Suy niệm 1:
Quà Tặng Tình Yêu
Khi nói đến tình yêu là chúng ta nghĩ đến mối tương quan thiêng liêng giữa con người với nhau, hay giữa đối tượng này với nhân vật kia. Trong đó bao gồm tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, bạn bè và tình yêu đôi lứa… tất cả tình yêu ấy đều mang giá trị cao quý. Mỗi loại tình cảm đó bày tỏ theo cách khác nhau, nhưng chung quy lại đều khởi đi bằng sự trao tặng và lãnh nhận, như một câu nói rất hay thế này “yêu mà không cho thì là giả dối, còn cho mà không yêu thì thật vô nghĩa”. Điều quan trọng ở đây là chúng ta cho những gì? cho bằng cách nào? và quà tặng ấy có ý nghĩa gì?
Tin Mừng hôm nay cũng diễn tả cho chúng ta thấy một cuộc trao tặng mang lại ý nghĩa không chỉ cho các môn đệ mà còn cho tất cả những ai tin và đón nhận quà tặng ấy. Như Tin Mừng đã kể, Chúa Giêsu biết “Giờ” của Ngài sắp đến, giờ mà Ngài đi vào cuộc khổ nạn để hoàn tất thánh ý của Chúa Cha, Chúa Giê-su đã làm một nghĩa cử đầy tính biểu tượng của tình yêu, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và nói với các môn đệ “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy”. Hành động của Ngài đã giải đáp được tất cả những gì liên quan đến một tình yêu đích thực.
- Chúa Giê-su cho điều gì? Ngài trao ban chính Thịt Máu Mình để trở nên nguồn sống cho nhân loại.
- Chúa Giê-su cho bằng cách nào? Ngài thực hiện qua hình bánh rượu được chủ tế dâng trên bàn thờ.
- Quà tặng của Chúa Giê-su trao ban mang ý nghĩa gì? đó chính là sự bày tỏ của một tình yêu “nhưng không”, một tình yêu muốn trở nên một với người mình yêu.
Vì thế, qua việc Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể cho chúng ta hiểu rằng, tình yêu đích thực luôn có những sáng kiến, vì không gì là không thể đối với một người đang yêu. Như vậy, quà tặng mà Chúa Giêsu trao ban cho con người là không thay đổi theo thời gian và không gian hay vì bất cứ một lý do gì. Nơi quà tặng ấy, Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa của mình với các môn đệ và cho tất cả chúng ta: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Thật vậy, Thiên Chúa luôn trao ban quà tặng này cho toàn thể nhân loại, nhất là những ai tin nhận Người. Và món quà ấy không chỉ mang biểu tượng của tình yêu, mà còn là sự hiệp nhất, như trong Thánh Lễ chúng ta được nghe vị chủ tế xướng lên sau khi truyền phép: “Đây là Mầu Nhiệm đức tin”. Quả thế, trong cùng một niềm tin vào Thiên Chúa con người trở nên hiệp nhất.
Trong cuộc sống hiện nay dường như “Quà tặng tình yêu” của Thiên Chúa bị con người xem nhẹ, và đôi khi chúng ta đón nhận cách bất xứng là khác. Phải chăng, niềm tin vào lương thực mang lại sự sống trường sinh không còn đủ sức hấp dẫn lòng trí chúng ta? hay do quà tặng không còn “vị tình yêu”, hoặc vì chính trái tim ta không còn nồng nàn với tình yêu ấy?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Vì yêu thương nhân loại chúng con, Chúa đã ban chính Thịt Máu làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra hồng ân lớn lao đó, để mỗi lần được diễm phúc rước lấy Mình Máu Thánh Chúa, chúng con sẽ chuẩn bị tâm hồn cách xứng hợp, hầu Chúa ngự vào tâm hồn chúng con và biến đổi chúng con nên thánh thiện trong tình yêu Chúa. Amen.
Bảo Bảo
Suy Niệm 2:
Tình Yêu Thánh Thể
Vì yêu, Chúa Giê-su đã tự hiến thân trên thập giá và đổ máu mình ra để cứu chuộc nhân loại, cho con người được sống muôn đời. Cũng chính tình yêu đó, Chúa Giê-su lại còn dùng một phương thế phi diệu nữa là Ngài đã biến thành “Thịt và Máu” để nuôi sống và ở cùng nhân loại cho đến ngày tận thế, qua việc Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt Qua với các môn đệ mà Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa Giê-su cầm lấy bánh và rượu mà dâng lời tạ ơn, trao cho các ông mà phán “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy”.
Như chúng ta đã biết Lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su có bối cảnh lịch sử từ Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Trong biến cố Vượt Qua này, Thiên Chúa giải thoát dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ của người Ai-cập và đem họ vào vùng Đất Hứa có sữa và mật. Cũng thế, Chúa Giê-su cũng ví Cuộc Thương Khó của Ngài như một cuộc vượt qua: “Người biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha”. Trong Lễ Vượt Qua cũ, bánh không men và chiên vượt qua là hai thứ không thể thiếu để mừng lễ, máu chiên dùng để bôi trên cửa nhà, khi thiên thần vượt qua mà không vào sát hại như sát hại các con đầu lòng của người Ai-cập.
