“Những gì Hội Thánh Công Giáo tin về Đức Maria đều đặt nền tảng trên những gì Hội Thánh tin về Đức Ki-tô, và đồng thời giáo huấn về Đức Maria lại soi sáng thêm cho lòng tin vào Đức Ki-tô.”[1]
- ĐỨC MARIA LÀ AI ?
- Đức Maria trong Thánh Kinh
Thánh Kinh Cựu Uớc không nhắc gì đến Đức Maria một cách trực tiếp, nhưng những lời tiên báo về Người Mẹ của Đấng Cứu Thế đã xuất hiện trước trong vai trò của nhiều nhân vật nữ thánh thiện. Từ lúc khởi đầu, Tổ Mẫu E-và : dù bất tuân phục, nhưng Thiên Chúa vẫn hứa rằng một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15) và bà sẽ là mẹ của chúng sinh (x. St 3,20). Vì lời hứa đó, Sa-ra vợ Abraham mang thai một người con trai, dù đã cao niên (x. St 18,10-14). Khác với dự đoán của loài người, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi là bất lực và yếu đuối (x. 1Cr 1,27) để chứng tỏ Người luôn trung thành với lời đã hứa : Han-na, mẹ của Sa-mu-en (x. 1 Sm 1), Đê-bô-ra, Rút, Giu-đi-tha và Ét-te và nhiều phụ nữ khác. Rồi lời tiên tri của Isaia về “một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Như vậy, các phụ nữ thánh thiện mà Cựu Ước nhắc đến có mối liên kết sứ mệnh cứu độ với Đấng Messia. Đây chính là chương trình thực hiện lời hứa mà của Thiên Chúa đã chuẩn bị trước cho Mẹ của Đấng Messia.
Tân Ước xem Đức Maria là người “đầy ơn phúc”, là “người có phúc hơn mọi phụ nữ”. Đúng vậy, Đức Maria “vượt trên tất cả những người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và được Chúa cứu độ. Với Đức Maria, người thiếu nữ Xi-on tuyệt vời sau thời mong đợi đằng đẵng chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa, thời gian đã nên trọn và nhiệm cục mới được thiết lập.”[2]
Tóm lại: Các đoạn văn Thánh Kinh có những lời tiên tri về Đức Maria trong Cựu Ước như: St 3, 15; Is 7,14; Gr 31,21; Mk 5,2-3, và đặc biệt là các trình thuật Tân Ước về biến cố Truyền Tin (Lc 1, 26-38), Thăm Viếng bà Elisabeth ( Lc 1, 39-56), Thiên Thần hiện ra với Giuse trong giấc mơ nói về sự đồng trinh của Maria khi mang thai (Mt 1, 18-25), Chúa Giáng Sinh (Lc 2, 1-7), Mẹ dâng Con trong Đền Thờ ( Lc 2, 22-38), tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-11), Đức Maria dưới chân thập giá (Ga 19, 25-27). Thánh Phalô nói về địa vị Mẹ Thiên Chúa (Gl 4,4) và sau cùng là thị kiến của tác giả sách Khải Huyền nói về Người Nữ mặc áo mặc trời (Kh 12, 1-8).
- Đức Maria lịch sử
Quá ít tài liệu nói về nguồn gốc xuất thân của Đức Maria và cũng không có một tài liệu nào nói về gia phả của Bà. Tuy nhiên, Giáo Hội, theo loại suy, đã dạy rằng Đức Maria thuộc dòng tộc Đavid. Vì theo lời Thiên Thần Gabriel đã nói với Maria trong ngày Truyền Tin “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người” (Lc 1,32). Trong thư Roma, Phaolô xác nhận “Xét như một người phàm, Ðức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Ða-vít” (Rm 1,3) và “anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo.” (2 Tm 2,8). Vả lại, Chúa Giêsu được sinh ra bởi Đức Maria, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần (x.Lc 1, 34-45), cho nên tất yếu là Đức Maria cũng thuộc về dòng tộc Đavid. Vì vậy, trong điệp ca của thánh vịnh 62 giờ kinh Sáng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ ngày 8/9 hằng năm, Hội Thánh chúc mừng “ hôm nay là lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển, Đấng xuất thân từ dòng dõi Apraham, từ chi tộc Giuđa và là con cháu nhà Đavid”.
