Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm A

Suy niệm 1:

NGƯỜI MỤC TỬ

Tin mừng Chúa Nhật tuần 4 Phục Sinh, Chúa Giê-su tự nhận mình là cửa chuồng chiên. Ngài quả quyết tất cả những ai đến trước Ngài đều là trộm cướp, họ đến để phá hoại, để giết chóc và chia rẽ. Còn Ngài, Ngài đến để chăm sóc, để chăn nuôi và tụ họp đàn chiên dẫn đưa về đồng cỏ xanh tươi và nguồn nước trong ngần.

Ở đất nước của Chúa Giê-su không khó để liên tưởng đến hình ảnh một người mục tử chăn dắt đàn chiên, vì đó là một nghề phổ biến rất rộng rãi nên khi dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên, Chúa Giê-su muốn đồng hóa mình thành người mục tử và dân Israel chính là đàn chiên của Ngài.

Trước Chúa Giê-su, dân Do Thái được các thủ lãnh, các Vua dẫn dắt. Qua bao thời đại, sách sử ghi chép lại chúng ta thấy được rằng, dân Do Thái được phồn vinh hay suy tàn, bình yên hay chiến tranh loạn lạc phần lớn nguyên nhân là do các vị lãnh đạo có cai trị dân đúng theo đường lối của Thiên Chúa hay không.

Gần nhất vào thời Chúa Giê-su, khi các nhà thông luật nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết” về đường hướng tâm linh, còn đế quốc La Mã lại cai trị về chính trị, chúng ta có cảm tưởng được rằng dân Do Thái đang ở trong tình trạng “một cổ mà phải mang hai tròng”. Một phần phải tuân giữ nghiêm ngặt những lề luật do các nhà thông luật bày vẽ ra thêm mà những gánh nặng ấy thì như lời Chúa Giêsu nói: “chính họ lại không buồn động ngón tay lay thử”. Một phần thì phải nộp đủ các thứ thuế cho đế quốc và không có quyền hạn gì trên đất nước của mình.

Nhìn cảnh tượng như vậy thật giống như lời trong sách tiên tri Êdêkiel chương 34, khi Đức Chúa phán bảo tiên tri hãy hạch tội các mục tử trong dân Israel: mọi huê lợi từ đàn chiên thì chúng hưởng lấy nhưng lại không chăm sóc đàn chiên, không lo cho các con chiên khỏe mạnh, bỏ rơi các con chiên đau yếu, làm tản mác đàn chiên để chiên rơi vào tay các dã thú.

Trong hoang cảnh tan tác như vậy thì chính Chúa Giê-su lại xuất hiện, Ngài tự xưng mình là người mục tử tốt lành, Người mục tử tốt lành hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Và thật thế. Chúa Giê-su đến giảng dạy cho dân đường lối chính trực nhưng đầy tình yêu thương của Thiên Chúa. Qua cuộc đời của Ngài, hình ảnh một Thiên Chúa nghiêm khắc hay đoán phạt không còn nữa, nhưng thay vào đó là hình ảnh một người cha nhân hậu chờ đợi người con hoang đàng quay trở về, hình ảnh một người mục tử bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc rồi vác lên vai vui vẻ đi về và cuối cùng là hình ảnh một Thiên Chúa chết thay cho nhân loại để đền bù tội lỗi cho con người.

Chúa Giê-su đã đế thế gian và hoàn tất trách nhiệm mà Chúa Cha trao phó cho mình: đó là chăn dắt và chăm sóc đàn chiên của Thiên Chúa. Nay Người không còn hiện hữu bằng thân xác để tiếp tục công việc ấy nhưng Ngài trao lại cho các Tông Đồ và các ngài tiếp tục truyền lại trách nhiệm đó cho những người được Chúa ưu ái tuyển chọn trở thành những người mục tử chăn dắt đàn chiên, những thợ gặt trong cánh đồng mênh mông, những thợ lành nghề trong vườn nho của Thiên Chúa.

Với ý nguyện cầu cho ơn thiên triệu trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta tự xét lại bản thân về ơn gọi cao cả này. Là những người đã dấn thân trong đời thánh hiến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì ân ban nhưng không Chúa đã thương đoái đến thân phận hèn mọn của chúng ta mà ưu ái chọn gọi chúng ta sống cách riêng cho Chúa và cho mọi người. Là những người sống trong bậc hôn nhân gia đình, chúng ta cảm tạ Chúa vì được góp phần với Chúa tạo nên những mầm sống và có trách nhiệm và nghĩa vụ hướng con cái mình đến ơn gọi dâng hiến để trở nên những môn đệ của Chúa trong tương lai. Là những thanh niên nam nữ đang phân vân về những lựa chọn cho cuộc sống của mình, hãy kiên trì cầu nguyện để tìm ra ý Chúa và khi đã nhận được ơn gọi của mình thì hãy can đảm và quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa vì như lời thánh Phaolô đã nói “Ai vui vẻ dâng hiến thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương”. (2Cr 9,7)

Bảo Bảo

Suy niệm 2:

BƯỚC THEO GIÊSU

Chúa Nhật IV Phục Sinh này cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi. Chúng ta đang nghĩ đến các giám mục, linh mục, tu sĩ… Vâng, tất nhiên. Nhưng ơn gọi không chỉ là việc của một số ít người. Sự kêu gọi của Chúa dành cho tất cả mọi người. Ngài mời gọi tất cả trở thành chứng nhân và sứ giả tình yêu của Ngài trong thế giới ngày nay.

