Suy Niệm 1:
Biến Đổi
Thay đổi đời sống là điều không thể thiếu trong cuộc đời của người Ki-tô hữu. Thay đổi từ điều xấu trở nên điều tốt, xa lánh điều dữ làm nên điều lành. Và trong Tin Mừng hôm nay thánh sử Mác-cô cũng nói đến sự biến đổi của Đức Giê-su, cuộc biến đổi này Người tỏ lộ vinh quang thần linh nơi mình “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” – vinh quang thật của Đấng sẽ bị trao nộp vào tay người đời, vì sự sống thật của nhân loại. Quả vậy, sự biến đổi của Đức Giê-su đã khai mào một luồng ánh sáng bất diệt dành cho người môn đệ bước theo Người trên đường thập giá, đồng thời thúc giục chúng ta vững tin, sau thập giá là đón nhận ơn cứu độ phục sinh của Người.
Như thánh Mác-cô đã kể lại biến cố hiển dung của Đức Giê-su – ngài cho chúng ta nhận ra ba yếu tố chính trong Tin Mừng: Yếu tố thứ nhất là sự biến đổi hình dạng của Đức Giê-su – điều này cho thấy tư cách và vị thế của Người. Yếu tố thứ hai là sự xuất hiện của ông Mô-sê và Ê-li-a – chứng tỏ rằng Đức Giê-su là điểm đến, là đỉnh điểm và là điểm quy chiếu của tất cả Cựu Ước. Và sau cùng, yếu tố thứ ba nói về Chúa Cha công bố Đức Giê-su là Con Thiên Chúa – Đấng hiến dâng mạng sống mình và cũng là Lời tối hậu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Tuy thánh sử cho chúng ta có nhiều điểm son trong việc biến hình của Đức Giê-su để ta suy tư và cầu nguyện, nhưng điểm quy chiếu cho toàn bộ Tin Mừng hôm nay vẫn là lời tuyên bố của Chúa Cha dành cho Đức Giê-su và cho chúng ta cách tường tận “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” – Sự công nhận của Chúa Cha xác minh với chúng ta Đức Giê-su hơn hẳn ông Mô-sê và ông Ê-li-a, và hơn thế nữa, Đức Giê-su xuất phát từ chính thiên Chúa, hành động của Người là hành động của Thiên Chúa và lời của Người là lời của chính Thiên Chúa.
Bởi thế, cuộc biến đổi của Đức Giê-su như thể cho chúng ta nhìn rõ về mọi khía cạnh và tương quan cuộc đời của Đức Giê-su trong cuộc sống nhân loại. Thứ nhất – Người tiên báo con đường phía trước của mình là vác thập, chịu đau khổ và phục sinh. Thứ hai – Đức Giê-su biểu lộ mối tâm giao đặc biệt giữa Người với Chúa Cha. Thứ ba – Đức Giê-su bày tỏ mọi điều mà người môn đệ phải gánh vác và phải chấp nhận khi bước theo Người. Và đó cũng là cuộc biến đổi sống còn của mỗi cuộc đời chúng ta khi gắn liền đời mình với Đức Ki-tô.
Trong tâm tình sống mùa chay thánh, người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi khát khao được đổi mới cuộc sống mình. Khi thời gian qua, đôi khi đời sống đức tin của chúng ta vẫn còn đâu đó của những thiếu sót và vấp phạm. Do yếu đuối hay vì những đam mê, những khát vọng không lành mạnh khiến cho đời sống tinh thần ta suy yếu. Trái tim chúng ta chưa đủ thanh khiết, tinh tuyền bởi những sân si và giả dối trong cuộc sống mà không sao vươn lên cùng Thiên Chúa được.
Xin ánh sáng của Chúa Giê-su dọi chiếu và biến đổi tâm tư, tình cảm của chúng con, hầu chúng con dám thay đổi đời mình bằng những hy sinh, can đảm bước theo Đức Giê-su lên đồi Can-vê trong sự thiện lành nơi suy nghĩ, lời nói và việc làm, để nhờ sự biến đổi đó mà chúng con được ơn cứu độ. Amen.
