Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B

Suy Niệm 1:

Trở Nên Chứng Nhân

Xã hội ngày nay cần một chứng nhân hơn là một bài giảng “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Chúng ta nói và sống như thế nào, đó là cách mà người khác có thể nhận ra nơi ta. Đôi khi chúng con nghe người khác thắc mắc: “Tại sao lại tin vào một người chết sống lại?”. Có thể chúng ta không tự biện luận rõ ràng, nhưng chính cuộc sống hằng ngày của ta sẽ chứng minh điều đó.

 Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ về việc Chúa sống lại từ cõi chết. Các ông vẫn chưa hiểu phục sinh là gì, nên họ tưởng rằng mình đang nói chuyện với bóng ma, mặc dù họ đã được trông thấy Chúa nhiều lần. Vì vậy Chúa Giêsu trách nhẹ các môn đệ: “Sao các con lại sợ hãi và tại sao các con lại nghi ngờ trong lòng? Hãy nhìn xem tay chân Thầy đây. Hãy đưa tay ra mà sờ. Ma đâu có xương có thịt như Thấy có dây”. Rồi Chúa bảo các môn đệ: “Các con có gì ăn không?”. Quả thật, Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ, rồi sau ba ngày sẽ sống lại từ cõi chết. Đó là lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, đồng thời Chúa Giê-su mong muốn các môn đệ phải nhân danh Ngài mà loan báo cho muôn dân và làm chứng “Chúa Giê-su đã sống lại thật”.

Vậy, những cuộc hiện ra của Chúa Giê-su sau khi phục sinh mời gọi chúng ta hãy lên đường và tiếp nối sứ mạng của Ngài, và đem niềm vui phục sinh đến cho mọi người bằng chính cuộc sống hằng ngày là yêu thương và sẻ chia. Sự phục sinh của Chúa không dừng lại ở Giêrusalem nhưng vẫn đang sống động trong một thế giới rất cần sự biến đổi. Đặc biệt, đối với chúng ta là những người đang bước theo Chúa trên con đường rao giảng Phúc Âm tình thương.

Xin Chúa Giê-su Phục Sinh giúp chúng con luôn sống đúng với sứ mạng Chúa trao là mang bình an, niềm vui và tình yêu đến cho những ai đang cần chúng con, có thể họ là những người còn ngồi trong ngôi mộ của sự sai lầm, ích kỷ và tham lam, để chúng con cùng với Chúa bước đi đến môi trường chúng con đang sống, hầu Chúa biến đổi họ trở nên chan hòa trong tình Chúa và tình người. Amen.

-Ephata-

Suy Niệm 2:

Xác Tín Niềm Tin Phục Sinh

Qua những cuộc hiện ra với các môn đệ, chung cũng như riêng, Chúa Giê-su dùng nhiều phương thế để giúp các ông mở lòng đón nhận biến cố phục sinh. Tuy nhiên, họ vẫn còn hoài nghi về việc này. Bằng chứng Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng khi các môn đệ tụ họp với nhau, Chúa Giê-su hiện ra khiến họ “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Như vậy, dường như các ông chỉ hình dung Chúa Giê-su Phục sinh giống như một linh hồn hiện về, không mang hình hài thể xác như trước đây. Phải chăng, đây cũng là thách đố của chúng ta trước biến cố này?

Quả thật, dù hiểu được lòng tin của các môn đệ còn non yếu, nhưng Chúa giê-su vẫn cảm thấy chưa hài lòng, vì các ông đã từng được nghe Ngài báo trước về sự việc này, nên khi hiện ra Chúa Giê-su nói với họ: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Lời đó như thể là một lời “mắng yêu” Chúa Giê-su dành cho họ. Bởi lẽ, các môn đệ chậm tin cũng là chuyện dễ hiểu, vì biến cố trọng đại này là một mầu nhiệm chưa thể hiểu. Thế nên, Chúa Giê-su nhẫn nại tìm mọi cách, từ lời nói và cử chỉ như: cho các ông xem chân, tay, cầm lấy bánh ăn trước mặt họ, để chứng minh Ngài đã sống lại thật và chính là Thầy Giê-su đây chứ không ai khác.