Đức Maria chào đời khi nào ? Không một tài liệu nào của Tân Ước ghi nhận về cha mẹ cũng như sự chào đời của Mẹ Maria. Cho nên, niên ký về cuộc đời của Đức Maria cũng được suy ra từ niên ký cuộc đời của Đức Giêsu. Vì thế, dù cố gắng, thì niên ký của Mẹ cũng chỉ tượng trưng chứ không chính xác được. Sau đây thử đưa một phỏng đoán[3]:
Trước Công Nguyên
Năm 23-20: Đức Maria được sinh ra từ bà Anna và Gioakim;
Năm 20-17: Đức Maria dâng mình trong Đền Thờ;
Năm 11-8: Đính hôn với Giuse (Mt 1,15; Lc 1,27);
Năm 7: Sứ Thần truyền tin cho Đức Maria chịu thai (Lc 1,26-38);
Năm 7-6: Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem;
Sau Công Nguyên
Năm 6: Tìm được Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem (Lc 2,41-50)
Năm 27: Đức Maria dự tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-11);
Năm 30: Đức Maria đứng dưới chân thập giá (Ga 19, 25-27)
Sau khi Chúa lên trời Đức Maria cùng cầu nguyện, hội họp với các tông đồ (Cv 1, 14) và sau đó (không rõ) Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác.
- Thánh Danh Maria
“Maria” trong Cựu Ước tiếng Do Thái là Myriam, tiếng Aram là Maryam, trong bản dịch Tân Ước tiếng Hy Lạp là Maria. Tên Maria cũng khá phổ biến trong dân Israel, cho nên ngoài Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, cũng có vài nhân vật nữ khác mà Thánh Kinh nhắc đến của mang tên này. Chẳng hạn: em gái của Mô-sê, thường được gọi là Miriam (x.Xh 15,20-21); Maria ở thành Madalena (x Lc 8,2); Maria chị em của Matta và Lazarô (Lc 10, 38-42), Maria mẹ của Giacôbê và Gioan (Mc 15, 40-47); Maria vợ của Cơ-le-ô-pát (Ga 19,25), Maria, mẹ của Gioan Mác-cô (Cv 12,12)…
Trong phụng vụ, lễ kính Thánh Danh Đức Mẹ vào ngày 12/9, bậc lễ nhớ không buộc, sau lễ kính sinh nhật Đức Mẹ. Lễ này có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và được Tòa Thánh chuẩn nhận năm 1513. Đến năm 1683, Đức giáo hoàng In-nô-cen-tê XI đã phổ biến trong Giáo Hội như để tạ ơn Đức Mẹ sau biến cố vua Balan Gioan Sô-bi-ê-ki đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm thành Vien-na và đe dọa Tây Phương.
- CÁC TÍN ĐIỀU VỀ ĐỨC MẸ
Theo dòng thời gian, Hội Thánh tuyên bố bốn tín điều[4] về Đức Mẹ: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; Đức Maria trọn đời đồng trinh; Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và Đức Maria hồn xác lên trời.
- Đức Maria: “Mẹ Thiên Chúa”
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” không có trong các Sách Tân Ước. Danh xưng này xuất hiện trong các bài viết của thánh Hip-pô-li-tô ở Roma vào khoảng năm 235. Sau đó, khoảng năm 428, Nes-tô-ri-ô đã phản đối tước hiệu này khi bàn về vấn đề Ki-tô học. Theo ông, Con Thiên Chúa là một hữu thể, còn Đức Maria là một hữu thể khac, vì Đức Giêsu Ki-tô có hai ngôi vị: Thiên Chúa và con người riêng biệt. Do đó, Đức Maria không thể là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) theo nghĩa hợp nhất bản tính Thiên Chúa và bản tính con người trong một ngôi vị duy nhất của Chúa Ki-tô. Năm 431, Công Đồng Êphêsô công bố: “Đức Ma-ri-a thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm ngƣời trong lòng Mẹ. “Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn; Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì thế chúng ta nói : “Ngôi Lời đã sinh ra làm người”.[5] Năm 451, Công Đồng Chalceđônia cũng tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Năm 1215, Công Đồng Lateranô IV tuyên nhận chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Năm 1427 trong một bài giảng, thánh Bênađinô đọc lời cầu nguyện: “Ave Maria Jesus, Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis”. Năm 1514, câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” được đưa vào kinh do các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy). Năm 1568, Đức giáo hoàng Piô V chính thức xác nhận câu kinh này trong Kinh Kính Mừng.