Là người Kitô hữu, đặc biệt là những người bước theo Chúa trong đời sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi và sai đi để tiếp tục những gì Chúa Giêsu đã làm. Đó là lối đi bắt buộc. Tất cả công việc của chúng ta phải thông qua Ngài. Sứ mạng của chúng ta không phải là làm việc CHO Chúa mà là làm công việc CỦA Chúa.

Cha Phương Đình Toại đã kể lại câu chuyện Ngài đã gặp trên đường mục vụ của Ngài như sau:

Len lỏi qua nhiều con hẻm bên bờ kênh Thị Nghè, cuối cùng các thành viên của Mai Tâm cũng đến được căn nhà nhỏ nằm ở cuối đường. Bước vào nhà, mùi đặc trưng bốc lên từ kênh nước đen xộc vào mũi.

Nằm trên chiếc ghế xếp dưới góc nhà là người đàn ông trạc 40 tuổi, chỉ còn da bọc xương. Chân trái ông co quặp lại không cử động được. Tiếng rên rỉ hòa cùng tiếng kinh niệm Phật phát ra từ trong máy ghi âm treo trên tường làm cho ai cũng phải rùng mình.

Dưới chân ghế xếp là đứa bé chừng 10 tuổi. Hai bàn tay bé xíu nắn bóp cái chân phải của cha nó. Đứa bé đang làm hết sức với hy vọng rằng cha nó có thể bớt đau. Từ bàn chân trái cho đến hết phần đùi của người đàn ông đó gần như đã bị thối rữa hoàn toàn. Nhét sâu trong hốc đầu gối là một miếng gạc ai đó đã bỏ vào cách đây hơn ba tháng, chắc là để ngăn không cho mủ chảy ra.

Cha Toại và hai người bạn phải mất hơn 30 phút để gỡ những miếng gạc cũ ra khỏi chân ông và cắt đi những mảng thịt chết. Người đàn ông càng rên la thảm thiết do đau sau mỗi lần cha xức thuốc vào, đứa bé càng xoa bàn chân bên kia.

Sau gần hai giờ đồng hồ, cha mới băng bó xong vết thương của người đàn ông ấy. Rồi cha thở phào, hỏi đứa bé:

  • Con có đi học không?
  • Dạ con nghỉ học từ khi ba con bệnh.
  • Nhà con còn ai không?

Đứa bé lắc đầu im lặng.

  • Mẹ con đâu?
  • Chết rồi.
  • Hàng ngày con ăn uống làm sao?

Đứa bé lại im lặng, mắt hướng về góc nhà. Nơi đó có mấy cái nồi nhỏ bám đầy bụi và vài gói mì tôm nằm lăn lóc.

Cha hiểu chuyện đang xảy ra.

  • Con thấy ba con vậy, con có sợ không? – Đứa bé lại lắc đầu.
  • Con có muốn đi học lại không? – Đứa bé im lặng nhìn về phía ba nó.
  • Con muốn chú làm gì cho con? – Hay con cần gì không, nói cho chú đi?
  • Chú đừng làm ba con đau nhen! – Đứa bé trả lời với đôi mắt long lanh và từ từ hai hàng nước mắt rơi xuống.

Ngoài kia, mưa bắt đầu rơi. Tiếng mưa càng lúc càng to thêm. Nước mưa tràn qua những lỗ hổng, rơi xuống từ mái nhà mục nát. Đứa bé vội cầm lấy miếng carton dưới gầm ghế che mặt của cha nó lại cho khỏi bị nước mưa rơi xuống.

Đã đến giờ về, cha mặc áo mưa rời khỏi con hẻm. Đứa bé nói với theo: “Chú ơi, mai chú tới với ba con nữa nghen!”. Cha ngoái lại mỉm cười như một lời hứa, rồi đội mưa ra đi.

Vâng theo lệnh truyền của Chúa, tiếp nối bước chân các Tông Đồ ngày xưa, ở một góc nào đó trong cuộc sống ồn ào náo nhiệt ngày nay, chúng ta vẫn có những vị Mục tử tốt lành, vẫn còn những tâm hồn nhỏ bé, đơn sơ, dám cho đi tất cả những gì mình có vì tình yêu thương bẩm sinh của lòng người.