Sau đó, Chúa Giê-su bắt đầu gợi mở cho các môn đệ nhớ lại qua sách Kinh Thánh đều ứng nghiệm điều này “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Như thế, Chúa Giê-su đã hướng dẫn, giúp các ông dần nhận ra Ngài từ tình trạng thể lý sang những bằng chứng lịch sử mà Chúa Giê-su từng cho họ biết trước khi chịu khổ nạn. Thật vậy, tất cả những điều Chúa Giê-su minh chứng cho các môn đệ không gì khác hơn là Ngài muốn các ông thật vững vàng với những điều họ đã thấy, nghe và chạm vào. Khi đó các môn đệ mới có thể loan truyền, làm chứng điều các ông tin “Chúa Giê-su Phục sinh – Đấng hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời”.

Khi nhìn vào sự yếu tin của các môn đệ, chúng ta cũng thấp thoáng thấy mình đâu đó, đôi khi ta tưởng rằng Chúa như những bóng “ma” lúc ẩn, hiện trong cuộc đời. Những lần như thế là khi đức tin của chúng ta còn mơ hồ, bị lung lay, hay bị ảnh hưởng bởi hấp lực của thế trần, nên không còn cảm nhận Chúa đang sống thật bên đời ta, nhất là lúc chúng ta đối diện với những khốn khó gian nan. Và tưởng rằng Chúa là “ma” là khi chúng ta không có “kinh nghiệm về Chúa”, mà trong ta chỉ sống theo kiểu lý thuyết, sống với một ý tưởng hay theo truyền thống đức tin của ông bà để lại. Vì vậy, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy xác tín lại niềm tin của mình vào Chúa Phục Sinh, qua việc gẫm suy Lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các Bí Tích và tuân giữ giáo huấn Giáo Hội truyền dạy và thực thi thánh ý Chúa trong đời như một phần tất yếu của đức tin. Có như thế, chúng ta mới có thể tin Chúa sống thật trong đời ta.

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin Ngài nâng đỡ niềm tin cho chúng con, giúp chúng con nhận ra Chúa ngay cả trong những nghịch cảnh và khổ đau, nhờ đó chúng con có thể tiến bước vững vàng trong niềm tin và làm chứng về Chúa cho anh chị em bằng đời sống của mình. Amen.

M.Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

Tin Mừng Phục Sinh ví như hương nước hoa khi chúng ta tiếp cận chúng sẽ được tỏa lan đến với những người xung quanh. Cũng thế, qua những bằng chứng Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các người phụ nữ, các tông đồ và hai môn đệ trên đường Emmau cho chúng ta xác tín rằng: những lời Kinh Thánh chép về Đấng Messia đã được ứng nghiệm. Từ đó, chúng ta nhận thấy được tầm quan trọng thế nào của việc học hỏi, tìm hiểu và thực hành lời Chúa trong đời sống đức tin.

Khi chúng ta đọc lại các sách tiên tri về cuộc đời và sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Dường như sự đau khổ, cái chết của và phục sinh Chúa Giêsu không hoàn toàn do mưu toan của con người, dù là chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm của nhân loại đã gây nên cái chết của Ngài. Thế nhưng, trong lăng kính cứu độ, tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều “ứng nghiệm qua sách Môse, sách các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã chép về Ngài” (Lc 24, 44). Như thế, mầu nhiệm Phục Sinh không chỉ có ý nghĩa trong cuộc đời của Chúa Giêsu nhưng còn giúp chúng ta tìm thấy ánh sáng, niềm hy vọng của ơn cứu rỗi, và về sự sống mai hậu mà nhân loại bao đời hằng khao khát.

Thế giới có biết bao vị triết gia thông thái, lỗi lạc đã viết rất nhiều tập sách về sự khôn ngoan, về con đường đưa đến hạnh phúc nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc định hướng, họ chưa kinh qua thế nào là sự sống viên mãn đích thực khi còn sống ở đời tạm này. Điều đó cho chúng ta nhận ra rằng Kinh Thánh là “bức thư tình” mà Thiên Chúa gởi cho nhân loại. Bức thư ấy không dừng lại ở những con chữ, nhưng đã được hiện thực hoá theo dòng lịch sử của Dân Do Thái và trong đời sống Chúa Giê-su nơi trần thế. Khi Ngài về trời, các tông đồ tiếp nối sứ mạng ấy cho đến tận thế. Lời Thiên Chúa vẫn luôn âm vang trong lòng nhân loại, đó là Tin Mừng về sự Phục Sinh và về niềm vui ơn cứu rỗi.