Công Đồng Vatican II dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô”.[6]
Năm 1992, Giáo Lý Công Giáo nhắc lại cách tóm lược: “Trong các sách Tin Mừng, Đức Ma-ria được gọi là “Mẹ Đức Giê-su” (Ga 2, 1; 19,25) (x.Mt 13,55). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là “Mẹ của Chúa tôi” (Lc 1,43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Qủa thế. Đấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Đấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos)[7].
Tóm lại: Đức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” vì là Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, người Con hằng hữu ấy cũng chính là Thiên Chúa.”[8]
- Đức Maria Đồng Trinh[9]
Đức Maria đồng trinh khi mang thai. Trong Kinh Tin Kính, Hội Thánh tuyên xưng “bởi phép Chúa Thánh Thần, mà Người xuống thai sinh bởi bà Maria đồng trinh”. Như vậy, Hội Thánh khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này : Đức Giê-su được tượng thai “bởi Chúa Thánh Thần không cần mầm giống nam nhân”. Hội Thánh nhìn nhận đây là việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa qua miệng ngôn sứ Isaia : “Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Is 7,14; Mt 1,23). Việc thụ thai đồng trình của Đức Maria là một công trình của Thiên Chúa, vượt quá tầm hiểu biết và khả năng nhân loại (x.Lc l,34), như Thiên thần đã nói với ông Giuse về Đức Maria: “Người con bà cưu mang là do quyền năng Thánh Thần” (Mt 1,20).
Việc tin Đức Maria mang thai Chúa Giê-su mà vẫn đồng trinh luôn là thắc mắc của những người không tin. Người Do Thái và lương dân chống đối, chế diễu và xuyên tạc. Tuy nhiên, ý nghĩa của biến cố này chỉ có thể hiểu được nhờ đức tin. Chỉ có đức tin mới có thể thấy các biến cố trong đời Đức Maria liên kết trong toàn bộ mầu nhiệm Đức Ki-tô, từ Nhập Thể cho đến Vượt Qua. Như thánh I-nha-ti-ô thành An-ti-ô-ki-a đã nhìn nhận: “Thủ lãnh thế gian này đã không hề biết việc đồng trinh của Đức Maria, việc Chúa giáng trần và việc Người chịu chết : Ba mầu nhiệm vang lừng nhưng đã được Thiên Chúa âm thầm thực hiện”. Nói như thánh Phaolô: “Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá” (1 Cr 2,8).
Đức Maria “trọn đời đồng trinh”. Đức Giê-su là Con một của Đức Maria, nghĩa là Đức Maria vẫn đồng trinh sau khi sinh Đức Giêsu, đồng trinh trọn đời. Có nhiều phản bác lời tuyên tín này dựa theo các đoạn Kinh Thánh đề cập đến anh chị em khác của Đức Giê-su (x.Mc 3,31-35 ; 6,3; 1 Cr 9,5; Gl 1,19). Tuy nhiên, Hội Thánh Công giáo vẫn hiểu các đoạn này như sau: chúng không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh nữ Maria. Gia-cô-bê và Giuse được gọi là “anh em của Đức Giê-su” (Mt 13,55), họ là con của một môn đệ Đức Giê-su tên là Maria (x.Mt 27,56). Bà này được nhắc đến cách cẩn thận và phân biệt “Bà Maria khác” (Mt 28,1). Theo lối nói thông dụng trong Cựu Ước, “anh em” chỉ những người bà con thân thuộc của Đức Giêsu (x. St 13.8; 14,16; 29,15 vv.).
