong đời ai cũng có những cuộc đón tiếp khách, tùy theo cấp bậc, trình độ, tùy theo độ tuổi và từng nền văn hóa khác nhau. Có cuộc tiếp đón mang tính cách xã giao bên ngoài, có cuộc tiếp đón mong cho nhu cầu vật chất. Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có cuộc tiếp đón vì tình yêu Chúa Kitô.
Tiếp đón vì tình yêu Chúa Kitô là tiếp đón một cách hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhưng không, vì người ta ý thức được rằng, khách là Chúa Kitô, nên người ta sẵn sàng làm tất cả mọi sự để cho Chúa được vinh danh. Nhưng Chúa Giêsu nói cũng rất rõ ràng rằng tình yêu của chúng ta dành cho Ngài phải đến trước mọi mối quan hệ gia đình: “Ai yêu cha mẹ, anh em, chị em và con mình hơn ta thì không xứng với ta.” Chúng ta là những người đã tin vào Lời Chúa và đi theo Ngài. Vậy chúng ta cần phải tiếp đón khách như thế nào.
Mời các bạn cùng đọc một truyện ngắn cảm động, trích từ sách “Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh”. Câu chuyện có tên “Dưới một cơn mưa”:
Len lỏi qua nhiều con hẻm bên bờ kênh Thị Nghè, cuối cùng các thành viên của Mai Tâm cũng đến được căn nhà nhỏ nằm ở cuối đường. Bước vào nhà, mùi đặc trưng bốc lên từ kênh nước đen xộc vào mũi.
Nằm trên chiếc ghế xếp dưới góc nhà là người đàn ông trạc 40 tuổi, chỉ còn da bọc xương. Chân trái ông co quặp lại không cử động được. Tiếng rên rỉ hoà cùng tiếng kinh niệm Phật phát ra từ trong máy ghi âm treo trên tường làm cho ai cũng phải rùng mình.
Dưới chân ghế xếp là đứa bé chừng 10 tuổi. Hai bàn tay bé xíu nắn bóp cái chân phải của cha nó. Đứa bé đang làm hết sức với hy vọng rằng cha nó có thể bớt đau. Từ bàn chân trái cho đến hết phần đùi của người đàn ông đó gần như đã bị thối rữa hoàn toàn. Nhét sâu trong hốc đầu gối là một miếng gạc ai đó đã bỏ vào cách đây hơn ba tháng, chắc là để ngăn không cho mủ chảy ra.
Cha Toại và hai người bạn phải mất hơn 30 phút để gỡ những miếng gạc cũ ra khỏi chân ông và cắt đi những mảng thịt chết. Người đàn ông càng rên la thảm thiết do đau sau mỗi lần cha xức thuốc vào, đứa bé càng xoa bàn chân bên kia.
Sau gần hai giờ đồng hồ, cha mới băng bó xong vết thương của người đàn ông ấy. Rồi cha thở phào, hỏi đứa bé:
“Con có đi học không?”
“Dạ con nghỉ học từ khi ba con bệnh.”
“Nhà con còn ai không?”
Đứa bé lắc đầu im lặng.
“Mẹ con đâu?”
“Chết rồi.”
“Hàng ngày con ăn uống làm sao?”
Đứa bé lại im lặng, mắt hướng về góc nhà. Nơi đó có mấy cái nồi nhỏ bám đầy bụi và vài gói mì tôm nằm lăn lóc.
Cha hiểu chuyện đang xảy ra.
“Con thấy ba con vậy, con có sợ không?” Đứa bé lại lắc đầu.
“Con có muốn đi học lại không?”. Đứa bé im lặng nhìn về phía ba nó.
“Con muốn chú làm gì cho con? Hay con cần gì không, nói cho chú đi?”
“Chú đừng làm ba con đau nhen!”. Đứa bé trả lời với đôi mắt long lanh và từ từ hai hàng nước mắt rơi xuống.
Ngoài kia, mưa bắt đầu rơi. Tiếng mưa càng lúc càng to thêm. Nước mưa tràn qua những lỗ hổng, rơi xuống từ mái nhà mục nát. Đứa bé vội cầm lấy miếng carton dưới gầm ghế che mặt của cha nó lại cho khỏi bị nước mưa rơi xuống.
Đã đến giờ về, cha mặc áo mưa rời khỏi con hẻm. Đứa bé nói với theo: “Chú ơi, mai chú tới với ba con nữa nghen!”. Cha ngoái lại mỉm cười như một lời hứa, rồi đội mưa ra đi. Bên kia đường, học sinh cũng vừa tan lớp, vừa mặc áo mưa, vừa cười nói tíu tít, hối hả về nhà để kịp giờ cơm.
“Nếu kể tên một loại tài sản mà toàn thể nhân loại đều có chung, đó ắt hẳn là tình yêu. Và ngôn ngữ chung của tình yêu là những giọt nước mắt. Mưa bão sẽ qua đi, nhưng tình yêu và ngôn ngữ của nó sẽ không bao giờ bị xoá nhòa”.