M.Nhị Thơ
Suy Niệm 2:
Hãy Vâng Nghe Lời Người
“Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con…”
Qua ca từ bài hát Lắng Nghe Lời Chúa quen thuộc của Cha Nguyễn Duy, đã diễn tả cho chúng ta tầm quan trọng của Lời Chúa. Và hôm nay trong Tin Mừng Chúa nhật II Mùa Chay năm B – thánh Mac-cô cho chúng ta nhận ra thế giá của Lời Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu. Hãy vâng lời Ngài“. Đó là lời khẳng định về Đức Giê-su – Con của Người. Chúng ta đã thi hành Lời Con của Người như thế nào? Đã bao lần chúng ta nghe Lời Chúa và mà chưa đem ra thưc hành? Chúng ta có đủ tập trung để tham dự Thánh Lễ với phần phụng vụ Lời Chúa một cách đầy đủ và ý thức không? Để hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu câu chuyện sau:
Câu chuyện về một vị vua triệu tập các cận thần. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi:
– Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu?
– Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.
– Ông hãy đập vỡ nó ra!
– Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể phung phá một báu vật như thế ạ!
Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.
Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, cũng hỏi:
– Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu?
– Bằng nửa vương quốc.
– Hãy đập vỡ nó ra!
– Đập vỡ viên ngọc này ư? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể nào làm được việc đó.
Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho một chàng lính:
– Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không?
– Muôn tâu, đẹp không thể nói được.
– Hãy đập nát nó đi.
Lập tức chàng lính lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự táo bạo của chàng lính. Họ hỏi:
– Tại sao nhà ngươi dám làm thế chứ?
Chàng lính bình tỉnh đáp:
– Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.
Nhà vua khen ngợi thái độ của chàng lính và thưởng chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.
Qua câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu lời quan trọng hơn viên ngọc quý như thế nào? Và hơn thế, trong bài Tin Mừng khi Đức Giêsu biến hình, tiếng Chúa Cha từ trời đã phán: “Đây là Con Ta yêu dấu. Hãy vâng lời Ngài”. Lời Chúa làm sáng tỏ những suy nghĩ, thay đổi thái độ của chúng ta đối với Chúa và đối với tha nhân. Lời Chúa mang lại ý nghĩa, bao gồm cả niềm vui lẫn nỗi buồn, sự đau khổ, bệnh tật và sự chết.
Như lời Thánh vịnh 119, 105 nói rằng: “Lời chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Trong những ngày nắng đẹp cũng như đêm đen tối, Lời Chúa chỉ đường cho chúng ta và chỉ dẫn cho ta. Lời Chúa đối với chúng con là “đường, sự thật và sự sống” (Gioan 14, 6).
Trong thế giới của chúng ta, nhiều người không còn biết lắng nghe Lời Chúa để chiêm niệm, tôn thờ và cầu nguyện. Cuộc sống chẳng khác gì cuộc chạy đua, người ta luôn đi tìm cho mình thật nhiều tiền, danh vọng, thú vui hưởng thụ… khiến cho con người quên mất đi Đấng tạo hóa và tiếng nói của Ngài, và ngày càng làm chúng cho chúng ta đánh mất dần tương quan giữa mình với Chúa và anh em.
Lạy Chúa Giê-su! xin cho chúng con luôn biết sống đạo, là luôn lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, nếu chúng con biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, chúng con tin sẽ đem lại niềm vui, an bình, hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Xin cho chúng con ý thức mỗi khi tham dự Thánh Lễ, những lúc suy niệm Lời Chúa, để chúng con hiểu được Chúa muốn nói gì nơi mỗi người chúng con, và để chúng con sống gắn bó mật thiết với Chúa hơn.
Lâm Trang
Suy Niệm 3:
Đổi Mới Đời Sống
Trong 130 Câu Chuyện Nhà Đạo kể lại: Thánh Bênađô khuyên mọi người hãy lo ăn năn trở về với Chúa trong khi mình đang sống, chứ đừng dại chờ đến những giây phút cuối đời mới lo phần rỗi. Ngài chia sẻ: “Cha đã đọc kỹ toàn bộ Sách Thánh. Cha chỉ gặp được một gương ăn năn trở lại trong giờ chết: đó là người trộm lành. Chỉ có một người ăn năn trở lại khi sắp chết, vì thế các con đừng ngã lòng. Chỉ có một người ăn năn trở lại khi sắp chết, vì thế các con đừng ỷ vào chuyện nầy”.