Tóm lại: Thánh Augustinô khẳng định “Dù khi thụ thai hay khi sinh hạ, khi cưu mang hay khi nuôi con, Đức Ma-ri-a vẫn đồng trinh, trọn đời đồng trinh”[10]. Hội Thánh Công giáo tuyên xưng Đức Maria thật sự và trọn đời đồng trinh ngay cả khi sinh Con Thiên Chúa làm người[11]. Thật vậy, việc hạ sinh Đức Ki-tô “không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn” của Mẹ[12]. Phụng vụ của Hội Thánh luôn tôn vinh Mẹ là “Đấng trọn đời đồng trinh”[13]. Từ thế kỷ thứ XVI, Đức giáo hoàng Phaolô IV trong Tông hiến Cum Quorumdam hominum ghi rõ ràng Đức Maria “đồng trinh trước khi sinh, đang khi sinh và sau khi sinh”.
- Đức Maria: Vô Nhiễm Nguyên Tội[14]
Để làm Mẹ Đấng Cứu thế, “Đức Maria đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”[15]. Lúc truyền tin, thiên thần Gabriel đã chào Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc” (x. Lc l,28). Thật vậy, Maria cần được ân sủng Chúa nâng đỡ để có thể hoàn toàn tự do trong đức tin mà thưa “xin vâng”. Mẹ có được “sự thánh thiện tuyệt vời có một không hai” ngay từ lúc tượng thai. Chúa Cha đã thi ân giáng phúc, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Ki-tô” (Ep 1,3). Người “đã chọn Mẹ trong Đức Ki-tô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (x. Ep 1,4).
Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Đức Maria được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc” (Lc 1,28). Ngay sau khi Tổ Mẫu E-và phạm tội, Thiên Chúa đã chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ của Đấng Cứu Thế (x. St 3, 15). Tước hiệu “Mẹ đầy ơn phúc” là “hoa trái tuyệt vời nhất của công trình cứu chuộc.”[16] Vì ngay từ giây phút đầu tiên khi tượng thai, Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội và suốt cả đời, Mẹ vẫn luôn tinh tuyền không phạm tội riêng nào. Đó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Pi-ô IX công bố ngày 8 tháng 12 năm 1854: “Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu tiên chịu thai, nhờ ơn riêng và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn Năng, qua việc thấy trước công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ vết của Tôi Nguyên Tổ.”[17]
Ðể chuẩn y tín điều này, Mẹ đã hiện ra cùng thánh Bernadette tại Lộ Ðức vào năm 1858 và cho thánh nữ biết rằng Mẹ là “Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Tóm lại: “Vô nhiễm nguyên tội” bản chất là một đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Một miễn xá không vướng tội tổ tông cũng như không một ô nhơ trần tục nào làm dơ bẩn tâm hồn và thể xác của Mẹ. Đồng thời, khi dành đặc ân cho Mẹ, người phụ nữ độc nhất vô nhị, Thiên Chúa nhằm “chuẩn bị cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm con Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này”.[18]
- Đức Maria: Lên trời cả hồn và xác
Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời là một đặc ân mà Thiên Chúa dành cho Mẹ sau một đời kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô trong công trình cứu chuộc. “Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (x. LG 59). Được lên trời cả hồn và xác, Đức Maria tham dự cách độc đáo vào cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô và thể hiện trước sự Phục Sinh của các Ki-tô hữu khác.”[19]
Bằng chứng hùng hồn nhất của việc Mẹ Lên Trời là “Ngôi Mộ Trống”. Năm 451, tại Công đồng Chalcedon, Hoàng đế Marcianô muốn làm chủ di hài của Mẹ, thánh Juvenal, Giám Mục Giêrusalem, thưa với ông rằng: “Ðức Mẹ tạ thế trước sự hiện diện của các thánh Tông Ðồ, trừ thánh Tôma. Khi thánh Tôma yêu cầu mở mộ Mẹ thì chỉ có ngôi mộ trống; từ đó, các thánh Tông Ðồ kết luận rằng xác Mẹ đã được đưa lên Trời.” Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành tại Palestine trước năm 500. Đến khoảng năm 700, lễ này là một trong những lễ trọng và lễ buộc tại Rôma. Đến ngày 1 thánh 11 năm 1950, Ðức giáo hoàng Pi-ô XII công bố Tín Ðiều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời:
“Với quyền bính Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, với quyền hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và với quyền của riêng Ta, Ta công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý Thiên Chúa đã mặc khải về Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Trọn Đời Đồng Trinh sau khi hoàn thành cuộc đời dương thế đã được lên trời vinh hiển cả hồn lẫn xác.”[20]
Với tín điều “Mẹ hồn xác lên trời”, Đức Piô XII dựa trên hai văn bản Kinh Thánh:
- Sáng thế 3,15: không nói gì đến Đức Maria, nhưng theo truyền thống các giáo phụ luôn luôn trình bày Đức Mẹ như Evà mới liên kết chặt chẽ vào Ađam mới trong cuộc chiến chống lại Satan. Do đó Đức Maria cùng tham dự vào với Chúa Kitô trong cái chiến thắng toàn diện trên tội lỗi và sự chết. Và vì Chúa Kitô sống lại mang dấu chỉ chiến thắng sự chết thì cuộc chiến chung của Đức Maria và người Con kết thúc bằng vinh quang thân xác tinh tuyền của Đức Mẹ.