Đức Kitô Giêsu là mạc khải duy nhất và trọn vẹn mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, chính là Thiên Chúa tình yêu. Ngài yêu nhân loại đến tận cùng. Là Ki-tô hữu mang trong mình sứ mạng hoạ lại khuôn mặt của Đức Giêsu cho mọi người chúng ta gặp gỡ, bằng đời sống yêu thương phục vụ anh em đồng loại theo gương Thầy Chí Thánh. Như Ngài nói trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48)

Thật thế, vâng lời Chúa Giêsu, các tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, các ông đã dùng chính mạng sống mình để minh chứng cho lời rao giảng. Như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

Xin Chúa Giê-su Phục Sinh giúp chúng ta dám huỷ mình như những ngọn nến để thắp sáng cho nhân loại đang trong vòng tối tăm hôm nay. Amen.

Bảo Bảo

Suy Niệm 4:

Tin Mừng hôm nay kể lại việc hai môn đệ rời Giêrrusalem, bỏ nhóm các môn đệ trở về làng Emmau. Trên đường đi Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra, đồng hành trò chuyện với họ. Qua cuộc trò chuyện ấy, chúng ta nhận thấy các môn đệ đã đặt niềm tin, niềm hy vọng vào Chúa Giêsu là một Đấng Mêsia trần thế, các ông nghĩ rằng Ngài sẽ giải phóng dân tộc của họ khỏi ách thống trị của Rôma “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen”. Thế nhưng, khi các môn đệ chứng kiến Chúa Giêsu chết nhục nhã trên thánh giá, niềm hy vọng của các ông tan tành theo mây khói.

Do đó khi nghe các người phụ nữ cho biết Chúa Giêsu đã sống lại họ vẫn không tin, quyết định rời bỏ Giêrusalem, bỏ anh em về làng để làm lại cuộc đời mới. Có lẽ như thế mà họ không nhận ra người đi cùng là Chúa Giêsu Phục Sinh, vì lòng trí họ đầy thất vọng và chán nản. Nhưng khi nghe Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu những gì Kinh Thánh nói về Ngài, lòng các ông bắt đầu loé lên một chút ánh sáng, niềm hy vọng và niềm tin. Khi đó họ mời Chúa Giêsu ở lại và dùng bữa, họ nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài bẻ bánh. Lập tức, các ông quay trở lại Giêrusalem và quay về với nhóm các Tông Đồ, để báo tin cho anh em biết Chúa Giêsu đã phục sinh và đã hiện ra với họ.

Thực tế cuộc sống cho thấy đôi khi trong Giáo xứ chúng ta cũng bị cám dỗ thất vọng chán nản bỏ nhà thờ, bỏ Chúa và không cộng tác với cộng đoàn giáo xứ chỉ vì một lời nói, lời nhắc nhở hay sự hiểu lầm nào đó của những người có trách nhiệm, do chúng ta chưa nhận ra ý Chúa nơi những vị ấy. Vì thế, Lời Chúa hôm nay là bằng chứng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn hiện diện, đồng hành cùng ta. Ngài hiện diện ngang qua những dấu chỉ, biến cố, sự kiện trong cuộc sống của chúng ta, qua những người chung quanh hay những người mà chúng ta gặp gỡ, nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn ta. Vậy, chúng ta được mời gọi bắt chước các môn đệ mời Chúa Giêsu đến ở lại, đồng hành, trò chuyện với ta. Có như thế Chúa sẽ giúp chúng ta hiểu Lời Chúa, nhận ra ý Chúa trong cuộc đời.

Xin Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta có lòng khao khát lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh Lễ và hết lòng cung kính mỗi khi đón nhận Mình Thánh Chúa, luôn tin tưởng và vâng theo những người đại diện Hội Thánh hướng dẫn chúng ta. Xin Ngài ban ơn biến đổi, giúp chúng ta luôn lạc quan, tin tưởng, phó thác và hy vọng vào Chúa ngay cả những lúc thất vọng, đau khổ. Amen.

Anrê Nhật Trường

Để lại một bình luận