Bài Tin Mừng được Phụng Vụ trình bày trong ngày lễ cầu nguyện cho ơn thiên triệu hôm nay, Chúa Giê-su được so sánh với “cửa chuồng chiên”. Ai không qua cửa chỉ có thể là:  đến để ăn cắp, tàn sát và phá hủy. Đây không phải là trường hợp của Chúa Giê-su: Ngài đến để “tìm và cứu những gì hư mất”. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta được mời gọi hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô. Người là lương thực được ban cho chúng ta để thi hành sứ vụ. Chính từ Người mà chúng ta nhận được ơn cứu độ và sự sống dồi dào. Vì thế, Chúng ta phải đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm cuộc sống của chúng ta và để cho mình được Người hướng dẫn.

Lạy Chúa Giêsu, trên đường theo Chúa, những việc chúng con làm, những lời chúng con nói, xin cho được sáng danh Chúa. Và vì Chúa, xin cho chúng con can đảm hơn, dám ra khỏi những gì là an toàn của bản thân để đến với tha nhân như chính Chúa xưa đã nêu gương cho chúng con. Amen.

Fiat

Suy niệm 3:

Người mục tử và đàn chiên là hai hình ảnh mà phụng vụ Lời Chúa gợi lại cho chúng ta hôm nay. Hình ảnh này xem ra xa lạ với người Việt Nam nhưng rất thân quen với người xứ Palestina – họ chuyên sống bằng nghề du mục. Nhờ thế, Đức Giê-su đã dùng để phân biệt cho chúng ta, đâu là đức tính tốt của người chăn chiên, và thế nào là con chiên ngoan hiền.

Vậy, người mục tử tốt – đi cửa chính “không trèo lối khác”, mục tử tốt – biết tên từng con chiên gọi đích danh từng con chiên”, người mục tử tốt – biết mình phải làm gì để bảo đảm sự sống còn cho chiên “kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau”. Và đối với chiên ngoan là con chiên nhận ra tiếng của chủ “chúng không nghe tiếng người lạ”. Qua đó, Đức Giê-su mang đến cho chúng ta một chân lý sự sống: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Để hưởng được sự sống bất diệt – vô tận ấy, Ngài kêu mời chúng ta hay lắng nghe tiếng Ngài thì sẽ thuộc về Ngài, và sống cuộc sống viên mãn. Chính Ngài là Mục Tử nhân lành “Tôi biết chiên tôi và chiên Tôi biết tôi”.

Cùng với ý hướng của Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi Linh Mục và Tu sĩ, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm chân dung của Đức Giê-su dưới một khía cạnh đặc biệt “Mục Tử Nhân Lành”. Với danh xưng này, Ngài đã thể hiện tình yêu cách toàn vẹn – hoàn hảo của người mục tử với đàn chiên, qua cái chết của Ngài trên thập giá: “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Chính nhờ máu của Đức Giê-su đổ ra trên thập giá, giúp chúng ta tìm lại lẽ sống, tìm lại tình yêu thuở ban đầu Thiên Chúa trao ban mà chúng ta đã tự ý đánh mất do tội lỗi, nhất là được giao hòa với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đồng thời, để chúng ta được sống trong tình yêu của Cha mãi mãi nơi Đức Giê-su, và được Ngài kể như con chiên trong đàn của Ngài: “Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và sẽ gặp được đồng cỏ”. Đó là lời khẳng định và cũng là lời hứa của Ngài dành cho chúng ta.

Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta soi rọi lại hành đức tin đời mình, là người ki-tô hữu – con chiên của Đức Giê-su, chúng ta tự hỏi: tôi là con chiên biết nghe lời hay con chiên ương bướng?

Thật vậy, đời sống đức tin mỗi người ít hay nhiều chúng ta nhận thấy rằng; chúng ta chịu nhiều chi phối của dòng chảy cuộc đời, nên có lúc thánh thiện, có lúc nhạt nhẽo và sai lầm. Khi là những con chiên ngoan đạo – nhanh nhẹn nghe tiếng Chúa: ăn ngay ở lành, tuân giữ lề luật Chúa dạy và sống bác ái với anh chị em. Khi là con chiên không ngoan – vấn vướng nhiều cạm bẫy của thế gian, tiếng kêu của những giá trị tạm bợ lôi kéo chúng ta, suối mát đam mê và đồng cỏ của quyền cao chức trọng làm chúng ta mờ mắt không nhìn thấy thánh ý Thiên Chúa, tai không còn nghe sự thôi thúc yêu thương của Vị Mục Tử Nhân Lành. Vì thế, chúng ta ý thức rằng; tự sức riêng mình, chúng ta không thể làm con chiên ngoan hiền nhưng với ơn Chúa chúng ta sẽ trở nên tốt, nếu chúng ta biết phó thác cuộc đời cho Ngài.

Lạy Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành, dù qua thung lũng âm u chúng con không lo mắc nạn vì có Chúa ở cùng chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

Trả lời