Dù cho tha nhân có xấu xa, lầm lạc và tội lỗi đến đâu chăng nữa thì họ cũng có thể trở thành những con người rất tốt, và những vị thánh rất lớn, qua việc hoán cải để trở về với Thiên Chúa, nên chúng ta đừng bao giờ coi thường, khinh bỉ và kết án một ai. Nhưng tốt hơn hãy cảm thông với họ, hơn nữa vấn đề xét xử là của Thiên Chúa, nên chúng ta hãy dành riêng cho Ngài.
Mỗi khi chúng ta quy tụ để cử hành Bí Tích Thánh Thể, chính Thiên Chúa đón chúng ta vào nhà Người. Ngài mời chúng ta đến bữa tiệc của Ngài. Và vào cuối mỗi thánh lễ, Người sai chúng ta đến để làm chứng cho thế giới về tình yêu nhưng không luôn luôn trao ban này. Có rất nhiều cơ hội mà chúng ta có thể làm cho người khác hạnh phúc hơn. Chúng ta đừng bỏ lỡ chúng. Qua họ, chính Chúa gõ cửa nhà chúng ta.
Fiat
Suy niệm 3:
Yêu và được yêu là khát vọng của con người. Bất cứ trong mối tương quan tình cảm nào, khi yêu thương thật lòng, chắc hẳn người ta sẽ luôn sẵn sàng hy sinh vì nhau, dù gian khó đến đâu họ vẫn gắn bó keo sơn. Hôm nay Đức Giê-su mời gọi chúng ta yêu: yêu cha mẹ, yêu anh chị em và yêu con cái…nhưng trên hết là phải yêu Ngài hơn tất cả, vì “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy…”. Đức Giê-su đòi buộc người môn đệ phải đặt Ngài ưu tiên trên mọi sự, và hy sinh để lại phía sau những người chúng ta yêu thương nhất, thậm chí là chính mạng sống mình.
Thoạt tiên, yêu sách của Đức Giê-su xem ra không hợp lý, bởi vì Ngài dạy chúng ta “phải thảo kính cha mẹ” trong điều răn thứ tư, thế mà giờ đây Ngài lại nói nếu ta xem trọng tình thân hơn thì không xứng với Thầy. Kế đến, mạng sống chúng ta là chính Ngài ban tặng, nên ta đáng quý chuộng biết bao, nhưng Đức Giê-su lại bảo ai quý mạng sống thì sẽ mất. Những điều này làm cho chúng ta nghĩ rằng sao Đức Giê-su lại bất nhất trong lời dạy của mình. Thật ra, không phải Đức Giê-su không nhất quán, mà đó là điều người môn đệ phải trả giá khi chọn bước theo Ngài: phải dứt khoát, chấp nhận hy sinh và mất mát ở đời này để được ở mãi trong tình yêu của Ngài.
Vì thế, trả giá cho điều chúng ta chọn lựa luôn là giằng co trong đời sống người môn đệ. Chúng ta muốn sống thiết thân với Thầy Giê-su, muốn sống xứng với điều Thầy đòi hỏi ta cần từ bỏ, xem nhẹ tất cả những gì chúng ta cho là giá trị, là đáng trân quý. Khi đó, chúng ta mới có được trọn vẹn tình yêu của Thầy Giê-su. Nếu ta chọn sống theo ý riêng mình, yêu những điều chúng ta ưa thích, thì chắc chắn ta không đi chung đường với Ngài, đường của Thầy Giê-su đi là con đường thập giá, con đường dấn thân quên mình, là con đường không tìm tư lợi cho mình, mà thay vào đó là mang lợi ích cho tha nhân và dẫn đưa mọi người đến cùng Thiên Chúa.
Lời mời gọi của Thầy Giê-su như là điểm đặt cược cho cuộc đời của mỗi người. Chúng ta được mời gọi hãy cân nhắc trong từng chọn lựa của mình, biết bỏ điều gì nên lấy điều gì, biết điều nào là giá trị tuyệt đối và điều nào ít giá trị hơn. Dẫu biết rằng cuộc đời chúng ta luôn còn đó những chông gai, trắc trở nhưng không vì thế mà ta không chiến đấu, không vượt qua cửa hẹp, không dám hy sinh và từ bỏ. Vì, những gian nan ấy là cơ hội để ta gặp gỡ chính Thiên Chúa và cũng là để thanh luyện sự chọn lựa của chúng ta thêm xác thực hơn, để chúng ta đạt tới chính tình yêu vĩnh cửu của Ngài, nhất là được đồng hình đồng dạng với Ngài. Lúc đó chúng ta cũng sẽ sống quảng đại, bao dung hơn, dễ dàng lưu tâm tới anh chị em, phục vụ họ như phục vụ Chúa “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy…đón tiếp Đấng sai Thầy”.
Lạy Chúa Giê-su, cuộc sống chúng con còn nhiều cạm bẫy lôi kéo, khiến chúng con dễ chọn sai con đường Chúa muốn, và ngăn cản chúng con thuộc về Chúa, đánh mất tình yêu của Chúa. Xin Chúa thêm lòng can đảm cho chúng con, để chúng con biết quên mình, dám yêu và dám dấn thân vì Chúa và vì anh em, nhờ đó, mỗi ngày chúng con yêu mến Chúa cách chân thành hơn. Amen.
M. Nhị Thơ