Mùa Chay là mùa chúng ta lắng nghe lời kêu gọi trở về với Chúa, dành cho Ngài vị trí ưu tiên. Thiên đàng ai cũng ước mơ, ai cũng muốn vào, nhưng giàu sang phú quý nơi trần gian ai cũng muốn đạt được. Nghịch lý là thế, Thiên Chúa ban cho chúng ta cuộc sống như món quà quý giá, chúng ta có thời gian để khám phá, thưởng thức và dựng xây, nhưng với những lựa chọn sai lầm có thể nó sẽ nhấn chìm cuộc đời ta. Vì thế, là môn đệ của Chúa Kitô – chúng ta được mời gọi trở thành những người lắng nghe tiếng của Người và thực hành lời Người.
Để lắng nghe lời Chúa Giêsu, chúng ta cần sống thân tình với Người, bước theo và chấp nhận lời răn dạy của Người. “Chúa không hề chán ngán chúng ta. Ta hãy đón Mùa Chay như một mùa trọng đại… Mùa Chay là mùa hoán cải, mùa tự do…Đã đến lúc ta phải hành động, và trong Mùa Chay, hành động cũng có nghĩa là dừng lại. Dừng lại để cầu nguyện, để đón nhận lời Chúa, dừng lại như người Samari trước sự hiện diện của một người anh em, chị em bị thương tích. Mến Chúa và yêu người chỉ là một tình yêu. Không có thần nào khác, đó là dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa nơi xác thịt của tha nhân bên cạnh mình… Vì thế, ta hãy chậm lại và tạm dừng! Chiều kích sống chiêm niệm mà Mùa Chay giúp chúng ta khám phá lại sẽ giải phóng những năng lượng mới. Trước tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em, nhạy cảm với nhau hơn: chúng ta khám phá ra những bạn đồng hành, những người cùng bước đi với mình, thay vì là những kẻ thù và những mối đe dọa”. (Sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô).
Lạy Chúa Giêsu, người đời thường nói chẳng có vinh quang nào mà không phải trả giá. Vinh quang càng cao, cái giá phải trả càng lớn. Khi nhìn thấy vinh quang của Chúa, thánh Phê-rô muốn được ở lại để chiêm ngắm lâu hơn, để tận hưởng. Chúng con cũng vậy, chúng con muốn được nhìn thấy vinh quang của Chúa, chúng con muốn được ở bên Chúa, nhưng chúng con chưa dám hy sinh, ngại khó sợ khổ, chưa dám sống theo ý Chúa và gắn bó với Ngài trong cầu nguyện. Xin cho chúng con biết tận dụng thời gian bốn mươi ngày chay thánh này, để tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Nhờ đó, “Mùa Chay này sẽ trở thành một thời gian hoán cải theo mức độ mà một nhân loại đầy lo âu sẽ nhận thấy một sự bùng phát của tính sáng tạo, một tia hy vọng mới”. (Sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô)
Fiat
Suy Niệm 4:
Ơn An Ủi Thiêng Liêng
Bước vào Chúa Nhật II mùa chay năm B, phụng vụ Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm biến cố Chúa Giêsu hiển dung. Lúc ấy, có ba môn đệ thân tín của Ngài chứng kiến ‘trên ngọn núi cao’. Với hành động Chúa Giê-su dẫn theo ba môn đệ: ‘Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đi cùng mình’ – dường như các vị này được ưu tiên hơn các môn đệ khác. Đây là một đặc ân Chúa dành riêng cho ba môn đệ của Ngài. Thật vậy, được chiêm ngắm Chúa Giêsu trong ngôi vị Thiên Chúa là một hồng ân, các ông từ trạng thái kinh ngạc đến cảm nhận hạnh phúc nên thánh Phê-rô phải thốt lên: “Thưa thầy, chúng con ở đây thật là hay, chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Elia”.
Tuy nhiên, những giây phút vinh quang ấy diễn ra chỉ trong phút chốc, các ông còn chưa kịp hiểu thì một đám mây bao phủ và các ngài nhìn thấy mọi điều trở lại bình thường. Ba môn đệ phải xuống núi, tiếp tục cùng thầy Giêsu tiến về Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, và cũng là người tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu sau này. Qua cuộc biến hình của Chúa Giê-su hôm nay, tôi và bạn, chúng ta cảm nghiệm được điều gì? Nếu Chúa ban đặc ân ấy cho ba môn đệ năm xưa, thì hôm nay Chúa cũng đang ưu ái dành cho tôi – bạn như vậy, cho những ai bước theo Chúa với lòng thành tâm. Ân ban này được trao ban với nhiều cách thức, trong không gian và thời gian khác nhau.