- 1 Côrintô 15,22-23 nói về lòng tin người Kitô hữu vào sự sống lại “nhờ liên đới với Chúa Kitô”. Đức Piô chỉ định điều Đức Maria hồn xác lên trời lệ thuộc vào Chúa Kitô sống lại. Điều Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác mang dấu chỉ báo trước cho nhân loại. Đức Maria mang dấu chỉ hiệp thông toàn vẹn với Thiên Chúa, và con người cũng sẽ được gọi sống lại cả hồn lẫn xác như Người. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết để mở đường sự sống và kéo nhân loại cùng theo.
Đó là bốn tín điều chính thức về Đức Maria theo truyền thống Giáo hội nói lên liên hệ mật thiết giữa Đức Mẹ với Chúa Kitô. Ngoài ra, vẫn thường nghe nói đến những tước hiệu của Đức Maria có liên hệ mật thiết đối với Giáo hội như: Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh, hay cả một bài Kinh Cầu với biết bao tước hiệu hay danh xưng mà con cái Mẹ đã dành cho “Người Nữ Tỳ Khiêm Tốn”.
(còn tiếp)
Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà
—
[1] Giáo Lý Công Giáo, số 487.
[2] Hiến Chế Giáo Hội, số 65.
[3] X. A. Buy-ô-nô, “Niên ký cuộc đời Đức Maria” trong Từ Điển Đức Mẹ, chủ biên Anphongso Botsa, S.M.M, người dịch Mathia M. Ngọc Đính, C.M.C, năm 1998, trang 413-415.
[4] Tín điều bao gồm hai phần: Mặc khải Thánh Kinh và quyền giáo huấn của Hội Thánh. Đặt nền tảng trên Thánh Kinh, niềm tin của Hội Thánh Công Giáo vào các tín điều về Đức Maria dựa theo các tác phẩm của các thánh Giáo Phụ, các thánh tiến sĩ Hội Thánh, các thần học gia và các văn sĩ công giáo trong nhiều thế kỷ nối tiếp nhau và nhất là các sách Phụng Vụ của Hội Thánh.
[5] Giáo Lý Công Giáo, số 466.
[6] Hiên Chế Giáo Hội, số 63
[7] Giáo Lý Công Giáo, sô 495.
[8] Giáo Lý Công Giáo, số 509.
[9] X. Giáo lý Công giáo, số 496-507.
[10] T.Augustinô, bài giảng 186, 1
[11] x. DS. 291, 294, 427, 443, 503, 571, 1880.
[12] Hiến chế Giáo Hội, số 57.
[13] Hiến chế Giáo Hội, số 52.
[14] X. Giáo lý Công Giáo, số 490-493.
[15] Hiến Chế Giáo Hội, số 56.
[16] Hiến Chế Phụng Vụ, số 103.
[17] Thông điệp Ineffabilis Deus, số 29
[18] Lời Nguyện nhập lễ của Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
[19] Giáo Lý Công Giáo, số 966.
[20] Đức Piô XII, Bửu sắc Munificentissimus Deus, ngày 1/11/1950.