Chúa Nhật Cuối Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa

Suy niệm 1:

Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Hoà Bình

Như lời thiên thần Gabriel khi truyền tin cho Đức Maria đã nói: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Cũng trong lời ca khen mà bà Elisabeth đã dành cho Mẹ Maria: “Bà được chúc phúc giữa muôn ngàn phụ nữ”.    (Lc 1, 42).  Và chính trong kinh Magnificat mà Mẹ Maria đã thưa lên: “Từ nay muôn đời sẽ ngợi khen tôi có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại và danh Người là thánh” (Lc 1, 48) qua đó thấy được Đức Maria là một người phụ nữ hạnh phúc biết chừng nào. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy rằng, hạnh phúc của Mẹ không phải do người đời ban tặng, cũng không do tự sức Mẹ tìm kiếm nhưng đến từ Thiên Chúa – Đấng hằng thương xót những ai kính sợ Người. Tuy nhiên để nhận ra hạnh phúc mà Thiên Chúa đã ưu ái dành riêng cho mình, thì thái độ của Mẹ Maria trước những lời mời gọi của Chúa, những biến cố Chúa gởi đến cho cuộc đời Mẹ luôn là tiếng Xin Vâng, ghi nhớ và suy niệm trong lòng.

  • Nếu Mẹ không thưa Xin Vâng khi thiên thần truyền tin thì làm sao Mẹ trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa?
  • Nếu Mẹ không lắng nghe lời Chúa bằng trái tim mình, để rồi ghi nhớ và suy đi nghĩ lại thì làm sao Mẹ có đủ niềm tin và sức mạnh mà bước vào hành trình cứu thế cùng Chúa Giêsu từ khi chào đời cho đến khi chịu chết trên thập giá.

Qua đó thấy được sức mạnh thật sự không đến từ bạo lực, vũ khí nhưng đến từ tâm hồn biết chấp nhận tất cả trong niềm tin yêu và hy vọng vào Thiên Chúa – Đấng đầy quyền năng và lòng thương xót.

Chắc một điều rằng, trong Giáo Hội không có một vị thánh nào được tôn phong chức hiệu nhiều như Đức Maria. Trong đó, chức vị cao trọng nhất mà toàn thể Hội Thánh long trọng mừng kính hôm nay là tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Giáo hội dâng cả thế giới trong tay Đức Mẹ, vì Mẹ là mẹ của Thiên Chúa. Mẹ sẽ chuyển cầu và ban sự hòa bình cho con cái của Mẹ. Nhưng song song với việc cầu nguyện cho hoà bình, chúng ta cũng cần suy nghĩ: Con người luôn mong chờ hòa bình nhưng con người đã làm gì để có hoà bình?

Phương án đầu tiên con người nghĩ tới và tiến hành đó là dùng vũ lực, chiến tranh để tìm hoà bình. Phải loại bỏ tất cả những đối tượng không cùng quan điểm để có sự hợp nhất. Phải dùng sức mạnh để bảo vệ kẻ yếu. Nhưng tất cả những điều đó chỉ mang lại kết quả nhất thời hay chỉ mưu ích cho một số đối tượng nhất định chứ không phải lợi ích chung cho nhân loại. Muốn có được hoà bình thật sự cho thế giới thì chính lòng mỗi người phải là một thế giới hoà bình thu nhỏ, vì nhân loại từ chính con người mà có. Như một vết dầu loang, nếu tự bản thân mỗi người cảm thấy bình an hạnh phúc thì họ sẽ có cách truyền tải những cảm xúc tích cực ấy cho người xung quanh. Và đối với sự dữ cũng thế, một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng!

Trong ngày lễ mừng kính Mẹ Thiên Chúa với ý nguyện cầu cho thế giới được hòa bình, chúng ta không chỉ xin Mẹ cho những cuộc chiến tranh trên thế giới được mau chấm dứt, cho những cuộc đàn áp bất công được ngăn chặn lại nhưng chúng ta còn phải cầu xin Mẹ cho chúng ta biết noi gương Mẹ luôn đón nhận thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù đôi khi với chúng ta đó là nghịch cảnh. Cầu xin Mẹ cho chúng ta biết lắng nghe và suy gẫm những biến cố trong đời để thấy được quyền năng và tình thương của Chúa dành cho mỗi người chúng ta, để như Mẹ chúng ta tìm được bình an thật sự trong những giông bão của cuộc đời, và tin rằng Chúa là chủ của lịch sử nên Ngài sẽ biến tất cả thành phương thế để cứu độ con người. Tin chắc như thế chúng ta sẽ có hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho nhân loại và có can đảm hơn để làm những việc có ích cho xã hội và cho con người.