Đọc lại lịch sử các thánh cũng như nhìn lại kinh nghiệm thiêng liêng riêng mình, có lẽ ai trong chúng ta ít nhiều đều cảm nhận được sự gặp gỡ nhiệm mầu này. Kinh nghiệm đó khiến cho ta thân tình và gần gũi với Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta làm mọi điều vì sáng danh Chúa. Kinh nghiệm ấy còn là sức mạnh giúp chúng ta hoán cải, tìm lại sự bình an trong cuộc sống. Theo góc nhìn tu đức, kinh nghiệm ấy được gọi tên là “Ơn An Ủi Thiêng Liêng” – Ơn an ủi thiêng liêng là ơn Chúa ban, giúp chúng ta có niềm vui nội tâm, niềm vui được gặp Chúa, nếm cảm sự dịu ngọt và làm trái tim ta rung lên lòng khao khát Thiên Chúa.
Là thế, nhưng Chúa không muốn chúng ta chỉ bằng lòng với những ơn an ủi ấy như một sự thỏa mãn, mà để ta có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trên đường theo Chúa, có sức mạnh đón nhận và chu toàn sứ mạng làm người, làm con Chúa và làm người tông đồ của Chúa. Như ba môn đệ xưa, họ phải xuống núi, phải cùng với thầy Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, và sau này chính họ sẽ là người có sứ mạng củng cố niềm tin cho anh em trước những biến cố đau thương của thập giá. (x. Lc 22, 31-32).
Bước vào Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta siêng năng cầu nguyện – Cầu nguyện chính là một trong những phương thế hữu hiệu để ta gặp Chúa, hầu ta có thể kết hợp trọn vẹn với con đường khổ giá của Chúa bằng chính cuộc đời của mình. Vậy, lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu trưởng thành, người môn đệ trung thành không chỉ dừng lại nơi nguyện đường hay trong phụng vụ, mà là mở rộng ra mọi phương diện cuộc sống, trong mọi nơi mọi lúc chúng ta đều sống dưới ánh nhìn của Chúa, dưới sự bao phủ của Thánh Thần và luôn hướng về Chúa. Chính khi đó, chúng ta sẽ có niềm vui, một niềm vui an bình và thanh khiết. Đồng thời, ta sẵn sàng hi sinh vì Chúa và tha nhân.
Dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay tôi được mời gọi sám hối và hoán cải điều gì?
– Đã bao lần Chúa ban cho tôi cơ hội để chiêm ngắm vinh quang Chúa? Tôi đã đón nhận với lòng biết ơn hay tôi bận rộn với nhiều lí do và tìm cách khước từ?
– Đã bao nhiêu lần tôi được Chúa ban ơn an ủi thiêng liêng, nhưng cuộc sống tôi vẫn chưa kết hợp trọn vẹn cùng Ngài, tôi vẫn còn bị nhiều tác động ngoại cảnh chi phối làm sao lãng việc thực thi thánh ý Chúa trong đời mình. Phải chăng tôi chỉ để trái tim mình rung lên trong nguyện đường, còn trong cuộc sống thì xem ra không liên quan gì.
– Tôi đã bao lần ý thức mình là người đã chọn Đức Ki-tô chịu đóng đinh làm đối tượng duy nhất để tôi chiêm ngắm và yêu thương?
– “Ai được cho nhiều thì bị đòi hỏi nhiều hơn” tôi có ý thức những cơ hội, những phút giây hạnh phúc được Chúa ban để sống tâm tình tạ ơn và đáp đền tình yêu Chúa bằng tất cả sự cố gắng của mình với tinh thần khổ chế?
– Chúa của tôi đã đi con đường khổ giá đến vinh quang, tôi có sẵn sàng cùng đi với Chúa? Hay tôi vẫn còn mon men muốn tìm một con đường khác ngoài con đường của thập giá?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa có vui vì chúng con không? Đó là câu hỏi mà mỗi ngày con muốn được Chúa trả lời có!!
Chúng con tạ ơn Chúa đã bao lần Chúa tỏ ra cho chúng con tình yêu thương của Chúa. Dù chúng con chưa trọn vẹn, nhưng Chúa vẫn yêu thương và ban cho chúng con hạnh phúc. Mùa chay thánh này, Xin cho chúng con hoán cải đời mình cho đẹp hơn, sửa con tim cho nên mới, và huấn luyện cho tinh thần thêm vững mạnh, để chúng con xứng đáng là người Nữ tu mang tên Mến Thánh Giá, xứng đáng là người nữ tu của Chúa trong một xã hội nhiều biến động và đổi thay này. Amen.
M. Hài Đồng