Còn trong Lễ Vượt Qua mới, Bánh Không Men chính là Mình Chúa Giê-su như Tin Mừng đã nói: “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Quả thật, Chiên Vượt Qua mới, chính là Máu Chúa Giê-su. “Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. Như vậy, trong cuộc Vượt Qua mới, Chúa Giê-su cũng giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết bằng chính Mình và Máu của Ngài. Và sau khi ăn Lễ Vượt Qua, người Do Thái phải lên đường bắt đầu cuộc hành trình vượt qua Biển Đỏ. Chúa Giê-su và các môn đệ cũng thế, sau khi đã thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su và các môn đệ hát thánh vịnh, sau đó, Ngài và các môn đệ ra núi Ô-liu để cầu nguyện và chịu thử thách.
Trong đời sống người Ki-tô hữu chắc hẳn bí tích Thánh Thể không còn xa lạ với chúng ta, và nhất là càng không thể thiếu trong cuộc đời nhân thế của người tín hữu, vì đó là “của ăn đàng” cho ta trong cuộc sống hiện tại và mai sau. Trước ánh mắt nhân loại, khi chúng ta nhìn vào hình bánh hình rượu ta chỉ thấy là một mẫu bánh nhỏ cùng những giọt rượu nho bình thường. Tuy nhiên, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta, sau lời truyền phép của vị chủ tế “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy” tức thì bánh, rượu trở nên “Mình Máu Chúa Ki-tô”. Chúng ta xác tín vào những điều Hội Thánh dạy, đồng thời ta cảm nghiệm được rằng, Chúa Giê-su hiện diện thật trong hình bánh rượu để nuôi sống linh hồn chúng ta và ở cùng ta mọi ngày cho đến tận thế. Đó là tình yêu cao vời mà Chúa Giê-su dành cho mỗi chúng ta. Vì Ngài nhìn thấy tất cả chúng ta sẽ không thể vượt qua những gian khó trên đường đời nếu như Ngài không trở thành lượng thực, là nguồn sống cho linh hồn chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con luôn ý thức giữ mình trong sạch để được đón rước Chúa vào lòng mỗi khi dâng thánh lễ. Xin Chúa thánh hóa con mỗi ngày trở nên giống Chúa, là dám hiến thân mình vì anh chị em. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy niệm 3:
Muôn loài muôn vật trên mặt đất này, từ thực vật cho đến động vật, con người đều cần phải có thức ăn mới có thể sống, lớn lên và phát triển. Nếu không đáp ứng được những điều kiện quan trọng đó thì mọi loài sẽ chết.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta biết, “Thiên Chúa ban cho con người có hồn và xác”. Do đó con người không những phải chăm lo cho thể xác nhưng hơn thế nữa là phải chăm lo cho linh hồn, vì nhờ có linh hồn mà con người trở nên cao trọng hơn các thụ tạo khác. Chúng ta nuôi sống thể xác bằng cách lao động chân tay và trí óc, để có tiền lo cho thể xác, là cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Linh hồn chúng ta cũng thế, phải có lương thực để nuôi sống linh hồn ta đó chính là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa.
Thực tế cho thấy dường như chúng ta chỉ lo cho thân xác nhiều, ít quan tâm chăm lo nuôi sống linh hồn, bằng chứng là chúng ta làm ngày, đêm và làm thêm cả ngày Chúa Nhật, không đi lễ để lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, không đi đọc kinh, nghe Lời Chúa và viếng Thánh Thể. Như vậy, nếu chúng ta chỉ biết chăm lo cho phần xác, thì chúng ta cũng chẳng khác gì tổ tiên của những người Do Thái xưa kia đã ăn manna trong sa mạc, nhưng rồi cũng đã chết, chúng ta chẳng khác gì ông bà tổ tiên ta thời chưa tin theo đạo, cứ mãi miết lo làm chỉ để để nuôi thân xác phải chết mà không nghĩ đến phần linh hồn. Do đó, Chúa Giê-su khuyên bảo chúng ta ‘đừng tìm của ăn chóng hư mất, nhưng hãy tìm của ăn mang lại sự sống đời đời là Mình Máu Thánh Chúa’. Vì Ngài yêu thương ta và mong muốn chúng ta được sống muôn đời.
Chúa Giêsu cho chúng ta biết, chúng ta không cần phải cày cuốc, lao động vất vả mới có được của ăn mang lại sự sống đời đời. Bởi của ăn đó chính Mình Ngài, nên Chúa Giêsu đã khẳng định “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Thật vậy, chỉ cần chúng ta tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, sống theo Lời Chúa Giêsu dạy và siêng năng đón rước Mình Máu Thánh Ngài mỗi khi ta dâng thánh lễ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa thật sự hiện diện với chúng con trong Kinh Thánh và trong Bí Tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết sống kết hợp với Chúa bằng việc say mê học hỏi Kinh Thánh, siêng năng tham dự Thánh Lễ và rước Chúa vào lòng, để nhờ đó chúng con được sự sống đời đời mà Chúa đã hứa ban. Amen.
Anrê Nhật Trường