Xin được kết bằng một lời hát của nhạc sĩ Thái Nguyên để nói lên lòng tin tưởng vào quyền năng Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời: “Con xin vâng theo Chúa dù bao nỗi khó khăn trong đời, con xin vâng trọn đời để thánh ý Chúa được thi, tin vào lòng Chúa tín trung, tin vào tình Chúa bao dung, như Mẹ xưa đã xin vâng trọn niềm phó thác theo ơn Thánh Thần”. (Tâm tình xin vâng)

Bảo Bảo

Suy niệm 2:

“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19)

Từ ngày hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria vang lên, cũng là lúc Mẹ luôn để dấu ấn ấy trong lòng suy đi nghĩ lại việc Chúa đã làm trong thân phận bé nhỏ của mình. Và hơn ai hết, Mẹ phải suy nghĩ, lo lắng nhiều là làm sao nuôi dạy Chúa cho xứng với ngôi vị của Chúa là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa.

Với tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa và tình thương lớn lao Thiên Chúa dành cho Mẹ và cho nhân loại. Giáo Hội muốn bày tỏ lòng yêu mến Mẹ qua ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Người. Mẹ không sinh ra Chúa là Chúa. Mẹ cũng không phải là Chúa hay Bà Chúa. Mà Mẹ là một con người hữu hạn, được vinh dự dâng hiến bản tính nhân loại cho Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa (Gm. Arthur Tonne). Qua Mẹ, Đức Giêsu là một người thật và cũng là Thiên Chúa thật, đó là chân lý ngày lễ hôm nay.

Giáo Hội toàn cầu hướng về Mẹ xin ơn Hòa Bình cho Thế Giới trong ngày tết dương lịch, đồng thời Mẹ Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng con về đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, đó là đặc ân thứ hai trong bốn đặc ân. Để có đặc ân rõ ràng như hôm nay, Giáo Hội phải trải qua nhiều khó khăn trước quan điểm của thượng phụ giáo chủ Constantinople là Nestorio (428), do ông dựa trên quan điểm Ki-tô học riêng của mình mà phản đối việc xưng tụng Đức Maria dưới tước hiệu này. Vì ông cho rằng: Chúa Ki-tô có hai ngôi vị, đó là ngôi vị Thiên Chúa (Ngôi Lời) và ngôi vị con người (Giê-su). Nên Đức Maria không được gọi là “Theotokos” (Mẹ Thiên Chúa)

Và vào năm 431, Giáo hội đã triệu tập Công đồng Êphêsô dưới sự chủ toạ của thánh Cyrillô, các nghị phụ trong công đồng này đã tuyên bố cách chức giáo chủ Nestôriô và đánh đổ lạc thuyết của ông. Công đồng đã định tín Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa Làm Người. Từ công đồng Êphêsô, tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức trinh Nữ Maria. Từ công đồng này, mà chúng ta có phần sau của kinh Kính Mừng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Công đồng Vatican II cũng tái xác quyết địa vị Mẹ Thiên Chúa: “Đức trinh nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa” (Lumen gentium, số 53).

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria,

Xin Mẹ cho thế giới, đất nước Việt nam, gia đình chúng con một năm mới bình an, an bình thể xác cũng như tâm hồn. Luôn biết sống hòa thuận thương yêu nhau khi buồn cũng như khi vui.

Xin Mẹ cho chúng con noi gương sống như Mẹ, lắng nghe và giữ Lời Cứu Độ với lòng từ tâm của chúng con. Xin cho chúng con trung thành với ơn gọi trong đời sống Ki-tô hữu và đời sống thánh hiến của chúng con, hầu chúng con có thể lan tỏa, gieo rắc Lời Cứu Độ đến với anh chị em. Amen.

M. Nhị Thơ

Để lại một bình luận