Suy Niệm 1:
Đấng Uy Quyền
“Người giảng dạy như một Ðấng có uy quyền”
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu và các môn đệ tới Ca-phac-na-um, đây là một thành phố lớn nằm sát bờ Biển Ti-bê-ri-a và cũng là nơi Chúa Giêsu chọn để hoạt động sứ vụ của mình. Nơi hội đường này, Chúa Giêsu tỏ ra “uy quyền” qua lời giảng dạy và xua trừ thần ô uế cho một người; khiến ai nấy thán phục. Chắc hẳn rằng: uy quyền Chúa Giê-su biểu lộ không nhằm được mọi người đề cao, nhưng là để chúng ta nhận ra quyền năng, tình thương của Thiên Chúa trao ban cho nhân loại.
Thật vậy, khi người Do Thái chứng kiến Chúa Giê-su chữa lành cho người bị thần ô uế ám – một phần họ vui mừng vì sự chữa lành đó, đồng thời chính họ thán phục trước sự uy quyền của Chúa Giêsu, mà từ trước tới nay không ai làm được như thế “Câm đi, hãy xuất khỏi người này”. Có lẽ, Chúa Giê-su đã thấu rõ tình trạng trước sau của người bị quỷ ám, Ngài biết được nỗi khổ đau của người ấy bị ràng buộc bởi sự dữ. Chính vì thế, Đức Giê-su muốn trả lại tự do – sự thiện lành cho họ bằng cách giải thoát khỏi sự ràng buộc ấy.
Trong nhận thức và sự hiểu biết của con người ngày nay, người ta nghĩ rằng họ có thể giải quyết được mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống, họ có thể đẩy lùi một số vấn nạn mà trước đây không hóa giải được. Bên cạnh đó, những vấn nạn lớn cũng còn một ít trắc trở, khó khăn mà chưa có hướng giải quyết. Chẳng hạn như những tội lỗi, ảnh hưởng của sự dữ, con người mang trong mình những tật xấu…cho dẫu chúng ta biết rằng khoa học đã và đang phát triển nhưng cũng chưa có cách để giải thoát được nó.
Qua những điều đó, xem ra con người bất lực, nhưng chúng ta chỉ còn cách duy nhất là cậy dựa vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Uy quyền của Người không chỉ được thực hiện trong thời Chúa Giêsu mà còn biểu lộ trong hiện tại nơi cuộc đời chúng ta và trong Hội Thánh. Tuy nhiên, những quyền năng ấy được thể hiện khi và chỉ khi chúng ta có lòng tin thật sự vào Thiên Chúa. Thật vậy, những khi chúng ta bị cám dỗ, gặp thử thách trong cuộc sống – chúng ta cần lắm sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi lẽ, chỉ có Người mới có thể giúp chúng ta vượt qua sự mong manh của phận người.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn nhận ra bàn tay uy quyền của Chúa đang nâng đỡ, dìu dắt chúng con trong mọi lúc, nhờ đó chúng con thêm tin tưởng và sống trọn vẹn ân tình mà Chúa đã dành cho chúng con. Amen.
Cây Bút Chì
Suy Niệm 2:
Năng Quyền Thiên Chúa
Thi ân giáng phúc là sứ mệnh của Đức Giê-su mang đến cho nhân loại. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã thực hiện điều đó khi Người tỏ “năng quyền” trong lời giảng dạy, cũng như trong hành động khi xua trừ thần ô uế. Và quyền năng Đức Giê-su biểu lộ là vì muốn con người không phải lệ thuộc dưới quyền thống trị của sự dữ, trái lại, muốn chúng ta được sống tự do, an bình trong tình thương và lòng nhân hậu của Người.
Bởi thế, trong Tin Mừng trình thuật lại, sau khi Đức Giê-su giảng dạy và xua trừ thần ô uế tại hội đường Ca-phác-na-um, đã khiến mọi người kinh ngạc trước quyền năng đó và họ bảo rằng: “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”. Đối với lời giáo huấn của Đức Giê-su, xem ra lời Người đã đụng chạm đến tâm hồn của họ lúc bấy giờ, như một sự xáo trộn mà chính họ phải phân minh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa tâm và trí, nhất là sự chữa lành được khơi lên trong họ, qua điều họ nhận định rằng “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. Lời của Đức Giê-su là lời Chân Lý và Sự Sống – lời dẫn dắt mọi người đến sự thiện lành và bình an.
Chính vì vậy, bằng một mệnh lệnh cương quyết, Đức Giê-su đã ra lệnh cho thần ô uế xuất ra khỏi người bệnh “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” – Lời đó được hiệu nghiệm và tác động mãnh liệt trong quyền năng của Người, trong chính tình yêu của con người Giê-su thuộc về Thiên Chúa và là Đấng Thánh, đến nỗi thần ô uế đã phải thốt lên “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Do đó, chúng bất lực nên đành tuân lệnh. Quả thật, năng quyền của Đức Giê-su đã biểu lộ quyền lực đích thực của Triều Đại Thiên Chúa mà Người loan báo cho trần gian. Đồng thời, Đức Giê-su cho nhân loại biết rằng: Thiên Chúa mới là tiếng nói cuối cùng, là Đấng không thỏa hiệp với sự dữ, Thiên Chúa trả lại tự do và bình an cho con người, và hướng dẫn con người có khả năng thắng vượt sự dữ.
Trong đời sống người Ki-tô hữu ngày nay, ít hay nhiều chúng ta phải đối diện với sự dữ, hay những thần ô uế luôn vây quanh cuộc đời ta, mà thánh Phao-lô đã từng ví chúng như “sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Chúng là kẻ đối nghịch với Thiên Chúa và tìm mọi cách ngăn chặn chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Thần ô uế hay sự dữ ấy, có thể là những nổi loạn bất chính bên trong lẫn bên ngoài của chúng ta, là những xung năng tự nhiên trong chính mình, hoặc những vật chất: tiền tài, danh vọng và sắc đẹp…. mà ta đã hơn một lần không thể kháng cự nỗi thế lực đó. Vì thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy để cho chính quyền năng của Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời của chúng ta, bằng chính Lời của Đức Giê-su. Như xưa Lời của Đức Giê-su đã chạm vào tâm can của những ai lắng nghe lời Người, và chính nhờ Lời của Đức Giê-su mà một người đã được giải thoát khỏi thần ô uế.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã bao lần sống lệ thuộc vào sự điều khiển của tà thần, bởi chúng con yếu đuối, nó khiến chúng con mất phương hướng và xa lìa Chúa. Xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày biết sống kết thân với Chúa sâu đậm hơn, qua việc lắng nghe Lời Chúa và tin tưởng vào quyền năng của Người. Để nhờ đó, chúng con được tự do trong Chúa mãi mãi. Amen.
M. Nhị Thơ